LỄ CHÚA GIÊ-SU LÊN TRỜI

(Mát-thêu 28: 16-20)

 

          Kết thúc một biến cố vĩ đại và mở đầu cho một biến cố vĩ đại kế tiếp hẳn phải là một thời điểm vô cùng quan trọng.  Để nói lên mức quan trọng của cuộc chuyển tiếp từ việc Chúa Giê-su hiện diện bởi thân xác Người giữa nhân loại sang giai đoạn hiện diện bởi Thần Khí trong Giáo Hội và thế giới, thánh sử Mát-thêu đã mô tả biến cố Chúa lên trời với tất cả vẻ tôn nghiêm, uy nghi và với những lời lẽ trang trọng Người truyền dạy các môn đệ.  Nếu lệnh truyền “hãy yêu thương nhau” đã được ban trong một khung cảnh ấm cúng nhỏ bé giữa thầy trò, thì lệnh truyền “hãy ra đi giảng dạy cho muôn dân” lại được công bố cách công khai trong một nghi lễ đã được chuẩn bị từ trước.  Chính khung cảnh trang trọng của biến cố Chúa lên trời cũng đủ để giúp ta nhận thấy được ý nghĩa đích thực của nó, đồng thời cũng đòi ta phải xét lại xem ta đã đáp lại lệnh truyền của Chúa như thế nào.

 

a)  “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.”

 

          Sự sống lại của Chúa Giê-su và việc ngự bên hữu Chúa Cha đã nói lên giới hạn quyền bính của Người.  Chẳng ai có thể nói rằng mình có toàn quyền trên trời dưới đất.  Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền bính ấy.  Giờ đây Thiên Chúa trao quyền bính ấy cho Con Một Người.  Thánh Phao-lô đã nói về việc trao quyền bính ấy và giải thích tại sao Đức Ki-tô được trao toàn quyền như vậy.  Đó là “Đức Giê-su Ki-tô... đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, vâng lời cho đến chết...  Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người.  Và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng:  “Đức Giê-su Ki-tô là Chúa.” (Pl 2:7-10).

          Theo thói thế gian thường tình, hễ có quyền bính là hay sử dụng nó để ra oai làm phách.  Còn đối với Chúa Ki-tô, quyền bính là để phục vụ, phục vụ Thiên Chúa và nhân loại, phục vụ cho Vương quốc của Thiên Chúa.  Khởi đầu sứ vụ, Thần Khí Chúa đã ngự xuống trên Chúa Giê-su, “xức dầu tấn phong Người để Người loan báo Tin Mừng” (x. Lc 4:18-19).  Sau khi hoàn tất sứ vụ cứu thế và lên trời ngự bên hữu Chúa Cha, Chúa Giê-su “được trao toàn quyền trên trời dưới đất” cũng vẫn là để tiếp tục công cuộc cứu độ cho đến lúc mọi sự được viên mãn trong Người.  Quyền bính của Chúa Giê-su mang chiều kích vũ trụ (cosmic).  Từ nay, Đức Giê-su là Chúa, một danh hiệu chỉ dành cho Thiên Chúa, và “như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ.”

          Tuy nhiên, quyền bính ấy không chỉ để ta bái quỳ, nhưng hơn thế nữa để ta tham dự.  Chúa Giê-su mời gọi ta nhìn nhận quyền bính ấy để nhờ Người, ta có được khả năng đến với Đấng vô biên là Thiên Chúa, điều mà tự sức riêng con người ta không thể làm được.  Nhiều lần Người đã lập đi lập lại lời mời gọi này:  Ai tin vào Người là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, thì sẽ được sống đời đời.  Chính vì thế, để giúp nhân loại tiếp nhận quyền bính ấy, Chúa Giê-su đã truyền lệnh cho các môn đệ:  “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ...”

 

b)  “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”

 

          Trong khung cảnh long trọng Chúa Giê-su hiện ra với các môn đệ trên núi, Người đã truyền cho các Tông đồ ra đi tiếp nối sứ vụ của Người.  Sứ vụ ấy Người đã khởi sự sau khi chịu ma quỷ cám dỗ.  Trên núi cám dỗ, Chúa Giê-su đã bị Xa-tan xúi giục hãy thi hành sứ vụ theo kế hoạch riêng chứ đừng theo kế hoạch của Thiên Chúa.  Nhưng Người đã chiến thắng cám dỗ và Người đã hoàn thành sứ vụ tốt đẹp.  Theo cùng một phương thức, môn đệ Người cũng phải ra đi và thi hành sứ vụ theo kế hoạch của Thiên Chúa.  Người chiến thắng cám dỗ để bảo đảm cho ta tiếp nối sứ mệnh mà không phải sợ là mình sẽ lạc đường.  “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.”

          Chỉ thị hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ đã được Giáo Hội sơ khai thi hành từng chữ từng nét.  Rửa tội và dạy bảo là hai công việc chính để “làm cho muôn dân trở thành môn đệ.”  Sách Công vụ Tông đồ đã kể lại những công việc này với những trang sử đầy khích lệ và nêu cao hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội sơ khai.  Việc rửa tội là kết quả của những bài giảng tuy đơn sơ, nhưng rõ ràng và nhất là đầy xác tín của những vị rao giảng muốn chia sẻ với dân chúng những gì họ tin vào Chúa Giê-su Ki-tô Phục sinh.  Giáo Hội từ một nhóm nhỏ tại Giê-ru-sa-lem đã bành trướng mạnh mẽ khắp nơi trên thế giới, đúng như Tin Mừng Mác-cô đã ghi lại lệnh truyền của Chúa:  “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi thọ tạo” (Mc 16:15).

          Thánh Thần đã giúp môn đệ Chúa nhớ lại tất cả những điều Người đã dạy dỗ họ trước kia.  Giờ đây họ đã đem lời dạy dỗ ấy đến cho mọi người.  Chính những lời dạy dỗ mà họ nhớ lại đã được ghi chép và trao lại cho ta qua những trang sách Tin Mừng và các thánh thư, một kho tàng quý giá tuyệt đỉnh giúp ta sống sao cho đúng nghĩa làm môn đệ Chúa.

 

c)  “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”

 

          Kẻ ra đi, nhất là ra đi một chuyến lâu dài, thường để lại một kỷ vật cho người ở lại.  Chúa Giê-su không có kỷ vật nào quý giá hơn chính sự hiện diện của Người.  Chắc hẳn khi chỉ thị cho môn đệ phải lên đường truyền giáo, rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su đã nhìn thấu nỗi lo lắng của họ. Phải làm gì?  Làm thế nào?  Mặc dù Người đã cho họ những huấn thị rõ ràng trong Mát-thêu chương 10 về sứ mệnh truyền giáo, nhưng họ vẫn không khỏi lo lắng vì sẽ phải đối phó với những khó khăn bách hại.  Họ cần có sự hỗ trợ của Thầy.  Do đó Chúa đã bảo đảm với họ là Người sẽ luôn ở bên cạnh họ để nâng đỡ ủi an.  Người đã ở với họ khi Người thi hành sứ vụ và đã nhiều lần bênh vực họ trước những chỉ trích của kẻ thù.  Sau khi sống lại, Người vẫn ở với họ, cùng bước trên đường Em-mau, cùng chuyện vãn với họ trong phòng cửa đóng then cài vì họ sợ người Do-thái, cùng ăn sáng với họ bên bờ hồ Ga-li-lê, nhất là trong lúc này đang khi Người ở với họ trên núi và trao trọng trách cho họ.  Trong bữa Tiệc Ly, Người đã thiết lập Bí tích Thánh Thể để “ở lại trong họ và họ ở lại trong Người”.  Bây giờ, trước khi về với Chúa Cha, Người hứa ở lại với họ qua Chúa Thánh Thần.  Từ nay, Người sẽ tiếp tục hoạt động bên họ, trong họ và trong Giáo Hội, nhưng dưới một hình thức mới là qua Chúa Thánh Thần.  Như thế, Người đâu có bỏ ta mồ côi, trái lại, còn gần gũi ta hơn bất cứ ai khác.  Người đi lên với Chúa Cha, còn ta làm chứng cho Người là Chúa khi ta được Người sai đi đến với anh chị em để giúp cho họ biết và yêu mến Người.  Trong phong cách long trọng của ngày lên trời, Chúa Giê-su muốn ta hãy nghiêm túc thi hành lệnh truyền của Người, bằng tất cả khả năng ta có, hoàn cảnh ta gặp, để kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Cha đã được khởi sự tốt đẹp nhờ Chúa Ki-tô cũng sẽ được hoàn tất với sự cộng tác của ta nữa.

 

d)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Thiên Chúa muốn mọi người tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa.  Vậy tôi đã để cho Người là “Chúa của tôi” như thế nào, giống như cách tuyên xưng của thánh Tô-ma hoặc của thánh Phao-lô?

          Để được sai đi giúp người khác làm môn đệ Chúa, chính tôi phải biết làm môn đệ Chúa là gì, như thế nào...  Vậy tôi đã sẵn sàng để được Chúa sai đi chưa?  Tôi phải học làm môn đệ Chúa thế nào?

          Tôi cảm nghiệm thế nào về lời hứa của Chúa Giê-su sẽ ở lại với tôi cho đến cùng?  Nhớ lại một vài trường hợp tôi thấy rõ ràng nhất Người ở với tôi?

 

Cầu nguyện:

 

          “Lạy Cha,

          Cha muốn cho mọi người được cứu độ

          và nhận biết chân lý,

          chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giê-su, Con Cha.

          Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người

          chưa nhận biết Đức Giê-su,

          họ cũng là những người đã được cứu chuộc.

          Xin Cha thôi thúc nơi chúng con

          khát vọng truyền giáo,

          khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc,

          niềm vui và bình an của mình cho tha nhân,

          và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giê-su cho thế giới.

          Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực

          trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất

          để loan báo Tin Mừng.

          Chúng con chỉ xin đến

          với những  người bạn gần bên,

          giúp họ quen biết Đức Giê-su và tin vào Ngài,

          qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.

          Chúng con cũng cầu nguyện

          cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo.

          Xin Cha cho những cố gắng của chúng con

          sinh nhiều hoa trái.  A-men.”

                                      (Trích RABBOUNI, lời nguyện 69)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà