Chúa Nhật
thứ 3 Phục Sinh
(10-4-2005)
Đức Giêsu
đến để giải phóng tâm linh con người
ĐỌC LỜI
CHÚA
· Cv 2,14.22-33: (28) Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống, và cho con
được vui sướng tràn trề khi ở trước Thánh Nhan.
· 1Pr 1,17-21: (18) Không phải nhờ những của chóng hư
nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha
ông anh em truyền lại. (19) Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ
bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Kitô.
· TIN MỪNG: Lc 24,13-35
Đức Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau
(13) Hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một
làng kia tên là Emmau, cách Giêrusalem chừng mười một cây số. (14) Họ trò chuyện với nhau về tất cả
những sự việc mới xảy ra. (15)
Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và
cùng đi với họ. (16) Nhưng mắt
họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. (17) Người hỏi họ: «Các anh vừa
đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?» Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.
(18) Một trong hai người tên là Clêôpát trả lời: «Chắc ông là
người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra
trong thành mấy bữa nay». (19)
Đức Giêsu hỏi: «Chuyện gì vậy?» Họ thưa: «Chuyện ông Giêsu
Nadarét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước
mặt Thiên Chúa và toàn dân. (20) Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị
án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. (21) Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ítraen. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. (22) Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, (23) không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. (24) Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy».
(25) Bấy giờ Đức Giêsu nói với hai ông rằng: «Các anh
chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! (26)
Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu
khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? (27) Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn
sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách
Thánh.
(28) Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giêsu làm như còn
phải đi xa hơn nữa. (29) Họ nài ép
Người rằng: «Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn». Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. (30)
Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy
bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. (31) Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng
Người lại biến mất. (32) Họ
mới bảo nhau: «Dọc đường, khi Người
nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng
cháy lên sao?»
(33) Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem,
gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. (34) Những người này bảo hai ông: «Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simôn». (35) Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Tâm trạng của hai môn đệ trên đường về Emmau
thế nào? Tại sao họ lại như vậy? Họ trông chờ gì ở Đức Giêsu? Ngài có đáp lại
sự chờ mong đó không?
2. Sứ mạng của Đức Giêsu có phải là trở nên một
vị anh hùng giải phóng dân tộc Ngài không? Ngài giải phóng ai? Và giải phóng
khỏi cái gì?
3. Giữa việc giải phóng thể chất, tinh thần, và
việc giải phóng tâm linh, bạn coi cuộc giải phóng nào quan trọng hơn? Bạn đang
chủ yếu tìm thứ giải phóng nào?
Suy tư gợi ý:
1. Nỗi thất vọng của các môn đệ và nhiều người khác trước cái chết của
Đức Giêsu
Hai môn đệ Đức Giêsu trên đường về Emmau lòng đầy
chán nản, thất vọng. Suốt ba năm theo Ngài, họ những mong Ngài sẽ trở thành nhà
giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ hà khắc của đế quốc Rôma. Hai ông hy vọng
Ngài sẽ thành công, sẽ làm vua, và các ông sẽ trở thành những vị cận thần của
Ngài. Suốt ba năm đó, họ có một giấc mơ thật đẹp. Nhưng những điều họ mơ ước và
hy vọng tràn trề suốt ba năm nay bỗng nhiên sụp đổ chỉ trong một buổi chiều khi
nghe tin Ngài thật sự đã bị đóng đinh vào thập giá và đã chết vô cùng nhục nhã.
