CHÚA NHẬT 31 QUANH NĂM

(Mát-thêu 23: 1-12)

 

          Có lẽ đây là đoạn Tin Mừng thường bị bóp méo và được sử dụng cho những mục đích tranh luận, đả kích của một số giáo phái Tin lành cực đoan.  Người ta chỉ áp dụng nghĩa chữ và tách rời một vài câu ra để bênh vực lập luận của họ trong khi cố tình gạt bỏ hoàn cảnh và ý của Chúa Giê-su khi Người dạy rằng đừng tôn ai là cha là thầy.  Những tranh luận loại này chẳng ích lợi gì cho đời sống đức tin của ta và cũng không phải là điều sứ điệp Tin Mừng muốn nói với ta.  Do đó, ta nên hiểu thực sự Chúa Giê-su muốn dạy ta điều gì và Người dạy trong hoàn cảnh nào.  Hơn nữa, trong mạch văn của chủ đề về Giáo Hội, lời Chúa Giê-su dạy “đừng gọi ai là cha, là thầy, là người lãnh đạo” muốn nhắc nhở ta về mối quan hệ giữa ta với Người và với Thiên Chúa đang khi ta cùng sống với anh chị em con cùng một Cha trong Giáo Hội Chúa đã thiết lập.

 

a)  Có những người vênh vang coi mình là cha là thầy thiên hạ

 

          Ở đâu và trong thời nào thì cũng có một số người dựa vào quyền thế chức vị để khinh khi người khác hoặc dạy một đàng làm một nẻo.  Suốt thời gian rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su thường phải đối phó với đám kinh sư và những người Pha-ri-sêu, vì họ luôn luôn bắt bẻ, rình rập và mưu toan làm cho Chúa phải mất thể diện và thế giá trước mặt dân chúng.  Đối với Giáo Hội sơ khai, họ cũng là một mối đe dọa lớn cho các tín hữu vì họ tìm đủ mọi cách để lung lạc đức tin Ki-tô hữu.  Có lẽ nhận thấy vấn đề có tầm mức trầm trọng, sách Tin Mừng Mát-thêu đã dành nguyên chương 23 để ghi lại mối xung khắc giữa Chúa Giê-su cùng Giáo Hội Người với những kẻ thù của Chúa và tín hữu.  Bài Tin Mừng hôm nay trích dẫn đoạn đầu (câu 1-12) mô tả chân dung nhóm kinh sư và Pha-ri-sêu, và thái độ Chúa Giê-su nhắc nhở tín hữu phải có trước hoàn cảnh ấy.

          Chúa Giê-su đã cho ta một vài đặc điểm nói lên dung mạo kinh sư và Pha-ri-sêu.  Họ là những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn đối với dân chúng cả về mặt tôn giáo lẫn chính trị, “ngồi trên tòa ông Mô-sê mà giảng dạy”.  Họ mặc sức giải thích Luật Mô-sê tùy ý họ, trói buộc dân chúng trong trăm ngàn luật lệ và những điều họ gọi là truyền thống.  Nhưng cá nhân họ lại là những kẻ giả hình giả bộ, tô son đánh phấn cho mình bằng những hình thức bên ngoài cho ra vẻ mình quan trọng.  Họ che đậy tâm hồn rỗng tuyếch của họ bằng những trang sức đập vào mắt người ngoài, như đeo hộp kinh, mang tua áo.  Họ tranh giành hàng ghế đầu cũng như chỗ ngồi danh dự nơi công cộng và đắc chí khi được người ta xưng hô một cách trịnh trọng khúm núm.  Tóm lại họ muốn tạo cho mình một giai cấp riêng, giai cấp lãnh đạo và ưu tú trong cộng đồng.

          Hình ảnh kinh sư và Pha-ri-sêu là hình ảnh hoàn toàn trái ngược với hình ảnh Chúa Giê-su, Đấng “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10:45).  Do đó, khi Chúa Giê-su dạy ta đừng bắt chước lối sống và cách cư xử của các kinh sư và Pha-ri-sêu, Người muốn nói với mọi tầng lớp trong Giáo Hội Người, với những người lãnh đạo cũng như với tập thể tín hữu, về chân tính và chỗ đứng của họ.  Không thể tách rời những lời khuyên của Chúa Giê-su ra khỏi hoàn cảnh Chúa đang nói về đám kinh sư và Pha-ri-sêu để đi tới những kết luận một chiều, như những người đả kích Công giáo thường làm.

 

b)  “Tất cả anh em đều là anh em với nhau”

 

          Đây mới là cốt lõi sứ điệp của đoạn Tin Mừng.  Chúa Giê-su muốn ta ý thức được chân tính của ta và sống đúng với chân tính ấy.  Vậy chân tính ấy là gì?  Để hiểu rõ chân tính của ta là Ki-tô hữu, ta phải hiểu rõ trước quan hệ giữa ta với Thiên Chúa và với Chúa Ki-tô.  Chúa Giê-su đã khẳng định với ta:  anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời, anh em chỉ có một Thầy là Chúa Giê-su, và anh em chỉ có một vị lãnh đạo là Đức Ki-tô.  Xác định địa vị duy nhất của Cha trên trời và của Đức Ki-tô đối với mọi tín hữu như thế, Chúa Giê-su muốn nói rằng không ai ở trần gian này có đủ tư cách để thay thế địa vị của Thiên Chúa và Đức Ki-tô, chứ Chúa Giê-su không có ý phủ nhận địa vị và vai trò của những người cha, người thầy và người lãnh đạo ở trần gian này.

          Chân tính của ta phải hoàn toàn dựa trên địa vị của Thiên Chúa và của Đức Ki-tô.  Trong Đức Ki-tô và nhờ Thánh Thần, Thiên Chúa nhận ta làm con cái Người cho nên ta mới được làm con cái Người (Rm 8:16).  Tiếp đến, vì là con của cùng một Cha trên trời, nên ta hết thảy đều là anh chị em với nhau.  Cũng vậy, Chúa Ki-tô là Mô-sê Mới, được Thiên Chúa sai đến để dạy dỗ ta.  Vai trò của Người là mặc khải và dạy dỗ ta tất cả những gì Thiên Chúa muốn nói với nhân loại (Dt 1:2).  Chỉ có Chúa Ki-tô mới xứng đáng với danh hiệu Rabbouni (Thầy).  Thầy, Người kêu gọi ta bước theo Người và làm môn đệ Người.  Người kêu gọi ta hãy tin vào Người và sứ mệnh của Người, dù phải chấp nhận những hy sinh và thập giá.  Người dạy ta một giáo lý mới để ta thực thi hai điều quan trọng nhất trong các điều răn của Thiên Chúa là mến Chúa yêu người.  Chúa Giê-su là vị Lãnh đạo của dân Ít-ra-en Mới trên đường tiến về Đất Hứa vĩnh cửu.  Người chẳng những là vị dẫn đường mà còn là chính Đường đưa ta đến với Thiên Chúa.

          Lý do tại sao Chúa Giê-su dạy ta đừng gọi ai là cha, là thầy và là người lãnh đạo, một phần là vì cũng có những người ở thế gian muốn thay thế địa vị của Thiên Chúa và Đức Ki-tô để đưa ta đi theo họ và sùng bái họ, nhưng phần khác là vì Chúa Chúa Giê-su muốn cho ta biết ta là gì đối với Thiên Chúa và Đức Ki-tô và các Đấng là ai đối với ta, để ta sống mối quan hệ cho đúng nghĩa.  Thực ra Chúa Giê-su không có ý phá bỏ mọi danh xưng, địa vị và chức vụ của con người.  Trái lại, Người còn đưa ra lời khuyên thực tế dành cho những người có địa vị và chức vụ nữa.  “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em”.  Địa vị và chức vụ không phải để làm oai làm phách, nhưng là để phục vụ. 

 

c)  Chúa đặc biệt nói với những người có nhiệm vụ lãnh đạo trong Giáo Hội

 

          Lãnh đạo theo ý nghĩa của Chúa Ki-tô là phục vụ.  Lãnh đạo là những công việc phải làm để phục vụ chứ không phải là những chức tước hay địa vị mang trên người để bắt người khác phải phục vụ mình.  Cha, thầy hay vị lãnh đạo chỉ là những danh xưng giúp ta nhận ra bổn phận của những người ấy.  Họ là những người phục vụ ta vì được Chúa Ki-tô và Giáo Hội Người sai đi để đóng góp vào việc xây dựng Giáo Hội ở trần gian.  Họ rao giảng giáo lý của Chúa chứ không phải của họ.  Họ đóng vai trò người cha tinh thần để nâng đỡ những người họ đã giúp cho được sinh lại trong bí tích Rửa tội.  Họ nhắc nhở những người đã được trao phó cho họ chăm sóc phải sống làm sao chođúng với chân tính làm con Thiên Chúa.

          Nhưng những người thi hành những bổn phận ấy là những con người như mọi người, do đó cũng có thể đi vào vết chân của những kinh sư và Pha-ri-sêu, nghĩa là cũng lạm dụng chức tước hay địa vị của mình để tôn mình lên!  Vậy nếu lời Chúa nhắc nhở mọi tín hữu về chức phận của họ đối với Thiên Chúa và Chúa Ki-tô, thì lời Chúa cũng đặc biệt nhắc nhở những người được trao cho nhiệm vụ “lãnh đạo” trong Giáo Hội phải hết sức cẩn thận thi hành chức năng của họ theo tinh thần phục vụ của Chúa Ki-tô.  Sứ điệp Tin Mừng không có ý nói đến vấn đề gọi ai hoặc được ai gọi bằng danh hiệu nào, nhưng chỉ nhấn mạnh đến tinh thần phải có nơi người gọi lẫn người được gọi.  Nói với mọi người, Chúa Giê-su dạy ta phải nhận Thiên Chúa là Cha, Chúa Giê-su là Thầy và là vị Lãnh đạo duy nhất.  Nhưng Chúa Giê-su cũng đặc biệt nói với các môn đệ là những người được Chúa đặc biệt tuyển chọn để giúp đỡ các tín hữu, khi Người phán:  “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em”.

          Có lẽ ở đây cũng ngầm hiểu một điều Chúa Giê-su muốn nói với cộng đồng tín hữu:  Hãy cầu nguyện, giúp đỡ những người được Giáo Hội tuyển chọn đặc biệt để đóng góp vào việc xây dựng Giáo Hội, để họ biết thi hành chức năng của họ cho đúng với tinh thần phục vụ của Chúa Ki-tô, là tinh thần khiêm nhường và yêu mến đậm sâu.

 

d)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Dung mạo kinh sư và Pha-ri-sêu có phải là dung mạo của tôi không?  Có bao giờ tôi dùng những cái bề ngoài để che đậy con người xấu xa bên trong của tôi không?  Tác phong của tôi đôi khi có giống như những kinh sư và Pha-ri-sêu ở những điểm nào?

          Chúa Giê-su dạy tôi nhận Thiên Chúa là Cha, nhận Chúa Ki-tô là Thầy và Vị Lãnh đạo.  Những danh xưng này thực sự có ý nghĩa gì đối với tôi?  Tôi có sống chức phận làm con Chúa, làm môn đệ và bước đi dưới sự dẫn dắt của Chúa Giê-su là Mục Tử Nhân lành không?

          Có khi nào tôi chỉ thích tranh luận về những điều trong Kinh Thánh mà quên rằng sống những điều Chúa nói với tôi qua Kinh Thánh mới là điểm quan trọng không?

          Nếu tôi có một địa vị trong cộng đoàn đức tin hoặc xã hội, tôi đã sống địa vị ấy như thế nào?  Có hợp với tinh thần Chúa Ki-tô dạy bảo không?

 

Cầu nguyện

 

          Kinh xin ơn quảng đại

         

“Lạy Ngôi Lời Thiên Chúa rất đáng mến,

          xin dạy con biết sống quảng đại,

          biết phụng sự Chúa cho xứng với uy linh Ngài,

          biết cho đi mà không tính toán,

          biết chiến đấu không ngại thương tích,

          biết làm việc không tìm an nghỉ,

          biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào

          ngoài việc biết mình đã chu toàn Thánh Ý Chúa.  A-men.”

 

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà