Lễ Đêm Giáng Sinh
(24-12-2004)
Những nghịch lý
trong biến cố Giáng Sinh
ĐỌC LỜI CHÚA
· Is 9, 1-6: (5) Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một
người con đã được ban tặng cho ta.
· Tt 2, 11-14: (12) Chúng ta phải từ bỏ lối sống vô
luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế
gian.
· TIN MỪNG: Lc 2, 1-20
Đức Giêsu sinh ra tại Bêlem
(1) Thời ấy, hoàng đế Augúttô ra chiếu chỉ,
truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. (2) Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông
Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyri. (3) Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. (4) Bởi thế, ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê lên thành
vua Đavít tức là Bêlem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đavít. (5) Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là
bà Maria, lúc ấy đang có thai. (6) Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn
nguyệt khai hoa. (7) Bà sinh con trai đầu lòng, lấy
tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong
nhà trọ.
(8) Trong vùng ấy, có những người chăn
chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. (9) Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu
toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. (10) Nhưng sứ thần bảo họ: «Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng
trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: (11) Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong
thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. (12) Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp
thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ». (13) Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất
tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: (14) «Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho
loài người Chúa thương».
(15) Khi các thiên sứ từ biệt mấy
người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: «Nào chúng ta sang Bêlem, để xem sự việc đã xảy ra,
như Chúa đã tỏ cho ta biết». (16) Họ liền hối
hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong
máng cỏ. (17) Thấy thế,
họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. (18) Nghe các
người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. (19) Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy
đi nghĩ lại trong lòng. (20) Rồi các
người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ
đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Tại
sao Đức Giêsu không sinh ra trong cảnh giàu sang, uy quyền cho xứng với địa vị
Con Thiên Chúa, mà lại sinh trong cảnh thấp hèn nhất của con người?
2. Toàn
dân Do Thái đều trông đợi Đấng Cứu Thế đến, thế mà khi Ngài đến, Ngài lại không
báo cho ai, kể cả những người chính thức đại diện cho dân, mà chỉ báo cho các
mục đồng, là những kẻ hèn kém nhất trong dân?
3. Những
người quyền thế trong dân về tôn giáo cũng như xã hội khi biết Đức Giêsu sinh
ra tại Bêlem, họ đã làm gì? phản ứng thế nào? Tại sao họ phản ứng như vậy? Não
trạng của họ đúng đắn và hợp với đường lối của Thiên Chúa không?
Suy tư gợi ý:
1. Hoàn cảnh ra đời của Đức Giêsu
Theo
thông lệ đã bao đời, cứ 14 năm một lần, hoàng đế Rôma lại ra lệnh kiểm tra dân
số trên toàn đế quốc để có cơ sở thu thuế và tuyển lính. Mọi người dân đều phải
về nguyên quán mình để khai hộ khẩu. Vì Bêlem là nơi sinh trưởng của vua Đavít,
tổ tiên Giuse, nên ông phải đưa Maria vợ mình đang mang thai từ Nadarét về đấy
khai hộ khẩu. Hành trình từ Nadarét về Bêlem khoảng 80 dậm (#130 km). Vì phương
tiện di chuyển quá đơn sơ, hai vợ chồng nghèo phải vất vả lắm mới tới nơi. Nơi
đất lạ, vì nghèo không tìm được chỗ trọ, hai vợ chồng phải tá túc đỡ ở một
chuồng súc vật ngoài đồng cỏ. Không may, Maria đã đến ngày sinh con, hai vợ
chồng nghèo đành phải sinh con ngay tại nơi trọ nghèo nàn ấy.
2. Đức Giêsu chấp nhận cảnh thấp hèn ngay từ khi
sinh ra đời
Không có
gì nhục nhã và đau lòng cho bằng phải ra đời trong một chuồng súc vật, chẳng
những thiếu đủ mọi thứ mà còn dơ bẩn, hôi hám! Thử hỏi: cả 80 triệu dân Việt,
một dân tộc hiện đang bị xếp vào loại nghèo khổ nhất thế giới, đã có mấy người
phải sinh ra trong cảnh tệ hại như thế? Thế mà Đức Giêsu, Con Thiên Chúa vô
cùng cao sang, cũng chính là Vua Vũ Trụ, lại phải sinh ra trong hoàn cảnh như
thế! Tuy nhiên, tất cả mọi việc xảy ra đều nằm trong chương trình của Thiên
Chúa, đều ứng nghiệm những gì các ngôn sứ đã loan báo mấy trăm năm trước về
Đấng Cứu Thế.
Đang khi nhân loại ai cũng tìm sự giàu sang, quyền thế, địa vị, danh dự cho mình và người thân mình, thì Thiên Chúa Cha lại tìm sự nghèo khó, thấp hèn, nhục nhã cho Người Con vô cùng yêu quí của mình. Suốt đời mình, Đức Giêsu cũng hành động tương tự: đang khi nhân loại ai cũng tìm đủ cách đưa mình lên thật cao, thì Đức Giêsu lại tìm đủ cách để tự hạ mình xuống thật thấp. Chính vì con người cứ muốn tự đưa mình lên thật cao và sẵn sàng đè người khác xuống nên nhân loại mới phát sinh ra muôn vàn giống tội và phải chịu biết bao khổ ải. Vì thế, muốn cứu chuộc nhân loại, Đấng Cứu Thế phải hành động ngược lại khuynh hướng tội lỗi ấy là tự hạ mình xuống thật thấp để nâng mọi người lên. Đúng như thánh Phaolô nói: «Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có» (2Cr 8, 9). Để cứu rỗi nhân loại, nếu Thiên Chúa đã phải theo đường lối ấy, thì những kẻ muốn cộng tác với Ngài trong công cuộc cứu rỗi, lẽ nào đi ngược lại đường lối ấy mà lại thành công được? Nghĩa là nếu cứ thích mình được đề cao, thích sống trên đầu trên cổ người khác, thì cứu rỗi được ai?
3. Những kẻ được loan báo về việc giáng sinh của
Đức Giêsu
Có sự
nghịch lý quá lớn trong việc Con Thiên Chúa vô cùng cao sang lại chấp nhận cảnh
vô cùng nghèo hèn để giáng sinh hầu cứu chuộc con người. Tuy nhiên vẫn còn một
nghịch lý rất lớn khác trong biến cố này. Khi Ngài sinh ra thì toàn dân Do Thái
– kể cả giới lãnh đạo Do Thái giáo (các thượng tế, tư tế, kinh sư, luật sĩ…) –
đang trông chờ và mong đợi Đấng Cứu Thế mà các ngôn sứ đã từng loan báo trước
đó mấy trăm năm. Mấy trăm năm toàn dân mong đợi, thế mà khi Đấng Cứu Thế đến,
Thiên Chúa đã chẳng sai các thiên sứ đến báo tin cho các vị chức sắc cao cấp
trong tôn giáo Do Thái cũng như nhà cầm quyền Do Thái, là những người chính
thức đại diện cho tuyển dân của Ngài. Mà chỉ báo tin cho các mục đồng, đại diện
cho hạng người hèn kém nhất trong tôn giáo và trong xã hội! Quả thật, dưới con
mắt loài người, Thiên Chúa tỏ ra «chẳng biết điều» tí nào! Ngài chẳng biết
cách xử sự theo kiểu loài người! Tại sao vậy?
Đối với
Thiên Chúa, kẻ có giá trị trước mắt Ngài là những tâm hồn đơn sơ chân thành,
sẵn sàng đón nhận chân lý, chứ không phải là những người có chức tước trong xã
hội hay tôn giáo, dù có cao cấp đến đâu! Hãy thử xét xem thái độ của các mục
đồng và những kẻ quyền thế thời đó. Các mục đồng khi được báo tin, thì hối hả
đến và thờ lạy Đấng Cứu Thế vừa sinh. Họ có thể tin ngay rằng đứa bé yếu đuối
và nghèo nàn kia, được sinh ra trong cái chuồng súc vật của họ, chính là Đấng
Cứu Thế muôn dân đang trông đợi. Cho dẫu chính họ, những kẻ thấp hèn nhất trong
xã hội và tôn giáo, cũng không bao giờ nỡ sinh con mình ở cái nơi dơ dáy thấp hèn
ấy! Tuy nhiên, cảnh thấp hèn ấy không phải là điều cản trở họ tin. Bài Tin Mừng
cho biết niềm tin và thái độ của họ sau khi gặp hài nhi Giêsu: «Các người
chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa».
Còn
những kẻ quyền thế trong xã hội và tôn giáo thì sao? Họ không thể tin được điều
ấy. Não trạng họ rất khác với các mục đồng! Làm sao họ có thể tin và chấp nhận
được Đấng Cứu Thế của toàn dân lại sinh ra thấp hèn như vậy! Mà dẫu họ có được
báo tin, họ cũng chẳng thèm đến với Đấng Cứu Thế thấp hèn và nghèo nàn ấy làm
gì! Người khác phải đến với họ, chứ làm gì có chuyện họ phải đến với người
khác, trừ trường hợp người khác đó giàu sang hay có địa vị cao hơn họ! Cứ xem
phản ứng của họ thì biết: Khi được các nhà chiêm tinh phương Đông tới báo tin Đấng
Cứu Thế đã sinh ra thì vua Hêrôđê và những nhà lãnh đạo tôn giáo đã làm gì?
Hêrôđê thì cho quân đi tìm giết con trẻ Giêsu ngay, bất chấp phải giết oan bao
đứa trẻ khác. Các vị thượng tế và kinh sư thì cũng chỉ ngồi nhà chờ các nhà
chiêm tinh đến cho biết kết quả, mặc dù biết rất rõ Đấng Cứu Thế phải sinh ra
tại Bêlem. Và khi các nhà chiêm tinh không trở lại, họ cũng bỏ qua luôn.
4. Hai thái độ khác nhau
Truyền thống Kitô giáo cho rằng Tổng lãnh Thiên thần Luxifer vì không chấp nhận được Con Thiên Chúa nhập thể làm người, nghĩa là Thiên Chúa mà lại sống trong thân phận hèn kém hơn mình, nên đã phản loạn chống lại Thiên Chúa. Não trạng đó cũng là não trạng của rất nhiều người, kể cả các Kitô hữu bình dân và cao cấp! Mặc dù Đức Giêsu làm nhiều phép lạ tỏ tường, được dân chúng tin theo rất đông, nhưng giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái xưa không thể chấp nhận được Ngài là Đấng Cứu Thế. Tại sao? Vì họ thấy Ngài là người nghèo hèn (x. Mt 8,20), thất học (x. Ga 7,15), lại nói và làm rất nhiều điều ngược lại quan niệm của họ, như lỗi luật ngày sábát (x. Mt 12,1-14; Lc 6,6-11; ...), không chịu ăn chay (x. Mt 9,14), ăn không rửa tay (x. Mt 15,1-2; Lc 11,38), giao thiệp với những hạng người tội lỗi (x. Mt 9,10-11; Lc 5,29-30), v.v… Họ cho rằng họ là chân lý, nên ai nói hay hành động khác với họ đều sai. Nếu những người ấy có quyền phép thì đó là quyền phép ma quỷ (x. Mt 9,34; 12,24).
Đối với
họ, chỉ những điều mà người có uy quyền trong tôn giáo nói mới là chân lý thôi!
Chân lý không thể phát xuất từ môi miệng những hạng bình dân, thấp kém trong xã
hội hay tôn giáo được. Do đó, khi các ngôn sứ xuất hiện – thường xuất thân từ
giới bình dân, nghèo hèn – thì đều bị họ chê bai và ném đá vì những lời nói mà
họ cho là ngang ngược (x. Mt 23,37; Lc 6,23). Họ chỉ ca tụng và ưu đãi những
ngôn sứ giả là những người có uy quyền, lại nói vừa lòng họ, lọt lỗ tai họ (x.
Lc 6,26). Cũng vậy, khi Đức Giêsu đến, những mặc khải mới về chân lý của Ngài
không sao lọt tai họ được, nên họ phải tìm cách trừ khử cho bằng được!
Ngày nay, con người – kể cả các tín đồ trong mọi tôn giáo – vẫn thường có não trạng như thế. Người có thế giá trong tôn giáo nói bất cứ điều gì cũng được họ cho là đúng, là có giá trị, cho dù họ thấy có gì đó không hợp lý. Cũng có khi họ mù quáng đến độ không thể thấy được sự bất hợp lý trong những lời nói đó. Còn những người bình dân, thấp hèn mà nói, thì dù có hợp lý đến đâu, cũng đều vô giá trị. Chính vì thế, nếu thời nay những ngôn sứ của Thiên Chúa có đến, chắc chắn cũng các vị cũng phải đồng số phận hẩm hiu với những ngôn sứ các thời đại trước thôi! Và dẫu chính Đức Giêsu có đến lần nữa, Ngài cũng sẽ bị đối xử tương tự. Ngài lúc nào cũng vẫn là «viên đá vấp phạm» (x. Rm 9,33; 1Pr 2,8) cho nhiều người. Nhưng phúc thay những ai không vấp phạm vì Ngài! (x. Mt 11,6; Lc 7,23)
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, xin cho con nhận thức rằng người được Thiên Chúa
sai đến, dù có thấp hèn đến đâu cũng vẫn là người của Thiên Chúa. Xin cho con ý
thức được rằng chân lý dù được phát biểu bởi trẻ con hay người thấp hèn dốt nát
cũng vẫn là chân lý. Còn sai lầm dù được phát biểu bởi kẻ cao sang quyền thế
cũng vẫn là sai lầm. Đừng để con đồng hóa lý của kẻ mạnh, kẻ có quyền với chính
chân lý. Để nhờ đó, con có thể nhận ra Cha nơi những anh em nghèo hèn chung
quanh con, và nhận ra chân lý dẫu được phát biểu bởi những người mà con cho
thấp kém.
Joan Nguyễn Chính Kết