CHÚA NHẬT 21 QUANH NĂM
(Mát-thêu 16: 13-20)
Tuyên
xưng đức tin vào Chúa Giê-su Ki-tô là mục đích chính của sách Tin Mừng. Sách Tin Mừng không trình bày một Chúa
Giê-su đơn thuần của lịch sử, nhưng là một Chúa Giê-su theo lòng tin của các
môn đệ Người. Trong những câu truyện
Tin Mừng hai Chúa Nhật trước đây, ta đã suy niệm về việc tuyên xưng đức tin của
các môn đệ Chúa và của người đàn bà Ca-na-an.
Hôm nay, tại phần đất giáp với dân ngoại, câu truyện ông Phê-rô tuyên
xưng Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, không những mang chiều kích
cộng đồng khi ông thay mặt các tông đồ khác, nhưng cũng mang chiều kích cá nhân
nữa, để diễn tả đầy đủ ý nghĩa việc tuyên xưng đức tin ấy. Mọi Ki-tô hữu tham dự vào việc tuyên xưng
đức tin không phải với tính cách thụ động và thừa hưởng đức tin của Giáo Hội,
nhưng là tích cực và cá nhân để cùng với các phần tử khác sống và biểu lộ đức
tin ấy.
a) Đặt lại vấn đề, hoặc xét lại
Có
khi nào ta nghĩ Chúa Giê-su gặp nhiều thất bại hơn thành công không? Với những điều kể lại trong sách Tin Mừng,
ta thấy rõ cuộc đời Chúa thất bại thì nhiều, còn thành công chỉ đếm được trên
đầu ngón tay! Tuy nhiên quan trọng hơn
cả vẫn là thành công khi kết thúc sứ mệnh, tức là chiến thắng cuối cùng của
Người trên quyền lực ma quỷ, tội lỗi và cái chết. Khi thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su kêu gọi người
ta hãy sám hối, tin vào Người và sứ mệnh của Người. Nhưng các môn đệ thì mải mê theo đuổi giấc mộng “làm quan” ăn
trên ngồi chốc. Còn dân chúng thì chỉ ồ
ạt theo Người không phải để nhờ dấu lạ mà tin Người, nhưng để được ăn bánh no
nê (Ga 6:26) hoặc để được chữa lành bệnh tật.
Lòng dạ họ thay đổi như chong chóng.
Hôm nay tung hô Người và muốn Người làm vua, rồi ngày mai sẵn sàng đả
đảo và gào thét bắt ngoại bang phải đóng đinh Người. Vì thế sau một thời gian rao giảng khá dài, Chúa Giê-su thấy cần
phải xét lại vấn đề đức tin của dân chúng và của các môn đệ Người. Với dân chúng, sự hời hợt đã rõ ràng. Nhưng với môn đệ, niềm tin phải dứt
khoát. Đó chính là lý do Chúa Giê-su
cần đưa các môn đệ tới một chỗ xa hẳn những đồn đại hoặc ý kiến của dân chúng
về Người, để họ xét lại đức tin của họ, một đức tin cần phải tuyệt đối và nảy
sinh từ cá nhân họ chứ không phải một đức tin vay mượn của người khác.
Đức
tin là quan hệ sống động giữa Chúa với ta, cho nên nó cần phải trở nên mỗi ngày
một toàn hảo hơn. Là quan hệ yêu
thương, đức tin không thể chỉ được xây dựng trên những nền tảng tạm bợ như nhu
cầu cá nhân hoặc cần cứu giúp khi gặp khốn khó. Do đó, đức tin phải được thanh tẩy dần dần để cho nền tảng chính
yếu luôn luôn là tình yêu, từ đó phát sinh một lối sống mới lấy yêu thương làm
động lực cho mọi hành động.
Nếu
Chúa Ki-tô là đối tượng đức tin, thì việc nhận biết Người đích thực là Đấng nào
phải là điều các môn đệ cần xét lại.
Không biết rõ sứ mệnh của Người, các môn đệ làm sao có thể theo Người và
sẵn sàng tiếp tục những gì Người đã khởi sự trong công tác Thiên Chúa Cha đã
trao phó? Từ khi bắt đầu theo Chúa,
không phải là họ không được nghe Chúa nói về sứ mệnh của Người, nhưng thực ra
họ không muốn nghe, mà chỉ muốn bóp méo sứ mệnh ấy cho hợp với tham vọng cá
nhân mà thôi. Do đó, Chúa Giê-su thấy
đến lúc phải đặt lại vấn đề, một khúc quặt để Người chuẩn bị cho họ lãnh nhận
mặc khải mới về sứ mệnh của Người: là
Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, Người sẽ thi hành công việc Chúa Cha trao phó, tức
là đi Giê-ru-sa-lem để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa (Mt 16:21).
b) Đức tin của Phê-rô
Câu
truyện ông Phê-rô tuyên xưng đức tin không chỉ là xác nhận vai trò của Chúa
Giê-su, nhưng còn là câu truyện xét lại đức tin của ông. Có lẽ ta nên đọc luôn cả đoạn Tin Mừng tiếp
theo về việc Chúa tiên báo cuộc Thương Khó và Người quở trách ông Phê-rô vì ông
can Người không nên đi Giê-ru-sa-lem, ta dễ thấy mạch văn câu truyện liên quan
tới đức tin của ông.
Sau khi
Chúa Giê-su nghe các môn đệ liệt kê những ý kiến khác nhau của dân chúng nói về
Người, Người hỏi thẳng các ông: “Còn
anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Câu hỏi
ấy đã ngầm hiểu Chúa Giê-su biết tận trong thâm tâm các môn đệ, họ đã có một
hình ảnh về Người dĩ nhiên còn cao đẹp hơn những gì dân chúng nghĩ về
Người. Tuy nhiên, đó chưa phải là đức
tin. Đức tin không khởi xuất từ nơi ta,
nhưng từ Thiên Chúa. Chính thế giá,
tình yêu, quyền năng... của Thiên Chúa mới đưa ta đến tin tưởng và phó thác vào
Người, chứ không phải ta tự mình tin tưởng Thiên Chúa trước. Do đó, nguồn gốc của đức tin là Thiên Chúa
và đức tin được gọi theo danh từ thần học là nhân đức đối thần. Trước hết, Chúa Giê-su đã minh định nguồn
gốc đức tin của Phê-rô (và của mọi người) khi Người bảo ông: “Không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều
ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” Tiếp đến, Người cho ta thấy đức tin luôn song song với sứ
mệnh. Ở đây, sứ mệnh của Phê-rô là làm
Tảng Đá, tức là làm nền móng đức tin để trên đó Chúa Giê-su thiết lập Giáo Hội,
đồng thời cũng thay mặt Người làm thủ lãnh Nước Trời trên trần gian. Những gì Phê-rô làm (dưới đất) thì Chúa
Ki-tô (trên trời) cũng làm. Sứ mệnh của
Chúa Giê-su là tháo cởi (giải phóng ta khỏi quyền lực ma quỷ) và cầm buộc (tiêu
diệt quyền lực ma quỷ, x. Lc 11:22).
Người truyền cho Giáo Hội phải tiếp tục sứ mệnh ấy dưới quyền thủ lãnh
của Phê-rô và các đấng kế vị, để giải phóng và đưa mọi người trở về quê hương
vĩnh cửu. Giáo Hội phải là một sức mạnh
tiêu diệt sự dữ trên trần gian. Như
thế, đức tin càng mạnh thì sứ mệnh càng được chu toàn dễ dàng và Nước Trời càng
được phát triển nhanh chóng.
c) Xét lại đức tin của ta
Có
lẽ nhiều người sẽ khó chịu khi nghe nói cần phải xét lại đức tin. Người ta cứ tưởng đức tin giống như tờ chứng
chỉ rửa tội được cất trong hồ sơ, khỏi lo mất mát, hoặc giống như một thứ bửu
bối không bao giờ mất công hiệu! Một
đức tin vững chắc như “tảng đá” của Phê-rô, vậy mà ông vẫn cần phải có sự hỗ
trợ của Chúa Giê-su khi Người hứa cầu nguyện đặc biệt cho ông. “Si-mon, Si-mon ơi, kìa Xa-tan đã xin được
sàng anh em như người ta sàng gạo.
Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho
anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22:31-32).
Phê-rô
đã phải xét lại đức tin của ông mỗi khi ông vấp ngã. Ngay sau câu truyện tuyên xưng đức tin này, ông đã vấp ngã khi
can gián Chúa Giê-su. Thực vậy, mỗi lần
Phê-rô vấp ngã, ông chỗi dậy, thống hối và tiếp tục bước theo sau Thầy (Mt
16:23). Sau mỗi lần vấp ngã, ông càng
yêu mến Thầy nhiều hơn (Ga 21:15-19).
Ông đã phát triển quan hệ yêu thương giữa ông với Chúa, vì đích thực đó
là ý nghĩa của đức tin.
Như
thế, câu truyện ông Phê-rô tuyên xưng đức tin và xét lại đức tin đã trở thành
một gương mẫu để ta nhìn vào đức tin của ta mà tạ ơn Chúa đã ban đức tin ấy và
cố gắng đáp lại lời gọi của Người.
d) Suy nghĩ và cầu nguyện
Với
tôi, Chúa Giê-su là Đấng nào? Là một
hình ảnh mơ hồ hay thực sự là một cá nhân có quan hệ mật thiết với tôi?
Đức
tin đi liền với sứ mệnh. Vậy sứ mệnh
của tôi là gì? Tôi có thi hành sứ mệnh
trong đức tin không? Nghĩa là có thi
hành trong mối quan hệ với Đấng trao cho tôi sứ mệnh không?
Tôi
cần phải xét lại đức tin của tôi trên những khía cạnh nào? Đâu là những quyết định cụ thể tôi phải thi
hành để giúp phát triển đức tin?
Cầu nguyện
“Lạy
Cha từ ái,
đây
là niềm tin của con.
Con
tin Cha là Tình yêu,
và
mọi sự Cha làm đều vì yêu chúng con.
Cả
những khi Cha mạnh tay cắt tỉa,
cả
những khi Cha thinh lặng hay vắng mặt,
cả
những khi Cha như chịu thua sức mạnh của ác nhân,
con
vẫn tin Cha là Cha toàn năng nhân ái.
Con
tin Cha không chịu chua con về lòng quảng đại,
chẳng
để con thiệt thòi khi dám sống cho Cha.
Con
tin rằng nơi lòng những người cứng cỏi nhất
cũng
có một đốm lửa của sự thiện,
được
vùi sâu dưới những lớp tro.
Chỉ
một ngọn gió của tình yêu chân thành
cũng
đủ làm đốm lửa ấy bừng lên rạng rỡ.
Con
tin rằng chẳng có giọt nước mắt nào vô ích,
thế
giới vẫn tồn tại nhờ hy sinh thầm lặng của bao người.
Con
tin rằng chiến thắng cuối cùng thuộc về Ánh sáng.
Sự
Sống và Tình yêu sẽ chiếm ngự địa cầu.
Con
tin rằng dòng lịch sử của loài người và vũ trụ
đang
chuyển mình tiến về với Cha,
qua
trung gian tuyệt vời của Chúa Giê-su
và
sức tác động mãnh liệt của Thánh Thần.
Con
tin rằng dần dần mỗi người sẽ gặp nhau,
vượt
qua mọi tranh chấp, bất đồng, mọi dị biệt, thành kiến,
để
cùng nắm tay nhau đi qua sa mạc cuộc đời
mà
về nhà Cha là nơi hạnh phúc viên mãn.
Lạy
Cha, đó là niềm tin của con.
Xin
Cha cho con dám sống niềm tin ấy.
A-men.”
(Trích
RABBOUNI, lời nguyện 54)
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi