Chúa Nhật thứ 10 Thường Niên

 (5-6-2005)

Thái độ cần có đối với người tội lỗi

 

ĐỌC LỜI CHÚA

·   Hs 6,3-6: (6) Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu.

·   Rm 4,18-25: (24) Chúng ta sẽ được kể là công chính, vì tin vào Đấng đã làm cho Đức Giêsu, Chúa chúng ta, sống lại từ cõi chết.

·   TIN MỪNG: Mt 9,9-13

Đức Giêsu kêu gọi ông Mátthêu
và dùng bữa với những người tội lỗi

(9) Bỏ nơi ấy, Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mátthêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: «Anh hãy theo tôi!» Ông đứng dậy đi theo Người. (10) Khi Đức Giêsu đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. (11) Thấy vậy, những người Pharisêu nói với các môn đệ Người rằng: «Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?» (12) Nghe thấy thế, Đức Giêsu nói: «Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. (13) Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: 'Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi».

CHIA SẺ


Câu hỏi gợi ý:

1.   Đối với người tội lỗi, thái độ của Đức Giêsu thế nào? kỳ thị, xa tránh? hay vui vẻ, hòa nhập? Thái độ mới có thể cảm hóa họ?

2.   Thiên Chúa xét đoán giá trị con người có giống chúng ta không? Nếu khác thì khác chỗ nào? Ta có nên xét đoán giá trị người khác không? Tại sao?

Suy tư gợi ý:

1.   Thái độ yêu thương và hòa nhập của Đức Giêsu đối với những người tội lỗi

Bất kỳ xã hội nào cũng luôn luôn có người tốt người xấu, người thánh thiện kẻ tội lỗi. Người tốt và thánh thiện thường được kính nể, khâm phục, ưa thích và lui tới. Kẻ xấu hay tội lỗi thường bị khinh thường, tẩy chay và xa tránh. Nhưng Thiên Chúa – là Cha chung của mọi người – không phân biệt đối xử như vậy, vì ai cũng là con cái Ngài, được Ngài yêu thương vô bờ bến. Vì thế, «Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính» (Mt 5,45). Cách đối xử không phân biệt của Thiên Chúa được thể hiện qua Đức Giêsu, là hiện thân của Ngài ở trần gian. Chính những người tội lỗi, xấu ác, lại là những người được Ngài quan tâm yêu thương đặc biệt. Ngài đến trần gian vì mọi người, nhưng trước tiên là vì những người tội lỗi: «Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi» (Mt 9,13). Và Ngài sẵn sàng «để chín mươi chín con chiên trên núi mà đi tìm con chiên lạc» (Mt 12,18). Và bài Tin Mừng hôm nay (Mt 9,9-13) cho ta thấy cách đối xử nhân hậu, yêu thương, hòa nhập của Đức Giêsu với những người tội lỗi.

Thói đời, khi tuyển chọn người cộng tác với mình, người ta thường lựa những người mà họ biết chắc là tốt, làm việc được. Còn Đức Giêsu, ngài biết Matthêu là một người thu thuế, bị dân chúng liệt vào hạng tội lỗi, cần xa tránh. Thế mà Ngài vẫn kêu gọi ông làm môn đệ cho Ngài. Chính nhờ được Ngài kêu gọi, ông đã trở nên một con người tốt, một tông đồ nhiệt thành của Ngài. Như vậy, đối với người không tốt, Ngài không chủ trương loại trừ, vứt bỏ, mà thâu nhận họ để gần gũi, yêu thương, hầu giáo dục, cải hóa họ, đưa họ về đường ngay nẻo chính. Kẻ chủ trương loại trừ người xấu, không tín nhiệm họ, không dùng họ, là vì người ấy chỉ nghĩ đến sự thuận lợi cho mình hay công việc của mình. Còn Đức Giêsu, Việc cứu độ trần gian, thiết lập Nước Trời mà Ngài phải hoàn thành vô cùng quan trọng. Nhưng Ngài vẫn mời gọi Matthêu – một người đại diện cho thành phần bị cho là tội lỗi – cộng tác vào việc này. Ngài không chỉ nghĩ tới hiệu quả của công việc, mà còn nghĩ đến quyền lợi và hạnh phúc của cả người xấu, kẻ tội lỗi, đến khả năng làm cho họ trở nên tốt nữa.

