Chúa Nhật
thứ 4 Thường Niên
(30-1-2005)
Bí quyết để sống hạnh phúc
ĐỌC LỜI CHÚA
· Xp
2,3.3,12-13: (3) Hỡi tất
cả những ai nghèo hèn hãy tìm kiếm Người; hãy tìm sự công chính, hãy tìm đức
khiêm nhường, anh em sẽ được che chở trong ngày thịnh nộ của Đức Chúa.
· 1Cr
1,26-31: (27) Những gì thế gian cho là
yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; (28) những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là
không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có.
· TIN MỪNG: Mt 5,1-12a
Tám mối Phúc
(1) Thấy
đám đông, Đức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. (2) Người mở miệng dạy họ rằng: (3) «Phúc
thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. (4) Phúc thay ai hiền lành,
vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. (5) Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi
an. (6) Phúc
thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
(7) Phúc thay
ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. (8) Phúc thay ai có tâm hồn
trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. (9) Phúc thay ai xây dựng
hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. (10) Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì
Nước Trời là của họ. (11)
Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều
xấu xa. (12)
Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn
lao».
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. «Tám Mối Phúc» của
Đức Giêsu nên hiểu theo nghĩa nào? Nghĩa đen hay nghĩa tâm linh?
2. «Tâm hồn nghèo khó»
là gì? Những người đang khổ vì nghèo mà ta thường gặp là người hạnh phúc thật
sao? Người «sầu khổ» sao lại hạnh phúc được?
Suy tư gợi ý:
1. «Tám Mối
Phúc» đều là những chân lý
rất nghịch lý
Đọc bài «Tám Mối Phúc»
của Đức Giêsu, ai cũng nhận ra tám điều rất nghịch lý. Nghịch lý là đi ngược
lại với lôgích thông thường của con người. Trong Tin Mừng, cũng như trong cuộc
sống, có rất nhiều nghịch lý. Chẳng hạn những câu: «Ai muốn cứu mạng sống
mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng
sống ấy» (Mt 16,25); hay «Sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong
sự yếu đuối» (2Cr 12,9); chính vì thế, «khi tôi yếu, chính là lúc tôi
mạnh» (2Cr 12,10). Tuy nghịch lý, nhưng lại rất thực tế, và suy cho cùng,
nhất là khi đã có thật nhiều kinh nghiệm trường đời, thì lại thấy chúng vô cùng
hữu lý.
«Tám Mối Phúc» là bài
giảng đầu tiên của Đức Giêsu, được Ngài thực hiện trên núi, nơi tượng trưng cho
những gì cao cả nhất. Toàn bộ những gì Đức Giêsu rao giảng và hành động để thực
hiện Nước Trời, và chính cuộc sống vì Nước Trời của Ngài đều minh giải cho bài
giảng đầu tiên ấy. Vì thế, Giáo Hội thật hữu lý khi gọi «Tám Mối Phúc»
là «Hiến Chương Nước Trời». Đó là những nguyên lý căn bản nhất để thực
hiện Nước Trời – tức Thiên Đàng hay Hạnh Phúc đích thực – ngay trong chính tâm
hồn mình, trong đời sống cá nhân / xã hội, và trong cuộc sống vĩnh cửu mai sau.
2. Phải hiểu «Tám Mối
Phúc» theo
nghĩa tâm linh
Thông thường, những câu diễn tả
chân lý thâm sâu trong kinh điển của các tôn giáo đều phải hiểu theo nghĩa tâm
linh, huyền nhiệm. «Tám Mối Phúc» là những chân lý căn bản nhất của Kitô
giáo, cũng không ra ngoài quy luật ấy. Hiểu theo nghĩa đen thì có thể đúng,
nhưng rất nhiều khi không phù hợp. Vậy muốn hiểu «Tám Mối Phúc» theo
nghĩa tâm linh thì phải hiểu thế nào?
a) «Phúc thay ai có tâm hồn
nghèo khó, vì Nước Trời là của họ». Câu này khuyên ta phải «nghèo»
lòng tham. Tâm hồn nghèo khó là tâm hồn ít lòng tham, ít dục vọng. Rất
nhiều người nhờ tham lam mà trở nên giàu có; những người này tuy giàu nhưng vẫn
khổ. Nhưng vẫn có một số ít người tuy giàu sang mà lại ít lòng tham, ít
tham vọng; họ thường sung sướng. Cũng vậy, nhiều người vì ít lòng tham mà trở
nên nghèo; họ là những người nghèo mà không thiếu, không khổ, vì họ hài lòng
với những gì mình có: «Biết đủ thì đã đủ, không biết đủ thì biết đến bao giờ
mới đủ?» (Nguyễn Công Trứ). Trái lại có rất nhiều người nghèo nhưng
lại đầy lòng tham, đầy tham vọng, nên họ khổ sở hơn ai hết: vừa nghèo lại vừa
khổ.
