CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY, A (2005)

(Gio-an 9: 1-41)

 

          Trong buổi Sát hạch đầu tiên, trước cộng đoàn dân Chúa, ứng viên lãnh nhận Bí tích Khai tâm đã tuyên xưng Chúa Ki-tô là mạch nước hằng sống (Chúa Nhật 3 mùa Chay).  Hôm nay, trong buổi Sát hạch thứ hai, Giáo Hội trình bày câu truyện Chúa Giê-su chữa người mù từ khi mới sinh được kể lại trong Tin Mừng Gio-an, để mời gọi các ứng viên và mọi Ki-tô hữu suy niệm và tuyên xưng đức tin vào Chúa Giê-su là ánh sáng thế gian.  Câu truyện đã được thánh Gio-an sắp xếp thật sống động và mang những chiều kích khác nhau.  Về phía Chúa Giê-su, thánh sử muốn minh chứng Chúa Giê-su là ánh sáng thế gian đã chiến thắng bóng tối là tội lỗi và sự chết.  Đồng thời ngài cũng muốn khẳng định với người Do-thái rằng khi chữa lành vào ngày sa-bát, Chúa Giê-su là Chúa của ngày sa-bát.  Về phía chúng ta, thánh Gio-an muốn đề cao gương làm chứng cho Chúa Giê-su của người mù từ khi mới sinh đã được Chúa chữa lành.  Mục đích khi thánh sử thuật lại câu truyện này cũng chính là mục đích Giáo Hội mong mọi Ki-tô hữu được củng cố thêm trong đức tin vào Chúa Giê-su và sứ mệnh cứu thế của Người.

 

a)  Để ta tin Chúa Giê-su là Chúa và là Đấng chiến thắng tội lỗi

 

          Thánh Gio-an đã sắp đặt câu truyện dấu lạ Chúa chữa lành người mù từ thuở mới sinh với mục đích đặc biệt là muốn đánh tan sự mù lòa thiêng liêng của những nhà lãnh đạo tôn giáo Do-thái.  Họ tuy sáng mắt nhưng lại không thể hoặc không muốn nhận biết Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a.  Còn người mù từ khi mới sinh tuy mù lòa nhưng lại được Chúa Giê-su mở cả con mắt thể xác lẫn con mắt thiêng liêng để nhận ra xuất xứ của Người:  Đấng bởi Thiên Chúa mà đến.

          Nếu đọc chương 8 trước đó, ta nhận ra cuộc tranh luận rất quyết liệt giữa Chúa Giê-su và người Pha-ri-sêu.  Chúa Giê-su muốn thuyết phục họ hãy nhìn nhận xuất xứ và chân tính của Người.  Người là Đấng Ki-tô (Con Người) từ Thiên Chúa mà đến, là Chúa Con và là chính Thiên Chúa đã đến để giải phóng nhân loại.  Nhưng người Do-thái cũng cương quyết không muốn nhìn nhận sự thật Chúa đã mặc khải cho họ.  Sự thật ở đây có nghĩa là đạo lý của chính Thiên Chúa được tỏ lộ cho nhân loại qua chân tính và sứ mệnh của Chúa Giê-su.  Không những họ chối bỏ Chúa Giê-su, họ còn đi xa hơn bằng cách lăng mạ Người là kẻ ngoại (người Sa-ma-ri), là kẻ bị quỷ ám!  Và cuối cùng họ muốn tiêu diệt Người bằng cách ném đá Người.

          Vậy để trả lời cho người Do-thái muốn biết rõ xuất xứ và sứ mệnh của Chúa Giê-su, thánh Gio-an chọn dấu lạ Chúa chữa người mù từ lúc mới sinh, để qua dấu lạ nhận thấy được bằng mắt họ sẽ nhận ra thực tại Chúa Giê-su là ai.

          Chúa Giê-su là ánh sáng thế gian, Đấng chiến thắng bóng tối của tội lỗi và sự chết.  Việc đem lại ánh sáng tự nhiên cho anh mù cũng như ánh sáng siêu nhiên cho đời sống đức tin của anh nói lên sự cứu rỗi trọn vẹn Thiên Chúa muốn thực hiện cho con người.  Tiếp đến, để minh chứng Chúa Giê-su là Chúa của ngày sa-bát, thánh sử đã nêu lên sự kiện trong ngày sa-bát Chúa Giê-su đã làm việc (vì Người nhào nước bọt với đất làm thành bùn để bôi lên mắt anh mù).  Chỉ duy có Thiên Chúa mới làm việc trong ngày sa-bát, vì Người làm chủ cả ngày sa-bát.  Như vậy, chỉ có là chính Thiên Chúa thì Chúa Giê-su mới “làm việc” ngày sa-bát.  Thực vậy, Chúa Giê-su đã có lần khẳng định điều này:  “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5:17), tức là nếu Chúa Cha làm việc ngày sa-bát, thì Chúa Con cũng làm việc ngày sa-bát, nhất là công việc ấy lại là cứu thoát một người.

          Ngoài ra, thánh Gio-an còn mượn những lời đối đáp của anh mù trong cuộc điều tra do những người Pha-ri-sêu, để lý luận đanh thép và khẳng định rằng Đấng đã chữa lành anh mù từ thuở mới sinh có tên gọi là Giê-su, là người bởi Thiên Chúa mà đến và là Con Người.

 

b)  Để ta theo làm môn đệ Chúa Giê-su và làm chứng cho Người trong thế giới

 

          Tuy là dấu lạ thánh Gio-an đã chọn để minh chứng xuất xứ và sứ mệnh của Chúa Giê-su, ngài cũng dùng cùng dấu lạ này để mời gọi ta hãy theo Chúa và làm chứng cho Người.  Chúa Giê-su đã mở mắt cho người mù từ khi mới sinh được nhìn thấy.  Sau khi anh từ hồ Si-lô-ác trở lại thì Chúa Giê-su không còn ở đấy nữa nên anh không biết rõ ông Giê-su, người đã chữa lành mình là ai.  Tuy nhiên anh đã tin vào Người và bắt đầu làm chứng cho Người.  Gặp ai, anh cũng nói tốt về Đấng đã chữa lành mình.  Anh bênh vực Chúa và hăng hái lập luận, biểu lộ xác tín và niềm tin của anh vào Chúa.  “Người Do-thái” là từ thánh Gio-an ám chỉ kẻ thù Chúa Giê-su.  Vậy kẻ thù kết án Chúa Giê-su là kẻ tội lỗi vì phạm luật ngày sa-bát.  Anh phản pháo rằng kẻ tội lỗi không thể làm việc lành là mở mắt cho người mù, cho nên dứt khoát Chúa Giê-su không phải là kẻ tội lỗi mà là vị ngôn sứ.  Họ tiếp tục lý luận Chúa Giê-su là kẻ tội lỗi, không thể từ Thiên Chúa mà đến.  Anh phản công bằng một lý luận chắc nịch:  “Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh.  Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì.”

          Ta cũng nên lưu ý tới sự căng thẳng mỗi lúc một trầm trọng hơn trong cuộc tranh luận giữa anh mù được chữa lành với kẻ thù của Chúa Giê-su.  Họ càng lăng mạ Chúa bao nhiêu thì anh càng hăng hái và can đảm bênh vực Chúa bấy nhiêu.  Anh không chút sợ hãi, cho dù cuối cùng có bị trục xuất khỏi Đền Thờ.  Dĩ nhiên khi nhắc đến việc anh mù được Chúa chữa lành đã bị đuổi ra khỏi Đền Thờ, thánh Gio-an muốn khích lệ những Ki-tô hữu gốc Do-thái rằng cho dù họ có bị loại trừ khỏi cộng đồng Do-thái vì là Ki-tô hữu và vì làm chứng cho Chúa Giê-su, thì họ cũng cứ an tâm, vì Chúa luôn ở bên họ giống như Người đã trở lại để củng cố đức tin của anh mù từ lúc mới sinh.  Nhưng ngài cũng muốn nhắc nhở các Ki-tô hữu mọi thời mọi nơi về những bách hại họ phải chịu vì làm chứng cho Chúa Giê-su.  Đức tin của ta phải phát triển và đi tới mức trưởng thành là hoàn toàn tin thờ Chúa, như anh mù từ lúc mới sinh đã sấp mình bái lạy Chúa.  Chính lúc ta bị bách hại là lúc Chúa ở ngay bên ta để giúp cho đức tin của ta được mạnh mẽ thêm.  “Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào?  Chúa là thành lũy bảo vệ đời tôi, tôi khiếp gì ai nữa?” (Tv 27).

          Phụng vụ Lời Chúa mùa Chay lấy chủ đề Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô làm chính để ta có thể suy niệm và đổi mới đức tin của ta.  Ta có thể làm những việc lành khác, tham dự tuần đại phúc, làm thêm việc bác ái trong mùa Chay.  Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là làm sao để con đường làm môn đệ Chúa phải càng ngày càng đưa ta đến gần Chúa hơn, để ta có thể kết hiệp với Người trong cuộc Thương khó và sống lại với người trong đời sống mới, sống theo Thần Khí của Chúa Ki-tô.

 

c)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Tôi phải diễn tả sự mù lòa thiêng liêng của tôi như thế nào?

          Thánh Gio-an dùng dấu lạ Chúa chữa lành người mù từ khi mới sinh để giúp ta nhận ra Chúa là ánh sáng trần gian.  Đâu là những dấu lạ trong đời tôi giúp tôi nhận ra Chúa Giê-su qua những hình ảnh mỗi ngày một sống động hơn?

          Có khi nào tôi đã tránh né không làm chứng cho Chúa Giê-su?

          Tôi đã sẵn sàng để kết hiệp với Chúa Giê-su trong cuộc Thương khó của Người bằng chính những hy sinh của đời tôi chưa?

 

Cầu nguyện:

 

          “Như người mù ngồi bên vệ đường

          Xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.

          Xin cho con được thấy bản thân

          với những yếu đuối và khuyết điểm,

          những giả hình và che đậy.

          Cho con được thấy Chúa hiện diện bên con

          cả những khi con không cảm nghiệm được.

          Xin cho con thực sự muốn thấy,

          thực sự muốn để cho ánh sáng Chúa

          chiếu dãi vào bóng tối của con.

          Như người mù ngồi bên vệ đường

          xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.”

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 12)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

4-3-2005

 

 

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà