Chúa Nhật
Lễ Hiển Linh
(2-1-2004)
Dân ngoại
đón tiếp ơn cứu độ của Đức Kitô
ĐỌC LỜI CHÚA
· Is 60,1-6: (2) Kìa
bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi Đức Chúa
như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi. (3) Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng
của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước.
· Ep
3,2-3a.5-6: (6) Mầu
nhiệm Đức Kitô là: trong Đức Kitô, nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa
kế gia nghiệp với người Dothái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ
điều Thiên Chúa hứa.
· TIN MỪNG: Mt 2,1-12
Các nhà chiêm tinh đến bái lạy Đức Giêsu Hài Nhi
(1) Khi Đức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem, (2) và hỏi: «Đức Vua dân Dothái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người». (3) Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao. (4) Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu. (5) Họ trả lời: «Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: (6) 'Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ítraen dân Ta sẽ ra đời». (7) Bấy giờ vua Hêrôđê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. (8) Rồi vua phái các vị ấy đi Bêlem và dặn rằng: «Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người. » (9) Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. (10) Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. (11) Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. (12) Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Các kinh sư Do Thái có tôn
giáo chân chính do chính Thiên Chúa thiết lập, còn các nhà chiêm tinh là dân
ngoại, bị dân Do Thái coi là theo tà giáo. Nhưng trong bài Tin Mừng này, ai là
người gặp được Đấng Cứu Thế Hài Nhi? Tại sao lại như vậy? Có phi lý không?
2. Có tôn giáo chân chính có
phải là điều bảo đảm sẽ gặp Thiên Chúa, sẽ được vào Nước Trời không? Không có
tôn giáo chân chính có phải là không thể gặp Thiên Chúa hay không thể vào Nước
Trời không? Vấn đề chính yếu hệ tại điều gì?
Suy tư gợi ý:
1. Một sự kiện xảy ra một cách oái oăm, nghịch lý
Điều đáng lưu ý trong bài Tin Mừng lễ Hiển Linh chính là việc Thiên Chúa mặc khải chân lý – ở đây là việc giáng sinh của Đấng Cứu Thế – một cách không chính thức cho dân ngoại, là những người không thuộc tôn giáo chính thống của Ngài, và họ đã đạt được chân lý hay đã gặp được Đấng Cứu Thế.
Trong bài Tin Mừng này, ta thấy
có hai hạng người:
1. Dân Do Thái, cụ thể là giới
lãnh đạo xã hội và tôn giáo, là dân được Thiên Chúa tuyển chọn và có tôn giáo
chính thống của Thiên Chúa. Dân Do Thái đã được Thiên Chúa chính thức mặc khải
việc Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra qua các ngôn sứ trước đó hàng mấy trăm năm, mặc
khải này đã được ghi lại trong Kinh Thánh, và toàn dân đều mong đợi Đấng Cứu
Thế đến. Có Thánh Kinh trong tay, giới lãnh đạo xã hội và tôn giáo của Do Thái
biết Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra tại Bêlem.
2. Dân ngoại, mà đại diện là «mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông» (Mt
2,1). Họ không có tôn giáo chính thống của Thiên Chúa, cũng không có Kinh Thánh
trong tay, vì thế họ không biết chính xác Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra và sinh ra ở
đâu. Nhưng Thiên Chúa cho họ biết Đấng Cứu Thế đã sinh ra nhờ một phương tiện
khác, có thể là kiến thức khoa học hay tôn giáo riêng của họ.
Kết quả là những người có tôn
giáo chính thống, có Kinh Thánh trong tay, biết được chính xác nơi sinh ra của
Đấng Cứu Thế lại không gặp được Ngài vì họ không thèm đi tìm. Còn những người
không có tôn giáo chính thống, chỉ biết được Ngài sinh ra một cách rất mơ hồ,
lại gặp được Đấng Cứu Thế, vì họ đã quyết tâm tìm kiếm Ngài. Sự kiện này phải
làm chúng ta suy nghĩ và rút ra bài học.
2. Biết xuông không đủ, phải biến cái biết thành cuộc sống
Sự kiện trên cho chúng ta thấy:
việc có tôn giáo chính thống hay biết được những mặc khải chính thức của Thiên
Chúa là một điều rất thuận lợi để đạt được chân lý hay để gặp được Thiên Chúa.
Nhưng có đạt được chân lý hay có gặp được Thiên Chúa hay không còn tùy thuộc
vào thiện chí và nỗ lực tìm kiếm của con người. Những người Do Thái – cụ thể nhất
là giới lãnh đạo Do Thái giáo – tuy biết được chính xác Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra
tại Bêlem, nhưng họ chỉ biết để mà biết, để rao truyền, để thông tin cho người
khác, chứ không phải để sống hay để thực hiện điều mình biết. Nên cuối cùng
những thuận lợi hay kiến thức ấy trở thành vô ích cho họ. Còn dân ngoại – mà
các nhà chiêm tinh là một điển hình – tuy được Thiên Chúa mặc khải chân lý một
cách mù mờ không chính xác, nhưng nếu họ có thiện chí, và nỗ lực tìm kiếm để
đạt đến chân lý, để gặp Thiên Chúa, thì cuối cùng Ngài cũng giúp họ đạt được
điều họ tìm kiếm. Đúng như lời của Đức Giêsu: «Ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa
thì cửa sẽ mở cho họ» (Mt 7,8). Vậy vấn đề quan trọng là ta có nỗ lực đi
tìm hay thực hiện điều mình biết hay không.
Nếu các nhà chiêm tinh cũng có
não trạng như giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái, thì khi «thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông» (Mt 2,2), họ cũng
sẽ chỉ coi đó như một kiến thức như bao kiến thức khác chẳng ảnh hưởng gì đến
họ, và họ sẽ chẳng gặp được Đấng Cứu Thế. Nhưng trong thực tế họ đã quyết tâm
lên đường tìm kiếm Ngài. Và Thiên Chúa đã giúp họ bằng cách cho ngôi sao dẫn
đường đến nơi Đấng Cứu Thế sinh ra. Điều khiến họ hơn hẳn những người được
chính thức mặc khải là việc dấn thân tìm kiếm. Kết quả cho thấy nỗ lực tìm kiếm
chân lý hay Thiên Chúa có giá trị hơn việc biết được những mặc khải chính thức
rất nhiều.
3. Đừng vội tự mãn về việc mình có tôn giáo chân chính
Vì thế, chúng ta đừng vội tự hào
rằng tôn giáo của chúng ta là tôn giáo chân chính, và cứ thế mà an tâm vì chúng
ta đã được Thiên Chúa mặc khải cho những chân lý bảo đảm nhất. Nếu chúng ta
quyết tâm lợi dụng tôn giáo chính thống hay những mặc khải chính thức để tìm
gặp Thiên Chúa, thì chúng ta có lợi thế hơn người ngoại giáo rất nhiều. Nhưng
nếu chúng ta ỷ lại vào lợi thế đó để khỏi phải cố gắng sống đúng theo những mặc
khải đó thì coi chừng chúng ta sẽ chẳng đạt được gì cả. Chuyện ngụ ngôn thỏ và
rùa chạy đua là một bài học rất đích đáng cho những người có tôn giáo chính
thống như chúng ta. Thỏ có nhiều thuận lợi để thắng cuộc hơn rùa rất nhiều,
nhưng chính vì ỷ lại vào những thuận lợi đó mà thỏ đã thua cuộc. Cũng vậy,
người đi bộ hay đi chiếc xe đạp cọc cạch mà quyết tâm tới đích thì vẫn bảo đảm
sẽ tới đích hơn là người có chiếc xe hơi thật tốt thật nhanh nhưng lại không
quyết tâm đi tới đích ấy.
Qua bài Tin Mừng về lễ Hiển
Linh, ta thấy để gặp được Thiên Chúa, cần có hai yếu tố: về phía Thiên Chúa, ta
cần phải được Thiên Chúa soi sáng, chỉ dẫn, mời gọi và giúp sức; về phía ta,
chính ta phải đáp lại lời mời gọi và nỗ lực tìm kiếm Ngài. Thiếu một trong hai
yếu tố đó, việc gặp Thiên Chúa không thể thành tựu được. Yếu tố về phía
Thiên Chúa luôn là yếu tố khởi động: Ngài mời gọi ta trước, và Ngài
để ta được hoàn toàn tự do trong việc đáp lại hay từ chối lời mời gọi của Ngài.
Yếu tố về phía ta vẫn là yếu tố chủ động mang tính quyết định.
Đối với các kinh sư Do Thái, qua Kinh Thánh, Thiên Chúa đã cho họ biết Đấng Cứu
Thế sẽ sinh ra. Họ được mặc khải rõ ràng, được mời gọi một cách ưu tiên hơn và
trân trọng hơn các nhà chiêm tinh rất nhiều, nhưng họ lại không chủ động đáp
lại lời mời gọi ấy. Còn đối với các nhà chiêm tinh, Thiên Chúa đã cho họ thấy
vì sao của Đấng Cứu Thế. Họ tuy được mặc khải rất ít, và không được ưu tiên mời
gọi, nhưng lại chủ động đáp lại lời mời gọi và lên đường tìm kiếm. Thiên Chúa
đã giúp họ tìm kiếm bằng ngôi sao dẫn đường, và họ đã tìm được Đấng Cứu Thế.
Từ đó, ta có thể kết luận: yếu
tố quan trọng để gặp Chúa không nằm ở việc có tôn giáo chính thống cho bằng ở
chính nỗ lực của con người có quyết tâm đáp lại lời mời gọi của Ngài và có tìm
Ngài hay không. Người không có tôn giáo chân chính vẫn có thể gặp được Ngài nếu
quyết tâm và nỗ lực tìm kiếm Ngài. Ngược lại, người có tôn giáo chân chính mà
thiếu nỗ lực đó thì tôn giáo chân chính trở nên vô ích đối với họ. Chính vì
thế, Đức Giêsu mới nói: «Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự
tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời. Nhưng con cái
Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc
lóc nghiến răng» (Mt 8,11-12).
Thánh Phaolô quảng diễn ý tưởng
ấy rõ ràng hơn: «Phép cắt bì hẳn là có ích nếu bạn thi hành Lề Luật. Nhưng
nếu bạn vi phạm Lề Luật, thì bạn có được cắt bì cũng kể như không cắt bì»
(Rm 2,25). Câu này cho thấy phép cắt bì hay rửa tội, dấu chứng của người
có tôn giáo chân chính, sẽ trở nên vô ích nếu ta không tuân giữ luật của Thiên
Chúa. Thánh Phaolô viết tiếp: «Trái lại, nếu người không được cắt bì mà giữ
những điều Luật dạy, thì tuy họ không được cắt bì, Thiên Chúa lại chẳng coi họ
như đã được cắt bì sao? Người không được cắt bì trong thân xác mà vẫn chu toàn
Lề Luật, người ấy sẽ lên án bạn, vì bạn có Lề Luật ghi chép hẳn hoi và bạn đã
được cắt bì, mà vẫn vi phạm Lề Luật» (Rm 2,26-27). Lời này cho thấy người
không được cắt bì hay rửa tội, nếu sống đúng thánh ý Thiên Chúa, tuân giữ luật
Chúa được ghi khắc trong lương tâm họ (x. Rm 2,15) – nghĩa là yêu mến Thiên
Chúa bằng đời sống yêu thương tha nhân, sống trọn tình trọn nghĩa – thì họ cũng
được Thiên Chúa coi như đã được cắt bì hay rửa tội. Vì thế, điều quan trọng đối
với chúng ta, người Kitô hữu, là phải làm theo thánh ý Thiên Chúa, giữ đúng
luật mới và cũng là duy nhất của Đức Kitô là «Anh em hãy yêu thương nhau như
Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34). Không giữ luật của Ngài thì việc
theo Chúa hay có tôn giáo chân chính của ta chẳng những trở nên vô ích, mà còn
là lý do để Thiên Chúa kết án ta nữa.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha,
Cha đã mặc khải chân lý cho con qua Đức Giêsu. Đó là một thuận lợi đặc biệt cho
con hơn những người ngoài Kitô giáo để sống đúng là con cái Cha và đáng được
hưởng hạnh phúc vĩnh cửu mà Cha dành cho con cái mình. Xin giúp con ý thức hồng
ân cao cả ấy để con sống đúng là con cái hiếu thảo của Cha, sống đúng thánh ý
Cha là sống có tình có nghĩa với Cha và với tất cả mọi người chung quanh con.
Nếu không, tất cả những chân lý mà Cha mặc khải cho con đều trở nên vô ích và
còn nên cớ cho con bị lên án trong ngày phán xét cuối cùng nữa.
Joan
Nguyễn Chính Kết