CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY

(Mát-thêu 17: 1-9)

         

          Chân tính và sứ mệnh của Chúa Giê-su là đề tài chính của Phụng vụ Lời Chúa mùa Chay, được suy niệm và chiêm ngưỡng để ta rút những bài học thực tế cho cuộc sống Ki-tô hữu.  Chúa Nhật thứ hai mùa Chay nói với ta về cuộc biến đổi hình dạng của Chúa Giê-su trên núi Ta-bo.  Biến cố ý nghĩa này được cả ba thánh sử Tin Mừng Nhất lãm trình bày trong liên hệ với biến cố ông Phê-rô tuyên xưng Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a.  Móc nối hai biến cố ấy với nhau, hẳn các thánh sử muốn trình bày sứ mệnh đích thực của Đấng Mê-si-a không giống như ông Phê-rô có ý tuyên xưng, do đó sẽ là một thử thách lớn lao không những cho cá nhân Phê-rô, mà cho tất cả mọi Ki-tô hữu muốn bóp méo hình ảnh Đấng Mê-si-a theo ý mình.  Vậy câu truyện Chúa biến đổi hình dạng đòi hỏi các Ki-tô hữu phải xét lại cách thức họ làm môn đệ Chúa và mời gọi họ hãy trung thành theo Chúa trong mọi hoàn cảnh.

 

a)  Cám dỗ trong việc làm môn đệ Chúa

 

          Qua câu truyện Chúa Giê-su chịu ma quỷ cám dỗ trong hoang địa, ta đã nhận ra được bản chất cám dỗ về căn tính và chức phận của Chúa Giê-su khi Người thi hành sứ mệnh rao giảng Tin Mừng.  Chúa đã gọi ông Phê-rô và các bạn ông làm tông đồ, tham dự vào sứ vụ của Người.  Các ngài bắt tay vào việc, gặt hái được những thành quả tốt đẹp.  Nào là dân chúng lũ lượt theo Chúa để lắng nghe lời giảng dạy đến độ quên cả đói khát.  Nào là những phép lạ Chúa thực hiện khiến họ nức lòng và có lần còn muốn tôn vinh Chúa Giê-su làm vua.  Có lẽ những thành công ấy càng làm cho nhóm tông đồ bị cám dỗ chỉ muốn Chúa Giê-su dừng lại ở thời điểm vinh quang này chứ đừng đi xa hơn nữa.  Trong tình huống đó, Chúa Giê-su muốn các ông phải có ý niệm xác thực về sứ mệnh của Người.  Được Thánh Thần linh hứng, ông Phê-rô đã tuyên xưng Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa. Nhưng khi bắt đầu lên đường đi Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su lại báo trước về cuộc Thương khó của Người, khiến cho các ông nản lòng.  Thánh Mát-thêu viết:  “Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết...” (Mt 16:21tt).  Ngài muốn nhấn mạnh đến một giai đoạn mới trong sứ mệnh của Chúa Giê-su:  con đường thập giá.

          Sứ mệnh của Chúa Giê-su không phải làm một vị cứu tinh trần thế, mà làm Đấng Mê-si-a như đã được mô tả trong Lề Luật và sách các Ngôn sứ, tức là làm Tôi trung của Đức Gia-vê, sẵn sàng chịu đau khổ và chịu chết để giải hòa nhân loại với Thiên Chúa.  Chính vì thế ta mới thấy xuất hiện trong cuộc Chúa biến đổi hình dạng, ngoài Chúa Giê-su còn có ông Mô-sê đại diện cho Lề Luật và ngôn sứ Ê-li-a đại diện cho các Ngôn sứ.  Sự hiện diện của các ông là để xác nhận vai trò đích thực của Đấng Mê-si-a nơi Chúa Giê-su, đúng như Người đã tiên báo về cuộc Thương khó Người sắp phải chịu tại Giê-ru-sa-lem.

          Khi không muốn nhìn nhận sứ mệnh của Chúa Giê-su theo kế hoạch của Thiên Chúa Cha, các tông đồ cảm thấy nản lòng và bị cám dỗ bỏ cuộc.  Một phần họ sợ phải đối diện với đau khổ và bách hại.  Phần khác họ thấy giấc mộng vinh hoa phú quý sẽ tan thành mây khói.  Điều nên ghi nhận nữa, đó là lúc bị cám dỗ đừng theo Chúa nữa thì chính họ lại trở thành những tên cám dỗ người khác.  Chẳng lạ gì khi Chúa Giê-su nặng lời quở trách ông Phê-rô:  “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy!  Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người!” (Mt 16:23).

 

b)  Quyết tâm theo Chúa Giê-su

 

          Giữa cơn cám dỗ bỏ cuộc và không đi theo Chúa Giê-su nữa, các tông đồ được diễm phúc nghe chính lời Thiên Chúa kêu gọi:  “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.  Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” (Mt 17:5).

          Lề Luật và các ngôn sứ đã chứng thực về sứ mệnh của Đấng Ki-tô.  Giờ đây, chính Thiên Chúa xác nhận chân tính (Con yêu dấu) và phẩm giá (làm hài lòng Chúa Cha) của Chúa Giê-su.  Như thế, các tông đồ không còn lý do gì để nghi ngờ về sứ mệnh đích thực của Chúa Giê-su.  Sau hết chỉ còn là mệnh lệnh của Thiên Chúa:  “Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!”  Mệnh lệnh này của Thiên Chúa có vẻ nghiêm khắc, nhưng cũng cùng một ý với lời kêu gọi của chính Chúa Giê-su:  “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15).

          “Vâng nghe lời Người” mang nhiều ý nghĩa đối với đời sống Ki-tô hữu.  Không chỉ có nghĩa là lắng nghe những lời Chúa Giê-su giảng dạy, nhưng còn phải hiểu theo ý nghĩa dấn thân tham dự vào sứ mệnh của Người.  Dấn thân ấy đòi hỏi ta phải mặc lấy lối sống của Chúa Giê-su và hoàn toàn chối bỏ những gì Xa-tan cám dỗ Người và cám dỗ ta đi sai đường lối Thiên Chúa muốn.  Vâng nghe lời Người là biết bỏ đi những lối suy nghĩ của loài người, để cùng với Người theo “tư tưởng của Thiên Chúa”.  Vâng nghe lời Người cũng thúc giục ta biết hy sinh đón nhận thập giá và sẵn sàng “hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu” như Chúa Giê-su đã làm vì lợi ích của toàn thể nhân loại.

          Một chi tiết trong câu truyện Biến đổi hình dạng mang ý nghĩa đặc biệt đối với những ai muốn làm môn đệ Chúa Giê-su.  Thánh Mát-thêu ghi nhận:  “Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi” (Mt 17:8).  Theo Chúa Giê-su đòi hỏi ta phải nhìn nhận địa vị độc tôn của Người.  Chúa Giê-su là Đấng kiện toàn Lề Luật và các Ngôn sứ.  Ông Mô-sê và ngôn sứ Ê-li-a đã lui bước.  Chỉ còn lại Chúa Giê-su là Thầy dạy ban Luật mới, luật hoàn hảo và vĩnh viễn.  Nhưng Thầy dạy ấy cũng là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, “Đấng phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại.”

          Trong cuộc sống Ki-tô hữu, ta luôn cảm nghiệm cám dỗ khi sống làm môn đệ Chúa Giê-su.  Một đàng ta muốn theo Chúa, nhưng đàng khác ta lại không muốn chấp nhận đường lối của Người.  Ta nghe lời Thiên Chúa dạy ta “Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”, nhưng ta vẫn chưa dấn thân đủ để kết hiệp đời sống ta với sứ mệnh của Người.  Nhưng Chúa Giê-su lúc nào cũng “hiển dung” giữa cuộc sống của ta, để nhắc nhở ta về cám dỗ bỏ hành trình làm môn đệ Chúa, đồng thời cũng khích lệ ta cứ tiếp tục tiến tới cùng với Người đi dần vào con đường vinh quang Thiên Chúa đang chờ đợi ta.

 

c)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

Nhìn lại quá trình làm môn đệ Chúa, tôi tự hỏi mình thuộc loại môn đệ nào của Chúa?  Tôi thực sự đi theo Chúa hay đi theo những ước vọng riêng tư của tôi?  Những ước vọng riêng tư đó là gì?

Cũng như ông Phê-rô, việc tôi bị cám dỗ có trở thành một thử thách cho người khác không?  Nói khác đi, những cám dỗ tôi chịu có làm xáo trộn đời sống của những người chung quanh không?

Trong mỗi chiến đấu khó khăn, tôi có biết kiên trì cho đến cùng như Chúa Giê-su đã dạy các tông đồ:  “Cho đến khi Con Người từ cõi chết chỗi dậy!” không?

 

Cầu nguyện:

 

          “Lạy Chúa,

          xin chiếu tỏa trên con ánh sáng của Chúa

          và dạy con bước đi

          ngay trong đêm tối cũng như giữa ban ngày.

          Xin truyền cho con sức mạnh của Người.

          Ước gì những cánh tay rã rời vì thất bại của con

          tìm lại được sức trẻ

          để gieo trồng hàng ngàn cây xanh

          cho một thế giới mới.

          Ước gì mồ hôi con

          pha lẫn mồ hôi của Chúa trong Vườn Cây Dầu.

          Ước gì máu con

          hòa lẫn với Máu Chúa trên Núi Sọ

          để tưới gội cho mảnh đất đã bị khô cằn

          vì bất công và ích kỷ.

          Chúc tụng Chúa là Cha,

          đã dẫn con đi đến cùng,

          đến tận Em-mau, nơi Chúa hiển dung

          với tràn trề bình an và niềm vui.”

-  ĐHY Roger Etchegaray

(Trích RABBOUNI, lời nguyện 78)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà