LỄ VỌNG CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

(Gio-an 7: 37-39)

 

          Cuối đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh Gio-an khẳng định:  “Bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giê-su chưa được tôn vinh” (Ga 7:39).  Điều này giúp ta thấy rõ hơn vị trí của lễ Chúa Giê-su lên trời được đặt trước lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, không phải chỉ theo thứ tự thời gian mà còn theo ý nghĩa của biến cố nữa.  Khi còn tại thế, sự hiện diện của Chúa Giê-su và sứ mệnh của Người là điều thế giới mong chờ, nhất là cái chết cứu chuộc Người đã dùng để giải phóng nhân loại khỏi quyền lực tội lỗi.  Trong khi rao giảng, Chúa Giê-su đã không ngừng kêu gọi người ta đến với Người.  “Hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng...  Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11:28-29).  Giờ đây tuy Người trở về với Thiên Chúa Cha, nhưng Người vẫn ở lại với nhân loại qua Thánh Thần.  Do đó, Người vẫn tiếp tục kêu gọi người ta đến với Người trong Thánh Thần:  “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống.  Như Kinh Thánh đã nói:  Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7:37-38).  Lời hứa ban Thánh Thần, nước hằng sống, của Chúa Giê-su chính là đề tài mà Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời ta suy niệm ý nghĩa và đáp lại lời mời ấy.

 

a)  Thời gian và nơi chốn của lời hứa ban Thánh Thần

 

          Có thể ta ít chú ý tới chi tiết phụ thuộc là thời gian và không gian được nhắc đến trong sách Tin Mừng.  Nhưng đối với Tin Mừng Gio-an, những mốc thời gian và không gian bao giờ cũng là điều quan trọng, soi sáng cho ta hiểu rõ hơn được ý nghĩa của chính biến cố.  Ở đây thời gian là “ngày bế mạc tuần lễ Lều, và là ngày long trọng nhất”, còn không gian là “trong Đền Thờ”.

          Lễ Lều được cử hành vào mùa thu, sau khi mùa màng được thu hoạch.  Khách hành hương kéo về thánh đô, dựng lều và ở lại trong bảy ngày, tham dự những cuộc rước tưng bừng.  Mỗi ngày các tư tế rước nước lấy từ hồ Si-lô-a đem về tưới lên bàn thờ.  Các phụ nữ thì nhảy múa ca hát thâu đêm tại tiền đình dưới ánh đèn rực rỡ.  Mọi người cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho mùa màng gặt hái tốt đẹp.  Có lẽ thánh sử Gio-an muốn ghi lại  thời điểm này để nhắc nhở ta về hoa trái quan trọng nhất Chúa Giê-su ban cho nhân loại khi Người “trao Thần Khí” từ trên thập giá (Ga 19:30).  Đó là hoa trái “Thánh Thần”, sự sống cho cuộc tạo dựng mới Thiên Chúa khởi sự.

          Khi hứa ban Thánh Thần, Chúa Giê-su đứng trong Đền Thờ.  Hình ảnh này thể hiện điều ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã tiên báo trước đây:  “Có nước vọt ra từ dưới ngưỡng cửa Đền Thờ và chảy về phía đông, vì mặt tiền Đền Thờ quay về phía Đông.  Nước từ phía dưới bên phải Đền Thờ chảy xuống phía nam bàn thờ...  chảy tới đâu thì nó chữa lành, chảy đến đâu thì ở đó có sự sống” (Ed 47:1-12).  Đã có lần khi tỏ ra cho người phụ nữ Sa-ma-ri biết Người là ai, Chúa Giê-su đã nói với bà:  “Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa.  Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4:14).  Như thế, đứng trong Đền Thờ, Chúa Giê-su chính là mạch nước ban sự sống cho những ai khao khát được sống đời đời.

 

b)  “Ai khát, hãy đến với tôi;  ai tin vào tôi, hãy đến mà uống”

 

          Lời mời gọi không phân biệt giai cấp, màu da, ngôn ngữ.  Tuy nhiên mọi người đều mang một mẫu số chung:  khát nước.  Con người khát tình yêu của Thiên Chúa, khát ơn cứu độ.  Ai ai cũng lo lắng về tương lai:  tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? (Lc 10:25).  Họ chỉ có được câu trả lời duy nhất:  hãy đến với Chúa Giê-su, Đấng đã đến “để chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10:10).

          Nhưng đến với Chúa Giê-su với cung cách như thế nào mới là điều quan trọng.  Có những kẻ đến với Chúa để “thử thách, bắt bẻ, gài bẫy” Người.  Có những người đến chỉ để xin ân huệ, sau khi được là đi luôn, không quay đầu trở lại, giống như chín người phong hủi (Lc 17:11-19) hoặc người đau ốm đã ba mươi tám năm (Ga 5:1-18) đã được Chúa chữa lành.  Nhưng ta phải đến với Chúa Giê-su với tất cả lòng tin.  Lòng tin là điều Chúa luôn đòi hỏi phải có.  Người thường hỏi những kẻ Người sẽ chữa lành:  Con có tin không?  Chúa Ki-tô Phục sinh là nguồn mạch ban Thánh Thần.  Do đó, nếu ta không tin vào Chúa Ki-tô, ta không thể lãnh nhận được Thánh Thần.  Thánh Gio-an đã xác quyết điều kiện này khi ngài chú giải:  “Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận.”  Hoặc nói khác đi, thánh Gio-an muốn bảo ta rằng chỉ ai tin vào Chúa Giê-su mới lãnh nhận được Thánh Thần của Người mà thôi.  Lãnh nhận Thánh Thần giống như uống nước để được sống.  Vì Thánh Thần là mạch nước sự sống của ta, cho nên không đến mà uống là sự sống thiêng liêng của ta không thể tồn tại.

          Lời mời gọi của Chúa Giê-su cũng mang tính cách trang trọng và khẩn thiết.  Thánh Gio-an viết:  “Đức Giê-su... lớn tiếng nói rằng”.  Người muốn nói lớn tiếng để ta không thể bào chữa là mình không nghe thấy.  Người nói lớn tiếng để những con chiên lạc nghe được tiếng của Mục Tử Nhân lành, vì Người không muốn mất đi một con chiên nào.  Người nói lớn tiếng để ta hiểu rõ được Người muốn nói điều gì.  Thực vậy, sứ điệp của Chúa Giê-su ngắn gọn và rõ ràng.  Càng ngắn gọn và rõ ràng, sứ điệp càng mạnh mẽ và quan trọng.

 

c)  Từ Chúa Thánh Thần sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống

 

          Chúa Giê-su Phục sinh ban cho ta sự sống mới, đó là sống trong Thần Khí của Người.  Dân Do-thái xưa kia lấy Lề Luật làm lẽ sống.  Còn Dân Chúa hôm nay lấy Thánh Thần làm nguyên lý sống, tức là lối sống và chính sự sống của Chúa Ki-tô phải được thể hiện nơi họ.  Nói theo thánh Phao-lô, “đối với tôi, sống là Đức Ki-tô” (Pl 1:21).

          Thánh Thần luôn hoạt động để đưa vào linh hồn ta sự sống của Chúa Ki-tô nếu ta biết mở lòng đón nhận sự sống ấy.  Chúa Giê-su muốn ta được sống dồi dào, cho nên Người cũng muốn ban cho ta được dồi dào Thánh Thần.  Lời ngôn sứ I-sai-a nói lên lòng quảng đại của Chúa Giê-su khi ban Thánh Thần cho ta:  “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây!  Dầu không có tiền bạc, cứ đến” (Is 55:1).  Nhìn lại dòng luân lưu của sự sống giữa Chúa Ki-tô, Chúa Thánh Thần và ta, ta càng dễ nhận ra sự sinh động của Thánh Thần.  Ta có thể tạm gác lại những lý thuyết thần học hay giáo lý cao siêu về Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa, để gắn bó với tư tưởng đơn sơ Thánh Thần là chính sự sống của Chúa Ki-tô Phục sinh ở trong ta, có lẽ ta sẽ cảm thấy dễ hiểu hơn về vai trò của Chúa Thánh Thần.  Đồng thời ta cũng thấy dễ dàng đáp lại lời mời gọi của Chúa Giê-su:  “Ai khát, hãy đến với tôi;  ai tin vào tôi, hãy đến mà uống!”

 

d)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Thánh Thần đã là nguyên lý sống động hướng dẫn Chúa Giê-su chu toàn sứ mệnh Chúa Cha trao phó.  Vậy tôi có biết bắt chước Người, làm mọi sự theo tinh thần của Thiên Chúa không?  Hay tôi để cho tinh thần của thế gian, ma quỷ, lèo lái cuộc đời tôi?  Tôi học cách phân định tinh thần của Chúa và tinh thần của thế gian như thế nào?

          Chúa Giê-su nói:  Ai tin vào tôi, hãy đến mà uống.  Tôi cảm thấy thế nào nếu Chúa nói với tôi cũng những lời đó?  Tôi có thực sự là kẻ tin vào Chúa Giê-su không?  Câu hỏi này đòi tôi phải làm gì?

          Chúa Giê-su lớn tiếng mời gọi mọi người.  Tôi có nghe tiếng Người mời gọi không?  Hay là tôi cố tình không muốn nghe?  Tại sao?

 

          “Lạy Chúa Giê-su phục sinh

          xin ban cho con sự sống của Chúa,

          sự sống làm đời con mãi mãi xanh tươi.

          Xin ban cho con bình an của Chúa,

          bình an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời.

          Xin ban cho con niềm vui của Chúa,

          niềm vui làm khuôn mặt con luôn tươi tắn.

          Xin ban cho con hy vọng của Chúa,

          hy vọng làm con lại hăng hái lên đường.

          Xin ban cho con Thánh Thần của Chúa,

          Thánh Thần mỗi ngày làm mới lại đời con.”

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 85)

 

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

13-5-2005

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà