GIÁNG SINH – LỄ NỬA ĐÊM

(Lu-ca 2: 1-14)

 

          Viết về một biến cố vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, Đấng Cứu Thế giáng sinh, không phải là một điều dễ dàng.  Làm sao có thể diễn tả biến cố ấy trong mọi chiều kích, từ lịch sử cho tới ý nghĩa thần học, từ phạm vi nhỏ bé của gia đình Giu-se – Ma-ri-a cho đến gia đình nhân loại rộng lớn?  Thế mà thánh sử Lu-ca đã gợi ý đầy đủ để ta có thể tiếp tục suy niệm từng khía cạnh của biến cố Con Một Thiên Chúa làm người, tưởng như không bao giờ cạn nguồn.  Hôm nay ta chiêm ngưỡng hình ảnh Mẹ Ma-ri-a và Chúa Giê-su con trai đầu lòng của Mẹ tại Bê-lem.

 

a)  Bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa

 

          Có khi nào ta nghĩ đến những nét đẹp của một phụ nữ đang mang thai không?  Đó là những nét đẹp của một người đang mang sự sống trong bụng mình.  Bà ấy là người đầy tràn tình yêu, lúc nào cũng nghĩ đến, để ý chăm sóc và đặt tất cả hy vọng vào đứa con mình đang cưu mang.  Bà đang sống tình yêu đích thực, yêu “hết lòng, hết sức lực và hết tâm trí”.  Một bà mẹ bình thường đã cao đẹp như vậy, thì Mẹ Ma-ri-a, Đấng đang cưu mang Con Thiên Chúa (Lc 1:35) còn cao đẹp đến mức nào!

          Bà mẹ nào cũng mong đứa con ra đời bình an để được mẹ tròn con vuông.  Nhưng niềm mong đợi đôi khi cũng mang nhiều ý nghĩa khác nhau.  Có bà mẹ mong đợi đứa con ra đời để chấm dứt những cực nhọc của thời gian mang thai.  Nhưng thường các bà mẹ mong đợi để được thấy tận mắt niềm hy vọng của mình, hoa trái tình yêu của mình.  Mẹ Ma-ri-a cũng có thật nhiều lý do để mong đợi.  Trước hết Mẹ muốn được chiêm ngưỡng tận mắt quyền năng của Chúa Thánh Thần và của Đấng Tối Cao, không phải qua những kỳ công tạo dựng, mà là qua một hài nhi yếu ớt hoàn toàn trông cậy vào sự chăm sóc của Mẹ.  Quyền năng cao cả ấy đã hạ mình, thu nhỏ lại trong đôi tay che chở của Mẹ.  Mẹ sẽ được vinh dự chăm sóc cho Con Thiên Chúa mà Mẹ đã nhận làm Con của Mẹ.  Mẹ chờ đợi để với tính cách làm mẹ, được gọi tên “Giê-su”, tên mà sứ thần đã giải thích cặn kẽ:  “Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao...  Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”  Có lẽ nét đẹp nhất trong sự chờ đợi của Mẹ là được nhìn thấy kết quả của lòng vâng phục thánh ý Thiên Chúa.  “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”

          Thời điểm mãn nguyệt khai hoa bao giờ cũng thật quan trọng.  Chỉ một chút nữa thôi, niềm hy vọng cá nhân của Mẹ, đồng thời cũng là niềm hy vọng của toàn thể nhân loại sẽ được thể hiện.  Còn gì linh thiêng bằng thay mặt cho toàn thể nhân loại, Mẹ đón nhận Tình Yêu Thiên Chúa Nhập Thể, niềm Hy Vọng cứu rỗi và Đấng Em-ma-nu-en – Thiên Chúa ở cùng chúng tôi.  Nếu ta có thể diễn tả thời điểm từ biến cố Truyền Tin đến biến cố Giáng Sinh là một lời nguyện liên tục của Mẹ Ma-ri-a, thì thời điểm “đã đến ngày mãn nguyệt khai hoa” phải là cao điểm của lời nguyện ấy.  Cầu nguyện đích thực bao giờ cũng sinh hiệu quả.  Như vậy, lời cầu nguyện của Mẹ Ma-ri-a đã thực sự đem Đấng Cứu Thế đến cho nhân loại.

 

b)  “Bà sinh con trai đầu lòng”

 

          Theo cách suy nghĩ bình thường, ta hiểu ngay nếu Chúa Giê-su là “con trai đầu lòng” thì chắc Mẹ Ma-ri-a còn có ít ra một hoặc những người con khác nữa!  Hiểu như vậy là chưa đi vào ý nghĩa đích thực của Kinh Thánh.  Từ “con trai đầu lòng” đã được thánh Lu-ca sử dụng với những hàm ý thần học sâu sắc, chắc chắn không có ý nói Chúa Giê-su còn có những đứa em ruột khác, nhưng có ý nói Người là con trai đầu lòng của nhân loại được dâng hiến cho Thiên Chúa và hoàn toàn thuộc về Người như sách Xuất Hành đã ấn định (Xh 13:2,12,15).  Tư tưởng này làm sáng tỏ vai trò và trách nhiệm của Chúa Giê-su, Đấng gánh lấy tội lỗi nhân loại và sẽ hiến thân làm lễ hy sinh chuộc tội nhân loại.

          Nếu ta hiểu từ “con trai đầu lòng” theo chiều hướng Ki-tô học của thánh Phao-lô, thì vai trò của Chúa Giê-su, “trưởng tử của nhân loại mới”, lại càng được sáng tỏ hơn nữa.  Thực vậy, trong các thư Rô-ma 8:29, Cô-lô-xê 1:15-18, Do-thái 1:6 và sách Khải Huyền 1:5, Chúa Giê-su được gọi là “trưởng tử giữa đàn em đông đúc, trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, và Trưởng Tử được Thiên Chúa đưa vào thế giới”.  Với những danh hiệu ấy, Chúa Giê-su được tôn vinh là Con Thiên Chúa và con đầu lòng của cuộc tạo dựng mới sau khi Người đã đánh bại thần chết, tội lỗi và quyền lực của ma quỷ.

          Người con trai đầu lòng này ra đời có nghĩa là khởi đầu cho một nhân loại mới, chứ không phải cho riêng Mẹ Ma-ri-a.  Việc Giáng Sinh của Người đã được thánh Lu-ca chiêm ngưỡng như một cuộc tạo dựng mới, để theo hình ảnh của Chúa Ki-tô là trưởng tử, mọi người được mời gọi hãy biến đổi con người của mình theo khuôn mẫu ấy, trở nên đồng hình đồng dạng với Người (Rm 8:29; Pl 3:12).  Việc được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1:37) giờ đây đã được cụ thể hóa qua việc được biến đổi theo khuôn mẫu Đức Ki-tô, một phương thức hợp với tầm tay của nhân loại và ai cũng có thể thực hiện được.

          Hiểu theo ý nghĩa ấy, Giáng Sinh sẽ là lời mời gọi mỗi người hãy cố gắng trở thành một người em trong số đàn em đông đúc của Chúa Ki-tô.  Ta phải làm thế nào để đạt được mục đích Thiên Chúa đã đặt để cho đời ta?  Chúa Giê-su, qua lối sống, lời giảng và gương mẫu của Người, sẽ dạy ta, miễn là ta biết chấp nhận Người và làm môn đệ Người.

 

c)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Mẹ Ma-ri-a cưu mang Chúa Giê-su cho toàn thể nhân loại.  Tôi có đem Chúa đến cho anh chị em không?  Làm sao cho những người chung quanh nhận biết ơn cứu độ của Thiên Chúa qua lối sống của tôi?

          Giáng Sinh có thực sự là cơ hội để tôi chiêm ngưỡng Tình Yêu Thiên Chúa nhập thể không?  Tôi “nhìn” thấy gì qua hình ảnh Hài Nhi Giê-su?  Tôi đáp lại với những tâm tình nào?  Tôi học được gì qua những tâm tình của Mẹ Ma-ri-a?

          Tôi ý thức thế nào về hồng ân được làm “em” của Anh Cả Giê-su trong gia đình Thiên Chúa?

 

Cầu nguyện:

 

          “Giữa giá rét của mùa đông,

          xin cho con gặp Chúa.

          Giữa những long đong và bấp bênh của phận người,

          xin cho con gần Chúa.

          Giữa cành nghèo khó và trơ trụi,

          xin cho con thấy Chúa đi với con và hiểu con.

          Lạy Chúa Giê-su bé thơ nằm trong máng cỏ,

          xin cho con cảm được sự bình an của Chúa,

          ngay giữa những lo âu hằng ngày.

          Xin cho con đón lấy cuộc đời con

          với bao điều không như ý.

          Và cuối cùng,

          xin cho con dám sống như Chúa

          vì Chúa đã dám sống như con.”

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 59)

 

 

Lm Đaminh Trần đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà