LỄ CHÚA BA NGÔI,
NĂM A
Xh 34,4b-6.8-9; 2 Cr 13,11-13; Ga 3,16-18
Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần
Có
lẽ không có ngày nào trôi qua mà chúng ta không đôi lần làm dấu Thánh Giá: Buổi
sáng thức dậy và tối đến; khi bắt đầu các giờ kinh và kết thúc với lời chúc
lành; trước và sau khi dùng bữa, ... Chúng ta làm dấu chỉ này bởi vì chúng ta
được rửa tội nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Khi đọc Kinh Tin
Kính chúng ta tuyên xưng niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha
là Đấng tác tạo nên chúng ta; Chúa Con là Đấng cứu chuộc chúng ta; Chúa Thánh
Thần là Đấng thánh hoá chúng ta. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm căn bản
trong đời sống đức tin, được tóm gọn khi chúng ta làm dấu Thánh Giá. Thoạt nhìn
có vẻ đơn giản nhưng ai có thể trả lời cho chúng ta: Thiên Chúa - Ngài là ai?
Ngay
từ ngàn xưa con người đã đặt ra câu hỏi này. Trong lịch sử đã có không biết bao
nhiêu triết gia và thần học gia lỗi lạc suốt đời tìm tòi truy cứu nhưng không
ai có thể đưa ra một giải đáp thoả đáng. Thiên Chúa siêu việt hơn những gì chúng ta nghĩ ra và có thể hiểu được. Nếu như con người có thể nói
được Thiên Chúa là ai thì Thiên Chúa chẳng còn là Thiên Chúa nữa. Ngài cũng hữu
hạn như con người chúng ta. Như vậy, chỉ có Thiên Chúa mới có thể nói Ngài là
ai. Con người chỉ có thể lần theo dấu vết và dùng hình ảnh để diễn tả. Con
người khám phá ra hình ảnh của Thiên Chúa khi biết nhìn vào bản thân mình và
nhìn nhận: Tôi chỉ là một thụ tạo, không có thể tự mình hiện hữu. Tôi là kẻ đã
tiếp nhận sự sống từ Thiên Chúa. Trong một thế giới hỗn độn nhưng cũng chứa đầy
vẻ lộng lẫy huy hoàng tôi có thể khám phá dấu vết của Đấng sáng tạo và không
ngừng phải khấu đầu bái phục.
Lẽ
ra, con người là ánh sáng của ngọn hải đăng, là hình ảnh của tình yêu Thiên
Chúa. Nhưng ngay từ nguyên thủy, con người đã tự tìm cách thoát ra ngoài vòng
tay đầy yêu thương quan phòng của Thiên Chúa. Họ không muốn dựa dẫm, sống nương
tựa vào tình kẻ khác. Họ muốn chính mình trở nên giống Thiên Chúa. Tuy nhiên,
thay vì sống thoải mái, thong dong tự tại, con người tự lún sâu vào trong sợ
hãi, dối trá và bạo lực. Nỗi sợ hãi khi phải đối diện với Thiên Chúa dần dần
xâm lấn, thấm vào tận xương tuỷ. Họ tự trốn chạy và tìm chỗ ẩn nấp trước Đấng
hằng yêu thương họ, mặc dầu họ trót lỡ lầm! Một thảm trạng khó bề diễn tả!
Không những thế, mối quan hệ giữa con người với nhau cũng bị rạn lứt, rối loạn
và từ đây luôn mang dấu tích của nghi kỵ, oán thù!
Thiên
Chúa sẽ phản ứng ra sao khi con người ngoảnh mặt làm ngơ trước tình thương mà
Ngài dành cho họ? Phải chăng Ngài bỏ mặc con người, không thèm điếm xỉa đến,
chỉ đóng kín trong vòng quan hệ tình yêu riêng tư của Ngài? Bài Phúc Âm ngày
hôm nay nói với chúng ta rằng, sư thật không phải như thế: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào
Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” Lời này có sức
đánh động con tim chúng ta, giúp chúng ta đưa mắt nhìn qua bức màn huyền nhiệm
của mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa không muốn thành kẻ xa lạ, ngoài tầm tay
với! Tội lỗi và sự chối từ của con người không có sức làm cho tình yêu của Ngài
nên hạn hẹp, đóng kín hay trở nên sát phạt vì giận dữ. Hoàn toàn ngược lại! Bởi
vì muốn đưa con người trở về sống trong tình thương, Thiên Chúa đã bước ra
ngoài vòng huyền nhiệm, dùng chính ngôn ngữ của con người để mặc khải cho chúng
ta biết, Ngài là ai.
Trong
biến cố Giáng sinh Ngài trở nên hữu hình, có thể sờ mó, cảm nhận, hiểu được và
nghe được. Đức Giêsu đã trở nên phàm nhân, là một người sống giữa chúng ta.
Ngài là hình ảnh cụ thể của tình yêu Thiên Chúa. Trong cuộc khổ nạn và sự chết
Ngài đã đón nhận sự sợ hãi, nghi kỵ và ác ý của con người vào bản thân mình.
Trong biến cố Phục sinh Ngài biến đổi đau khổ và sự chết thành lời chúc lành và
ban tặng cho chúng ta cuộc sống mới. Một tạo vật mới sống dưới tác động của
Chúa Thánh Thần. Ở Sternberg, Thuỵ sĩ, có một mô hình có thể mô tả mầu nhiệm
lòng thương xót của Chúa Ba Ngôi. Hình ảnh này giúp tôi sống cuộc đời linh mục.
Ở chính giữa là một con người sức lực hầu như kiệt quệ. Chúa Cha xốc đôi vai kẻ
đó lên. Chúa Con đỡ đôi chân và Chúa Thánh Thần đổ tràn nguồn sinh lực qua ngọn
lửa tình yêu.
Lm. Phêrô Trần Minh
Đức