CHÚA NHẬT 29 QUANH NĂM
(Mát-thêu 22: 15-21)
Được
kêu gọi vào Giáo Hội, Nước Thiên Chúa ở trần gian, Ki-tô hữu phải sống đức tin
của người con cái Chúa, nhận biết tình yêu cứu độ của Thiên Chúa và Chúa Giê-su
Ki-tô là Con Thiên Chúa. Tuy nhiên,
sống giữa trần gian, Ki-tô hữu bị những cơ chế xã hội chi phối và lôi cuốn,
nhiều khi làm cho họ biến dạng, không còn là một thành phần xứng đáng của dân
Chúa nữa. Vì thế, để tiếp nối chủ đề về
Giáo Hội, Phụng vụ Lời Chúa chọn bài Tin Mừng với một câu truyện hết sức quen
thuộc: có nên nộp thuế cho Xê-da
không? Câu nói bất hủ và chân lý ngàn
đời của Chúa Giê-su “Của Xê-da, trả về Xê-da;
của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” đã trở thành nguyên tắc sống cho
Ki-tô hữu mọi thời mọi nơi, nhất là khi họ phải đối phó với những khó khăn
trong lãnh vực trần thế. Vậy Chúa
Giê-su muốn ám chỉ những gì là của Xê-da và những gì là của Thiên Chúa?
a) “Của Xê-da, trả về Xê-da”
Khi
nói hãy trả về cho ai những gì của họ là ta muốn nói đến quyền lợi. Quyền lợi bao gồm tất cả những gì gắn liền
với căn tính và chức phận của một người hay một tập thể. Nếu ta là công dân của một nước, trừ khi
quyền công dân ấy bị hạn chế hay tước bỏ, ta sẽ được hưởng tất cả những quyền
đã được quốc gia ấy dành cho ta, thí dụ được quyền bầu cử, tự do tôn giáo, tự
do ngôn luận... và những phúc lợi do chính phủ ấn định, như vấn đề an sinh,
giáo dục... Cũng thế, đối với một quốc
gia, ta có những bổn phận phải phục vụ tất cả những gì là quyền lợi chính đáng
của quốc gia mình, như tôn trọng luật pháp, tuân giữ luật lệ, nộp thuế, làm
nghĩa vụ...
Xê-da
là vua người Rô-ma và người thay mặt cho một đế quốc. Lúc ấy vùng đất Pa-lét-tin nằm dưới quyền cai trị của đế quốc
Rô-ma, thời hoàng đế Ti-bê-ri-ô. Trong
việc buôn bán, người Do-thái vẫn sử dụng đồng tiền do chính phủ Rô-ma đúc, trên
đó có hình và danh hiệu của hoàng đế.
Làm như vậy, đương nhiên dân Do-thái đã nhìn nhận quyền lợi của một đế
quốc, cho dù đế quốc ấy áp đặt quyền bính trên họ. Do đó, việc nộp thuế là một bổn phận người Do-thái phải đáp ứng
quyền lợi của đế quốc thống trị họ nếu quyền lợi này là chính đáng. Khi trả lời “của Xê-da, hãy trả về Xê-da”,
Chúa Giê-su chỉ nêu lên nguyên tắc chung, chứ Người không đi xa hơn để xác định
quyền lợi của Xê-da có chính đáng hay không.
Tuy
nhiên, Chúa Giê-su đã giúp ta hiểu thêm khía cạnh không chính đáng trong quyền
lợi của Xê-da khi Người bảo những kẻ đến thử thách Người hãy đưa cho Người coi
đồng bạc Rô-ma. Trên mặt đồng bạc là
hình và danh hiệu hoàng đế Rô-ma. Nhưng
không chỉ là một danh hiệu bình thường, mà là danh hiệu có mang chữ thần linh,
vì hoàng đế Rô-ma tự coi mình là thần linh và bắt mọi người phải tôn thờ ông
như là Thượng đế. Vậy khi Chúa Giê-su
nhắc nhở những kẻ đến thử thách Người về việc hoàng đế Rô-ma đòi cho mình quyền
ngang hàng với Thiên Chúa, thì Người cũng gợi cho họ nhớ đến bổn phận phải thờ
phượng duy một Thiên Chúa mà thôi.
Xê-da có quyền đòi họ phải nộp thuế cho đế quốc của ông, nhưng Xê-da
không có quyền bắt mọi người phải thờ lạy ông như Thiên Chúa.
Trong
cuộc sống Ki-tô hữu, ta có thể gặp thấy khuôn mặt Xê-da dưới nhiều hình
thái. Tất cả những gì lôi cuốn ta chối
bỏ quyền lợi của Thiên Chúa đều là những gì cám dỗ ta đừng thờ phượng một mình
Thiên Chúa. Thay vì thờ phượng Thiên
Chúa và nhìn nhận Người là Thiên Chúa của ta, ta sẽ lấy những cái khác để làm
Thiên Chúa của ta. Nói khác đi, những
gì đáng lẽ ta phải trả về Thiên Chúa thì ta lại đem trả về Xê-da, và như thế ta
đã vi phạm quyền lợi của Thiên Chúa.
b) “Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”
Thiên
Chúa là Đấng Tạo Dựng, còn ta là tạo vật do Người dựng nên. Do đó, ta có những bổn phận đối với Người,
như đã được xác định trong Mười điều răn.
Nhưng có lẽ đặc biệt trong trường hợp này và trong mạch văn của những dụ
ngôn nói về Nước Thiên Chúa, ta phải hiểu cụm từ “của Thiên Chúa” có nghĩa là
chính Chúa Ki-tô. Chúa Ki-tô là Con
Thiên Chúa được sai đến với nhân loại để thiết lập Triều Đại Thiên Chúa và thi
hành sứ mệnh cứu chuộc. Lời giảng và
những việc làm của Chúa Giê-su đã chứng minh cho sứ mệnh của Người. Ông Gio-an Tẩy giả đã làm chứng cho
Người. Người phải được nhân loại tiếp
nhận. Thế mà “Người đã đến nhà mình,
nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1:11). Thiên Chúa ban cho ta Chúa Ki-tô, để nhờ và trong Chúa Ki-tô ta
được làm con cái Thiên Chúa và thuộc về Thiên Chúa. Vậy làm con cái Thiên Chúa là điều ta phải làm. Khi ta tự ý chối bỏ lời gọi làm con cái Chúa
là ta đã không trả về Thiên Chúa những gì thuộc về Người. Chính Chúa Giê-su đã khẳng định điều này với
những kẻ chối bỏ Người: “Ai thuộc về
Thiên Chúa thì nghe lời Thiên Chúa nói;
còn các ông, các ông không chịu nghe, vì các ông không thuộc về Thiên
Chúa” (Ga 8:47). Hơn nữa, chính Thiên
Chúa Cha đã phán với các môn đệ Chúa Giê-su.
“Và kìa có tiếng từ đám mây phán rằng: ‘Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta
hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng
nghe lời Người’” (Mt 17:5). Ý của Chúa
Cha là muốn ta phải vâng nghe Con Một Người.
Vậy khi ta nghe lời Chúa Giê-su dạy bảo và thi hành những điều Người dạy
là ta thi hành thánh ý Chúa Chúa Cha và trả về cho Thiên Chúa những gì là của
Thiên Chúa.
c) Suy nghĩ và cầu nguyện
Tôi đã
có những thiếu sót nào trong bổn phận đối với quốc gia? Trốn thuế?
Không đóng góp gì cho việc xây dựng cộng đồng nơi tôi đang sống? Bất cần luật lệ? Lái xe ẩu?...
Trong
những bổn phận đối với Giáo Hội, tôi có khi nào hỏi Giáo Hội muốn tôi làm gì
cho Giáo Hội không? Tôi có thực sự ý
thức vai trò của mình trong lòng Giáo Hội, hay chỉ là kẻ đứng bên lề?
Có
khi nào tôi bỏ qua lề luật Chúa để tuân giữ lề luật của xã hội không? Lấy một thí dụ cụ thể chứng tỏ tôi đã không
trả về Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa.
Thiên
Chúa đã ban cho tôi tất cả những gì quý giá nhất của Người, tức là Chúa Giê-su
Ki-tô, Con Một Người. Người dạy tôi hãy
tiếp nhận và làm môn đệ Chúa Ki-tô. Vậy
tôi đã đáp lại lời gọi của Thiên Chúa như thế nào?
Cầu nguyện
“Lạy
Cha,
con
phó mình con cho Cha,
xin
hãy làm nơi con
mọi
sự đẹp ý Cha,
Cha
làm chi mặc lòng, con cũng cảm ơn Cha.
Con
sẵn sàng luôn luôn,
con
nhận lãnh tất cả,
miễn
ý Cha được làm trọn trong con,
trong
tất cả muôn loài Cha tạo dựng.
Con
chẳng ước muốn chi khác nữa.
Lạy
Cha là Chúa Trời con,
con
phó thác linh hồn con trong tay Cha,
con
dâng hồn con cho Cha.
Lạy
Cha,
với
tất cả tình yêu của lòng con,
vì
con mến Cha và vì mến Cha,
nên
con thấy cần phải hiến thân con,
phó
trót mình con trong tay Cha,
không
do dự đắn đo,
nhưng
vô cùng tin cậy,
vì
Cha là Cha của con. A-men”.
(Lời
nguyện của Anh Charles de Foucauld, sáng lập dòng Tiểu Đệ)
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi
Ngày 14-10-2005