CHÚA NHẬT 23 QUANH NĂM

(Mát-thêu 18: 15-20)

 

          Chủ đề Giáo Hội đã nêu lên vấn đề đức tin như nền tảng trên đó Giáo Hội được xây dựng và phát triển.  Đó là mối quan hệ giữa Chúa Giê-su và các phần tử thuộc đàn chiên của Người.  Giờ đây chủ đề khai triển một khía cạnh khác thuộc quan hệ giữa các thành phần trong Giáo Hội.  Một số thực hành giúp các tín hữu sống mối quan hệ ấy cần được soi sáng theo lối sống Ki-tô, do đó những nguyên tắc căn bản đã được đặt ra để hướng dẫn họ xử lý sao cho đúng với tinh thần hiệp nhất của Giáo Hội.  Đời sống cộng đoàn luôn luôn có những vấn đề, nhất là những va chạm giữa các thành phần trong cùng một cộng đoàn.  Làm sao có thể duy trì được tình bác ái yêu thương, là yếu tố chính để xây dựng cộng đoàn Ki-tô?  Bài Tin Mừng hai Chúa Nhật liên tiếp sẽ cho ta những câu trả lời thích đáng.  Việc sửa lỗi anh em là đề tài được nói đến hôm nay.

 

a)  Sửa lỗi anh em là một bổn phận

 

          Trong Giáo Hội và qua Chúa Ki-tô, Thiên Chúa mời gọi ta hãy biến cải trở nên giống như Người.  Lời gọi nên thánh là lời gọi dành cho mọi người không trừ ai, vì tất cả đều cùng chung một thân phận tội lỗi và phải khởi từ thân phận đó để vươn lên theo khuôn mẫu Chúa Ki-tô, một con người hoàn thiện và được ân nghĩa với Thiên Chúa (Lc 2:40).  Lời gọi nên thánh cũng là lời gọi vang lên tại bất cứ hoàn cảnh sống nào của con người.  Ta có vào rừng sống đời ẩn tu, Chúa cũng kêu gọi ta hãy nên hoàn thiện.  Ta có sống trong môi trường tu viện, đan viện, cộng đoàn tu sĩ, hoặc sống ngoài đời trong bậc sống gia đình hay độc thân, Chúa vẫn kêu gọi ta nên hoàn thiện trong mối quan hệ với Chúa và với người khác.  Chính vì thế, trong bài giảng về cuộc phán xét chung, Chúa Giê-su đã đề cao mối quan hệ ba chiều Chúa-tôi-tha nhân:  “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25:40).

          Giáo Hội tại thế là nơi chung sống của những người đáp lại lời gọi nên thánh.  Họ cố gắng tự mình sửa đổi nhờ thực hành giáo huấn của Chúa Ki-tô và Giáo Hội.  Tuy nhiên họ cũng cần tới sự nhắc nhở và giúp đỡ trong tinh thần bác ái của những anh chị em chung quanh, vì bản thân họ nhiều khi khó nhận ra được những khuyết điểm và ảnh hưởng do những hành vi của họ.  Như vậy, việc sửa lỗi được nói đến ở đây là nhắm vào những hành vi công khai có thể làm gương xấu và tác hại cho người khác, để giúp người anh chị em tiến tới trong việc nên thánh và giúp cộng đoàn được củng cố trong tình yêu thương nhau.  Sửa lỗi cho nhau là một bổn phận.  Nhưng nếu ta thi hành bổn phận ấy không đúng cách, thì việc sửa lỗi chẳng những không đem lại kết quả gì, trái lại còn làm cho tình bác ái huynh đệ bị thương tổn và tình huống thêm bi đát hơn trước.

 

b)  Đức ái phải là nền móng cho việc sửa lỗi

 

          Đọc lại lời dạy của Chúa Giê-su về việc sửa lỗi anh chị em, ta thấy Người vẫn theo phương thức đã được ghi trong Cựu Ước (Đệ nhị luật 19:15).  Tuy nhiên có sự khác biệt về mục đích.  Việc sửa lỗi quy định do Luật Mô-sê nhắm tới việc áp dụng kỷ luật để bảo vệ cộng đoàn.  Còn việc sửa lỗi anh chị em theo Chúa Giê-su dạy là cốt để trực tiếp cứu vãn và xây dựng cho người anh chị em trong tiến trình trở nên hoàn thiện, đồng thời gián tiếp giúp cho đời sống cộng đoàn được thực sự là một gia đình của con cái Thiên Chúa.  Do đó, chỉ có đức ái mới có thể là động lực duy nhất để cả hai bên, người sửa lỗi cũng như người được sửa lỗi, vượt lên trên tất cả những mục đích khác để nhắm tới mục đích thực, đó là sự hoàn thiện.  Kinh nghiệm đã cho ta thấy rất nhiều mục đích khác len lỏi và làm cho việc sửa lỗi mất đi ý nghĩa của nó.  Thí dụ, người ta đâu có sửa lỗi, mà là vạch lá tìm sâu, bới bèo ra bọ, để làm cho người anh chị em phải bẽ mặt, mất đi tiếng tăm đối với người khác.  Đó là trường hợp người anh chị em thực sự phạm lỗi.  Còn trường hợp có ít xít ra nhiều, hoặc bôi bẩn thêm vào người anh chị em thì việc sửa lỗi đã đương nhiên trở thành việc lăng mạ, cáo gian rồi!

