CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN, năm A

Mt 18, 21-35

 

TẤM LÒNG THA THỨ

 

Ở đời người ta vẫn thường ăn miếng trả miếng. Ít ai chịu thiệt về mình. Ai cũng muốn mình là trung tâm của vũ trụ. Ai cũng muốn mình hơn người khác. Yêu thương người yêu thương mình là việc dễ làm. Nhưng yêu thương kẻ làm ta khó chịu, bực bội, những kẻ ta ít thiện cảm, những kẻ làm hại ta thì thực là khó. Tấm lòng của Thiên Chúa bao la đại hải. Tấm lòng của con người thì hạn hẹp và có giới hạn. Cựu Ước có luật:” Mắt thế mắt răng đền răng”. Chúa Giêsu lại nói nghịch lại :” yêu thương người như Chúa yêu thương”. Tha thứ mãi và tha thứ không ngừng…Yêu thương cả kẻ thù.

PHÊRÔ HỎI CHÚA: Tin mừng Mattêu 18, 21-35 cho ta thấy câu hỏi của Phêrô và câu trả lời của Chúa Giêsu. Phêrô muốn sống trọn lành, Phêrô muốn nên giống Chúa. Vẫn với thái độ nhanh nhảu, con người chất phác, đơn sơ, dân dã, Ông đã hỏi Chúa Giêsu:” Lạy Thầy, khi anh em con xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không ?( Mt 18, 21 ). Xem ra câu hỏi của Phêrô hết sức đơn sơ, nhưng lại bao gồm ý muốn sống trọn hảo, ý muốn muốn nên giống Chúa Giêsu. Phêrô quả không dùng ngôn từ” kẻ thù xúc phạm “ nhưng dùng từ” người anh em” lỡ phạm đến Ông, Ông phải tha thứ mấy lần có phải bảy lần không ? Chúa Giêsu hiểu rõ tâm hồn, hiểu rõ tấm lòng của Phêrô, nên Người nói:” Không phải bảy lần mà phải tha thứ đến bảy mươi lần bảy”, nghĩa là tha thứ mãi mãi và tha thứ không ngừng. Chúa Giêsu muốn làm rõ ý nghĩa của việc tha thứ, Người đã dùng dụ ngôn tên mắc nợ không biết thương xót. Chúa tự ví Người như một Ông Vua nhân từ, đầy lòng thương xót. Chúa muốn nhắc lại cho nhân loại, cho chúng ta về một biến cố lịch sử hết sức quan trọng. Biến cố Chúa đến trần gian để gánh tội lỗi cho con người và ban ơn tha thứ cho con người. Do đó, Người đòi hỏi các môn đệ, các người đi theo Chúa phải tha thứ, phải yêu thương quyết liệt, yêu thương như Chúa yêu thương con người. Đây là đòi hỏi rất khó khăn và gắt gao. Chúa lại nêu gương của Thiên Chúa Cha để nói với nhân loại, nói với con người. Thiên Chúa Cha yêu thương mọi người, Ngài làm cho tất cả mọi người được hưởng ánh sáng và nước mưa. Chúa Giêsu còn dùng chính gương của Người để nêu gương tha thứ. Cái chết của Người trên thập giá nói lên tất cả ý nghĩa ấy. Ơn cứu độ của Chúa được trao ban cho mọi người chứ không theo cái lối giải thích vòng vo của những người Biệt phái và Luật sĩ.

HÃY THA THỨ VÀ YÊU THƯƠNG NHƯ CHÚA: Chúa Giêsu đã yêu thương con người và yêu thương nhân loại cho đến chết trên thập giá. Người đã tha thứ cho những kẻ xỉ nhục, làm khổ, làm hại Người. Bị con người làm nhục, hành hình, đóng đinh vào thập giá, Chúa xin Chúa Cha tha thứ cho bọn lý hình. Chúa không hề hờn giận hay thù oán bất kỳ một ai. Lòng tha thứ của Người quá sức kỳ diệu. Con người không thể làm gì được. Đứng trước lòng xót thương, cảm thông, tha thứ của Chúa, con người phải đáp trả lại tấm lòng bao la yêu thương của Chúa. Nếu con người sống trong hận thù, sống trong hờn căm, con người sẽ chuốc lấy cơn thịnh nộ của Thiên Chúa:” Tên đầy tớ độc ác kia, Ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin Ta, thì đến lượt ngươi , ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính Ta đã thương xót ngươi sao ?”( Mt 18, 32-33 ) và Chúa ôn tồn nói như một lời phán xét:” Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình”( Mt 18, 36 ).

Chúa đòi con người phải tha thứ như Chúa. Yêu thương sẽ gặp Chúa và như thế, tha thứ như Chúa con người cũng sẽ được gặp Chúa. Hãy quên đi và vui sống. Hãy tha thứ để được thứ tha. Lời kinh của thánh Phanxicô khó khăn là kim chỉ nam cho con người sống vui, sống hạnh phúc:” Đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Đem an hoà vào nơi tranh chấp. Đem chân lý vào  chốn lỗi lầm”.

Lạy Chúa xin ban cho chúng con một quả tim mới để chúng con biết yêu thương và tha thứ cho nhau như Chúa đã yêu thương và tha thứ.

Linh mục Giuse Maria Nguyễn Hưng Lợi DCCT


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà