CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN, năm A

Mt 18, 15-20

CỘNG ĐOÀN LIÊN ĐỚI

 

Rõ ràng Chúa Giêsu sau khi tỏ vinh quang của Người cho ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan trên núi Taborê, Người đi tới Capharnaum, tại đây, Người đã loan báo diễn từ thứ tư theo cách diễn tả của thánh sử Matthêu:” diễn từ về đời sống Hội Thánh”. Chúa Giêsu đã hướng dẫn cộng đoàn do Người thiết lập họa lại, phản chiếu hình ảnh của Thiên Chúa Cha.

CHÚA GIÊSU LOAN BÁO ĐỀ TÀI CỘNG ĐOÀN: Thánh Matthêu đã thu tập nhiều diễn từ và tập họp nhiều lời nói khác nhau của Chúa Giêsu nói về cộng đoàn. Chúa Giêsu đã tâm sự, đã nói với các môn đệ rất nhiều điều thật thân tình, nhất là những ngày Người bỏ Galilêa chuẩn bị đi Giêrusalem. Chúa Giêsu quả thực đã chuẩn bị cho các môn đệ của Người hiểu được tình thương mến nhau. Người nói:” Hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con “ hoặc “ Cứ dấu này người ta sẽ nhận ra các con là môn đệ của Thầy là các con yêu mến nhau”. Chúa chuẩn bị tinh thần cho các môn đệ để các môn đệ chìm sâu trong tình thương, trong sự hiệp nhất, đón nhận cơn thử thách lớn lao là phải lìa xa nhau sau cuộc thống khổ của Người. Chúa chuẩn bị trước như thế để các môn đệ luôn biết sống quảng đại, luôn biết gắn bó với nhau, luôn quan tâm tới những kẻ bé mọn, luôn tha thứ cảm thông cho nhau bất chấp cuộc đời có ra sao đi nữa. Tinh thần này Chúa ước muốn phải tràn lan trong cộng đoàn. Những lời của Matthêu viết ra luôn có hiệu nghiệm, luôn có giá trị vì rằng cộng đoàn mà Chúa Giêsu nhắn nhủ gồm những người Kitô hữu gốc Do Thái, lẫn gốc dân ngoại, thuộc mọi giai cấp khác nhau. Cộng đoàn này có lúc cũng gặp khó khăn, thử thách. Chính vì thế, cộng đoàn nhóm 12 vẫn có những vấn đề của nó và những lời của Chúa vẫn luôn có hiệu nghiệm, thực tế. Cộng đoàn các môn đệ được miêu tả như một cộng đoàn luôn quan tâm tới những kẻ bé mọn, những Kitô hữu mà đức tin còn rất yếu, mỏng manh và lo lắng cho những con chiên lạc, những con chiên xa ràn. Chúa Giêsu trình bầy, loan truyền một cộng đoàn sống động, thực hành sự nâng đỡ và tha thứ lẫn cho nhau. Người gợi lên thái độ của anh em cộng đoàn phải có đối với người lỗi phạm. Thái độ này là thái độ phải có khi anh em có sự bất hòa, xung khắc lẫn nhau.

THỰC HÀNH SỰ NÂNG ĐỠ VÀ THA THỨ LẪN CHO NHAU: Chúa Giêsu vạch ra việc sửa lỗi anh em. Đây là một việc làm có tính Tin mừng. Chúa không cho biết tội đó là tội gì nhưng chúng ta cũng hiểu lời của Chúa cho hay tội đó là sự xúc phạm đến Thiên Chúa, và cũng là tội xúc phạm đến một người anh em trong cộng đoàn. Đó cũng là tội liên quan đến Giáo Hội và cộng đoàn Kitô hữu. Thay vì kết tội vội vã, có khi phạm phải sai lầm. Thánh Matthêu nhấn mạnh đến sự đòi hỏi của Tin Mừng: sự nâng đỡ, lòng thương xót và sự tha thứ lẫn cho nhau.Do đó, việc sửa lỗi người anh em phải đi qua ba giai đoạn. Bước thứ nhất là gặp riêng người phạm lỗi, giúp họ nhận ra lỗi lầm của họ để họ sửa đổi. Nếu bước một không thành công thì gặp gỡ người lầm lỗi cùng với hai hay ba nhân chứng. Sự hiện của các nhân chứng bảo đảm cho tính khách quan, đồng thời cách kín đáo đem vào đó yếu tố cộng đoàn. Bước thứ ba: nếu họ không nghe, không sửa, ta đưa họ ra trước cộng đoàn Giáo Hội. Nếu trước cộng đoàn Giáo Hội họ cũng không nghe nữa, Tin Mừng trong trích đoạn Mt 18,15-20 cho thấy:” ta hãy coi họ như người ngoại và người thu thuế”. Ở đây, ta cũng hiểu rằng tự họ muốn tách lìa ra khỏi cộng đoàn, ra khỏi Giáo Hội. Nhưng Chúa đầy lòng tha thứ, đầy lòng thương xót vẫn chờ đón họ quay trở về nhờ ơn thánh biến đổi họ. Sửa lỗi anh em lỗi phạm đòi hỏi từ đầu tới cuối một sự nhẫn nại không ngừng và bằng lời cầu nguyện thiết tha của cộng đoàn. Điều này minh chứng lời Chúa phán:” Ở đâu có 2, 3 người tụ họp nhân danh Ta, có Ta ở giữa họ “. Chính Đức Kitô sẽ liên kết mọi người lại trong việc sửa lỗi lẫn nhau và việc sửa lỗi này chỉ có kết quả khi cộng đoàn tha thiết cầu nguyện nhân danh Đức Kitô.

Xin Chúa cho mỗi người chúng con hiểu được sự yếu hèn của chúng con để chúng con dễ dàng cảm thông cho anh em chúng con.

 

Linh mục Giuse Maria Nguyễn Hưng Lợi DCCT


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà