CHÚA NHẬT Lễ Đức Giêsu
chịu phép Rửa
(9-1-2005)
Sám hối là
việc cần thiết để trở nên công chính
ĐỌC LỜI CHÚA
· Is
42,1-4,6-7: (1) Đây là
người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho
thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân.
· Cv
10,34-38: (34) Thiên Chúa không thiên vị người nào. (35) Hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù
thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận.
· TIN MỪNG: Mt 3,13-17
Đức Giêsu chịu phép rửa
(13) Bấy giờ, Đức Giêsu từ miền Galilê đến sông Giođan, gặp ông Gioan để
xin ông làm phép rửa cho mình. (14) Nhưng ông một mực can Người và nói: «Chính
tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi! » (15) Nhưng Đức Giêsu trả lời: «Bây giờ
cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính». Bấy
giờ ông Gioan mới chiều theo ý Người.
(16) Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng
trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự
trên Người. (17) Và có tiếng từ trời phán: «Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người».
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Phép rửa của Gioan khác với
phép rửa trước đó của Do Thái giáo làm cho dân ngoại ở chỗ nào? Ông làm phép
rửa với mục đích gì?
2. Tại sao Đức Giêsu hoàn toàn
vô tội lại yêu cầu Gioan làm phép rửa cho mình? Ngài có phi lý khi yêu cầu điều
đó không?
3. Tại sao khi Đức Giêsu nói: «Chúng
ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính» thì Gioan mới làm phép rửa cho Ngài? Câu đó có ý nghĩa gì?
Suy tư gợi ý:
1. Phép rửa của Gioan Tẩy Giả
Gioan Tẩy giả là vị ngôn sứ cuối
cùng của Cựu ước xuất hiện khoảng năm 30 sau công nguyên. Trước ông, có khoảng
20 vị ngôn sứ được Thánh Kinh ghi nhận đã xuất hiện rải rác trong khoảng 450 năm,
bắt đầu là ngôn sứ Êlia (khoảng năm 900 trước CN), và cuối cùng là ngôn sứ
Giona (khoảng năm 350 trước CN). Kể từ ngôn sứ Giona, suốt gần 400 năm, dân Do
Thái không có một ngôn sứ nào xuất hiện. Năm 63 trước CN, Do Thái bị đế quốc
Rôma thống trị tàn bạo, nên từ đó dân chúng ai nấy đều nóng lòng chờ đợi Đấng
Cứu Thế đến giải phóng dân Ngài. Thế rồi Gioan Tẩy giả xuất hiện như một vị
ngôn sứ, ông ăn mặc giống Êlia (2V 1,8; x. Mt 3,4), rao giảng cùng một sứ điệp
như Êlia về sự phán xét của Thiên Chúa, đồng thời kêu gọi «hãy sám hối, vì
Nước Trời đã đến gần» (Mt 3,2) và loan báo sẽ có một «Đấng đến sau ông,
quyền thế hơn ông và ông không đáng xách dép cho Người» (Mt 3,11b). Vì thế,
dân chúng cảm thấy có một cuộc phục hưng lớn về mặt tôn giáo bắt đầu xảy ra để
chuẩn bị Nước Trời sắp đến. Chính Gioan cũng rất ý thức về cuộc phục hưng ấy mà
ông là người góp phần vào.
Trước khi Gioan xuất hiện, phép
rửa là một nghi thức mà người Do Thái vẫn thường làm cho dân ngoại khi họ trở
lại Do Thái giáo. Ai đã theo Do Thái giáo rồi thì không lãnh nhận phép rửa nữa.
Còn Gioan thì lại làm phép rửa cho chính người đã theo Do Thái giáo. Phải nói
đó là một chuyện lạ đời đối với dân chúng. Phép rửa của ông có ý nghĩa là: Nước
Trời đã gần đến, mà người khai mạc là một «Đấng đến sau ông, quyền thế hơn
ông và ông không đáng xách dép cho Người» (Mt 3,11b). Để đón Nước Trời cùng
với Đấng ấy, con người phải chuẩn bị bằng việc sám hối, dù đã là người Do Thái
giáo. Và hình thức biểu lộ cụ thể là lãnh nhận phép rửa. Thánh Phaolô cho biết
mục đích phép rửa của Gioan: «Ông Gioan đã làm một phép rửa tỏ lòng sám hối,
và ông bảo dân tin vào Đấng đến sau ông, tức là Đức Giêsu» (Cv 19,4). Tóm
lại, phép rửa của Gioan nhằm giúp dân chúng sám hối hầu chuẩn bị một kỷ nguyên
mới do Đức Giêsu khai mạc và thực hiện.
Ngoài phép rửa ông đang làm, ông
còn giới thiệu cho dân Do Thái một thứ phép rửa khác mà ông không làm được: «Đấng
đến sau tôi (…) sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa»
(3,11c). Vì thế, khi Đức Giêsu đến để xin ông làm phép rửa cho Ngài, thì ông
thấy yêu cầu ấy quả là nghịch lý. Ông cho rằng «Chính ông mới cần được Ngài làm phép rửa», thứ phép rửa «trong
Thánh Thần và lửa» của Ngài, chứ đâu có chuyện ngược đời là ông lại làm
phép rửa cho Ngài. Nhưng Đức Giêsu trả lời: «Chúng ta nên làm như vậy
để giữ trọn đức công chính». Lúc
ấy Gioan mới chịu làm theo ý Ngài.
2. Tại sao Đức Giêsu lại lãnh nhận phép rửa của Gioan?
Quả thật, việc Đức Giêsu đòi
Gioan làm phép rửa cho mình là một chuyện nghịch lý. Nhưng Ngài có lý của Ngài.
Chắc chắn Ngài chịu phép rửa của Gioan không phải như những người Do Thái khác
là để tỏ lòng sám hối tội lỗi, vì bản thân Ngài hoàn toàn vô tội. Chính phép
rửa của Gioan là để chuẩn bị tâm hồn con người đón Ngài đến, thì tại sao Ngài
lại chịu phép rửa của Gioan? Ngài chịu phép rửa của Gioan là vì:
– Tuy bản thân Ngài hoàn toàn vô
tội, nhưng Ngài là Đấng gánh tội trần gian, nghĩa là Ngài chất đầy tội lỗi của
nhân loại trên bản thân mình. Vì thế, trước mặt Thiên Chúa, với tư cách đại
diện cho toàn nhân loại, Ngài phải tự liệt mình vào hàng tội nhân cần phải sám
hối. Và Ngài sám hối thay cho toàn nhân loại, tương tự như Môsê (x. Xh 9,27;
32,31-32; Lv 8,14-15), Nêhêmi (x. Nkm 1,6-7), Ét-ra (x. Er 10,1.6) và Đanien
(x. Đn 10,2) đã từng làm.
– Với tư cách Đấng Cứu Chuộc
nhân loại, Ngài muốn hòa mình với loài người tội lỗi để cùng họ sám hối trước
mặt Thiên Chúa. Đây quả là thái độ khiêm nhường và đầy tình yêu, một thái độ
cần thiết phải có để được tha tội, và riêng đối với Ngài, để chuộc tội cho nhân
loại trước Thiên Chúa. Thái độ này khác hẳn với thái độ của người Pharisêu,
thích tự coi mình là những người thánh thiện, muốn được tách biệt hẳn với đa số
dân chúng mà họ coi là tội lỗi.
– Ngài muốn đánh dấu việc bắt
đầu cuộc đời công khai của mình bằng hành động sám hối thay cho nhân loại, và
kết thúc cuộc đời Ngài bằng việc chết trên thập giá để đền tội thay cho nhân
loại. Cái chết của Ngài chính là «phép rửa bằng lửa» (x. Mt 3,11) cho
những ai tin vào Ngài và sống giới răn yêu thương của Ngài. Phép rửa này có khả
năng xóa sạch tội lỗi của họ trước mặt Thiên Chúa. Nhờ đó, toàn cuộc đời công
khai của Ngài mang ý nghĩa sám hối và đền tội thay cho nhân loại.
– Ngài muốn ủng hộ phép rửa và
chủ trương phải sám hối của Gioan. Vì muốn gia nhập Nước Trời, công việc cần
thiết đầu tiên là phải sám hối, nhìn nhận tội lỗi mình trước Thiên Chúa, quyết
tâm sống đời sống mới, mặc lấy những quan niệm mới và thay đổi cách sống cho
phù hợp với quan niệm mới ấy… Sám hối mà Gioan đòi hỏi không chỉ là thứ sám hối
xuông theo nghi thức, chỉ tỏ vẻ hối hận nhưng sau đó không có gì thay đổi cả,
mà là thứ sám hối đòi buộc phải có «hoa quả chứng tỏ lòng sám hối» (Mt
3,8).
3. «Chúng
ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính»
Khi Đức Giêsu yêu cầu Gioan làm
phép rửa cho Ngài, Gioan một mực can ngăn, nhưng Ngài bảo: «Chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức
công chính». Đức công chính đòi hỏi phải hành xử phù hợp với thực trạng của
mình. Đức Giêsu đại diện cho cả nhân loại tội lỗi, đi sai trệnh đường lối Thiên
Chúa, nên Ngài phải đại diện cho toàn nhân loại sám hối trước mặt Thiên Chúa.
Người có tội mà nhìn nhận tội lỗi mình đồng thời sám hối và quyết tâm sửa đổi,
thì người ấy mới trở nên công chính.
Sám hối không phải là nhìn nhận bản
chất mình là tội lỗi, trái lại phải nhận ra bản chất mình là «hình ảnh
của Thiên Chúa», «được tạo dựng giống như Thiên Chúa» (St 1,26-27),
là «con cái Thiên Chúa» (Lc 20,36; Rm 8,14.16; Gl 3,26), và mang trong
mình bản tính thần linh của Ngài (2Pr
1,4), nhưng lại sống không đúng với bản chất cao cả ấy của mình. Chính vì thế,
chúng ta làm nhục Thiên Chúa. Tương tự như một hoàng tử, là cành vàng lá ngọc,
mà lại làm những việc đê tiện, bỉ ổi khiến vua cha phải xấu hổ vì con. Thật
vậy, nếu bản chất của ta là tội lỗi thì khi ta sống trong tội lỗi, ta không có
gì đáng trách vì ta đã sống đúng với bản chất của mình. Tương tự như một người
hạ tiện làm công việc hạ tiện thì không có gì đáng xấu hổ. Nhưng bản chất ta là
thánh thiện, nếu ta lại chấp nhận vùi mình trong tội lỗi, thì ta thật đáng
trách. Chẳng khác gì một người có tấm thân ngọc ngà mà lại cam lòng vùi mình
vào đám phẩn hôi.
Nếu ta chưa sống đúng với bản
chất thánh thiện cao cả của mình, thì sự công chính đòi hỏi ta phải sám hối.
Sám hối là phải thay đổi quan niệm và trở thành «con người mới» (Ep
4,24; Cl 3,10), đúng với bản chất thánh thiện và cao cả ấy. Vì nhân loại đầy
tội lỗi, Đức Giêsu đã phải thực hiện sự sám hối ấy với tư cách đại diện cho
toàn nhân loại, để nhân loại nên công chính trước Thiên Chúa. Phần chúng ta,
chúng ta cũng phải «làm như vậy để giữ
trọn đức công chính».
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha,
Đức Giêsu thánh thiện và hoàn toàn vô tội, thế mà vì yêu thương nhân loại tội
lỗi, Ngài đã gánh lấy tội lỗi nhân loại, và tự liệt mình vào hàng những người
tội lỗi cần phải sám hối. Còn con thì lại hành động ngược lại, con tuy tội lỗi
nhưng lại thích được người khác tôn vinh và đối xử như một người thánh thiện.
Con rất ngại phải nhìn nhận mà chỉ muốn chối phăng những tội lỗi của mình. Ôi,
xin cho con biết hành xử như Đức Giêsu khi xin Gioan làm phép rửa cho mình.
Joan
Nguyễn Chính Kết