Công lênh theo Ngài suốt ba năm tan thành mây khói, hóa ra chẳng được tích sự
gì. Ngài chết rồi thì ắt hẳn đám 12 tông đồ của các ông sẽ rã đám. Ai nấy đều
phải trở về với cuộc sống bình thường, với nghề nghiệp tầm thường của mình như
ba bốn năm trước. Thế là «mèo lại hoàn mèo», dân lại hoàn dân, ngư phủ
vẫn lại là ngư phủ…
Trong một đất nước bị đô hộ khắc nghiệt bởi ngoại
bang, người dân nào cũng đều mơ một ngày nào đó đất nước được giải phóng, được
độc lập, người dân được tự do, no ấm, được sống trong thanh bình… Và khi Đức
Giêsu xuất hiện, biết bao người quen biết Ngài đã nghĩ rằng Ngài sẽ giải phóng
đất nước. Vì Ngài đã thấy tận mắt cảnh lầm than của dân chúng, và nhu cầu cấp
thiết cũng như mơ ước được giải phóng của họ. Nhưng với cái chết, Ngài đã làm
cho bao người mơ ước hay hy vọng như thế phải thất vọng. Vì sứ mạng mà Thiên
Chúa trao cho Ngài không phải là chuyện ấy.
2. Đức Giêsu không phải chỉ là
một anh hùng giải phóng dân tộc
Giả như Đức Giêsu chỉ là một nhà giải phóng dân
tộc, thì các môn đệ và nhiều người Do Thái thời ấy sẽ sung sướng và mãn nguyện
biết bao! Khi ấy, có thể Ngài sẽ lập nên một triều đại lâu dài, tốt đẹp và oai
hùng hơn Đavít, Salômon, tổ phụ Ngài. Và dân Do Thái sẽ được sống trong thanh
bình, ấm no, đất nước được hùng cường có thể một vài trăm năm. Nhưng rồi sao?
Nếu chỉ như thế thì Ngài cũng đâu hơn gì bao nhiêu so với các vị minh quân ở
nhiều nước trên thế giới. Các vị này cũng làm cho đất nước mình thái bình thịnh
vượng một thời gian rất dài. Nhưng hết triều đại thanh bình ấy xong thì lại đến thời điên đảo loạn lạc như ta từng thấy trong lịch sử các nước trên thế giới. Kết cục Ngài cũng chỉ là một vị minh quân nổi tiếng, gương mẫu của một đất nước, rồi… chấm hết. Mọi sự rồi đâu lại vào đấy, vẫn y như cũ, nhân loại chẳng có gì thay đổi.
Sứ mạng của Đức Giêsu không chỉ như vậy. Ngài muốn
giải phóng con người từ nền tảng, gốc rễ, chứ không chỉ ở ngọn. Nguồn gốc của
mọi đau khổ nơi con người là tội lỗi, tính ích kỷ, thiếu tình thương. Và nguồn
gốc của tội lỗi, tính ích kỷ, thiếu tình thương là do không nhận biết Thiên
Chúa là nguồn gốc của mình, cũng là nguồn hạnh phúc, nguồn sức mạnh, nguồn yêu
thương vô tận của mình. Nếu không giải quyết đau khổ từ nguồn gốc đầu tiên của
nó, mà chỉ giải quyết ở ngọn, nghĩa là chỉ triệt tiêu những nguyên nhân trước
mắt gây ra những đau khổ cụ thể, thì đau khổ chỉ tạm thời vắng bóng rồi sẽ trở
lại ngay. Như thế có khác gì để giải quyết nạn đói, ta cho dân chúng một vài
tấn gạo, ăn hết số gạo đó là nạn đói lại tiếp tục. Trong các quốc gia, có biết
bao vị anh hùng đã giải phóng dân tộc mình khỏi ách thống trị của bạo chúa, đem
lại thanh bình no ấm. Nhưng tất cả đều chỉ được một thời gian rồi các dân tộc
lại bị chiến tranh, bị lầm than rên xiết dưới ách thống trị của những ông vua,
những tên quan tham tàn khác.
3. Sứ mạng của Đức Giêsu là giải phóng tâm linh
Do đó, Đức Giêsu đến để giải phóng con người khỏi
ách thống trị của tội lỗi, là nguyên nhân của đau khổ. Đồng thời giới thiệu cho
con người biết Thiên Chúa, để con người khi thật sự kết hợp với Ngài, sẽ cảm
nghiệm được nguồn sức mạnh, bình an và hạnh phúc đích thực ngay trong bản thân
mình. Đó chính là sự sống đời đời có thể khởi sự ngay ở trần gian và sẽ triển
nở viên mãn trong đời sống mai hậu: «Sự sống đời đời chính là con người nhận
biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến,
là Giêsu Kitô» (Ga 17,3). Với nguồn sức mạnh, bình an và hạnh phúc này, dù
ở đâu, trong hoàn cảnh nào, con người vẫn có thể bình an, hạnh phúc và tràn đầy
sức mạnh tinh thần. Thứ bình an và hạnh phúc này là thứ không bị lệ thuộc vào
ngoại cảnh, mà Đức Giêsu đã từng nói đến: «Thầy
để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho
anh em không theo kiểu thế gian» (Ga 14,27). Sự bình an và hạnh phúc ấy «không ai lấy mất được» (Ga 16,22). Có
được thứ bình an và hạnh phúc này thì dù có phải sống trong tù ngục, con người
vẫn có thể hạnh phúc. Không có sự bình an và hạnh phúc này thì dù có được tự do
hay được đủ mọi thuận lợi bên ngoài, con người vẫn không thật sự hạnh phúc. Vì
họ đang bị ràng buộc và bị nô lệ hóa bởi chính bản thân họ, bởi tội lỗi, bởi
bản năng và những tham vọng ích kỷ của họ.
4. Giải phóng tâm linh là giải phóng khỏi «cái tôi» ích kỷ
Mục đích của Đức Giêsu khi đến trần gian là giải
phóng con người khỏi tội lỗi để con người được hạnh phúc thật sự. Bản chất của
tội lỗi chính là sự ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, chỉ lo tránh đau
khổ cho bản thân và chỉ biết tìm hạnh phúc cho bản thân mình. Nhất là sẵn sàng
vì bản thân mình mà làm người khác đau khổ, thiệt thòi. Chính sự ích kỷ này là
nguyên nhân gây nên đau khổ cho bản thân và tha nhân. Đó là phong cách sống của
«con người cũ», con người sống theo xác thịt. Để có hạnh phúc đích thực,
con người cần được giải phóng khỏi «cái tôi» ích kỷ ấy.
Sự giải phóng này đòi hỏi «cái tôi» ích kỷ
ấy hay «con người cũ» phải chết đi, phải lột xác. «Con người cũ»
có chết đi, thì nó mới có thể sống lại để thành «con người mới». Chết đi
chính là sẵn sàng chấp nhận đau khổ, mất mát, thiệt thòi, bị hạ bệ, nhưng đó là
cái giá không có không được mà ta phải trả để có thể bước vào hạnh phúc
và vinh quang đích thực. Chính Đức Giêsu cũng đã phải trải qua quá trình ấy,
như Ngài đã giải thích cho hai môn đệ ở Emmau: «Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong
vinh quang của Người sao?» (Ga 24,26). Lẽ nào ta lại muốn đi một con đường
khác với Ngài?
CẦU
NGUYỆN
Lạy Cha, được giải
phóng để được sống trong một chế độ tự do, dân chủ là nhu cầu cấp thiết và là
điều mong ước của mọi người dân đang bị mất tự do và bị đàn áp. Nhưng còn một
nhu cầu cần thiết và đáng mong ước hơn, đó là được giải phóng về mặt tâm linh. Nghĩa
là được giải phóng khỏi ách nô lệ của tội lỗi, của sự ác, của tính ích kỷ, và
của chính bản thân mình. Chỉ khi tâm linh của mọi người được giải phóng, thì
nền tự do và dân chủ của họ mới được bảo đảm và vững bền. Xin Cha hãy giải
phóng con khỏi con người ích kỷ của con, để tâm con bao trùm được cả những
người chung quanh con, để con có thể coi họ như chính bản thân con.
Joan Nguyễn Chính
Kết