Đối tượng tham muốn của hầu hết
mọi người là của cải vật chất như tiền bạc, đất đai, nhà cửa, những phương tiện
để cuộc sống được thoải mái như xe cộ, các loại máy móc… Những người có trí tuệ
hơn thì đối tượng tham muốn là tài năng, danh vọng, quyền bính, địa vị, uy tín,
lòng kính trọng của mọi người dành cho mình… – Tham muốn giống như một bệnh
ghiền, nó đòi hỏi và thôi thúc con người phải thỏa mãn cơn ghiền. Không thỏa
mãn thì chịu không nổi: bực bội, khó chịu, phiền muộn vô cùng. Nhưng cơn ghiền
chỉ được thỏa mãn trong một thời gian ngắn rồi lại đòi hỏi tiếp. Cứ thế mà tái
diễn suốt cuộc đời. Tham muốn, cơn ghiền, giống như một túi bị lủng đáy, cứ đầy
được ít lâu lại trở nên rỗng tuếch rồi lại đòi hỏi phải đầy nữa. Tham muốn đòi
hỏi phải được thỏa mãn, nếu không thỏa mãn, ta sẽ khó chịu, bực bội, đau khổ,
không hạnh phúc. Nhưng thỏa mãn nó, nhiều khi ta phải nhúng tay vào tội ác, làm
những điều thất đức, vô lương tâm. Từ đó, đời sống ta không còn được an ổn,
thậm chí có thể bị những hậu quả tai hại vì những tội ác ta gây nên. Do đó,
tham muốn chẳng những khiến ta làm cho người khác đau khổ, mà chính ta cũng
chẳng được hạnh phúc. Tóm lại, tham muốn thường tạo nên đau khổ. Vì thế, ta nên
bỏ bớt tham muốn trong cuộc đời. Càng ít tham muốn thì càng dễ hạnh phúc.
b) «Phúc thay ai sầu khổ, vì
họ sẽ được Thiên Chúa ủi an». Câu
này khuyên ta đừng ham sướng, cũng đừng sợ khổ, hãy sẵn
sàng chấp nhận đau khổ. Người càng sợ đau khổ thì càng nhạy bén với đau
khổ, càng dễ đau khổ, càng hấp dẫn đau khổ đến với mình. Dân gian có câu: «Ghét
của nào, Trời trao của ấy». Còn người sẵn sàng chấp nhận đau khổ, sẵn sàng
«vác thập giá mình» (Mt 16,24)
thì vui vẻ khi đau khổ đến, và thái độ ấy hóa giải được đau khổ. Kinh
nghiệm cho tôi thấy: không phải cứ sẵn sàng đón nhận đau khổ thì tất nhiên đau
khổ sẽ tới, trái lại thì đúng hơn. Thái độ này khiến đau khổ ít xảy ra hơn. Nếu
đau khổ có xảy đến, người có đức tin sẽ nhìn ra đó là thánh ý Thiên Chúa, vì: «Hai
con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi
xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn
muôn vàn chim sẻ» (Mt 10,29.31). Một khi đã nhận ra thánh ý Chúa, ta vui
lòng chấp nhận vì biết rằng thánh ý Chúa luôn có lợi cho mình. Đó là cách khôn
ngoan nhất để ít đau khổ nhất, đau khổ chủ quan cũng như khách quan.
c) «Phúc thay ai hiền lành,
vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp»; «Phúc thay ai xót thương người,
vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương»; «Phúc thay ai xây dựng hoà bình,
vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa». Những câu này khuyên ta hãy yêu
thương tha nhân và nỗ lực đem lại bình an hạnh phúc cho họ. Người thật
lòng yêu thương tha nhân sẽ được mọi người yêu mến kính phục. Người lấy đau khổ
của tha nhân làm đau khổ của mình, lấy hạnh phúc của tha nhân làm hạnh phúc của
mình sẽ tự giải thoát khỏi «cái tôi» của mình, là cái đem lại cho ta
biết bao âu lo, phiền muộn. Đó chính là tinh thần «từ bỏ chính mình» của
Tin Mừng (Mt 16,24). Sự cao thượng của người có tâm hồn vị tha sẽ đem lại bao
nguồn vui siêu nhiên sâu xa, vượt cao hơn những nguồn vui tự nhiên. Tình yêu
làm con người nên giống Thiên Chúa hơn bất kỳ một nhân đức nào khác, vì bản
chất của Thiên Chúa là tình yêu (x. 1Ga 4,8.16).
d) «Phúc thay ai khát khao
nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng»; «Phúc
thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa». Những
câu này khuyên ta hãy quyết tâm nên thánh như Đức Giêsu đã mời
gọi: «Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện»
(Mt 5,48). Sự hoàn thiện chính là thực hiện được tinh thần «Tám Mối Phúc»
này. Bí quyết để sống được những mối phúc này là tinh thần xả kỷ, quên mình hay
«từ bỏ chính mình» (Mt 16,24), coi nhẹ «cái tôi» của mình và
những gì là của mình: ý riêng, lập trường riêng, quyền lợi riêng… Càng coi nhẹ
«cái tôi» của mình, cuộc sống càng trở nên nhẹ nhõm, thanh thản, nên rất
dễ được bình an. Tích cực hơn nên hoàn thiện là quan tâm thực hiện thánh ý
Thiên Chúa như Đức Giêsu: «Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý
tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi» (Ga 6,38). Thánh ý Thiên Chúa
được tỏ lộ qua Lời Ngài, đặc biệt qua những biến cố, những nghịch cảnh xảy đến
trong cuộc đời ta. Đây chính là tinh thần «theo Chúa» của Tin Mừng (Mt
16,24).
đ) «Phúc thay ai bị bách hại
vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ»; «Phúc thay anh em khi vì
Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui
mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao».
Trong xã hội đầy nhiễu nhương như thời nay, sống trong sạch, công chính
– giống như lội ngược dòng nước – không phải chuyện dễ. Hơn nữa, người thật sự
công chính không chỉ sống công chính cho riêng mình, mà còn nỗ lực đem
lại công lý và hạnh phúc cho xã hội. Họ can đảm chống bất công, chống
áp bức, bênh vực những kẻ yếu đuối, cô thân cô thế, lên tiếng thay cho những kẻ
không có tiếng nói thường bị bắt nạt, đàn áp. Vì thế, người công chính giống
như một cái gai cản trở những kẻ gian tham thực hiện những ý đồ sai trái, độc
ác của họ hầu đạt được của cải, danh vọng, quyền bính. Do đó người công chính
đích thực thường bị bạc đãi, bách hại… Chính vì thế, có danh nhân nọ nói: «Trong
một xã hội đầy bất công, nơi ở của những người công chính thường là nhà tù».
Nhưng với lý tưởng công chính, họ không lấy thế làm khổ mà vui vì đã thắng được
chính mình, đã làm theo đòi hỏi của lương tâm mình cũng là thánh ý Thiên Chúa.
Và đương nhiên phần thưởng mà Thiên Chúa dành cho họ trong tương lai thật lớn
lao.
Đó là những bí quyết để sống
hạnh phúc ngay ở đời này phù hợp với thánh ý Thiên Chúa, và góp phần xây dựng
Nước Trời ở trần gian, đồng thời tạo cho mình và cho người hạnh phúc vĩnh cửu ở
đời sau. Với một cái nhìn toàn cục xuyên suốt cả đời này lẫn đời sau, thì đó
chính là cách sống khôn ngoan nhất để được tổng số hạnh phúc tối đa.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha,
chỉ khi nỗ lực sống «Tám Mối Phúc» của Đức Giêsu, con mới thực hiện được
tinh thần «từ bỏ chính mình», «vác thập giá mình» và «theo
Ngài» mà người Kitô hữu phải có. Xin cho con nhận ra rằng đó chính là những
bí quyết để con được hạnh phúc ngay ở đời này, một thứ hạnh phúc thanh thoát
siêu nhiên, và để làm cho mọi người chung quanh con được hạnh phúc. Có như thế,
con mới xứng đáng hưởng hạnh phúc vĩnh cửu mà Cha dành cho con ở đời sau.
Joan
Nguyễn Chính Kết