CHÚA NHẬT II MÙA
VỌNG, năm A
Mt 3, 1-12
HÃY SÁM HỐI VÌ CHÚA
ĐÃ TỚI GẦN
Trong
mùa vọng, hai nhân vật được nhắc đến và gây chú cho nhân loại nhất là thánh Gioan
Tẩy Giả và Đức Trinh Nữ Maria. Ảnh hưởng của Gioan Tẩy Giả thật rộng lớn: từ
khắp Giêrusalem, Giuđêa và tất cả miền Gio-đan đều tuôn đến xin Ông làm phép
rửa, đồng thời lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa. Gioan rao giảng sự sám hối ăn
năn. Vậy, sám hối là gì ? Phụng vụ lời Chúa hôm nay nói lên cho chúng ta điều
gì ?
SÁM HỐI ( MÊTANOIA ) LÀ GÌ ?
Theo
nguyên ngữ là” nghĩ lại, suy tư tiếp sau “, do đó có nghĩa là” thay đổi ý
kiến”, rồi hối tiếc, ăn năn, hối cải”. Ngôn ngữ Hy Lạp bình dân hiểu động từ
này theo một nghĩa rất đơn sơ: thay đổi một ý kiến, hối tiếc một hành động, chứ
không hối tiếc một tình trạng. Trong Tân Ước, Mêtanoia nói lên việc đi từ một
tình trạng này sang một tình trạng khác. Theo nghĩa thiêng liêng, đây là cuộc
thay đổi tận căn cuộc đời, biến sự xấu thành sự tốt lành và thay đổi nội tâm
nguyên vẹn, trong trắng, tinh tuyền. Thực tế, Gioan đã khai mở việc kêu gọi của
mình để dọn đường cho nhân loại đón Chúa Cứu Thế đến:” Hãy sám hối, hãy hối cải
và ăn năn vì Nước Thiên Chúa đã đến gần”. Gioan Tẩy Giả nói rằng việc hối cải
là tiền đề, là điều kiện tiên quyết để gia nhập Nước Thiên Chúa:” Anh em hãy
sám hối và tin vào Tin Mừng “( Mt 4, 17; Mc 1, 15 ).
Sám hối
ở đây là thay đổi tâm can, thay đổi nội tâm và tin vào Chúa Giêsu. Khi rao
giảng sám hối và lãnh nhận phép rửa để được ơn tha thứ của Chúa. Gioan Tẩy Giả
muốn chỉ cho mọi người, cho nhân loại, đặc biệt là cho những người chỉ chú
trọng đến các nghi lễ bề ngoại, chỉ chú tâm đến cái vỏ lề luật không hồn, một
tôn giáo mới và hết sức bình dị. Tôn giáo mới ấy là Đạo của Đức Giêsu Kitô.
Người là tình thương, là ơn cứu độ. Cốt lõi tôn giáo của Người mạc khải là tình
thương. Do đó, tất cả đoàn lũ tuôn đến với Gioan Tẩy Giả làm thành một dân tộc
mới, một tôn giáo mới khiến đảo lộn trật tự cũ từ xưa do biệt phái và pharisiêu
khuynh đảo và như thế gây nên sự nghi kỵ, ngại ngùng của giới cầm quyền thời
đó. Chúa Giêsu kêu gọi sự hòa giải giữa mọi người, Ngài nói:” Tôi đến để gọi
gọi người tội lỗi”( Mc 2, 17 ). Như thế, Chúa Giêsu đến để qui tụ mọi người, không
loại trừ bất cứ ai, không loại bỏ bất cứ người nào.
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA HÔM NAY NÓI GÌ CHO CHÚNG TA ?
Hồi tâm,
thay đổi con người cũ, mặc lấy con người mới, mặc lấy Đức Kitô và sinh hoa kết
quả tốt đẹp là lời mời gọi của Chúa Giêsu, và Giáo Hội. Hãy thay đổi con người,
hãy làm cho tâm hồn nên mới vì Nước Thiên chúa đã gần đến. Vâng, Chúa Giêsu
Kitô đã không kêu gọi con người phải luôn khổ hạnh trong những sa mạc khô cằn,
nóng cháy. Ngài đã hòa giải mọi người với Thiên Chúa trong cuộc hành trình rao
giảng của Ngài: trên hè phố, trên các nẻo đường Giêrusalem, Giuđêa, Samaria và
tất cả các vùng phụ cận. Ngài đã đồng bàn với những người tội lỗi, thu thuế,
trong các làng mạc, núi đồi, thị trấn, phố xá, Chúa Giêsu đã loan báo một Nước
Trời rất gần gũi với con người. Chúa Giêsu không làm phép rửa, nhưng Ngài mở ra
một thế giới mới, một chân trời thật mới lạ bằng những lời chân thật, những
việc làm thực tế của Ngài. Chúa mời gọi con người đi theo Ngài vì Ngài chính là
Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Sau này, khi nói đến phép rửa, Chúa Giêsu nói
về cái chết của chính Ngài, cái chết ấy rửa sạch tội lỗi cho nhân loại. Tuy
nhiên, trước khi về Trời, Chúa Giêsu đã sai các môn đệ đi khắp tứ phương thiên
hạ làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Ngài. Ngài nói:” Ai tin các con hãy
rửa tội cho họ” ( Mt 28, 20 ). Thánh Phaolô đã xác tín:” Chúng tôi luôn mang trong mình cuộc khổ nạn
của Đức Kitô, để sự sống của Đức Kitô cũng được biểu lộ nơi mình chúng tôi”(
2Co 4, 10 ) hoặc” Phần tôi, tôi chẳng hãnh diện về điều gì ngoài thập giá của
Đức Kitô. Nhờ thập giá đó, thế gian đã chết đối với tôi và tôi đã chết đối với
thế gian”( Gl 6, 14 ). Thánh Phaolô đã chỉ cho nhân loại, cho con người biết
chính là để phục sinh với Chúa mà con người đã được rửa tội trong Đức Kitô,
trong cái chết của Ngài.
Người
Kitô hữu là người đã được dìm mình trong nước và máu của Đức Kitô. Việc rửa tội
và các em bé được lãnh nhận phép rửa bởi tay linh mục hay phó tế là khai mở cho
các em trở nên gắn bó với Đức Giêsu Kitô
trong cái chết, và sống lại của Chúa Giêsu.
Chúa
nhật thứ hai mùa vọng trong năm Thánh Thể phải là cơ hội cho mọi người Kitô
hữu, cho toàn thể Giáo Hội ăn năn đích thực và hối cải chân thành. Mình Máu
Thánh Chúa Giêsu Kitô là lương thực nuôi sống con người để con người được trở
nên tinh tuyền và tâm hồn trở nên đền thờ sống động cho Chúa Thánh Thần.
Lạy Chúa
Giêsu, xin ban cho mọi Kitô hữu biết hoán cải, ăn năn và tin vào tình thương
bao la của Chúa. Tình thương tuyệt vời vì:” Không có tình yêu nào cao vời cho
bằng tình thương của kẻ hiến mạng vì người mình thương”( Ga 15, 13 ).
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:
Mêtanoia
là gì ?
Tại sao
Chúa lại rao giảng:” Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng “ ?
Mùa vọng
trong năm Thánh Thể nói gì cho chúng ta ?
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT
19-11-2004