Chúa
Nhật thứ Thường Niên
(28-8-2005)
Từ
bỏ mình và chấp nhận đau khổ,
là
điều kiện cốt yếu nhất để theo Chúa
ĐỌC LỜI CHÚA
· Gr 20, 7-9: (9) Lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ
trong xương cốt.
· Rm 12, 1-2: (2) Hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm
thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng
Chúa, cái gì hoàn hảo.
· TIN MỪNG: Mt 16, 21-27
Đức Giêsu tiên báo cuộc Thương
Khó lần thứ nhất
(21) Khi ấy, Đức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi
Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây
ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. (22) Ông Phêrô
liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: «Xin Thiên
Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!»
(23) Nhưng Đức Giêsu quay lại bảo ông Phêrô: «Xatan, lui
lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng
của Thiên Chúa, mà là của loài người».
Điều kiện phải có để theo Đức
Giêsu
(24) Rồi Đức Giêsu nói với các môn đệ: «Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính
mình, vác thập giá mình mà theo. (25) Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình,
thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống
ấy. (26) Vì nếu người ta được cả thế giới mà
phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi
mạng sống mình? (27) «Vì Con Người
sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người,
và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm.
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Tại sao Đức
Giêsu lại chấp nhận chịu đau khổ và chết? Ngài có thể chọn cách nào khác khôn
ngoan hơn, nghĩa là khỏi phải đau khổ và chết không? Hay cách Ngài chọn là cách
khôn ngoan nhất? Nếu đó là cách khôn ngoan nhất, thì ta có thể rút ra bài học
gì?
2. Khi người thân
của ta chỉ vì thương ta mà cản trở ta làm điều tốt hoặc đề nghị ta làm điều
xấu, thì ta nên phản ứng thế nào? Trong trường hợp này, Đức Giêsu đã phản ứng
thế nào? Tại sao?
3. Điều kiện để
theo Đức Giêsu là gì? Không thực hiện những điều kiện ấy thì có thể theo Ngài
không? Những người theo Ngài nhưng không hề thực hiện những điều kiện ấy thì
sao? Có những hạng người như thế không?
Suy tư gợi ý:
1. Những nghịch lý trong cuộc đời trần gian
Trong bài Tin Mừng hôm nay, ta thấy ẩn hiện
những cặp thực tại đối nghịch nhau:
– «chịu nhiều đau khổ… rồi bị giết chết»
nhưng «ngày
thứ ba sẽ sống lại»;
– «muốn cứu mạng sống mình» thì
kết quả là «sẽ
mất»;
– «liều mất mạng sống» thì lại «tìm được mạng sống».
Tóm lại, những thực tại đối nghịch ấy luôn đi
đôi với nhau, hỗ tương và hoán chuyển lẫn nhau, cái này dẫn đến cái kia, cái
này là kết quả của cái kia, thực hiện cái này thì cái kia sẽ xảy ra, và ngược
lại. Đau khổ do tự nguyện chấp nhận thì dẫn đến hạnh phúc, hạnh phúc muốn được
hưởng trước thì lại dẫn đến đau khổ; sẵn sàng chấp nhận chết thì được sống, tìm
cách để được sống thì lại phải chết…
Cuộc đời này gồm nhiều nghịch lý như thế,
khiến cho những kẻ ích kỷ cuối cùng chỉ gặp toàn thảm bại. Kẻ ích kỷ chỉ lo cho
mạng sống mình, cho hạnh phúc của mình, lo tránh đau khổ cho một mình mình, thì
tuy trước mắt là lợi được điều này điều kia, nhưng lại mất những thứ cốt yếu
nhất, quan trọng nhất trên đời, vì thế cuộc đời họ gặp rất nhiều khổ đau. Còn
người sống vị tha, quên mình, yêu thương, sẵn sàng chấp nhận đau khổ vì tha
nhân thì tuy trước mắt là mất thứ này thứ nọ, nhưng cuối cùng lại được điều cốt
yếu nhất, được mọi người yêu thương quí mến, được hạnh phúc, được sống phong
phú dồi dào nhất.
Đức Giêsu đã mặc khải và chứng tỏ sự thực ấy
bằng chính cuộc đời đau khổ và cái chết của Ngài. Ngài đã đau khổ nhất, chết
thê thảm nhất, để rồi được hạnh phúc nhất, vinh quang nhất. Đau khổ được chấp
nhận càng lớn, thì hạnh phúc và vinh quang nhờ đó đạt được càng nhiều hơn gấp bội.
Ngược lại, càng muốn hưởng hạnh phúc mà không chấp nhận đau khổ thì càng gặp
đau khổ và hạnh phúc càng trở nên xa vời. Sự thật đó đâu có lạ lẫm gì, nó vẫn
xảy ra hằng ngày trước mắt ta.
Một học sinh chấp nhận vất vả học hành thì về
sau đạt được bằng cấp cao, có việc làm danh giá, thu nhập cao. Còn học sinh
lười biếng thì về sau dễ bị thất nghiệp, phải chấp nhận những công việc rất
nặng nhọc mà đồng lương chẳng được bao nhiêu. Một người cha làm việc thật vất
vả trong xưởng thợ thì cuối tháng sẽ đem về đưa cho gia đình mình một khoản
tiền lớn, được vợ con đón nhận thật vui vẻ. Nhờ món tiền đó cả gia đình được
đầy đủ no ấm suốt tháng. Đối với người cha, cảnh gia đình ấm no hạnh phúc chính
là một trong những nguồn hạnh phúc lớn nhất trên đời. Còn những người cha suốt
ngày nhậu nhẹt say sưa thì thường bị vợ con phàn nàn oán trách, và gia đình
chẳng khác gì hỏa ngục.
2. Người thân của ta có thể cản trở ta làm theo ý
Chúa
Muốn quên mình hy sinh, muốn sống cho tha
nhân, muốn xả thân để giúp Giáo Hội được phát triển, muốn làm cho xã hội và đất
nước được hạnh phúc thì bản thân mình phải hy sinh, phải chấp nhận đau khổ. Tuy
nhiên những người thân yêu bên cạnh ta – cha mẹ, vợ con, anh em, bạn bè – vì
thương ta, lại không muốn ta khổ, nên tìm cách ngăn cản, không để ta dấn thân
vào con đường gian khổ. Tương tự như Phêrô đã ngăn cản Đức Giêsu đi vào con
đường thập giá. Rất nhiều người vì nể người thân nên xiêu lòng và bỏ cuộc.
Nhưng ta thấy Đức Giêsu đã phản ứng lại với Phêrô một cách rất mãnh liệt. Ngài
đã đặt lời mời gọi hay thánh ý của Cha Ngài lên trên ý muốn của tất cả mọi
người và cả ý riêng của Ngài nữa. Chuyện gì phải làm, lương tâm buộc phải làm,
hay Thiên Chúa muốn Ngài làm, thì Ngài không để người khác cản trở Ngài. Nhiều
vị thánh đã xử sự như vậy.
Thiết tưởng khi thấy người thân yêu của mình sẵn sàng hiến thân hy sinh cho Thiên Chúa và tha nhân vì tình yêu của họ, ta nên khuyến khích và ủng hộ họ thay vì ngăn cản họ, cho dù việc ngăn cản đó là do ta yêu họ, không muốn họ khổ. Trong lịch sử Trung Quốc, mẹ của Từ Thứ bị bạo vương Tào Tháo giữ làm con tin. Lúc đó Từ Thứ đang phục vụ dưới trướng của Lưu Bị – đối thủ của Tào Tháo – mà ông và cả mẹ ông coi là một minh quân. Khi Tào Tháo muốn dùng mẹ của Từ Thứ để làm áp lực tình cảm buộc Từ Thứ phải về phục vụ mình, thì bà đã tự vẫn để con mình được hoàn toàn tự do trong việc phục vụ đất nước, để con không vì đạo hiếu với mẹ mà phản bội lại vị minh quân mình đang phục vụ. Bà quả là một phụ nữ thật anh hùng! Có những bà mẹ khi thấy con sợ chết nên phản bội đất nước hay không dám hy sinh cho đại nghĩa, đã phiền trách hay sửa phạt con thật nghiêm khắc. Không phải những bà mẹ ấy không thương con, mà họ muốn con họ chấp nhận một đau khổ nhỏ hơn để đạt được một hạnh phúc hay vinh quang lớn hơn gấp bội.
3. «Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá
mình mà theo»
Đức Giêsu cho những ai muốn theo Ngài biết
điều kiện quan trọng để theo Ngài là: «Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập
giá mình mà theo». Điều kiện của Ngài thật rõ ràng. «Từ bỏ chính
mình» là từ bỏ tính ích kỷ để sống quên mình, vị tha; cụ thể là coi
nhẹ «cái
tôi» của mình, từ bỏ tham vọng được mọi người tôn vinh, phục vụ,
muốn sống trên đầu trên cổ người khác. Trong đoạn Tin Mừng Lc 14,28-33, Ngài
còn yêu cầu những ai muốn theo Ngài phải lượng sức mình xem có thực hiện nổi điều kiện ấy không thì hãy theo, nếu thấy không thực hiện nổi thì nên rút lui.