          Làm sao ta nhận ra được Chúa Giê-su muốn ta hãy lấy đức ái làm động lực sửa lỗi anh chị em?  Tuy Chúa không nói rõ, nhưng phương thức tiệm tiến và mục đích “được món lợi là người anh em mình” đã ngầm nói lên những đặc điểm của đức ái.  Đặc tính của đức ái được thánh Phao-lô xếp lên hàng đầu, đó là kiên nhẫn (1 Cr 13:4).  Như thế, nếu lấy đức ái làm căn bản, người sửa lỗi sẽ đủ kiên nhẫn để chờ đợi và đi theo từng bước như Chúa Giê-su đã chỉ dạy:  trước hết chỉ có người sửa lỗi với người phạm lỗi, thứ đến có vài ba người khác giúp đỡ cho người phạm lỗi, và sau hết là cộng đoàn can thiệp vào việc sửa lỗi.  Một đặc tính nữa của đức ái đã được thánh Tông đồ nói đến:  đức mến không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật (1 Cr 13:6).  Vì yêu thương, ta nhận thức rằng việc người anh chị em trở về là một mối lợi, một niềm vui lớn lao như đã được diễn tả trong Tin Mừng Lu-ca qua những dụ ngôn “đi tìm chiên lạc, tìm được đồng bạc bị đánh mất, và người cha nhân hậu” (Lc 15).

 

c)  Cầu nguyện liên kết với việc sửa lỗi anh em

 

          Có thể ta nghĩ rằng việc hai ba người hiệp lời cầu nguyện là một sinh hoạt không liên hệ gì với sinh hoạt sửa lỗi anh em.  Nhưng có lẽ thánh sử Mát-thêu muốn đặt hai sinh hoạt này bên cạnh nhau để cho ta thấy sự liên hệ giữa chúng với nhau.  Sửa lỗi mà không nằm trong khung cảnh cầu nguyện thì việc sửa lỗi sẽ chỉ là một biện pháp kỷ luật hoặc một chữa trị tâm lý.  Việc sửa lỗi cần có sự cầu nguyện, tức là sự can thiệp của Chúa hoặc ơn Chúa.  Ta thường nghe những bà mẹ xin ta thêm lời cầu nguyện cho đứa con hư hỏng hoặc ông chồng lang bang.  Xin như thế là vì các bà thấm hiểu lời Chúa:  “Đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được” (Mt 19:26), hoặc:  “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho” (Mt 18:19).

          Cầu nguyện không chỉ giúp đỡ cho người phạm lỗi mau hối cải mà thôi, nhưng cũng giúp cho chính người sửa lỗi nữa.  Nó giúp cho cả hai bên có được những tư thế cần thiết để hợp tác với nhau mà thay đổi.  Người sửa lỗi thì biết quảng đại và kiên nhẫn hơn.  Còn người phạm lỗi thì biết khiêm nhượng và quyết tâm trở về.  Việc cầu nguyện tạo nên môi trường hiện diện của Chúa, nhờ đó người sửa lỗi sẽ loại bỏ được tất cả những mục đích đê hèn khi họ đến sửa lỗi người anh chị em, còn người phạm lỗi sẽ thấy là chính Chúa kêu gọi họ sửa đổi chứ không phải người sửa lỗi dồn ép họ.

          Sau hết, hiệp lời cầu nguyện giúp hai bên cổ võ và duy trì đức ái, nền móng của việc sửa lỗi trong cộng đoàn.  Đức ái càng sâu xa và chân thành thì việc sửa lỗi càng có hiệu quả.  Chính vì thế, thánh Phao-lô đã mô tả hình ảnh đẹp về một cộng đoàn Ki-tô lý tưởng như sau:  “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái:  đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.  Ước gì ơn bình an của Đức Ki-tô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó” (Cl 3:14-15).

 

d)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Tôi có xác tín việc sửa lỗi anh chị em là một hành vi bác ái chứ không phải lên mặt dạy đời không?  Thử nhớ lại những lần tôi sửa sai người khác với thái độ kênh kiệu.

          Tôi cố gắng suy nghĩ về những tâm tình của Chúa Giê-su khi Người chỉ bảo và sửa dạy các môn đệ, hoặc khi Người đối phó với những cách lên án của nhóm Pha-ri-sêu và kinh sư.  Tôi học được gì nơi Chúa Giê-su?

          Có khi nào tôi quá vội vàng, không đi theo từng bước trong việc sửa lỗi anh em như Chúa dạy không?  Tôi được “mối lợi là người anh em” hay tôi càng làm cho tình huống trở nên bế tắc hơn?

          Đã có lần nào tôi “thành công” trong việc sửa lỗi vì tôi biết liên kết việc sửa lỗi với cầu nguyện chưa?

          Nếu tôi là người phạm lỗi, tôi có biết “nghe” người khác không?  Tại sao không?

 

Cầu nguyện:

 

          “Lạy Cha,

          thế giới hôm nay cũng như hôm qua

          vẫn có những người bơ vơ lạc hướng

                   vì không tìm được một người để tin;

          vẫn có những người đã chết từ lâu

                   mà vẫn tưởng mình đang sống;

          vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,

                   ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;

          vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,

                   bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống;

          vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,

                   dù không phải là người phong...

          Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ

                   và biết chạnh lòng thương như Con Cha.

          Nhưng trước hết,

          xin cho chúng con

          nhìn thấy chính bản thân chúng con.”

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 70)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

3-9-05

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà