Chúa Nhật thứ 4
Mùa Vọng
(19-12-2004)
Tình yêu vị tha và
dâng hiến
ĐỌC LỜI
CHÚA
· Is
7,10-14: (14) Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh
hạ con trai, và đặt tên là Emmanuen.
· Rm
1,1-7: (3) Xét như một người
phàm, Đức Giêsu Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đavít. (4) Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại, Người đã
được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng.
· TIN MỪNG: Mt 1,18-24
Truyền
tin cho ông Giuse
(18) Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã
thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có
thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. (19) Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố
giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. (20) Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến
báo mộng cho ông rằng: «Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria
vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. (21) Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ
là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ». (22) Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời
xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: (23) Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con
trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen, nghĩa là «Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta». (24) Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và
đón vợ về nhà. (25)
Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con
trẻ là Giêsu.
CHIA SẺ
Câu hỏi
gợi ý:
1. Nếu
gặp hoàn cảnh của Giuse, tâm trạng của bạn sẽ thế nào? Bạn sẽ đối xử thế nào với người yêu mà bạn ngỡ là đã phản
bội bạn?
2. Trong
trường hợp này Giuse đã hành xử thế nào? Tình yêu của Giuse đối với Maria là
thứ tình yêu nào? vị kỷ hay vị tha? chiếm đoạt hay dâng hiến?
3. Tại
sao Thiên Chúa lại chủ trương Đức Giêsu phải được sinh ra bởi một người mẹ đồng
trinh, nghĩa là không do sự kết hợp với một người nam?
4. Giới
răn yêu thương của Đức Giêsu phải được áp dụng ưu tiên hàng đầu cho những ai?
Tại sao?
Suy tư
gợi ý:
1. Tâm trạng
của Giuse khi thấy Maria có thai
Theo tục lệ Do Thái, để trở nên
vợ chồng thực thụ, đôi nam nữ phải trải qua ba giai đoạn: (1) Hai gia đình tiếp xúc với nhau, đồng ý cho
đôi nam nữ tiến tới hôn nhân. (2) Đính
hôn hay hứa hôn: đôi nam nữ hứa hôn với nhau trước mặt hai gia đình,
bà con, bạn bè và mọi người. Kể từ đây, đôi nam nữ được coi như vợ chồng, nhưng
chưa được sống chung hoặc có quan hệ tính dục với nhau. Mối liên hệ này chỉ
được hủy bỏ khi một trong hai người qua đời, hoặc khi tuyên bố ly dị. (3)
Lễ cưới: đôi nam nữ chính thức là
vợ chồng và bắt đầu sống chung với nhau. Khi Maria thụ thai bởi quyền năng
Thánh Thần và Giuse được sứ thần báo mộng, thì hai người đang ở giai đoạn thứ
hai: đính hôn.
Trước khi được sứ thần
báo mộng, Giuse thấy Maria – người bạn đã đính hôn với mình – có thai. Cứ theo
cách cắt nghĩa tự nhiên cũng là duy nhất, thì rõ ràng Maria đã ngoại tình. Chắc
chắn Giuse rất bối rối, buồn phiền, thậm chí thấy mình bị xúc phạm mãnh liệt. Theo
luật dân sự, trong trường hợp này, Giuse có quyền từ hôn. Chàng có thể tố cáo
Maria về vụ việc này, và nhà cầm quyền Do Thái có thể xử tử nàng bằng cách ném
đá cho đến chết, chiếu theo luật trong Đnl 22,23-24. Nhưng chàng không làm như
thế. Mặc dù cảm thấy như bị xúc phạm và phản bội, chàng chỉ định tâm bỏ nàng
cách kín đáo, cho đến khi được sứ thần báo mộng.
Mặc dù chỉ biết qua giấc mộng –
nghĩa là không chắc chắn và rõ ràng – rằng Maria thụ thai bởi Thánh Thần, Giuse
đã chấp nhận đem Maria về nhà mình, bất chấp dư luận không hay về mình. Vì
Giuse làm như thế, dư luận sẽ cho rằng: hoặc hai người đã quan hệ vợ chồng một
cách bất chính trước khi được phép, điều này chứng tỏ hai người thiếu đạo đức;
hoặc Giuse đã chấp nhận cái nhục «người ta
ăn ốc, mình đổ vỏ». Do đó, việc chàng chấp nhận Maria phải nói là
can đảm, hy sinh, và tình yêu của chàng đối với Maria quả là chân thật và mãnh
liệt. Chàng đúng là một người công chính, cao thượng, biết tuân phục thánh ý
Thiên Chúa.
2. Đức Giêsu
sinh ra bởi một người mẹ đồng trinh
Việc Đức Giêsu được sinh ra bởi
một người mẹ đồng trinh, không do ý muốn của người nam, là do ý định khôn ngoan
của Thiên Chúa. Điều này rất quan trọng trong Kitô giáo. Đức Giêsu, Con Thiên
Chúa, với sứ mạng giải phóng con người khỏi tội lỗi, Ngài phải hoàn toàn không
bị vướng vào tội lỗi. Nếu chính Ngài mà còn có tội, còn sống dưới ách tội lỗi,
thì Ngài có thể giải phóng tội lỗi cho ai? Mà mọi người sinh ra bởi người nam,
đều vướng tội tổ tông do Ađam truyền lại. Vì theo quan điểm của xã hội phụ hệ
Do Thái, sự kế thừa từ thế hệ trước sang thế hệ sau hoàn toàn qua người nam. Do
đó, nếu Đức Giêsu sinh ra từ một người nam, Ngài không khỏi kế thừa tội tội tổ
tông từ cha mình. Để Ngài không chịu ảnh hưởng tội tổ tông, Thiên Chúa đã dùng
quyền năng Thánh Thần của mình để Đức Giêsu chỉ được sinh ra duy nhất từ một
người nữ – vốn là điều cần thiết để trở nên một người trần – mà không do sự kết
hợp với người nam. Nhờ thế, Ngài không bị ảnh hưởng của tội tổ tông, lại hoàn
toàn và duy nhất là Con của Thiên Chúa, đồng thời vẫn là một con người trọn
vẹn.
3. Tình yêu
đích thực trong đời sống vợ chồng
Trong sứ mạng cứu chuộc nhân
loại, thì một trong những mục đích quan trọng của Đức Giêsu là dạy con người
sống yêu thương nhau. Ngài đã lập nên luật mới cho kỷ nguyên của Ngài là: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy
yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em»
(Ga 13,34). Ngài đã làm gương cho cả nhân loại bằng cách yêu thương đến tận
cùng (x. Ga 13,1), hy sinh cả mạng sống cho nhân loại mà mình thương yêu (x. Ga
15,13). Nhưng Ngài không sống đời hôn nhân, nên Ngài không thể có một tấm gương
cụ thể của một người chồng yêu thương vợ mình. Nhưng bù lại, cha nuôi của Ngài
là thánh Giuse đã cho nhân loại gương sáng ấy. Bài Tin Mừng cho thấy Giuse đã
yêu Maria bằng một tình yêu đầy tính vị tha và dâng hiến.
Tình yêu trong đời sống vợ chồng
có thể phân thành hai loại:
–
tình yêu vị kỷ hay chiếm đoạt: Trong
thứ tình yêu này, người ta coi người mình yêu như một phương tiện để thỏa mãn
nhu cầu tình cảm của mình, hay như một đối tượng mà mình phải chiếm đoạt làm
của mình. Với tình yêu vị kỷ, người ta coi người mình yêu phải phục vụ cho hạnh
phúc của mình. Và người ta đặt hạnh phúc của mình lên trên hạnh phúc của người
mình yêu. Khi có sự xung đột giữa hạnh phúc của mình và của người yêu, thì họ
sẵn sàng hy sinh hạnh phúc của người yêu cho hạnh phúc của mình, sẵn sàng chấp
nhận để người mình yêu đau khổ miễn mình được hạnh phúc. Và họ không thể chấp
nhận bị người yêu phản bội. Họ sẵn sàng đày đọa người mình yêu vì sự phản bội
ấy. Họ không thể chấp nhận cho người mình yêu được hạnh phúc với một ai khác
ngoài mình. Thực ra, đây không phải là tình yêu đích thực. Người ta chỉ yêu
chính bản thân mình một cách gián tiếp qua người yêu của mình, chứ không phải
yêu thương người ấy thật sự.
–
tình yêu vị tha hay dâng hiến: Với
tình yêu này, người ta cảm thấy có nhu cầu ra khỏi chính mình để hướng về người
mình yêu, sẵn sàng hy sinh để làm người mình yêu có giá trị hơn và được hạnh
phúc hơn. Người ta sẵn sàng chấp nhận mình thiệt thòi để người mình yêu được
lợi, chấp nhận đau khổ để người mình yêu hạnh phúc. Với tình yêu này, người ta
sẵn sàng thông cảm và tha thứ cho người mình yêu khi người này lầm lỗi. Đây mới
chính là tình yêu đích thực mà Thiên Chúa muốn mọi cặp vợ chồng phải có đối với
nhau. Giuse đã yêu Maria bằng thứ tình yêu này.
Người yêu bằng tình yêu
vị tha hay dâng hiến, gặp trường hợp tương tự như Giuse – thấy người sắp kết hôn
với mình có vẻ như phản bội – thì chỉ biết đau khổ cho mình, chứ không hề muốn
làm một điều gì có hại cho người mình yêu. Người ấy sẽ nghĩ: nếu người mình yêu
cảm thấy sống với người khác sẽ hạnh phúc hơn sống với mình, thì mình cũng sẽ
an tâm và sẵn sàng chấp nhận đau khổ, hy sinh để người mình yêu được hạnh phúc.
4. Đối tượng
phải yêu thương hàng đầu là người trong gia đình
Giới răn yêu thương của Đức
Giêsu cần được áp dụng cho tất cả mọi người, kể cả kẻ thù hay người làm hại
mình (x. Mt 5,44; Rm 12,20). Nhưng trước hết, nó phải được áp dụng ưu tiên cho
những người gần mình nhất, có quan hệ ruột thịt với mình, cùng sống trong một
gia đình hay một nhà với mình: cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, con cái, cháu
chắt… Trong số đó không ai gần gũi mình cho bằng vợ hay chồng mình, vì là vợ
chồng thì «không còn là hai, nhưng chỉ là
một xương một thịt» (Mt 19,5; x. St 2,24; Ep 5,31). Vì thế, giới răn
yêu thương của Đức Giêsu phải được áp dụng ưu tiên hàng đầu cho vợ hay chồng
mình, rồi tới cha mẹ, con cái mình. Nếu những người ruột thịt này mà ta không
yêu thương được bằng một tình yêu chân thật, vị tha, dâng hiến, thì ta không
thể yêu ai khác bằng tình yêu này được. Mọi thứ tình yêu ta có đối với người
khác đều chỉ là tình yêu vị kỷ, hoặc tệ hơn nữa, tình yêu môi miệng, tình yêu
đóng kịch, tình yêu xây dựng trên sự đổi chác quyền lợi… Đó không phải là tình
yêu đích thực.
Thiết tưởng trong việc chuẩn bị
đón Chúa đến, không gì thích hợp và đẹp lòng Thiên Chúa cho bằng canh tân, đổi
mới lại tình yêu trong chính gia đình của mình. Hãy yêu mọi người trong gia
đình mình bằng một tình yêu chân thật, mãnh liệt, đầy tính vị tha và dâng hiến.
Tình yêu đối với gia đình sẽ là mẫu mực và là căn bản để từ đó ta áp dụng đối
với tất cả mọi người.
CẦU
NGUYỆN