CHÚA NHẬT 17 QUANH NĂM A (2005)

(Mát-thêu 13: 44-52)

 

          Đề tài về Nước Trời được tiếp tục khai triển trong bài Tin Mừng hôm nay.  Sau khi đã trình bày bản chất và sự phát triển của Nước Trời, phụng vụ Lời Chúa hướng về những thái độ cần phải có để tiếp nhận Nước Trời.  Vì Nước Trời có giá trị tuyệt đối nên đòi hỏi người tiếp nhận phải đặt việc tìm kiếm Nước Trời lên trên mọi sự.   Chúa Giê-su cũng liên tiếp kể ba câu truyện nhỏ cho ta biết phải làm gì để có thể chiếm hữu được Nước Trời.

 

a)  Nước Trời có giá trị tuyệt đối

 

          Lời giảng của Chúa Giê-su vô cùng thực tế, đi vào chính đời sống hằng ngày của ta với tất cả những “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay” (Gaudium et spes).  Không gạt đi những lo lắng của con người, Chúa Giê-su chỉ muốn cho ta thấy giữa những lo lắng ấy có một điều cần phải lo lắng hơn cả, đó là “trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ khác, Người sẽ thêm cho” (Mt 6:33).

          Tại sao phải tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước hết?  Bởi vì Nước Thiên Chúa có giá trị trên hết mọi giá trị khác.  Tính cách tuyệt đối của giá trị Nước Trời đã được nhấn mạnh qua những phản ứng của người tìm được Nước Trời.  Thái độ vui mừng, vội vã bán đi mọi thứ mình có để mua lấy thửa ruộng chôn giấu kho báu hoặc viên ngọc quý chứng tỏ cho ta thấy người tìm được đã nhận ra giá trị tuyệt đối của những gì họ tìm thấy và bằng mọi giá và mọi khả năng mình có phải chiếm cho được những gì đã tìm thấy.  Ta không biết được “tất cả những gì họ có” gồm những gì, nhưng chắc chắn phải là những thứ đáng giá nhất đối với họ.  Với người đi cày ruộng, có thể là tất cả tài sản, nhà cửa, đồ dùng trong nhà.  Với thương gia, có thể là tất cả những viên ngọc quý giá ông ta đã sưu tầm được trong quá khứ.  Cốt điểm của câu truyện là người ta có dám đánh đổi mọi sự để chiếm lấy một kho báu hoặc một viên ngọc quý mà người ta thực sự chưa chắc chắn lắm về giá trị đích thực của nó.  Do đó, vẫn cần có thái độ liều lĩnh của đức tin.  Vậy khi trình bày giá trị tuyệt đối của Nước Trời cho ta, Chúa Giê-su cũng đòi hỏi ta phải liều lĩnh chấp nhận giá trị tuyệt đối của Nước Trời dù ta chưa kiểm nhận được giá trị ấy.  Sự liều lĩnh trong đức tin của ta giúp ta chấp nhận thế giá đáng tin cậy của Đấng nói cho ta biết rằng Nước Trời có giá trị tuyệt đối.  Quả thực là một thách đố lớn lao nhất cho mọi người mọi thời, vì hầu hết chẳng ai trong chúng ta muốn “thả mồi bắt bóng” cả!

 

b)  Khi nào ta mới thực sự thấy giá trị tuyệt đối của Nước Trời?

 

          Quả quyết về một điều ta chưa thấy được, Chúa Giê-su mời gọi ta phải đích thân tìm kiếm Nước Trời.  Người chỉ cho ta biết một điều là Nước Trời có giá trị tuyệt đối đích thực, thế thôi.  Còn giá trị đó tuyệt đối như thế nào thì chính ta phải là người khám phá.  Điều đó là hợp lý.  Bởi vì một cái gì là tuyệt đối chỉ là tuyệt đối với ta sau khi ta đã phải so sánh, đánh đổi bằng mọi thứ khác mà thôi.  Những gì kém giá trị đều bị loại bỏ dần dần, để cuối cùng ta chỉ còn thấy được cái có giá trị lớn nhất.  Do đó, thời điểm để ta thấy được giá trị tuyệt đối của Nước Trời sẽ là “khi lưới đầy” hoặc “đến ngày tận thế”.  Nói khác đi, khi tấm lưới cuộc đời ta không còn sức chứa đầy mọi sự lựa chọn nữa, hoặc đến ngày giờ cuối cùng của đời ta, đó chính là lúc Nước Trời thể hiện giá trị của nó.  Nếu Nước Trời trong lòng ta chỉ là những kho tàng dễ mục nát và mối mọt đục khoét thuộc thế gian này hoặc toàn những loại cá xấu, thì Nước Trời ấy sẽ chẳng có giá trị gì.  Nhưng nếu Nước Trời trong lòng ta là kho tàng trên trời, là viên ngọc quý hoặc toàn những cá tốt, thì là do chính ta đã lựa chọn lấy trong suốt những tháng năm sống trên trần gian này.

 

c)  Bài học thực hành:  lựa chọn

 

          Trước khi đưa ra bài học thực hành, Chúa Giê-su hỏi môn đệ:  “Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?”  Họ đáp:  “Thưa hiểu”.  So với những dụ ngôn trước đây, ba dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay xem ra đơn giản và dễ hiểu hơn.  Đó là tính cách thực tế trong lối giảng dạy của Chúa Giê-su.  Mà đã hiểu thì cần phải đi tới một bước nữa:  thực hành.  Thực hành điều gì nếu không phải là lựa chọn?  Lựa chọn là cách thức để ta nhắm tới những cái tốt hơn, đẹp hơn, có giá trị hơn.  Đi chợ, không lẽ ta lại chọn những thứ xấu nhất.  Ngay cả giữa những cái xấu, ta cũng đã phải chọn cái đỡ xấu hơn.  Chúa Giê-su cho ta một thí dụ cụ thể về việc lựa chọn:  ai muốn học hỏi về Nước Trời thì phải biết lựa chọn những gì hữu dụng trong số những gì họ tìm thấy trong kho tàng của mình.  Có những cái tuy cũ, nhưng lại thực sự cần thiết, và có những cái thật là mới, nhưng lại chẳng cần thiết chút nào.

          Để làm cho giá trị Nước Trời của đời ta đạt tới mức tuyệt hảo, lúc nào ta cũng phải biết lựa chọn.  Đây chính là mức độ thực dụng nhất của công việc chọn lựa giá trị trong cuộc sống mà các nhà tu đức gọi là phân định (discernment).  Khi phân biệt cá tốt cá xấu, ta phải biết những đặc điểm của chúng.  Khi chọn làm điều tốt hoặc tránh làm điều xấu, ta cũng phải biết bản chất của những điều ấy, dựa trên sự hướng dẫn của Lời Chúa, của những giáo huấn do Giáo Hội và của tiếng nói lương tâm ngay thẳng của ta.  Việc chọn lựa có khi là quan trọng đến nỗi ta chọn một lần cho tất cả, thí dụ chọn làm con cái Chúa, chọn đi tu hay lập gia đình.  Nhưng ngoài những chọn lựa lớn lao ấy, ta thường phải chọn lựa những cái nhỏ nhặt trong cuộc sống, làm sao để ta sống đích thực là một Ki-tô hữu, thí dụ ta lựa chọn làm hòa với người đã làm ta buồn, không trả thù, không gian lận, không quay mặt đi trước những người cần giúp đỡ...  Tích lũy những lựa chọn tốt sẽ là giá trị lớn nhất của Nước Trời trong tâm hồn ta vậy.

 

d)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Khi ông Áp-ra-ham liều lĩnh chọn lựa bỏ mọi sự lại để lên đường theo lệnh Chúa, ông đã trở thành gương mẫu đức tin cho mọi người.  Vậy tôi đã dám liều lĩnh tới mức nào để sẵn sàng đặt việc sống đạo đàng hoàng lên trên cả nghề nghiệp hoặc những việc làm ăn buôn bán?  Nói khác đi, đức tin của tôi ở mức độ nào?

          Trong trường học của Chúa Ki-tô, tôi được học hỏi để nhận ra những điểm nói lên giá trị tuyệt đối của Nước Trời.  Tôi có để tâm tới những lời dạy dỗ của Chúa không?  Tôi có dám chấp nhận những nghịch lý trong lời giảng của Người để sẵn sàng đi ngược dòng với lối sống của thế gian không?  Tôi thử xét mình qua một vài điều cụ thể, thí dụ như việc tha thứ, yêu thương kẻ thù...

          Trong tôi, đâu là những kho tàng dễ mục nát và chỉ có giá trị đối với người đời?  Thí dụ:  một căn nhà đồ sộ, một cái xe hơi đắt tiền, một cái áo dài kiểu mới nhất...  Tôi trân quý chúng như thế nào?  Chúng cản trở tôi nhận ra giá trị đích thực của Nước Trời làm sao?  Tôi sẽ làm gì cụ thể để thay đổi não trạng ấy?

 

Cầu nguyện:

 

          “Lạy Chúa Giê-su,

          nhiều bạn trẻ đã không ngần ngại

          chọn những cầu thủ bóng đá,

          những tài tử điện ảnh

          làm thần tượng cho đời mình.

          Hôm nay

          Chúa cũng muốn biết chúng con chọn ai,

          và chúng con thật sự đắn đo

          trước khi chọn Chúa.

          Bởi vì chúng con biết rằng

          chọn Chúa là lội ngược dòng,

          theo Chúa là bước vào con đường hẹp:

          con đường nghèo khó và khiêm nhu,

          con đường từ bỏ và phục vụ.

          Hôm nay, chúng con chọn Chúa

          không phải vì Chúa giàu có,

                   tài năng hay nổi tiếng,

          nhưng vì Chúa là Thiên Chúa làm người.

          Chẳng ai đáng chúng con yêu mến bằng Chúa.

          Chẳng ai hoàn hảo như Chúa.

          Ước gì chúng con can đảm chọn Chúa

          nhiều lần trong ngày,

          qua những chọn lựa nhỏ bé,

          để Chúa chiếm lấy toàn bộ cuộc sống chúng con,

          và để chúng con

          thông hiệp vào toàn bộ cuộc sống của Chúa.  A-men.”

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 26)

 

Đaminh Trần Đình Nhi

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà