CHÚA NHẬT 1 MÙA CHAY
(Mát-thêu 4: 1-11)
Những
chủ đề thay thế là cách trình bày thường thấy trong các sách Tin Mừng. Thí dụ trong Tin Mừng Gio-an, Giáo Hội là
Vườn nho mới thay thế cho Ít-ra-en là vườn nho cũ trong Cựu Ước. Thánh Mát-thêu ngay từ những câu truyện đầu
tiên trong sách Tin Mừng về sứ vụ công khai của Chúa Giê-su, đã có ý trình bày
Chúa Giê-su là Ít-ra-en Mới, thay thế cho Ít-ra-en thời Cựu Ước. Kinh Thánh Cựu Ước, nhất là sách Xuất Hành,
kể lại dân Chúa tuyển chọn là Ít-ra-en đã được đưa vào sa mạc để chịu thử thách
xem họ có thực sự trung thành với Đức Chúa hay không. Kết quả là họ thường thất bại.
Còn Chúa Giê-su, Người cũng được Thánh Thần đưa vào hoang địa để chịu
thử thách về lòng trung thành với kế hoạch của Thiên Chúa Cha và lòng tín thác
vào thánh ý Chúa Cha, Người đã toàn thắng trong những thử thách ấy. Cách trình bày của thánh Mát-thêu sẽ giúp ta
dễ dàng hiểu được bản chất của những cám dỗ Chúa Giê-su chịu trong hoang địa và
cũng giúp ta nhận ra được bản chất của những cám dỗ trong hoang địa tâm hồn
mình.
a) Cám dỗ về căn tính: “Nếu
ông là Con Thiên Chúa”
Trong
ba cám dỗ Chúa chịu thử thách, hai lần ma quỷ đều mở đầu bằng điều kiện “Nếu
ông là Con Thiên Chúa”, rồi nó đề nghị một việc làm chứng minh điều kiện đó là
đúng. Nhưng tinh tế là ở điểm ma quỷ
lại đề nghị một việc làm đi ngược với kế hoạch của Thiên Chúa và trái với tinh
thần làm Con Thiên Chúa!
Trong
cám dỗ thứ nhất, Chúa Giê-su bị xúi giục hãy dùng đường lối “làm phép lạ” để
thu hút dân chúng, thay vì lao nhọc lê bước rao giảng Tin Mừng. Phép lạ là phương thế lôi cuốn đám đông dễ
nhất. Kinh nghiệm thường ngày cho ta
thấy sức mạnh của “phép lạ.” Hễ nghe
nói đâu có phép lạ chữa bệnh là người người ùn ùn kéo tới. Tin đồn Đức Mẹ hiện ra chỗ này hay chỗ kia
tung ra là ngày hôm sau đã thấy hàng đoàn xe đò chở “khách hành hương” đến
đó! Trong khi thi hành sứ vụ cứu thế,
Chúa Giê-su cũng làm nhiều phép lạ, nhưng mục đích không phải để thu hút hay
lấy lòng dân chúng. Trái lại, sau khi
chữa lành cho một bệnh nhân, Chúa Giê-su còn nghiêm cấm họ không được nói ra,
như ta thường thấy trong Tin Mừng Mác-cô.
Đối với Chúa Giê-su, phép lạ chỉ là cơ hội giúp người ta nhận ra lòng
nhân từ thương xót của Thiên Chúa mà cảm tạ Người, hoặc là những dấu chỉ nói
cho họ biết Nước Trời đã đến gần. Do đó
Chúa Giê-su vẫn chọn con đường của Thiên Chúa, kiên trì gieo hạt giống Lời Chúa
và nhẫn nại chờ đợi cho nó mọc lên và sinh hoa kết trái. Chứ nếu Chúa Giê-su đi con đường tắt “làm
phép lạ” thì Người đâu còn phải là Con Thiên Chúa nữa!
Cám dỗ
thứ hai cũng có mặt sâu sắc của nó. Ta
có thể gọi nôm na đây là cám dỗ “thân quá hóa nhờn” (familiarity breeds
contempt). Chúa Giê-su bị cám dỗ đi ra
ngoài quan hệ mật thiết với Thiên Chúa.
Người không lạm dụng tình yêu và chăm sóc Thiên Chúa đặc biệt dành cho
mình mà làm những chuyện nổi tiếng cho cá nhân mình. Gieo mình xuống từ trên nóc đền thờ mà vẫn an toàn thì làm gì mà
không lừng danh! Nhưng Người không làm
chuyện “cáo mượn oai cọp” để mua lấy chút hư danh cho cá nhân mình. Ngày xưa Ít-ra-en trong sa mạc đã thử thách
Thiên Chúa quá nhiều vì họ không thực tâm tin vào tình yêu và chăm sóc Thiên
Chúa dành cho họ hơn mọi dân tộc khác.
Giờ đây, Chúa Giê-su là Ít-ra-en Mới, không đi vào vết chân của dân được
tuyển chọn thời Cựu Ước. Người luôn
luôn giữ phận làm Con, một niềm trân trọng tình yêu của Thiên Chúa và hằng cố
gắng sống chân lý: “Người Con không thể
tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng
làm như vậy” (Ga 5:19).
Có biết bao nhiêu cám dỗ muốn ta đừng sống như
con cái Chúa. A-đam là con Thiên Chúa,
nhưng ông đã trở thành kẻ thù (kẻ tội lỗi) với Thiên Chúa vì ông muốn tự mình
thay đổi căn tính, không tuân phục Chúa và ăn trái cấm, “muốn nên như những vị
thần biết điều thiện điều ác” (St 3:5).
Làm những điều tội lỗi là phản bội căn tính của mình. Căn cước Ki-tô của ta luôn bị thử thách giữa
dòng đời và là một câu hỏi trước mỗi hành động, lời nói và tư tưởng của
ta: Nếu tôi thực sự là Ki-tô hữu, thì
tôi phải làm, nói và suy nghĩ như thế nào?
b) Cám dỗ về chức phận phụng sự Thiên Chúa: “Nếu ông sấp mình bái lạy tôi”
Đạo
làm con phải tôn kính và thảo hiếu với cha mẹ.
Sau hai cám dỗ lươn lẹo và tinh vi, giờ đây Xa-tan đánh một đòn quyết
liệt, trực tiếp: “Nếu ông sấp mình bái
lạy tôi, tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó.”
Được tất cả các nước thế gian và mọi vinh hoa phú quý, nếu Chúa Giê-su
chỉ chấp nhận một điều kiện dễ dàng:
sấp mình bái lạy Xa-tan. Xưa
kia, ông Mô-sê nhìn từ đỉnh núi Nê-bô đã thấy tất cả miền đất màu mỡ chung
quanh. Giờ đây, Chúa Giê-su còn thấy
tất cả thế giới và sự giàu sang của nó.
Mồi lớn lao bao nhiêu thì cám dỗ càng mạnh mẽ bấy nhiêu! Chúa Giê-su đối lại cũng bằng một đòn hết
sức mạnh mẽ. Người trích dẫn lời Kinh
Thánh tóm tắt tất cả những nguyên tắc trong chương 6 – 8 sách Đệ Nhị Luật: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa
của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”
Tại
Xi-nai, dân Ít-ra-en đã bỏ Thiên Chúa để bái lạy con bò đúc bằng vàng. Trái lại, Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa, đã
thực thi lời hiệu triệu Ít-ra-en (Shema), cốt lõi của toàn bộ Lề Luật: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa
duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên
Chúa của anh em, hết lòng, hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6:4-5). Các học giả Kinh Thánh giải thích “hết lòng”
là tuyệt đối chọn điều tốt mà thôi, “hết dạ” là luôn sẵn sàng chấp nhận quên đi
sự sống, và “hết sức” là quảng đại hy sinh tất cả những gì mình có. Nếu hiểu như vậy thì Chúa Giê-su là gương
mẫu tuyệt đối cho việc “bái lạy”, phụng sự Thiên Chúa. Người luôn chọn thi hành thánh ý Chúa Cha,
hiến thân cho sứ mệnh và hy sinh mọi sự kể cả mạng sống cho lợi ích của toàn
thể nhân loại. Như thế, Người đích thực
là “người Con yêu dấu làm đẹp lòng Cha mọi đàng” (Mt 3:17).
Có
lẽ thánh Mát-thêu, qua câu truyện Chúa Giê-su chịu cám dỗ, muốn nhắc nhở cộng
đoàn Ki-tô hữu của ngài và tín hữu hôm nay phải coi chừng về cám dỗ xa lìa
Thiên Chúa, giống như dân Ít-ra-en xưa.
Cũng như Chúa Giê-su, những Ki-tô hữu đích thực phải luôn theo gương
Người mà trung thành phụng thờ Thiên Chúa.
c) Suy nghĩ và cầu nguyện
Hiểu
được bản chất những cơn cám dỗ của dân Ít-ra-en và của Chúa Giê-su đã chịu, tôi
nhận định thế nào về cám dỗ sâu xa nhất và nguy hiểm nhất tôi đang phải đối phó
hiện thời?
Tôi
đang thi hành sứ mệnh nào Chúa trao cho tôi?
Đâu là cám dỗ khi thi hành sứ mệnh ấy?
Tôi đã chống trả thế nào?
Thánh
Mát-thêu viết về Chúa Giê-su chiến thắng cám dỗ: “Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và kìa các sứ thần đến hầu hạ
Người.” Phần tôi, chiến thắng được cám
dỗ là nhờ kết hiệp với Chúa Giê-su. Vậy
mỗi lần thắng cơn cám dỗ, tôi đã có những tâm tình nào?
Cầu nguyện:
“Lạy
Chúa Giê-su,
giàu
sang, danh vọng, khoái lạc
là
những điều hấp dẫn chúng con
và
không cho chúng con tự do ngước lên cao
để
sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.
Xin
giải phóng chúng con
khỏi
sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ
cảm nghiệm được phần nào
sự
phong phú của kho tàng trên trời.
Ước
gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán
tất cả những gì chúng con có,
để
mua được viên ngọc quý là Nước Trời.
Và
ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước
những lời mời gọi của Chúa,
không
bao giờ ngoảnh mặt
để
tránh cái nhìn yêu thương
Chúa
dành cho từng người trong chúng con.
A-men.”
(Trích
RABBOUNI, lời nguyện 13)
Linh Mục Đaminh Trần Đình Nhi