Suy Niệm 3: "Chúng tôi đến thờ lạy Người."

 

Giờ Suy Niệm Ban Sáng
với Chủ Ðề của
Đại Hội Giới Trẻ 2005:


"Chúng tôi đến thờ lạy Người." (Mt 2,2)

 

Đức Ông Dr. Heiner Koch – TGP Köln
(được truyền thanh qua đài Radio WDR - Ðức quốc)

 

Suy Niệm 3:

Kính thưa quý thính giả,
xin gởi đến Quý Vị lời chào ban sáng!

Trong những cuộc tranh luận về tình hình chính trị nóng bỏng thì nghi vấn thường được đặt ra là sự tín nhiệm: dựa vào những nghị luận của chính trị gia nào, của đảng phái nào để nền kinh tế có thể tín cẩn được. Những điều ngày hôm ngay được tán đồng, ca ngợi thì điều ấy hôm sau bỗng nhiên trở thành tờ giấy nháp bị vất bỏ đi. Những gì mà nhiều người thường chỉ trích các chính trị gia đã là những điều căn bản chung cho xã hội đương thời: sự bền vững trong nó có lẽ chính là những gì không chắc chắn. Mọi sự cứ thường xuyên thay đổi. Đó cũng là những áp lực đang đè nặng nhiều người và làm cho họ phải thích nghi với những thay đổi và phải luôn luôn "cập nhật hóa." Và rồi nhiều người đã săn đuổi, chạy đua với cuộc sống thường ngày, không riêng gì trong công việc nghề nghiệp. Sự lo sợ bị "ra rìa" luôn bám lấy họ. Những ai muốn sống ngày hôm nay của ngày mai thì họ cũng mau đạt được một ngày mai của ngày hôm trước ấy. Một họa sĩ đã nói: "Khi tôi vẽ một bức tranh thì bức tranh đã lập tức lỗi thời trước khi những màu sắc vẽ trên ấy khô đi." Dựa trên những điều kiện này thì những khuynh hướng như sự trung tín và lòng tin cậy không có "đương thời" chút nào cả. Nó đã dần mất đi trong những mối tương quan giữa con người. Tinh thần trách nhiệm và sự gắn bó bền bỉ - thí dụ như trong hôn nhân đối với nhiều người - nó đã quá cũ và nó không còn hợp thời nữa.

Mặc dù như thế, nhưng mỗi người đều sống từ lòng trung thành và sự tín nhiệm của người khác. Con cái chỉ có thể triển nở nếu như các em có thể tin tưởng vào bố mẹ. Nếu không có sự liên hệ bền bỉ với bố mẹ - từ đó con cái cảm nhận được sự đùm bọc yêu thương - thì cuộc sống của chúng thật cằn cỗi. Kể cả trong khía cạnh khoa học kỹ thuật cũng vậy, nó cần sống dựa vào việc làm đáng tin cậy của những nhà nghiên cứu. Nhiều những tiến bộ sẽ không thành công, nếu như những khoa học gia không có nhiều kiên nhẫn và sự bền bỉ trong những công trình khoa học mà họ đang khám phá; nó cũng không thành nếu như lòng nhiệt thành và sự phấn khởi của phút ban đầu không còn đó nữa.

Lòng trung thành và sự tín nhiệm đã là điều kiện tiên quyết để cuộc sống con người được phát triển. Điều này cũng nằm trong cuộc sống của chúng ta đối với Thiên Chúa. Có thể trong một lúc nào đó chúng ta dễ đặt trọn niềm tin của mình vào Thiên Chúa và không ngừng cảm nhận được sự gần gũi của Ngài bên mình; nhưng cũng có những lúc trong cuộc đời, mình cảm chừng như Chúa xa mình, hay mình hoài nghi về sự hiện hữu của Ngài hay là chúng ta không còn đặt niềm hy vọng vào Ngài được nữa. Tưởng chừng đó là những lúc Chúa không còn đỡ nâng chúng ta nữa. Những lúc đau khổ và buồn tủi chúng ta vẫn thốt lên câu hỏi: Chúa ở đâu rồi vậy Chúa?

Trong tuần lễ này, chúng ta được dịp cùng đồng hành với Ba Vua từ Phương Đông trên chặng đường đến Bêlem. Ba Ngài cũng vậy, trên cuộc hành trình, các Ngài đã đánh mất Chúa trong tầm nhìn của mình. Các Ngài không còn biết đi tiếp như thế nào nữa, và con đường này sẽ dẫn họ về đâu. Các Ngài không còn thấy ngôi sao lạ dẫn đường, các Ngài không tìm đâu ra phương hướng để đi. Nhưng trong hoàn cảnh này, các Ngài quyết bám lấy cùng đích mà mình muốn đạt đến: các Ngài không bỏ cuộc, các Ngài cố gắng đi tìm cho bằng được vị Vua mới giáng sinh. Các Ngài đi hỏi, đi tìm khắp nơi. Các Ngài không thất vọng. Trong lúc này, lòng trung thành và lòng tin cậy của các Ngài đã là điều rất cần thiết vì rốt cuộc, chính điều này đã dẫn Ba Vua đến với Chúa Kitô. Nếu không có khả năng chịu đựng, không có lòng trung thành với Chúa, chính những lúc đi tìm Ngài, và nếu không có tinh thần trách nhiệm thì ngày hôm nay, chúng ta cũng sẽ không tìm thấy Thiên Chúa được.

Trong thời gian chuẩn bị cho những ngày Đại Hội Giới Trẻ 2005, một Bạn Trẻ tàn tật đã làm cho tôi nhận thấy rằng, thế nào là lòng trung thành. Vào dịp Lễ Lá vừa qua tại Rôma chúng tôi đón nhận cây Thánh Giá từ các bạn trẻ Canada và của Đức Thánh Cha, một dấu chỉ cho những ngày Đại Hội Giới Trẻ: Thánh Giá Đại Hội Giới Trẻ này, từ cuộc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần đầu tiên vào năm 1984, đã luôn cùng đồng hành cho những chuỗi ngày sau ấy. Chúng tôi đã đưa Thánh Giá Giới Trẻ về Köln, và đã được rất nhiều các Bạn Trẻ tại Đức quốc hân hoan đón mừng. Trong một cuộc hành hương vào ban đêm, nhiều Bạn Trẻ đã vác Thánh Giá đi bộ đến nhà thờ chính tòa tại Altenberg. Trong số các bạn trẻ này thì có một người tàn tật, nhân vật mà tôi đã nêu ra. Tôi có cảm giác rằng, đoạn đường đi theo sau Thánh Giá thật vất vả, gian nan cho anh Bạn tật nguyền nên tôi đã ngỏ lời mời anh đi chung một đoạn đường bằng xe Buýt, nhưng anh ta đã trả lời: "Chúa Giêsu đã phải đi trót đoạn đường vác Thập Giá" rồi anh ta cùng vác Thánh Giá đến Altenberg. Có lẽ anh ta là người biết hơn nhiều người khác: thế nào là ý nghĩa của cuộc đời nếu như chúng ta với lòng trung thành và lạc quan tin tưởng mà cùng vác Thập Giá của mình với Đức Kitô. Amen.

 

(Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Dũng)
Mục Vụ Công Giáo Việt Nam
miền Ðông Bắc Ðức
(www.DHGT-2005.net)


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà