CHÚA NHẬT 19 QUANH NĂM

(Mát-thêu 14: 22-33)

 

          Nhìn lại chủ đề về Giáo Hội được khai triển trong những Chúa Nhật vừa qua, ta nhận thấy Phụng vụ Lời Chúa hôm nay chọn đoạn Tin Mừng kể lại câu truyện Chúa Giê-su đi trên mặt nước chắc chắn phải mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt.  Phép lạ hóa bánh ra nhiều nói lên lòng yêu thương chăm sóc của vị Mục Tử nhân lành đối với đoàn chiên, muốn cho con chiên được nuôi dưỡng đầy đủ trong cuộc lữ hành trên dương gian.  Chúa Giê-su Thánh Thể là lương thực thiêng liêng để ta được sống và sống dồi dào.  Tuy nhiên, cũng trong hành trình ấy, ta cần phải có một lý tưởng, một đức tin hoặc một hướng đi chắc chắn giúp ta vững bước và trung kiên tới cùng.  Vậy đâu là đối tượng duy nhất của đức tin ấy nếu không phải là chính Chúa Ki-tô.  Hình ảnh Chúa Giê-su với bàn tay đưa ra cho ông Phê-rô bám lấy giữa cơn sóng gió trên Biển hồ luôn là hình ảnh không những của toàn thể Giáo Hội, mà cũng là hình ảnh của từng Ki-tô hữu nữa.

 

a)  Một cuộc hành trình đức tin

 

          Ít ra ba sách Tin Mừng, Mát-thêu, Mác-cô và Gio-an đều ghi lại câu truyện Chúa đi trên mặt hồ ban đêm mà đến với các môn đệ trên thuyền và khiến cho gió yên biển lặng, sau khi Người đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng (x. Mc 6:45-52; Ga 6:16-21).  Đặt hai phép lạ này bên cạnh nhau, các thánh sử như muốn gợi lại hai biến cố trong Cựu Ước:  đưa dân Do-thái qua Biển Đỏ và nuôi sống họ bằng man-na trong hoang địa.

          Giáo Hội và Ki-tô hữu đang làm một cuộc vượt qua, từ trần gian này để tiến về quê hương vĩnh cửu trên trời.  Đó là một cuộc vượt qua đầy thử thách, đòi hỏi ta phải có đủ lòng tin vào tình yêu của Thiên Chúa và Đấng Người sai đến để dẫn dắt ta.

          Chúa Ki-tô là đối tượng đức tin của ta, vì ở nơi Người, ta nhận ra được tất cả những gì Thiên Chúa muốn cho ta biết và sống theo.  Ta thường hiểu đức tin một cách hời hợt hoặc mù mờ, nhất là chỉ nghĩ rằng đó là phải chấp nhận tất cả những gì Chúa và Giáo Hội dạy “phải tin”!  Thực ra cách hiểu đơn sơ và đúng nhất về đức tin là:  đức tin là một mối quan hệ sống động liên kết hai chủ thể với nhau.  Thánh Phao-lô nêu lên một thí dụ cụ thể nhất, đó là đức tin của ông Áp-ra-ham (Rm 4:18-22).  Ông nhận ra mình là ai và Thiên Chúa là Đấng nào.  Tin tưởng vào lời hứa hoặc quyền năng của Thiên Chúa, ông đã mạnh dạn bỏ lại tất cả cơ nghiệp đồ sộ để ra đi tới một nơi chưa hề biết, theo lời gọi của Thiên Chúa:  “Ta đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc”.  Lời gọi xem ra hoàn toàn vô căn cứ và trái tự nhiên, vì “thân xác ông cũng như dạ bà Xa-ra đều đã chết” (Rm 4:19).  Một đàng là cơ nghiệp to lớn ông đang nắm trong tay, một đàng là lời gọi phiêu lưu của Thiên Chúa.  Nhưng vì muốn chấp nhận thế giá của Thiên Chúa, ông liều lĩnh chọn lựa bỏ lại mọi sự đang có để ra đi theo lời gọi của Thiên Chúa, mặc cho tương lai vô định và gian nan trước mặt.

          Gương đức tin ấy giúp ta nhìn lại mối quan hệ sống động giữa Chúa Ki-tô với ta.  Ta được mời gọi bước vào một hành trình sống mối quan hệ với Chúa Ki-tô.  Người cũng bảo ta phải hối cải và tin vào Tin Mừng, tức là thay đổi con người mình bằng cách bỏ lại những gì ta đang có để vác thập giá hằng ngày đi theo Người trở về nhà Cha.  Cũng như ông Áp-ra-ham lúc nào cũng tin tưởng vào thế giá và lời hứa của Thiên Chúa, ta phải tin vào sứ mệnh và lời giảng của Chúa Ki-tô.  Sứ mệnh của Người là kêu gọi ta hãy đáp lại tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa, còn lời giảng của Người vạch ra một lối sống mới, sống theo Thần Khí, để ta xứng đáng làm con cái Thiên Chúa.  Những người được Chúa Giê-su ca tụng là người có đức tin trong sách Tin Mừng là những người đã tin vào con người và sứ mệnh của Chúa.

 

b)  “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ”

 

          Có lẽ hơn ai hết, Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II là người đã nghe rõ những lời này của Chúa, vì trong suốt triều đại giáo hoàng của ngài, ngài luôn lập đi lập lại lời Chúa Giê-su:  “Đừng sợ!”  Cảm nhận trách nhiệm nặng nề giữa một thế giới thù nghịch với Tin Mừng Chúa Ki-tô, chắc chắn có những lúc ngài thấy nao núng giống như vị tiền nhiệm Phê-rô:  “Thưa Ngài, xin cứu con với!”  Nhưng ngài vẫn một mực can đảm rao giảng chân lý của Chúa Ki-tô và Giáo Hội, bất chấp những chỉ trích chống đối từ mọi phía đạo đời.

          Ta lấy làm lạ tại sao ông Phê-rô là tay đánh cá chuyên nghiệp từng sống trên sông nước lại sợ chết chìm và hoảng hốt kêu cứu với Chúa.  Ta nhận thấy ít nhất có hai nguyên do bên ngoài khiến ông sợ:  trời tối và gió mạnh.  Thêm vào đó là nguyên do tâm lý:  khi phải đối phó với những gì bất ngờ xảy ra, người ta khó mà bình tĩnh và kiểm soát được mình.  Nhưng những nguyên do trên không phải là những điều thánh Mát-thêu cố ý mô tả, mà chỉ là một bối cảnh cho một nguyên do sâu xa hơn thuộc lãnh vực đức tin, tức là khi ông Phê-rô không còn ý thức Chúa Giê-su hiện diện trong đời mình là lúc “ông đâm sợ và bắt đầu chìm”.  Hiểu như thế, ta sẽ ý thức hoàn cảnh này của Phê-rô cũng thường tái diễn trong cuộc đời ta.  Khi ta chỉ thấy hiện diện trong đời ta tiền bạc của cải và tham vọng.  Khi ta cậy vào tài năng của mình, nghĩ mình có thể làm được bất cứ điều gì mình muốn.  Khi ta coi thường việc sống đạo và những bổn phận thiêng liêng...

          Chúa Giê-su đã nhắc nhở Phê-rô và các bạn ông ngay từ đầu:  “Chính Thầy đây, đừng sợ!”  Đó là nhắc nhở về sự hiện diện của Người trong cuộc đời ta.  Chúa muốn nói rằng nếu ta có Chúa ở trong ta, ở với ta, thì ta không phải sợ bất cứ điều gì.  Lời nhắc nhở này cũng là điệp khúc của rất nhiều lời nguyện trong Thánh Vịnh diễn tả sự hiện diện của Chúa che chở đời ta.  Chúa là nơi con nương tựa, nơi con ẩn náu.  Chúa là thành lũy vững bền.  Chúa là núi đá che chở.  Thật nhiều Thánh Vịnh nhắc nhở ta về sự hiện diện của Chúa trong đời ta, để ta xác tín rằng nếu không có Chúa trong đời, cuộc sống ta sẽ chỉ là “buồn nôn” và “vô lý” như mấy ông triết gia hiện sinh chủ trương.

          Sự hiện diện của Chúa Giê-su trong đời ta là cốt tủy của đức tin.  Sống đức tin là sống quan hệ với Người.  Mà nếu Người không ở trong đời ta luôn luôn thì làm sao có quan hệ?  Rồi quan hệ đó phải là quan hệ yêu thương, chứ không phải quan hệ nhu cầu, cả đời chỉ “gặp” Chúa vài lần, khi rửa tội, khi làm đám cưới và khi nằm trong quan tài!

 

c)  “Quả thật, Ngài là Con Thiên Chúa!”

 

          Câu truyện kết thúc bằng lời tuyên xưng Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa.  Một cử chỉ đã được thánh Mát-thêu ghi lại, có lẽ ta ít để ý, nhưng lại hết sức ý nghĩa, đó là “những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người”.  Giáo Hội thường được ví như con thuyền.  Dưới sự lèo lái của thuyền trưởng, mọi người đều chung tay chèo để tất cả tới được bến bờ vĩnh cửu.  Cử chỉ của mọi người trong thuyền là “bái lạy” Chúa Giê-su.  Theo ngôn ngữ Kinh Thánh, việc bái lạy chỉ dành riêng để tỏ lòng phụng sự tôn thờ đối với Thiên Chúa.  Cho nên viết như trên, thánh Mát-thêu muốn nói lên việc tuyên xưng đức tin của mọi thành phần trong Giáo Hội xác tín về con người và sứ mệnh của Chúa Giê-su:  “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!”

          Lời tuyên xưng này cần phải được biểu lộ trong lối sống của Ki-tô hữu.  Chúa Ki-tô không phải thuần túy là một nhãn hiệu dán trên áo của ta, hoặc là một danh xưng trống rỗng ta mượn đỡ, nhưng phải là một lối sống, một hình ảnh sống động, một thực tại hiện diện và có thể nhận thấy được qua cách suy nghĩ, lời nói, cử chỉ và hành động của ta.  Hoặc về phía ta, ta có thể nói được như thánh Phao-lô:  ta là “đại sứ” của Chúa Ki-tô, là “hương thơm” của Chúa Ki-tô, để mọi người khi tiếp xúc với ta có thể nhận biết Chúa Ki-tô vậy.

 

d)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Từ trước tới nay, tôi thường hiểu đức tin là gì?  Cách hiểu ấy có quá ấu trĩ và khiếm khuyết không?

          Tôi cảm nghiệm Chúa hiện diện trong đời tôi như thế nào?  Có thực sự là một quan hệ mật thiết và đầy yêu thương không?  Bàn tay Chúa đã đưa ra nắm lấy tôi trong những hoàn cảnh hay trường hợp nào?

Ai có thể nhận ra được Chúa hiện diện trong đời tôi?  Tôi đã làm gì để giúp họ nhận thấy Chúa ở với tôi?  Hoặc tôi đã làm gì để người khác không nhận thấy Chúa, mà chỉ nhận thấy tôi mà thôi?

 

Cầu nguyện

 

          “Lạy Chúa Giê-su,

          con chẳng dám xin đi trên mặt nước như Phê-rô,

          nhưng nhiều khi con cảm thấy

          sống đức tin giữa lòng cuộc đời

          chẳng khác nào đi trên mặt nước.

          Có bao thứ sóng gió đẩy đưa và lôi cuốn.

          Có bao cám dỗ muốn hút con vô vực sâu.

          Cả sự nặng nề của thân xác con

                   cũng kéo ghì con xuống.

          Đi trên mặt nước cuộc đời chẳng mấy dễ dàng.

          Nhiều khi con thấy mình bàng hoàng sợ hãi.

          Xin cứu con khi con hầu chìm.

          Xin nắm lấy tay con khi con quỵ ngã.

          Xin nâng đỡ niềm tin yếu ớt của con,

          để con trở nên nhẹ tênh

          mà bước những bước dài hướng về Chúa.  A-men.”

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 55)

 

 

Linh Muc Đaminh Trần Đình Nhi

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà