CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN, năm A
Mt 21, 28-32
CON NGƯỜI ĐƯỢC TỰ DO VÌ PHỤC VỤ THIÊN CHÚA
Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem trong tiếng la to, cổ võ của một đám
đông dân chúng. Họ hô vang:” Hosanna”, con vua Đavít. Tuy nhiên, các người Biệt
phái, Luật sĩ, Thượng tế, kỳ lão và những người Do Thái, ghen tức, căm phẫn
Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không chịu dừng bước, Ngài nhất định vào Giêrusalem.
Trong bối cảnh ấy, Chúa Giêsu luôn gặp sự quấy rầy của các thượng tế và kỳ lão,
họ đến chất vấn Ngài về uy quyền nào đã cho phép Ngài nói và hành động như
vậy:” Do quyền nào ông đã làm điều đó, và ai đã ban cho ông uy quyền đó”( Mt
21, 33 ). Tuy nhiên, Chúa Giêsu từ chối trả lời của họ bao lâu họ còn né tránh
câu hỏi của Ngài:” Phép rửa của Gioan từ đâu đến, từ trời hay từ con người”( Mt
21, 44 ). Trong sự tranh cãi gay gắt giữa những vị lãnh đạo tôn giáo lúc đó và
Chúa Giêsu, Chúa Giêsu đã cho họ một lời cảnh báo mạnh mẽ sau cùng: “ Dụ ngôn
hai đứa con trai được sai đi làm vườn nho “
DỤ NGÔN HAI NGƯỜI CON:
Đọc dụ ngôn này, chúng ta cảm thấy sâu xa ngụ ý của Tin mừng matthêu 21, 28-32.
Đoạn Tin mừng này hàm ẩn một vẻ đạm bạc đặc biệt, ở đây, chúng ta bỏ qua mọi
chi tiết phụ để chỉ làm nổi bật sự tương phản hầu như hoàn toàn đối nghịch của
hai người con. Tương phản trong thái độ ban đầu của hai người con. Người con
thứ nhất xem ra đã cư xử một cách bộc trực, vụng về khi người con này phản đối
thẳng thừng lời đề nghị đi làm của người cha. Người con thứ nhất đã phản ứng
dứt khoát, nhưng rất hời hợt và có vẻ như không hề suy nghĩ khi trả lời:” Tôi
không muốn đi “. Trái lại với người con thứ nhất, đứa con thứ hai đã tỏ vẻ kính
cẩn, nhuộm mùi khúm núm khi cha nó đề nghị nó đi làm trong vườn nho. Nó thưa:”
Vâng, thưa cha”. Với thái độ kính cẩn này, chúng ta có cảm tưởng như người con
thứ hai sẽ chấp hành nghiêm túc lời đề nghị của người cha. Tuy nhiên, hai thái
độ hai thái cực, hai lời ứng đáp rất khác nhau nhưng cũng tỏ rõ lập trường của
mỗi người con. Người con thứ nhất trả lời thẳng thừng với cha không đi, nhưng
rồi nó hối hận, sự thống hối thúc đẩy nó vâng lời, nó đã vui vẻ trở lại và đi
làm trong vườn nho. Người con thứ hai tỏ vẻ khúm núm và tỏ ra kính cẩn vâng
phục nhưng cuối cùng nó chẳng làm gì hết.
ẨN Ý CỦA TIN MỪNG VÀ Ý HƯỚNG CỦA CHÚA NHẬT
HÔM NAY: Khi hiểu rõ thái độ, cung cách ứng xử của hai
người con. Chúa Giêsu quay lại phía người chất vấn Ngài và hỏi họ:” Ai trong
hai đứa con đã thi hành ý của cha ?”. Tất cả chỉ có thể đồng loạt trả lời:”
người con thứ nhất “. Rõ ràng, người con thứ nhất được phán xét theo việc làm,
hành động của nó, chứ người ta không dựa trên lời nói ngoài môi miệng mà thôi.
Đọc đoạn Tin mừng này, nhân loại và mỗi người chúng ta không khỏi ngỡ ngàng khi
Chúa Giêsu chuyển qua việc áp dụng dụ ngôn. Chúa Giêsu đã đặt họ trước hai sự
việc: vừa tự phán xử, vừa tự kết án mình:” Thật, Ta bảo thật các ngươi: những
người thu thuế và đĩ điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ngươi. Vì Gioan tẩy
giả đã đến với các ngươi, sống công chính và các ngươi không tin vào lời Ngài,
trong khi những người thu thuế và đĩ điếm đã tin. Còn các ngươi, cả sau khi đã
chứng kiến điều ấy, các người vẫn không hối cải, không tin lời Ngài”. Các
thượng tế và kỳ lão trong dân xem ra rất gắn bó với lề luật và giữ tỉ mỉ lề
luật, nhưng chỉ hình thức mà thôi. Họ ẩn núp, lấy chiêu bài lề luật để từ chối
sứ mạng của Chúa Giêsu, cũng như họ đã từ chối tin vào sứ mạng của Gioan tẩy
giả. Họ né tránh ý Chúa. Những người sống ở ngoài, những người không đạo, bị
người Do Thái và xã hội khinh bỉ lại là những người đã đón nhận lời rao giảng
của Chúa Giêsu, cũng như lời rao giảng của Gioan tẩy giả. Họ đã hoán cải và tin
vào Tin mừng, tin vào lời của Đức Giêsu.
Đoạn Tin mừng Mt 21, 28-32 và ý hướng của Chúa nhật này là Hội Thánh
luôn mở rộng đón nhận mọi người miễn là những người tội lỗi biết ăn năn, hối
cải và quay trở về với Chúa. Điều cốt lõi là tấm lòng chứ không phải là những
người chỉ kêu “Lạy Chúa, lạy Chúa ngoài môi miệng”.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết mau mắn và sẵn sàng vâng theo lời
Chúa.
Linh mục Giuse Maria Nguyễn
Hưng Lợi DCCT
19-9-2005