Chúa Nhật thứ 28
Thường Niên
(9-10-2005)
Đồng phục của Nước
Trời là tình yêu chân thực
ĐỌC LỜI CHÚA
· Is 25, 6-10a: (6) Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi
muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon
tinh chế.
· Pl 4, 12-14. 19-20: (13) Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi làm được hết. (19) Thiên Chúa sẽ thoả mãn mọi nhu cầu của anh em một
cách tuyệt vời, theo sự giàu sang của Người.
· TIN MỪNG: Mt 22, 1-14
Dụ ngôn tiệc cưới
(1) Đức Giêsu lại dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng: (2) «Nước Trời cũng giống như chuyện một vua
kia mở tiệc cưới cho con mình. (3) Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan
khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến. (4)
Nhà
vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: «Hãy thưa với quan khách đã được mời
rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn.
Mời quý vị đến dự tiệc cưới!» (5) Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa
tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, (6) còn những kẻ
khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết. (7) Nhà vua liền
nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố
của chúng. (8) Rồi nhà vua bảo đầy tớ: «Tiệc cưới đã
sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. (9) Vậy các
ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới». (10)
Đầy
tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên
phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.
(11) «Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách
dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, (12) mới hỏi
người ấy: «Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục
lễ cưới?» Người ấy câm miệng không nói được gì. (13)
Nhà
vua liền bảo những người phục dịch: «Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ
tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng! (14)
Vì
kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít».
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Dụ ngôn trong
bài Tin Mừng có ý nghĩa gì? Ý nghĩa này đúng trong quá khứ, nhưng liệu có đúng
trong hiện tại và tương lai không? Nếu đúng trong hiện tại, thì bạn có cảm
nghiệm nó đúng thế nào không? Nó diễn tiến trong hiện tại ra sao?
2. Nếu dụ ngôn này
cũng đang diễn tả tình trạng hiện tại của thế giới, của Giáo Hội, thì chính bạn
đang đóng vai trò gì trong đó?
3. «Y phục lễ
cưới» trong dụ ngôn này ám chỉ điều gì? Ý nghĩa của nó có quan trọng
trong đời sống đạo của chúng ta không?
4. Các ngôn sứ chỉ
có vào thời xưa trong đạo Do Thái, hay cũng có trong mọi thời đại, mọi tôn
giáo, mọi xã hội? Nếu có trong mọi thời đại, thì ta có thể nhận ra ngôn sứ của
thời đại mình không? Họ là người của Thiên Chúa, nhưng tại sao họ lại cứ bị dân
Chúa bách hại, tẩy chay vậy?
Suy tư gợi ý:
1. Ý nghĩa dụ ngôn tiệc cưới
Dụ ngôn tiệc cưới có ý nghĩa phần nào giống
như dụ ngôn những tá điền sát nhân (Mt 21,33-46). Nhưng dụ ngôn này nói đến
toàn dân Israel nhiều hơn giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái.
a) Ông Vua ám chỉ Thiên Chúa Cha: Thiên Chúa muốn cứu độ mọi
người bằng cách mời họ gia nhập vào Nước Trời.
b) Tiệc cưới ám chỉ Nước Trời: Nước Trời trước hết là tình trạng
an bình, hạnh phúc ở trong những tâm hồn biết yêu thương, kế đến là một xã hội
lý tưởng – vừa tại thế vừa tại thiên – trong đó mọi người đều được an
vui hạnh phúc vì biết yêu thương nhau.
c) Con Vua ám chỉ Đức Giêsu: Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, đến
trần gian để thành lập Nước Trời.
d) Các quan khách được mời ám chỉ dân Do Thái: Nước
Trời được dành ưu tiên cho dân Do Thái, là dân đặc biệt của Thiên Chúa.
đ) Đầy tớ Vua ám chỉ các ngôn sứ: Các ngôn sứ đã đến trong lịch sử
để mời gọi người Do Thái gia nhập Nước Trời. Nhưng người Do Thái đa số không
màng tới lời mời ấy, vì họ mải mê tìm những lợi lộc trần gian hơn là tìm sự
công chính, lối sống yêu thương.
e) Người ở các ngả đường được mời vào dự tiệc
ám chỉ dân ngoại
được mời vào Nước Thiên Chúa. Người Do Thái không chịu gia nhập Nước Trời, nên
Thiên Chúa đã mời dân ngoại vào thay thế họ.
g) Y phục lễ cưới: Theo phong tục văn hóa Do
Thái thời ấy, trong đám cưới của nhà vua (hay của những nhà quý tộc), mỗi người
vào dự tiệc đều được phát cho một chiếc áo cưới. Từ chối không mặc áo cưới này
là tỏ ra khinh thường nhà Vua, nên mắc tội khi quân. Y phục lễ cưới này ám chỉ tình yêu thương chân thực,
là điều kiện tất yếu phải có để được vào Nước Trời. Không có tình yêu thương
chân thực, không thể vào được nước Trời. Vì Nước Trời là thế giới của tình yêu,
nên chỉ những ai có tình yêu đích thực mới có thể ở đây. Những ai không có tình
yêu đích thực thì bản thân họ không phù hợp với chốn này.
2. Dụ ngôn này đã ứng nghiệm trong quá khứ
Dân Do Thái là đối tượng ưu tiên được Thiên
Chúa mời gọi vào Nước Trời. Ngài đã sai các ngôn sứ đến để mời gọi họ, yêu cầu
họ sống tốt đẹp để gia nhập Nước Trời của Ngài. Nhưng hầu hết các ngôn sứ đến
với dân Do Thái đều bị bách hại, ném đá hoặc giết chết, vì những lời cảnh cáo
của các ngôn sứ không lọt tai họ. Họ chỉ thích nghe những ai nịnh nọt, ca tụng
họ, phù hợp với quan niệm cố hữu của họ, chứ họ không thích những lời «thẳng mực
tàu đau lòng gỗ» của các vị, hoặc những quan niệm mới mẻ, đúng đắn
và phù hợp với thời đại hơn. Ngay cả Đức Giêsu cũng bị họ giết chết. Vì thế,
bài Tin Mừng nói: «Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt
bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng» (Mt 22,7). Câu này
đã được ứng nghiệm vào năm 70, sau khi Đức Giêsu bị dân Do Thái giết khoảng 40
năm sau. Năm đó, đế quốc Rôma đã tiêu diệt và phá bình địa đất nước Do Thái.
Dân Do Thái bị mất nước và phải lưu lạc mãi đến năm 1947 mới lập quốc trở lại.
Người Do Thái từ chối lời mời gọi vào Nước
Trời của Thiên Chúa, nên Ngài đã mời những người ngoài Do Thái vào. Và dân
ngoại được Ngài mời gọi vào Nước của Ngài đã trở thành một tôn giáo là Kitô
giáo ngày nay. Nhưng để vào được Nước của Ngài, những kẻ được mời phải có một
trang phục thích hợp đó là tình yêu thương. Vì bản chất của Thiên Chúa là tình
yêu (1Ga 4,8.16). Nước của Ngài cũng là nước của tình yêu, nên dân trong nước
ấy cũng phải là những người có tình yêu đích thực, biết yêu thương và biết sống
vì tha nhân. Do đó, những người ích kỷ, chỉ biết sống cho mình, không biết nghĩ
đến người khác, cho dù có được người đời tưởng là đạo đức tới đâu, hay có chức
vụ cao trong tôn giáo tới đâu, đều không thể là đối tượng của Nước Trời. Hiểu
được điều này, ta sẽ không lạ gì khi nghe Đức Giêsu nói với «các thượng
tế và kỳ mục trong dân»: «Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước
Thiên Chúa trước các ông» (Mt 21,31). Hoặc nghe Ngài nói với những
người có khả năng nói tiên tri, trừ quỷ, làm nhiều phép lạ trong ngày phán xét
cuối cùng: «Ta
không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác»
(Mt 7,23).
Nghe bài Tin Mừng này, chúng ta cần nhận
thức: khi gia nhập Kitô giáo, là ta đã chấp nhận lời mời của Thiên Chúa để vào
Nước Trời. Nhưng ta có vào được Nước Trời hay không, điều này còn tùy thuộc vào
việc chúng ta có chịu mặc vào mình chiếc «áo cưới», đồng phục của Nước Trời hay
không. «Áo cưới» ấy chính là tình yêu chân thực, tương tự
như tình yêu của Thiên Chúa. Hay ta lại cứ nhất định mặc chiếc «áo cưới»
theo ý của ta, là sống đạo kiểu hương nguyện, chủ hình thức, chủ lễ nghi, chủ
lề luật giống như những người Pharisêu xưa, mà thiếu hẳn chất «yêu thương»,
«vị tha»,
«quên
mình» trong cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội. Nếu thế, dù ta có
mang danh đạo đức cỡ nào trong cách sống đạo ấy, ta vẫn chẳng vào được Nước
Trời đâu!
3. Tiếng nói của các ngôn sứ trong đời sống
Ngày xưa, có dân Do Thái và dân ngoại. Dân Do
Thái là những người ưu tiên được mời vào Nước Trời, nhưng họ không thèm vào,
nên Thiên Chúa đã
phải mời dân ngoại vào. Và dân ngoại thời ấy,
những người nhận lời mời của Thiên Chúa đã trở thành dân Kitô giáo thời nay.
Tuy nhiên hiện nay, ngoài Kitô giáo vẫn còn có dân ngoại mới, là những người
ngoài Kitô giáo. Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa đã mời gọi người Kitô hữu sống yêu
thương như giới răn chính yếu nhất của Ngài. Nhưng đã đến lúc ta thử xét xem:
với tư cách từng cá nhân Kitô hữu cũng như với tư cách tập thể Kitô giáo (chẳng
hạn cộng đoàn giáo xứ, hội đoàn, giáo phận, giáo hội địa phương, Giáo Hội hoàn
vũ), chúng ta đã đáp lại lời mời gọi sống yêu thương của Ngài chưa?
Khi dân Chúa không sống đúng với lời mời gọi
của Thiên Chúa, Ngài thường sai đến những ngôn sứ để nói lên tiếng nói của
Ngài. Nhưng thường thì các ngôn sứ đều bị đối xử như được diễn tả trong bài Tin
Mừng: «Nhưng
quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người
thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và
giết chết» (Mt 22,5-6). Chẳng mấy ai nhận ra được ngôn sứ
của thời đại mình, vì các ngôn sứ thường nói ngược lại với quan niệm chính
thống của thời đại, để sửa sai, hoàn chỉnh hoặc nâng cấp quan niệm ấy cho phù
hợp với trình độ và nhu cầu tâm linh mới của con người thời đại. Vì thế, các vị
thường bị những đồng đạo đương thời cho là phá hoại, sai lầm, thậm chí bị tẩy
chay, bách hại, giết chết, hay ít ra là không thèm nghe, không đếm xỉa tới.
Ngôn sứ đích thật luôn luôn bị đối xử như thế (x. Lc 6,22-23), chỉ có ngôn sứ
giả mới được ưu đãi thôi (x. Lc 6,26). Tuy nhiên, những người nào thành tâm
thiện chí, luôn luôn tìm hiểu thánh ý Thiên Chúa để sống phù hợp với ý Ngài, sẽ
nhận ra chân lý trong lời của các ngôn sứ.
Chúng ta có bao giờ để tâm lắng nghe tiếng
nói của những ngôn sứ đồng thời với mình, mà Thiên Chúa sai đến để mời gọi ta
sống đúng với thánh ý Thiên Chúa, để sửa sai, để nâng cấp quan niệm của thời
đại không? Hay chúng ta sẽ hành xử giống những người Pharisêu xưa là: cứ tôn
vinh, ca tụng các ngôn sứ thời đại trước mà cha ông họ đã bách hại và giết
chết; nhưng chính họ lại bách hại và giết chết các ngôn sứ thời đại mình mà chỉ
con cháu họ về sau mới nhận ra và tôn vinh là ngôn sứ (x. Mt 23,29-32)? Ôi cuộc
đời thời nào cũng thế! Lịch sử cứ lập đi lập lại mãi những màn kịch và bài học
giống nhau mà người đời không sao học được, nên cứ lầm lỗi mãi, cho dù đã được
cảnh báo trước! Thời nào các ngôn sứ cũng bị người đồng thời đối xử như thế!
Những gì đã xảy ra trong Do Thái giáo, liệu có đang xảy ra trong Giáo Hội và
thế giới của chúng ta không?
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, xin cho
con nhận ra bộ đồng phục mà con cần phải có để vào được Nước Trời chính là tình
yêu thương đích thực của con đối với đồng loại. Không có đồng phục này, thì dù
con có mặc những y phục khác đẹp đẽ đến đâu, con cũng sẽ không được nhận vào
Nước Trời. Xin cho con có được bộ đồng phục ấy.
(Joan Nguyễn Chính
Kết)