CHÚA NHẬT 18 QUANH NĂM
(Mát-thêu 14: 13-21)
Câu
truyện Chúa Giê-su hóa bánh ra nhiều trong Tin Mừng luôn được hiểu theo bối
cảnh câu truyện Chúa ban man-na cho dân Do-thái trong hoang địa. Mỗi thánh sử trình bày câu truyện theo cái
nhìn thần học của mình. Thánh sử Gio-an
muốn diễn tả man-na là hình bóng chỉ Chúa Giê-su là Man-na Mới và là Thánh Thể
nuôi dưỡng dân Chúa trong Giáo Hội. Còn
thánh Mát-thêu thì trình bày Chúa Giê-su là Mô-sê Mới dẫn dắt đoàn chiên Giáo
Hội đi qua hoang địa để tiến về quê hương đích thực. Ta có thể đọc một số chi tiết được thánh Mát-thêu kể ra trước khi
thuật lại phép lạ này để cảm nghiệm được lòng yêu thương chăm sóc của vị Mục Tử
nhân lành đối với đàn chiên của Người.
a) “Đám đông từ các thành đi bộ mà theo Người”
Trong
mấy Chúa Nhật trước, bài Tin Mừng trích những dụ ngôn Chúa Giê-su giảng để
trình bày Nước Trời là gì và phải đi tìm Nước Trời như thế nào. Nhưng câu truyện Tin Mừng hôm nay không phải
là bài giảng nữa, mà là một thực tại cho ta thấy một đoàn người lũ lượt đi tìm
kiếm Chúa Giê-su. Lòng khao khát tìm
gặp Chúa nơi họ đã được diễn tả thật sống động bằng hình ảnh. Nào là đám đông “từ các thành” ra đi kiếm
Chúa Giê-su. Lòng khao khát ấy cũng
giúp họ có những sáng kiến để làm sao nhanh chóng tìm được Người. Chúa Giê-su và các môn đệ đi thuyền băng qua
hồ mà sang bờ bên kia. Còn dân chúng
thì kéo nhau “đi bộ” dọc theo bờ hồ để đến nơi Chúa sẽ tới. Mặt hồ quang đãng nên họ có thể nhìn thấy
Chúa sẽ ghé nơi nào. Vì khao khát gặp
Chúa, nên đường bộ tuy xa hơn nhưng cũng không làm cho họ ngại nhọc nhằn, miễn
là đến được với Người. Nhưng tại sao
dân chúng lại khao khát đi tìm Chúa như vậy?
Mô
tả khung cảnh dân chúng đi tìm Chúa, thánh Mát-thêu muốn ta nhớ lại hình ảnh
ông Mô-sê dẫn dân Do-thái đi trong hoang địa để tiến dần về Đất Hứa. Ông Mô-sê chỉ là người lãnh đạo, đưa dân
chúng đến với Thiên Chúa. Còn Chúa
Giê-su không những là vị lãnh đạo, mà đồng thời còn là chính Thiên Chúa, Đấng
nhân loại khao khát mong tìm gặp cho được.
Cuộc sống trong hoang địa đầy thử thách cho dân Do-thái; cũng thế, cuộc sống của Giáo Hội Chúa Ki-tô
không tránh khỏi những gian nan bách hại, được ám chỉ qua câu truyện Chúa
Giê-su bị bạc đãi tại quê nhà Na-da-rét và ông Gio-an Tẩy giả bị chém đầu (Mt
13:53-14:12). Trước hoàn cảnh khó khăn,
ông Mô-sê phải chạy đến Thiên Chúa, xin Người cứu giúp dân tộc của ông. Còn tác phong của Chúa Giê-su thì khác
hẳn. “Đức Giê-su trông thấy một đám
người đông đúc thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ”. Đúng là trái tim bằng thịt của Thiên Chúa
đầy tràn tình thương đối với con cái, như Mục Tử nhân lành đối với đàn chiên.
b) “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn”
Dân
chúng đến với Chúa Giê-su vì Người là nguồn sống của họ. Như thế, khẳng định của Chúa Giê-su khi
Người nói với các môn đệ: “Họ không cần
phải đi đâu cả” mang một ý nghĩa vô cùng cảm động và đầy ủi an. Ta còn nhớ có lần ông Phê-rô đã nói lên vai
trò của Chúa đối với cuộc đời ông và các bạn:
“Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời
đời” (Ga 6:68). Nhưng ở đây, khi quả
quyết với các môn đệ rằng dân chúng không cần đi đâu cả, Chúa Giê-su muốn cho
các ông thấy Người có những lời ban sự sống, không những sự sống đời đời mà cả
sự sống thể xác nữa.
Đọc
kỹ mấy câu đối đáp giữa Chúa Giê-su và môn đệ, ta còn rút được những bài học ý
nghĩa hết sức phong phú. Đứng trước
hoàn cảnh dân chúng mệt nhọc và đói lả, các môn đệ đã biết quan tâm lo lắng cho
người khác. Chắc chắn sau một thời gian
đi theo và quan sát lối sống của Chúa Giê-su, các ông đã thay đổi thật
nhiều. Để biểu lộ mối quan tâm ấy, các
ông đưa ra một đề nghị hữu lý và ít trách nhiệm: “Xin Thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức
ăn”. Nhưng Chúa Giê-su dạy họ phải vượt
trên cả trách nhiệm nhân bản để tiến tới mức độ cao hơn, đó là trách nhiệm và
lòng thương của một mục tử bước theo chân vị Mục Tử nhân lành. “Chính anh em hãy cho họ ăn” là những lời
nêu lên trách nhiệm của mục tử. Chúa
Giê-su là nguồn sự sống, còn các môn đệ có bổn phận phải đem sự sống ấy đến cho
anh chị em. Chúa Giê-su không đòi hỏi
họ phải làm phép lạ hóa bánh ra nhiều như Người đã làm, nhưng họ sẽ là những
người đem “bánh hóa ra nhiều” hoặc bánh ban sự sống đến với dân chúng.
Những
cử chỉ Chúa Giê-su làm trước khi trao bánh cho các môn đệ phân phát cho dân
chúng là những cử chỉ sẽ được lập lại khi Người lập Bí tích Thánh Thể. Như thế, phép lạ bánh hóa nhiều sẽ báo hiệu
cho việc lập Bí tích Thánh Thể sau này để làm lương thực nuôi dưỡng dân Chúa
trong Giáo Hội lữ hành.
c) “Chính anh em hãy cho họ ăn” cũng là bổn phận của mọi Ki-tô hữu
Lệnh
truyền “Chính anh em hãy cho họ ăn” không chỉ là những lời Chúa dạy các môn đệ
hai ngàn năm trước đây, nhưng cũng là lệnh truyền cho Ki-tô hữu mọi thời mọi
nơi. Nhìn vào thế giới hôm nay, ta luôn
gặp thấy những anh chị em đói khát thiếu thốn tinh thần lẫn vật chất. Những hình ảnh mới nhất trên màn hình TV về
những em bé tại Nigeria bên Phi-châu với hai con mắt to và bộ xương khẳng khiu
sắp chết đói bắt buộc ta phải lắng nghe lệnh truyền của Chúa Giê-su: “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Thật là buồn, vì trong khi bao người sắp
chết đói, mà các trẻ em Hoa-kỳ thì phung phí đồ ăn thức uống không biết bao
nhiêu mà kể. Một lon cô-ca chỉ hớp một
hớp rồi liệng thùng rác. Trong nhà, chỗ
nào có TV là thế nào trên ghế hoặc trên bàn bên cạnh cũng có những túi đồ ăn
các em ăn giở và sẽ được cha mẹ lượm bỏ thùng rác. Rồi tiệc tùng cưới hỏi nữa!
Mười mấy món ăn được từ từ đem ra.
Nhưng những món sau cùng thường là để cho bồi bàn vơ bỏ vào thùng rác vì
ai cũng no và ngán tận cổ rồi. Vì thế,
nhưng lời của Chúa Giê-su không chỉ là lệnh truyền, mà còn là những lời lên án
sự phung phí của ta trước những nhu cầu cấp bách của anh chị em khắp nơi trên
thế giới nữa.
Ta
có bổn phận phải xoa dịu sự đói khát của người khác. Họ khát một lời an ủi nâng đỡ.
Họ đói một cử chỉ thân thiện, một nụ cười đón nhận. Ngồi vào bàn ăn và khi ăn, ta đừng quên
những anh chị em đói khát thiếu thốn.
Họ ở khắp nơi, bên Phi-châu, bên Á-châu và ở cả Hoa-kỳ nữa. Nhớ đến họ, ta sẽ không ăn uống phung phí và
biết hy sinh dành dụm một chút để gửi đến những anh chị em thiếu thốn.
d) Suy nghĩ và cầu nguyện
Năm
chiếc bánh lúa mạch là thứ bánh của người nghèo. Vậy tôi có thực sự là chiếc bánh của người nghèo và để cho Chúa
sử dụng làm lợi ích cho anh chị em không?
Tôi có tin rằng mình chẳng là gì cả, nhưng Chúa cần lòng quảng đại của
tôi và tôi hãy để cho quyền năng của Người hành động?
Tôi
học được gì về thái độ “chạnh lòng thương” của Chúa Giê-su? Những thí dụ cụ thể nào cho thấy tôi đã biết
quan tâm lo lắng cho người khác? Làm
sao diệt được tính ích kỷ?
Xét
lại việc phung phí của tôi: trong việc
ăn uống, mua quần áo giầy dép, sắm những thứ thực sự không cần thiết... So với số tiền tôi bỏ ra để giúp đỡ người
nghèo?
Cầu nguyện:
“Lạy
Chúa,
xin
ban cho chúng con ánh sáng đức tin
để
nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,
nơi
khuôn mặt khốn khổ
của
tất cả những người bị thử thách:
những
kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn,
nhưng
vì thiếu Lời Chúa;
những
kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước,
nhưng
còn vì thiếu bình an, sự thật, công bằng và tình thương;
những
kẻ vô gia cư,
không
chỉ tìm kiếm một mái nhà,
nhưng
còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương;
những
kẻ bệnh hoạn và hấp hối,
không
chỉ trong thân xác,
nhưng
còn trong tinh thần nữa,
bằng
cách thực thi lời hy vọng này:
“Điều
mà ngươi làm
cho
người bé mọn nhất trong anh em
là
làm cho chính Ta.”
- Mẹ Têrêxa Calcutta
(Trích
RABBOUNI, lời nguyện 7)
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi