CHÚA NHẬT LỄ LÁ, NĂM A
Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Mt 26,14-27,66
Thế thái nhân tình
„Được
thời thân thích chen chân đến. Thất thế hương lân ngảnh mặt đi” – một vần thơ
trong bài „Thói Đời” của Nguyễn Bỉnh Khiêm, một vần thơ lột tả được sự tráo trở
trong thái độ sống của con người và chua xót hơn nữa khi đó lại là người đồng
hương, thân bằng quyến thuộc! …
Chúa
nhật Lễ Lá – một ngày lễ tràn đầy phấn khởi hân hoan nhưng cũng chứa đầy mâu
thuẫn. Một ngày lễ có thể mô tả cho chúng ta hiểu thế nào là thế thái nhân
tình. Trước tiên là một cảnh náo nhiệt của ngày đại lễ. Tất cả đều nôn nức đổ
xô ra đường, tay cầm cành lá, kẻ trước người sau reo hò vang dậy: „Hoan hô!
Chúc tụng Đấng nhân danh Đức Chúa!” Nhưng tiếp sau đó là sự mâu thuẫn, đối đầu,
phản bội, tráo trở giống như trở bàn tay. Những người trước đó rộn rã tung hô
„Chúc tụng con vua Đavít!” , bây giờ lại thay đổi luận điệu chối rằng: „Chúng
tôi chẳng có vua nào cả ngoài Xêda. Đem nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá!” Con
người là thế. Chúng ta cũng vậy thôi. Tất cả đều là „cá mè một lứa”. Ngày xưa
đã thế, ngày nay cũng rứa, mai này cũng thế thôi! Chúa nhật Lễ Lá - hình ảnh
phản chiếu lối suy nghĩ và thái độ sống của con người và của từng cá nhân.
Hình ảnh nổi bật trong ngày hôm nay chính là
hình ảnh của Phêrô. Lời chúc tụng của Chúa nhật Lễ Lá có thể đem so sánh với
lời tuyên xưng của ông trước đó: „Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con
đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã.” Chẳng bao lâu sau ông thốt lên những lời độc
địa và thề rằng: „Tôi thề là không biết người các ông nói đó!”. Nhưng có một
bước ngoặt trong thái độ và nếp sống của ông. Đó là điều khác biệt giữa ông và
những người đã phản bội và lên án tử Đức Giêsu. Ông đã khiêm tốn nhận biết lỗi
lầm, thống hối ăn năn. „Ông chạy ra ngoài khóc lóc thảm thiết”.
Nơi
Giuđa cũng hiện rõ nét của sự thay hình đổi dạng trong cảm xúc. Dĩ nhiên trong
cuộc sống của ông đã có những lúc hạnh phúc, lòng tràn đầy niềm vui. Ông đã
chấp nhận từ bỏ tất cả để theo chân Đức Giêsu. Nhưng rồi lòng nhiệt thành, niềm
vui thuở ban đầu đã tàn lụi. Ông đến với các thượng tế thương lượng rằng: „Tôi
nộp ông ấy cho quí vị, thì quí vị muốn cho tôi bao nhiêu”. Cũng giống như
Phêrô, nơi ông cũng có một bước ngoặt, nhưng không đưa
đến thống hối ăn năn mà là tuyệt vọng. Hành trình theo Đức Giêsu của Phêrô trải
qua ba giai đoạn: phấn khởi, phản bội và thống hối. Hành trình của Giuđa cũng
có ba giai đoạn nhưng có một sự khác biệt rất lớn: phấn khởi, phản bội và tuyệt
vọng!
Hai
bộ mặt tương phản của ngày Lễ Lá cuối cùng được thể hiện nơi quan Philatô. Ông
dường như muốn trao trả tự do cho Đức Giêsu. Vợ của ông cũng thối thúc ông làm
điều đó. Ông đã lấy nước rửa tay trước mặt mọi người và tuyên bố: „Ta vô can
trong vụ dổ máu người này”. Nhưng ông không trung thành giữ thái độ này! Bài
Thương Khó của ngày Lễ Lá còn tường thuật nhiều nét mâu thuẫn, tương phản khác
nữa. Đó là tương phản giữa sự sống và sự chết. Đức Giêsu chết trên thập giá,
nhưng cái chết của Người lại là sự sống dành cho chúng ta: „Đất tung, đá vỡ. Mồ
mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy”.
Chúng
ta sẽ khám phá ra bộ mặt thật của chính mình như người đứng trước gương khi
chúng ta cử hành nghi thức của Chúa nhật Lễ Lá – một ngày đầy mâu thuẫn, tương
phản, một ngày giống như gương soi. Trong cuộc sống của chúng ta đã có những
lúc rộn rã lời chúc tụng. Chúng ta đã sẵn sàng nhảy vào biển lửa, sẵn sàng chết
vì đức tin. Nhưng rồi lại có những lúc khô khan nguội lạnh, tráo trở giống như
dân Do thái xưa, giống như Phêrô, Giuđa và quan Philatô. Tuy là vậy nhưng chính
hình ảnh của Phêrô mang lại cho chúng ta một tia hy vọng: „Ông ra ngoài khóc
lóc thảm thiết”. Chúng ta được mời gọi sám hối ăn năn. Cửa mồ sẽ mở ra. Đức
Giêsu chờ đợi chúng ta. Ngài sẽ nhìn thấu tâm can chúng ta. Ngài chính là Đấng
mở cửa mồ, và sự chết của Ngài mang lại sự sống vĩnh cửu cho chúng ta.
Lm. Phêrô Trần
Minh Đức