2.   Cách đối xử nên có đối với người xấu, người tội lỗi

Một danh nhân nói: Muốn biết lòng nhân của một người, hãy xem cách đối xử của người ấy với bề dưới của họ. Tương tự, ta có thể nói: muốn biết khả năng yêu thương và tâm lượng của một người, hãy xem cách xử sự của người ấy đối với những người tội lỗi, những người có thể làm hại hay bất lợi cho mình. Để có những ý nghĩ tích cực đối với người mà ta nghĩ là xấu, là tội lỗi, tôi xin nêu lên một vài suy nghĩ:

a) Thế gian này là một trường thi

Trong một cuộc thi leo núi nọ, mỗi thí sinh được đưa vào một tình huống khác nhau, ở những vị thế cao thấp khác nhau trên sườn núi. Tất cả đều phải trèo lên phía trên. Để đạt được điểm cao, ai cũng phải biểu lộ khả năng ứng biến, kiên nhẫn, dũng cảm và tài khéo… của mình trong khi leo. Thật là buồn cười, ngớ ngẩn và ngu xuẩn khi người được đặt ở gần đỉnh núi lại tự hào và chê bai những người được đặt ở dưới chân núi. Anh tự cho rằng mình ở gần đỉnh núi ắt sẽ là người chiến thắng. Vì thế, anh tội nghiệp pha lẫn ít nhiều khinh bỉ đối với những người đang ở tuốt mãi dưới chân núi. Anh nghĩ: còn lâu họ mới leo được tới đây! Với sự tự hào và tưởng nắm chắc phần thắng ấy, anh cứ “tà tà” mà leo, chẳng thèm cố gắng gì cả, vì anh nghĩ: ai mà vượt qua được anh? Nhưng anh không ngờ trong cùng một khoảng thời gian, có người ở dưới chân núi đã leo được một quãng dài gấp đôi anh dù họ gặp chông gai và khó khăn hơn anh, đồng thời họ tỏ ra dũng cảm và tài năng hơn anh rất nhiều. Kết quả là người ấy đoạt được giải nhất, còn anh lại là người đứng hạng chót, vì anh tỏ ra là người ít cố gắng và ít tài năng nhất. Chính vì thế, Đức Giêsu mới nói: Vào ngày phán xét, «nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu» (Mt 19,30).

Đức Giêsu đã phần nào nói lên lý sự ấy trong dụ ngôn những yến bạc (x. Mt 25,14-30). Dựa vào dụ ngôn này, ta có thể suy nghĩ thêm về giả thiết sau: người nhận được 5 yến có thể không sinh lợi gì hay chỉ làm lợi thêm được 1 yến (tức 1/5 vốn ban đầu); còn người nhận được 1 yến lại làm lợi ra thành 2 hay 3 yến khác (tức gấp 2, gấp 3 vốn ban đầu). Khi họ trình diện thành quả của mình với ông chủ, thì người trước dù có tới 5 hay 6 yến bạc, còn người sau chỉ có 3 hay 4 yến thôi, nhưng ông chủ sẽ đánh giá người sau có tài hơn, và chắc chắn ông sẽ đặt người ấy lên chức vụ cao hơn.

Cũng vậy, một người nọ – anh A – sinh ra trong một gia đình cha mẹ đạo đức, biết giáo dục con cái, lại làm ăn khá giả, giàu có. Trong hoàn cảnh ấy, người này chẳng cần cố gắng bao nhiêu cũng có thể được xã hội đánh giá là một người rất tốt, vì anh ta không phạm tội trộm cắp bao giờ, do anh ta đã được quá đầy đủ. Trái lại, một người khác – anh B – có cha mẹ thuộc phường “đá cá lăn dưa”, lại lâm cảnh nghèo nàn khốn khổ. Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, nếu không cố gắng sống hướng thượng, anh ta đã có thể phạm tội trộm cắp mỗi tháng 10 lần. Nhưng anh đã hết sức cố gắng để chừa bỏ thói trộm cắp ấy, mà vẫn chưa thành công được như ý nguyện. Cho đến nay, anh vẫn còn ăn cắp mỗi tháng một lần. Tuy nhiên, để đạt được kết quả ấy, anh đã phải cố gắng vượt bậc. Vì thế, trước mặt con người, anh B vẫn còn bị coi là một người xấu, xấu hơn anh A rất nhiều. Nhưng trước mặt Thiên Chúa thì sao? Thử hỏi: nếu Thiên Chúa là một Đấng vô cùng sáng suốt và công bằng, thì giữa hai người ấy, Ngài sẽ phải cho ai là người tốt hơn, có thiện chí và có công lao hơn? Khi mà chính Ngài đã để anh A được vô số thuận lợi, và để anh B bị vố số bất lợi? Liệu Ngài có phán xét theo kiểu người đời, chỉ biết dựa vào tình trạng hiện tại của mỗi người mà phán xét chăng?

b) Thiên Chúa đánh giá con người khác chúng ta

Ta đừng tưởng những người bị mọi người coi là tội lỗi đều thật sự là những người tội lỗi hơn ta. Coi chừng, cách đánh giá của Thiên Chúa hay Đức Giêsu khác hẳn với ta. Người Pharisêu đánh giá rất thấp hạng thu thuế và phường đĩ điếm, nhưng Đức Giêsu lại quả quyết với họ: «Tôi bảo thật các ông: phường thu thuế và bọn gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông» (Mt 21,31). Trong dụ ngôn hai người cầu nguyện tại đền thờ (Lc 18,9-14), người Pharisêu cứ tưởng mình được Thiên Chúa đánh giá cao hơn người thu thuế rất nhiều. Nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại. Đức Giêsu nói: «Tôi nói cho các ông biết: người thu thuế khi trở xuống mà về nhà thì đã được nên công chính rồi; còn người Pharisêu thì không» (Lc 18,14).

Tại sao vậy? Vì «Người không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói» (Is 11,3; x. Mc 12,14). Nhiều trường hợp dáng vẻ bên ngoài không phản ảnh đúng thực tại bên trong, mà có khi hoàn toàn trái ngược. Thật vậy, một số người Pharisêu bị Đức Giêsu kết án: «Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác!» (Mt 23,28). Rất nhiều khi chính chúng ta cũng bị lừa, hoặc tự lừa dối mình, vì vẻ bên ngoài của ta, vì chức vụ cao trọng ta đang nắm. Chúng ta tưởng mình là công chính vì thấy mọi người đều đánh giá ta như vậy, hoặc vì ta đang ở trên một bậc thang rất cao trong Giáo Hội hoặc xã hội. Thế là ta hãnh diện và lên mặt với mọi người. Thật ra, ta đang bị lừa dối bởi chính quan niệm sai lầm của ta. Vì thế, thánh Phaolô mới nói: «Ai tưởng mình đang đứng vững hãy coi chừng kẻo ngã» (1Cr 10,12). Tốt nhất là chúng ta đừng tự đánh giá mình cao quá, đừng vội cho mình đạo đức thánh thiện cho dù ta được mọi người suy tôn như vậy. Vì chưa chắc Thiên Chúa đã đánh giá ta như mọi người đánh giá. Hãy suy nghĩ lời Chúa: «Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên» (Mt 23,12; Lc 14,11). Tốt nhất, nên tự đánh giá mình thấp kém một chút, vì tự đánh giá kiểu ấy thường là đúng với sự thật hơn.

Khi tự đánh giá mình cách khiêm nhu như vậy, ta dễ có thái độ giống Đức Giêsu khi gặp những người tội lỗi: sẵn sàng hòa mình với họ, giao thiệp, ăn uống với họ, coi họ như anh em, bạn hữu của mình, nhất là thật sự yêu thương họ… Chứ không xa cách, khinh bỉ, chê bai, nguyền rủa, ghét cay ghét đắng họ. Thiết tưởng là môn đệ Đức Giêsu, ta phải có thái độ giống như Ngài đối với những người bị mọi người coi là tội lỗi, xấu xa… Chính thái độ đối với những người này mới thật sự chứng tỏ ta có tình yêu đích thực ở bên trong hay không.

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, con đọc và suy gẫm Kinh Thánh hằng tuần, có khi hằng ngày, nhưng sao con không thấm nhuần được tinh thần yêu thương tha thứ của Đức Giêsu. Mặc dù con vẫn chê bai người Pharisêu, nhưng đối với người tội lỗi, phản ứng của con thường rất giống người Pharisêu: họ ưa tẩy chay, xa lánh, kết án, loại trừ những người tội lỗi, đồng thời tự hào rằng mình công chính. Chẳng hạn họ thích áp dụng luật lệ để ném đá cho chết những người phụ nữ ngoại tình, hơn là làm theo đòi hỏi của tình thương trong lòng họ (x. Ga 8,3-5). Còn Đức Giêsu, trong những trường hợp ấy, Ngài không kết án, nhưng thông cảm sâu xa với hoàn cảnh và sự yếu đuối của họ, đồng thời tìm cách cảm hóa để họ đi vào con đường ngay chính (x. Ga 8,11). Xin hãy giúp con hành xử theo tinh thần yêu thương của Đức Giêsu  

Joan Nguyễn Chính Kết


 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà