CHÚA NHẬT 27 QUANH NĂM
(Mát-thêu 21: 33-43)
Liên
tiếp trong mấy Chúa Nhật liền, các bài Tin Mừng đều trích dẫn những dụ ngôn
Chúa Giê-su nói tới thái độ của dân được tuyển chọn đã không muốn tiếp nhận
Nước Trời. Hôm nay, Chúa Giê-su nói
thêm dụ ngôn những tá điền sát nhân và “nghe những dụ ngôn Người vừa kể, các
thượng tế và người Pha-ri-sêu hiểu là Người nói về họ” (Mt 21:45). Đó là phản ứng của một số người nghe Chúa và
họ còn muốn đi xa hơn nữa: tìm cách bắt
và giết Người. Ta cũng có cảm tưởng như
tình huống mỗi ngày một trở nên tuyệt vọng hơn nữa. Tuy nhiên, ngay trong nỗi tuyệt vọng ấy, Chúa Giê-su lại hé mở
cho ta một chân trời mới và niềm hy vọng mới khi Người cho ta thấy lời Kinh
Thánh ứng nghiệm về Người, là “Tảng đá thợ xây loại bỏ” lại được Thiên Chúa sử
dụng làm nền móng để xây dựng một Giáo Hội mới.
a) Từ Ít-ra-en tới Giáo Hội Chúa Ki-tô
Câu
truyện những tá điền sát nhân diễn tả giai đoạn lịch sử của một dân tộc. Lịch sử ấy không viết bằng những nhân vật
anh hùng, những trận chiến hoặc những biến cố vĩ đại, nhưng là lịch sử của một
quan hệ yêu thương giữa Thiên Chúa và con người.
Bối
cảnh của câu truyện luôn luôn quen thuộc với những người nghe Chúa Giê-su
giảng: vườn nho. Gia chủ vườn nho viết hợp đồng cho tá điền
thuê và chia hoa lợi với họ. Hết mùa
nho, gia chủ sai đầy tớ đến thu lấy phần hoa lợi của ông, nhưng đều bị bọn tá
điền làm hại hoặc giết chết. Sau cùng
ông sai chính con trai mình đến và cũng bị họ giết luôn. Tuy chỉ là một câu truyện đơn giản, nhưng
gợi lên cả một dĩ vãng sống động của lịch sử Ít-ra-en.
Kể từ
khi kêu gọi Áp-ra-ham rời bỏ quê hương cho tới khi lập quốc, Thiên Chúa luôn tỏ
lòng yêu thương đối với dân Người đã tuyển chọn. Để củng cố quan hệ yêu thương ấy, Thiên Chúa sai các vị ngôn sứ
đến để nâng đỡ, sửa dạy dân Người, mong hoa trái yêu thương trổ sinh trong
“Vườn nho” của Người là Ít-ra-en. Nhưng
thiện chí của Thiên Chúa đã không được đáp trả, vườn nho chỉ sinh được những
trái nho dại. Trách nhiệm chính quy về
những người đã được Thiên Chúa trao phó sứ mệnh dẫn dắt dân Người, tức là những
nhà lãnh đạo Ít-ra-en mà Chúa Giê-su gọi là “những tá điền” canh tác vườn nho
trong dụ ngôn Người kể. Những người
lãnh đạo này đã không nghe lời các vị ngôn sứ là các đầy tớ do Chủ vườn nho sai
tới, trái lại, họ còn bách hại các ngôn sứ ấy bằng nhiều cách. Ngay cả đến Gio-an Tẩy giả, một người cao
trọng hơn cả các ngôn sứ và mọi phàm nhân (Mt 11:9,11), cũng không thoát khỏi
bàn tay sát hại của họ (Mc 6:17-29).
Thiên Chúa đã biểu lộ tâm sự của Người qua lời ngôn sứ I-sai-a về những
nỗ lực Người làm cho Ít-ra-en: “Có gì
làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm? Tôi những mong trái tốt, sao nó sinh nho
dại?” (Is 5:4).
Thế rồi
Thiên Chúa đã không thực hiện điều Người đã định làm trong cơn giận, tức là phá
bỏ vườn nho Ít-ra-en (Is 5:5-6). Nhưng
qua Chúa Giê-su Ki-tô là Đá Tảng góc tường, Thiên Chúa đã biến Ít-ra-en ấy
thành Vườn nho Mới là Nước Thiên Chúa, và ban lại cho muôn dân.
Quả
thực, đúng như lời Kinh Thánh Chúa Giê-su đã trích dẫn: “Đó chính là công trình của Chúa, công trình
kỳ diệu trước mắt chúng ta” (Tv 118:23).
Kỳ diệu bởi vì công trình thiết lập Giáo Hội là do tình thương hải hà
của Thiên Chúa thể hiện nơi Chúa Ki-tô, và tột đỉnh của tình thương ấy là cái
chết của Chúa Ki-tô trên thập giá.
b) “Nước Thiên Chúa được ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh
hoa lợi”
Lời
nói trên của Chúa Giê-su nêu lên một kế hoạch mới của Thiên Chúa. Sự chuyển giao từ Cựu Ước sang Tân Ước, từ
Ít-ra-en sang Giáo Hội Chúa Ki-tô đã hoàn tất khi Chúa Ki-tô lên trời ngự bên
hữu Thiên Chúa Cha. Tuy nhiên, mục đích
của kế hoạch thì vẫn như thế, nghĩa là phải sinh hoa lợi. Vườn nho cũ là nhà Ít-ra-en đã không đạt
được mục đích sinh trái tốt, thì giờ đây đến lượt Vườn nho mới là Giáo Hội phải
sinh hoa lợi.
Vậy
đâu là hoa lợi vườn nho phải đem lại?
Ngôn sứ I-sai-a cho ta câu trả lời rõ ràng: “Vườn nho của Đức Chúa các đạo binh chính là nhà Ít-ra-en đó... Người những mong họ sống công bình, mà chỉ
thấy toàn là đổ máu; đợi chờ họ làm
điều chính trực, mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than” (Is 5:7). Sống công bình, làm điều chính trực nói lên
một dân tộc thực thi tình yêu thương bác ái với nhau. Nếu đó là hình ảnh hoa lợi Vườn nho Chúa phải sản xuất, thì ta có
thể nhìn vào cuộc sống cá nhân của ta, của gia đình, cộng đoàn và toàn thể Giáo
Hội để nhận định rằng có lẽ Chúa vẫn chưa được hài lòng với những mong đợi của
Người. Ngoài những cuộc đổ máu vì chiến
tranh, còn biết bao thương tích gây đổ máu trong tâm hồn. Người ta gây đổ máu cho nhau bằng miệng
lưỡi, bằng những lời độc địa, bằng những cách đối xử thiếu bác ái... Người ta không làm điều chính trực khi sống
ngược lại với những giá trị Tin Mừng và giáo huấn của Chúa Ki-tô cùng Giáo Hội. Bất công xã hội là một tệ nạn lớn nhất thời
nay. Người ta đổi từ thể chế này sang
thể chế khác, từ hệ thống kinh tế nọ sang hệ thống kia, nhưng không bao giờ
chịu thay đổi những bất công xã hội cả.
Nhận
ra tình huống đáng buồn và chưa đáp lại được điều Thiên Chúa mong muốn, Giáo
Hội không ngừng kêu gọi con cái mình phải làm gương, sống công bình và bác ái
để Vườn nho Giáo Hội sinh sản được hoa trái tốt đẹp. Các văn kiện của Giáo Hội về công bình xã hội chứa đựng những suy
tư vô cùng phong phú. Các vị chủ chăn,
những tá điền của Chúa Ki-tô, không ngừng kêu gọi tín hữu tham gia những hoạt
động sống và cổ võ cho công bình xã hội.
Chúa Ki-tô, “Tá điền gương mẫu” của Thiên Chúa đã
thiết lập nền công chính cho Giáo Hội Người.
Chính Người đã thể hiện sự công chính khi thi hành sứ vụ cứu thế, sự
công chính nối liền nhân loại với Thiên Chúa và nối liền con người với con
người. Tuy nhiên, Người cũng sai mọi
phần tử trong Giáo Hội đi tiếp nối sứ mệnh Người đã khởi đầu, sinh hoa lợi cho
Giáo Hội trước hết nơi bản thân mình và kế đến là cho tha nhân. Dụ ngôn mời gọi
ta nhìn vào gương mẫu ấy mà sống và hướng về một tương lai tốt đẹp là Nước Trời
được viên mãn trong ngày sau hết.
Có
lẽ dụ ngôn những tá điền sát nhân cũng là một bản trắc nghiệm để ta xét lại
thái độ sát nhân của ta. Có nhiều cách
bách hại những ngôn sứ của Chúa và Giáo Hội.
Đối với những người giảng dạy, chỉ bảo, giúp ta sửa lỗi lầm, nhiều khi
ta không chịu nghe mà còn đối xử không phải với họ. Với những anh chị em có thiện chí muốn cho ta được tốt hơn, ta
lại thường hiểu lầm cho rằng họ muốn làm nhục ta. Dụ ngôn cũng đòi ta phải xét lại đâu là những trái nho dại và
đắng ta đã để lại cho Vườn nho Chúa, và phải đổi mới làm sao để sống phù hợp
với “sự sống dồi dào” của Đức Ki-tô.
c) Suy nghĩ và cầu nguyện
Có
khi nào Chúa nói với tôi giống như lời ngôn sứ I-sai-a: “Có gì làm hơn được cho con mà Cha không
làm? Cha chỉ mong trái tốt, sao con lại
sinh nho dại?” Tôi sẽ trả lời Chúa thế
nào?
Chúa
kêu gọi tôi làm việc và chăm sóc vườn nho của Người là Giáo Hội. Vậy tôi đã làm gì cho Giáo Hội hoặc cộng
đoàn đức tin tôi đang là một phần tử?
Có
bao giờ tôi đọc và suy nghĩ một tài liệu của Giáo Hội về công bình xã hội
chưa? Nếu chưa, tôi có quyết định sẽ
tìm hiểu, học hỏi về một văn kiện của Giáo Hội, thí dụ Hiến chế mục vụ về Giáo
Hội trong thế giới ngày nay (Gaudium et spes = Vui mừng và hy vọng) của Công
Đồng Vatican II chẳng hạn?
Cầu nguyện
“Giữa
một thế giới
chạy
theo tiện nghi, hưởng thụ,
xin
cho con biết bằng lòng với cuộc sống đơn sơ.
Giữa
một thế giới còn nhiều người đói nghèo,
xin
cho con đừng thu tích của cải.
Giữa
một thế giới mà sự sống bị chà đạp,
xin
cho con biết quý trọng phẩm giá từng người.
Giữa
một thế giới không tìm thấy hướng sống,
xin
cho con biết xây lại niềm tin.
Lạy
Chúa Giê-su,
xin
cho con cảm được
cơn
đói đang giày vò bao người,
xin
cho con nghe được lời mời của Chúa:
“Các
con hãy cho họ ăn đi.”
Ước
gì chúng con dám trao
tất
cả những gì chúng con có cho Chúa,
để
Chúa trao tất cả những gì Chúa có
cho
chúng con và cho cả nhân loại.”
(Trích
RABBOUNI, lời nguyện 71)
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi