CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY
(Gio-an 11: 1-45)
Tuyên
xưng Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô (Chúa Nhật 3) và là Con Người (Chúa Nhật 4) là
điều Giáo Hội muốn những anh chị em ứng viên Bí tích Khai tâm nói lên trong hai
lần Sát hạch. Hôm nay cũng là lần cuối
cùng trong Nghi thức, họ sẽ cùng với Giáo Hội tuyên xưng Chúa Giê-su là sự
sống. Tin Mừng Gio-an ghi lại câu
truyện Chúa Giê-su cho anh La-da-rô sống lại nhằm nói lên chân lý về Chúa
Ki-tô: “Chính Thầy là sự sống lại và là
sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã
chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11:25). Sự
sống là cao điểm và đích tới của tất cả mặc khải. Sự sống ấy phải đạt tới mức toàn hảo của nó, tức là được vĩnh cửu
và hạnh phúc. Mầu nhiệm Phục sinh là
mầu nhiệm của sự sống lại và sự sống, nhưng cũng là cốt tủy của đời sống Ki-tô
hữu. Cho nên có lẽ đây là lý do Phụng
vụ Lời Chúa mời gọi ta suy niệm về mầu nhiệm này qua bài Tin Mừng của Gio-an,
trước khi ta bước vào Tuần Thánh với cuộc Thương khó của Chúa Giê-su, để cùng
chết đi với Người và sống lại trong con người mới.
a) “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống”
Tuyên
bố như thế, Chúa Giê-su đưa ta vào tâm điểm của mặc khải Thiên Chúa. Mặc khải là nỗi thao thức của Thiên Chúa
muốn cho nhân loại biết tất cả những gì về Người và những gì Người làm cho nhân
loại. Thiên Chúa đã “nhiều lần nhiều
cách” và nhất là “qua Thánh Tử” phán dạy chúng ta (Dt 1:1-2). Những điều Người phán dạy đều xoay chung
quanh mục đích chính là để con người “được sống và sống dồi dào” (Ga
10:10). Thiên Chúa tạo dựng nên con
người là để con người được sống (Kn 2:23).
Nhưng tội lỗi đã gieo cái chết vào nhân loại (Rm 5:12). Trong kế hoạch phục hồi sự sống cho con
người, Thiên Chúa dùng ông Mô-sê và các ngôn sứ để dạy cho con người biết sống
theo thánh chỉ của Người. Thế vẫn chưa
đủ. Do đó, vì quá yêu trần gian, Thiên
Chúa đã sai Con Một đến trần gian với sứ mệnh cứu thế. Là Lời ban sự sống (Ga 6:68), Chúa Giê-su
ban bố cho ta Luật Mới và lối sống gương mẫu của Người khi Người ra đi rao
giảng Tin Mừng. Là Đấng Cứu Chuộc (Cv
5:31), Chúa Giê-su đã chịu khổ nạn và chết trên thập giá để đền bù tội lỗi
chúng ta và đưa chúng ta trở về với Thiên Chúa. Tuy nhiên, con đường cứu chuộc ấy phải đưa ta tới sự sống viên
mãn và vĩnh cửu, cho nên chân lý Chúa Ki-tô là sự sống lại và là sự sống của ta
sẽ là mặc khải cuối cùng nhưng cũng quan trọng nhất trong tiến trình Thiên Chúa
phán dạy con người.
b) Tin vào Chúa Giê-su thì sẽ được sống
Nhờ
tin vào Chúa Giê-su, ta sẽ được sống.
Thánh Gio-an cho ta thấy có hai hoàn cảnh tin vào Chúa Giê-su: chết mà tin vào Chúa, và sống mà tin vào
Chúa. Hai hoàn cảnh này có lẽ nói lên
hai giai đoạn của cuộc sống ta. Cho dù
ta là kẻ phải chết (cả phần xác lẫn linh hồn) vì hậu quả tội lỗi, nhưng nhờ
lòng tin vào Chúa là Đấng cứu chuộc ta, ta sẽ được sống lại trong con người
mới, làm con cái Thiên Chúa. Rồi sau
khi được làm dưỡng tử của Thiên Chúa và đồng thừa tự với Chúa Ki-tô, nếu ta cứ
tiếp tục tin vào Chúa Giê-su, thì ta sẽ dược sống đời đời.
Hiểu
như vậy, ta mới nhận ra tại sao Chúa Giê-su lại nói: “Ta là sự sống lại” rồi Người mới tiếp: “và là sự sống.” Nghĩa là
sự sống lại đi trước sự sống. Người là
sự sống lại của ta, khi ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội để được làm con cái Chúa
cũng như khi ta được sống lại trong ngày tận thế. Người là sự sống của ta, sự sống theo Thánh Thần khi ta sống như
một Ki-tô hữu đích thực ở đời này và sự sống vĩnh cửu khi ta được cùng Người
hưởng gia nghiệp Thiên Chúa ở đời sau.
c) “Chị có tin thế không?”
Chúa
Giê-su muốn chị Mác-ta tuyên xưng đức tin vào Người. Nếu mặc khải “Chúa Giê-su là sự sống lại và là sự sống” là tột
đỉnh của lịch sử cứu độ, thì việc tuyên xưng đức tin vào Chúa Giê-su là sự sống
lại và là sự sống cũng phải là tuyệt đối.
Ta cứ nghe câu trả lời của chị Mác-ta thì đủ thấy tầm quan trọng của
việc tuyên xưng đức tin này như thế nào.
“Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy
là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.” Trong lời tuyên xưng đầy đủ này, ta có thể
nhận ra được toàn bộ đức tin của ta vào danh hiệu, con người và sứ mệnh của
Chúa Giê-su.
Có
rất nhiều chi tiết trong câu truyện thật là cảm động. Mỗi nhân vật, mỗi lời nói, mỗi cử chỉ đều có thể làm đề tài cho
ta suy niệm. Tuy nhiên cảnh Chúa Giê-su
thổn thức trước mộ anh La-da-rô có thể cũng là điều Người làm cho toàn thể nhân
loại và cho từng người chúng ta. Ta
sống trong sự chết của tội lỗi, thì Chúa Giê-su thổn thức và muốn ta được sống
lại. Cũng như Người đã nói với anh
La-da-rô: “Anh La-da-rô, hãy ra khỏi
mồ!”, Người cũng nói với ta: “Hỡi con,
hãy ra khỏi tình trạng tội lỗi và tiếp tục sống như con cái Chúa!” Người mong ta sống tự do như con cái Chúa,
thoát khỏi mọi ràng buộc của trần gian.
Càng
gần tới lễ Phục Sinh, ta càng phải vững lòng tin vào Chúa Giê-su hơn. Sống Mầu nhiệm Phục Sinh là sống niềm tin
rằng Chúa Giê-su là sự sống lại và sự sống của ta. Niềm tin ấy hướng dẫn ta tiếp tục sống lại từng phút giây trong
cuộc đời và sống theo Thần Khí của Chúa Giê-su, nhờ đó ta biến đổi mỗi ngày một
trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giê-su.
d) Suy nghĩ và cầu nguyện
Tôi
có được sự sống mới nhờ Bí tích Rửa tội.
Đó là ân sủng vô cùng lớn lao của Chúa ban. Vậy tôi có sống tâm tình cảm tạ hằng ngày về tình yêu vô biên của
Chúa (Ga 3:16) không?
Nguyên
lý của sự sống mới này là Chúa Thánh Thần.
Vậy tôi có sống theo Thần Khí của Chúa Ki-tô trong cuộc sống của tôi
không? Làm sao tôi biết được Thần Khí
của Chúa Ki-tô?
Tôi
trả lời thế nào câu hỏi của Chúa Giê-su:
“Con có tin Thầy không?”
Cầu nguyện:
“Lạy
Chúa Giê-su,
xưa
Chúa có người bạn thân là La-da-rô,
Chúa
cũng coi các môn đệ là bạn hữu.
Tạ
ơn Chúa đã cho con những người bạn
để
nâng đỡ con trên đường đời.
Dù
chúng con có nhiều điểm khác biệt,
nhưng
xin hiệp nhất chúng con trong tình yêu.
Xin
cho chúng con biết
yêu
thương nhau thật tình,
chia
sẻ cho nhau mọi nỗi buồn vui,
nâng
nhau dậy khi vấp ngã,
phấn
khởi trước những thành công,
khích
lệ trước một cố gắng nhỏ,
và
nhất là thẳng thắn góp ý cho nhau,
để
cùng nhau tiến bộ.
Lạy
Chúa, xin mở rộng vòng tay con,
để
có thể đón nhận những người bạn mới.
Xin
cho con đừng trở nên nghèo nàn
vì
chỉ muốn làm bạn với ai giống con.
Xin
dạy con biết thế nào là gặp gỡ.
Gặp
gỡ không phải chỉ là quảng đại cho đi,
mà
còn là khiêm nhường nhận lãnh.
Gặp
gỡ không chỉ là tâm sự về mình,
mà
còn là lắng nghe người khác.
Gặp
gỡ không phải chỉ là phân phát sự giàu có của mình,
mà
còn là nhìn nhận và đón nhận
sự
phong phú của tha nhân.
Lạy
Chúa Giê-su,
xin
cho chúng con trở nên bạn của Ngài,
nhờ
đó, chúng con mãi mãi
là
bạn thân của nhau. A-men.”
(Trích
RABBOUNI, lời nguyện 115)
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi
11-3-2005