Trong xã hội, để phục vụ đất nước một cách hữu hiệu thì cách tốt nhất là ra làm quan, làm vua. Một «minh quân» ích lợi cho đất nước hơn một «minh quan», và một «minh quan» ích lợi cho đất nước hơn một người dân tài đức. Nhưng nếu làm quan, làm vua mà không phải để phục vụ đất nước, mà chỉ để vinh quang cho mình, để được những lợi lộc ích kỷ, thì đó lại là cách hữu hiệu nhất để phá hoại đất nước. Thật vậy, «hôn quân» làm hại đất nước hơn «hôn quan», và «hôn quan» làm hại đất nước hơn trộm cướp ngoài đời. Tuy nhiên, dù là «minh quân» hay «hôn quân», «minh quan» hay «hôn quan» thì cả hai đều mang danh là phục vụ đất nước cả, nhưng tính chất của hai loại người đó hoàn toàn khác nhau. «Minh quân» hay «minh quan» thì làm vua hay làm quan là để phục vụ đất nước, họ sẵn sàng quên mình, từ bỏ mình, chấp nhận đau khổ vì mục đích ấy. Còn «hôn quân» hay «hôn quan» thì muốn làm vua hay làm quan là để thăng tiến cá nhân, để được tôn vinh, được nắm quyền sai xử người khác, để sống trên đầu trên cổ mọi người. Cũng mang danh phục vụ đất nước, nhưng một đằng coi «cái tôi» của mình chỉ là phương tiện để phục vụ mọi người, còn một đằng coi «cái tôi» của mình là mục đích và muốn biến mọi người thành phương tiện phục vụ cho mình.
Cũng vậy, trong Giáo Hội, người ta vẫn có thể
«theo
Chúa» vì hai động lực trái nghịch nhau: có thể vì Chúa, vì Giáo Hội,
vì tha nhân mà theo Chúa, nhưng cũng có thể vì mình, vì «cái tôi» của mình, vì muốn
thăng tiến bản thân mà theo Ngài. Hai loại này một đằng xây dựng, đem lại vinh
quang cho Thiên Chúa và Giáo Hội, một đằng phá hoại, làm ô danh Thiên Chúa và
Giáo Hội. Người theo Ngài đích thực rất dễ nhận ra qua việc thực hiện những
điều kiện Ngài đưa ra: «Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập
giá mình mà theo». Nghĩa là họ sống quên mình, sống vị tha, sẵn sàng
chấp nhận «vác
thập giá mình» sẵn sàng chịu đau khổ, thiệt thòi vì Chúa, vì tha
nhân. Còn người theo Ngài vì mục đích kém cao thượng cũng rất dễ nhận ra qua
cách hành xử đầy tính vị kỷ của mình: thích ăn trên ngồi trốc, sẵn sàng bảo vệ
quyền bính với bất cứ giá nào, thích đề cao chức vụ của mình, thích sống sang
trọng hơn người, thường phân biệt giàu nghèo, trọng giàu khinh nghèo rõ ràng,
v.v… Nhưng kết quả cuối cùng khi Chúa đến trong vinh quang là kẻ vị tha sẽ hạnh
phúc muôn đời, còn kẻ vị kỷ sẽ gặp rất nhiều đau khổ. Vì «kẻ gieo gió thì phải gặt bão»
(Hs 8,7), «kẻ
gieo công chính thì sẽ gặt được tình thương» (Hs 10,12).
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, theo Đức
Giêsu chính là sống yêu thương, vị tha, xả thân, quên mình, sẵn sàng chấp nhận
đau khổ, thiệt thòi để những người chung quanh mình được hạnh phúc. Làm như
thế, trước mắt phải chịu mất mát, đau khổ, nhưng kết quả của nó thật tuyệt vời,
hạnh phúc. Trái lại, lối sống ích kỷ, chỉ biết lo cho mình, trước mắt được lợi
nhiều thứ, nhưng kết quả là đau khổ, và đau khổ lớn nhất là mất chính bản thân
mình. Xin cho con nhận ra điều ấy để biết lối sống nào là ích lợi cho con nhất.
Joan Nguyễn Chính Kết