CHÚA NHẬT PHỤC SINH, NĂM A, 27.03.05
Cv 10,34a.37-42; Cl 3,1-4; Ga 20,1-18
Tôi đã thấy Chúa
Bài Phúc âm hôm nay
tường thuật về biến cố Phục sinh. Nhưng nếu ai để ý nghe sẽ nhận thấy tác giả
nói đến hai cảm nghiệm về Phục sinh: Một bên là cảm nghiệm của hai người đàn
ông, Phêrô và Gioan. Mặt khác là cảm nghiệm của một người đàn bà, Maria Mácđala.
Những cảm nghiệm này hoàn toàn khác biệt – giống như mặt trời với mặt trăng.
Đàn ông với đàn bà khác nhau như thế nào thì cảm nghiệm của họ cũng giống như
thế! Nhưng ngay chính sự khác biệt này có thể giúp chúng ta khám phá ra, đâu là
điểm then chốt của Tin mừng Phục sinh.
Trước tiên chúng ta chú tâm tới cảm nghiệm
của đàn ông. Sau khi Maria ra thăm mộ, thấy vị trí của viên đá lấp cửa mộ thay
đổi, bà liền chạy về báo tin cho Phêrô và Gioan. Hai ông vội vã chạy ra mộ. Gioan
còn trẻ, nhanh tay lẹ chân hơn nên chạy đến trước. Theo lẽ thường tình, kẻ nào
đến trước nhất, kẻ đó có quyền vẽ vời. Gioan có thể bước vào huyệt mộ để quan
sát tất cả. Nhưng ông không làm như thế. Ông tôn trọng nguyên tắc: „Kính lão
đắc thọ”. Ông đứng đó đợi. Có lẽ ông không kém phần tò mò hơn Phêrô nhưng ông
sẵn sàng chờ đợi kẻ cao niên đuối sức hơn. Cuối cùng thì Phêrô cũng tới nơi,
với hơi thở dồn dập ông đi thẳng vào trong mộ, không một lời cám ơn kẻ đã chờ
đợi và dành quyền ưu tiên cho mình.
Phêrô giống như một
nhân viên thanh tra. Ông quan sát từng chi tiết một. Theo ông nghĩ, niềm tin
phải dựa trên nền tảng của lý trí. Không ai được phép nhẹ dạ tin bừa bãi, không
cân nhắc trước sau. Niềm tin không thể chống lại lý trí. Ai nói tôi tin cũng
phải có khả năng trả lời rằng tại sao tin. Sau khi quan sát kỹ lưỡng ông thẩm
định rằng: mọi sự dường như được sắp xếp có trật tự, đâu ra đấy! Khăn che đầu
không để lẫn với các băng vải. Tất cả đều mâu thuẫn với lời nhận định của
Maria. Nếu như có ai đến lấy trộm xác, kẻ ấy sẽ không tháo những băng vải cuốn
chung quanh; kẻ ấy cũng không cẩn thận gấp những băng vải đó lại. Chắc chắn
không thể nói là ăn trộm! Không có gì chứng tỏ có ai đó đến xê dịch hoặc ăn
trộm xác. Phải chăng người chết đã sống lại, điều này chính ông lại chẳng nghĩ
ra!
Giữa lúc đó chính
Gioan cũng bước vào. Phúc âm nhấn mạnh sự khác biệt giữa Gioan và Phêrô và nói
về ông: „Ông đã thấy và đã tin”. Chỉ có lòng tin của Gioan được nói tới. Phêrô
không hề được đá động đến. Phêrô chỉ nhìn những vật chứng trong mộ và ghi nhận
tất cả giống như máy chụp hình. Đang khi đó Gioan nhìn thấy nhiều hơn, bởi vì
ông nhìn bằng ánh mắt của con tim. Ông có linh cảm rằng, đã có một biến cố ngoài
sức tưởng tượng đã xảy ra ở đây. Lòng yêu mến của ông đã giúp ông nhận biết, kẻ
chết đã sống lại. Quả thật, lý trí không thể cưỡng cầu, nhưng tại sao con tim
tin, chẳng ai giải thích nổi. Con tim có những lý lẽ mà lý trí không tài nào
biết được! Mặc dầu vậy, Gioan chỉ hiểu lờ mờ. Niềm vui Phục sinh không hề tỏ lộ
nơi hai ông. Hai ông trở về nhà với muôn vàn khúc mắc, bởi vì chưa hiểu lời
Kinh Thánh.
Chuyện gì xảy ra với
Maria lúc đó? Bà cùng chạy ra mộ. Nhưng bà bị đám đàn ông bỏ rơi một mình! Bà
đứng khóc bên ngoài, gần bên mộ. Bà chưa kịp giác ngộ, ngôi mộ trống là dấu chỉ
nói rằng kẻ chết đã sống lại! Có lẽ nước mắt làm mờ đôi mắt. U sầu biến trái
tim thành câm nín. Đau khổ đè nặng đôi vai không thể ngước nhìn lên. Chỉ có một
tia hy vọng mong manh nhưng nước mắt đã lấp che tất cả! Bà phải quay đầu lại.
Bà phải đổi hướng để Đức Giêsu có thể đích danh gọi tên bà. Bà nhận ra Ngài,
muốn được ở gần bên. Cảnh tang tóc nơi bà tan biến. Niềm vui xác định lối suy
nghĩ và hành động. Cảm nghiệm Phục sinh của Maria là thế, không thể khác được. Bà
giống như bị sét đánh qua cái chết của Đức Giêsu. Bà than khóc bên mộ. Phúc âm
đã hai lần nhấn mạnh rằng bà khóc. Đây chính là điểm then chốt của Tin mừng
Phục sinh: Chỉ những ai bị cái chết của Đức Giêsu đánh động tận tâm can, mới có
thể mừng Ngài sống lại.
Hằng năm chúng ta mừng
lễ Phục sinh. Nhưng ai trong chúng ta thực sự bị biến cố Phục sinh đánh động.
Tin mừng Phục sinh muốn nhắc nhở chúng ta điều này. Đại lễ Phục sinh là một
ngày lễ mà mỗi người trong chúng ta được Đấng Phục sinh gọi đích danh, giống
như Maria. Lời gọi đích danh này lần đầu tiên đã xảy ra ngày chúng ta chịu bí
tích Rửa tội. Hôm nay, cuộc gặp gỡ với Đấng Phục sinh sẽ biến đổi cục diện của
cuộc sống chúng ta. Chúng ta sẽ được đầy tràn niềm vui và do đó có thể thốt lên
như Maria: „Tôi đã thấy Chúa”.
Lm.
Phêrô Trần Minh Đức