CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY, NĂM A

Ex 17,3-7; Rm 5,1-2.5-8; Ga 4,5-42

 

Nguồn nước chảy ra sự sống đời đời

 

 

Nước là hình ảnh biểu trưng cho Chúa nhật hôm nay. Thánh Gioan đã dựa vào hình ảnh giếng nước để dàn dựng cuộc đàm thoại về nước hằng sống. Sau lời dẫn nhập ngài đã tường thuật về cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu với một phụ nữ người Samari bên giếng Giacóp. Bài tường thuật được trình bày qua ba giai đoạn. Mỗi giai đoạn kết thúc bằng một lời tuyên xưng. Đức Giêsu giống như người khách lạ. Người tìm cách làm quen với dân làng qua một người phụ nữ đang kín nước bên bờ giếng. Người phụ nữ này là nhân vật móc nối và qua bà Đức Giêsu được tiếp nhận vào trong làng. Ba giai đoạn của câu chuyện có ý trình bày về cách thế mà một nhà truyền giáo có thể dùng để tiếp cận với một cộng đoàn mà mình chưa quen biết.

 

Người phụ nữ Samari rất ý thức về sự khác biệt giữa người Do thái và dân tộc của mình. Mỗi ngày bà phải đi kín nước, thứ nước chỉ có khả năng làm đã khát trong chốc lát. Đức Giêsu, người khách bộ hành mệt lả mở miệng xin nước. Chỉ trong chốc lát lại trở thành người ban phát nước. Người giải thích về phẩm chất của thứ nước mà Người ban tặng. Ai uống nước này sẽ không bao giờ khát nữa, bởi vì chính Người là nguồn nước hằng sống. Như vậy niềm khao khát của con người về một cuộc sống hạnh phúc và đầy ý nghĩa được đổ đầy nơi Đức Giêsu. Người còn cho bà biết rằng, Người có khả năng thấu suốt những tâm tình sâu kín, tỷ dụ như đời sống vợ chồng của bà. Đoạn này kết thúc với lời tuyên xưng: „Tôi nhận biết ông là một ngôn sứ”.

 

Thánh Gioan dùng lời tuyên xưng này để tiếp tục dàn dựng cuộc nói chuyện: Người ngôn sứ phải có khả năng hoà giải cuộc tranh cãi về nơi thờ phượng giữa Do thái giáo và tôn giáo của người Samari. Sự xoá bỏ những khác biệt thuộc phạm vi tôn giáo cũng có những hệ quả cụ thể trong lãnh vực xã hội. Người phụ nữ vào thành kể cho mọi người nghe và giờ đây bà tự hỏi: „Phải chăng Người chính là Đấng cứu thế?”

 

Bà tin vào Đức Giêsu qua cuộc gặp gỡ trực tiếp với Người, nhất là dựa vào khả năng thông suất của Người về cuộc sống riêng tư của bà. Sau đó, qua lời tường thuật của bà với dân chúng Đức Giêsu đã thức tỉnh niềm tin nơi nhiều người. Họ đã ra tiếp đón Đức Giêsu. Giờ đây, họ tin không phải chỉ qua lời người khác kể lại nhưng là trực tiếp gặp gỡ chính Đức Giêsu. Lời của Người làm cho lòng tin của họ thêm vững mạnh. Họ nhận biết và tuyên xưng rằng: „Quả thật, Người là Đấng cứu độ trần gian”.

 

Phải chăng cuộc sống của con người ngày nay nhiều lúc cũng giống như hành trình trong sa mạc của dân Do thái xưa. Nhiều khi chúng ta cảm thấy bất hạnh, đói khát, bất lực. Lại có những lúc chúng ta cảm thấy dường như Thiên Chúa vắng mặt. Chúng ta thầm trách Ngài: Tại sao nói Thiên Chúa là Đấng đầy tình thương mà Ngài lại để chúng ta long đong khổ sở như thế này? Vì chúng ta tin nên Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa. Và như thánh Phaolô nói: Dầu phải sống trong gian truân, dầu phải bước đi trong sa mạc nắng cháy, chúng ta sẽ không phải thất vọng vì Thiên Chúa đã đổ tràn tình yêu vào lòng chúng ta. Chính Đức Giêsu cũng đã chết vì chúng ta.

 

Hai sự kiện được sắp xếp xen kẽ vào cuộc nói chuyện: Đức Giêsu mặc khải cho con người biết, Người chính là nguồn nước hằng sống; và cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và các mộn đệ của Người về cánh đồng truyền giáo, trước khi người phụ nữ vào thành kể cho mọi người nghe. Ý muốn của Chúa Cha hướng tới sự cứu độ con người. Ai tin vào Đức Giêsu, người ấy sẽ được giải thoát khỏi mọi lo sợ luôn vây quanh mình. Ai tin vào Đức Giêsu, người ấy sẽ trở nên vô vị lợi. Ai tin vào Đức Giêsu, người ấy có nhiệm vụ tiếp tục đưa dẫn người khác tới nguồn sống. Bởi vậy, Kitô hữu có nghĩa là Đức Giêsu cho người khác.

 

Lm. Phêrô Trần Minh Đức

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà