Chúa Nhật
thứ 32 Thường Niên
(6-11-2005)
Phải biết
chuẩn bị cho đời sống vĩnh cửu
ĐỌC LỜI
CHÚA
· Kn 6, 12-16:
(12) Ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan cho
gặp. (16) Những ai xứng đáng với Đức Khôn Ngoan, thì Đức
Khôn Ngoan rảo quanh tìm kiếm. Trên các nẻo đường họ đi, Đức Khôn Ngoan niềm nở
xuất hiện. Mỗi khi họ suy tưởng điều gì, Đức Khôn Ngoan đều đến với họ
· 1 Tx 4,
13-18: (14) Nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống
lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được
Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu.
· TIN MỪNG: Mt
25, 1-13
Dụ ngôn mười trinh nữ
(1) Bấy giờ, Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh
nữ cầm đèn ra đón chú rể. (2)
Trong mười cô đó, thì có năm
cô dại và năm cô khôn. (3) Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu
theo. (4) Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai
dầu theo. (5) Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ
cả. (6) Nửa đêm, có tiếng la lên: «Chú rể kia rồi, ra đón đi!» (7)
Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn. (8)
Các cô dại nói với các cô khôn rằng: «Xin các chị cho chúng em
chút dầu, vì đèn của chúng em tắt mất rồi!» (9) Các cô
khôn đáp: «Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng
mà mua lấy thì hơn». (10) Đang lúc các cô đi mua, thì
chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi
người ta đóng cửa lại. (11) Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng
đến gọi: «Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với!» (12)
Nhưng Người đáp: «Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là
ai cả!» (13) Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không
biết ngày nào, giờ nào.
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Mấy cô phụ dâu nếu quên không đem dầu đi thì
nên làm gì khi chàng rể chưa tới? Họ đã làm gì? Hậu quả thế nào? Ta có thể rút
ra bài học gì?
2. Có việc gì trên đời muốn thành công mà không
cần phải chuẩn bị không? Việc quan trọng nhất trong cuộc đời ta là gì? Nếu ta
không chuẩn bị, chờ «nước đến chân mới nhảy» thì có thành công được
không? Hậu quả thế nào?
3. Dầu để đốt đèn trong dụ ngôn trên ám chỉ điều
gì đối với việc chuẩn bị cho sự sống đời đời? Có cần xác định điều quan trọng
nhất mà ta phải chuẩn bị cho cuộc sống đời đời mai hậu là gì không? Nếu không
xác định được điều ấy thì sao? Tai hại thế nào?
Suy tư gợi ý:
1. Phong tục rước dâu trong xã hội Do Thái xưa
Trong đám cưới, phong tục của người Do Thái xưa là
bên đằng trai, gồm chàng rể cùng bà con, bạn bè của chàng cùng đến nhà cô dâu
để xin rước nàng về nhà mình. Cùng đi với cô dâu về nhà chàng rể, có một số cô
phụ dâu. Việc rước dâu thường tổ chức vào ban tối. Theo cách tính ngày của
người Do Thái, ngày mới bắt đầu tính từ 6g00 chiều, khi mặt trời đã lặn. Nên
việc rước dâu được tổ chức vào đầu một ngày mới, tượng trưng sự khởi đầu một
cuộc đời mới. Vì là ban tối, nên theo nghi thức, các cô phụ dâu ngoài trang
phục thật đẹp, mỗi người còn phải mang theo một cây đèn đốt bằng dầu cho thêm
phần trang trọng. Khi phải mang đèn đi như thế, các cô phụ dâu phải mang theo
dầu để đốt đèn, và thường thì mỗi người chỉ mang đủ dầu cho mình thôi.
Đúng ra, cô nào không mang dầu theo thì nên tranh
thủ đi mua dầu trong khi chờ đợi chàng rể đến. Nhưng các cô lại không nghĩ đến
chuyện ấy. Họ cứ ngủ một cách vô tư. Khi chàng rể đến, phải đốt đèn lên, lúc ấy
năm cô khờ dại mới nhận ra đèn của mình không có dầu. Những cô kia chỉ đủ dầu
cho bản thân thôi, nên không thể chia sẻ được. Những cô khờ dại bấy giờ mới
nghĩ đến chuyện mua dầu. Đúng là «nước đến chân mới nhảy»! Khi mua dầu
về thì chàng rể đã đến. Nghi thức rước dâu đã bắt đầu. Những cô phụ dâu đến trễ
không thể nhập cuộc được, vì như thế sẽ làm cho nghi thức rước dâu nên lộn xộn,
mất trang nghiêm, một điều tối kỵ trong nghi thức đám cưới. Thế là mấy cô khờ
dại bị lỡ cơ hội tham dự tiệc cưới phải buồn bã ra về. Tất cả đều do không biết
chuẩn bị hay lo liệu trước.
Đức Giêsu cũng như bao người Do Thái khác đã chứng
kiến những cảnh như thế xảy ra trong các đám cưới. Vì thế, Ngài đã dùng hình
ảnh này để cảnh báo những người không biết chuẩn bị cho ngày giờ Thiên Chúa
đến. Nếu không chuẩn bị trước những gì cần thiết cho ngày vô cùng quan trọng
ấy, thì họ sẽ bị lỡ cơ hội duy nhất cho hạnh phúc vĩnh cửu của họ. Sự mất mát
vô cùng to lớn này không bao giờ bù đắp hay lấy lại được!
2. Muốn thành công, phải biết lo xa và chuẩn bị
Phàm việc gì muốn thành công cũng phải biết chuẩn
bị, lo liệu trước. Một học sinh giỏi và thành công trong học vấn phải là một
học sinh biết lo lắng sắp xếp giờ học, không thể cứ chơi đùa đợi gần đến kỳ thi
mới bắt đầu lo học. Lúc đó mới lo học thì không kịp và điểm thi ắt phải kém.
Một nhà doanh nghiệp giỏi luôn biết nhìn xa tính trước, chuẩn bị trước mọi
chuyện. Người kinh doanh áo lạnh để bán vào mùa đông thì ngay mùa hè đã phải
sản xuất áo lạnh, cho dù chẳng ai mặc áo lạnh vào lúc đó. Người trồng lúa phải
biết để dành giống lúa tốt từ vụ mùa trước cho vụ mùa sau. Nói chung, trong
biết cứ ngành nghề hay công việc nào, không biết lo xa, tính trước thì rất khó
thành công. Người khôn ngoan không bao giờ bỏ lỡ những cơ hội tốt, nhất là
những cơ hội lớn và hiếm có trong đời. Muốn thế, họ phải luôn luôn chuẩn bị để
khi thời cơ đến là chụp bắt ngay. Những việc nhỏ đem lại lợi ích hữu hạn mà còn
phải chuẩn bị, huống gì những việc lớn lao. Việc lớn lao nhất của hiện hữu con
người là hạnh phúc vĩnh cửu đời sau, lẽ nào người khôn lại thờ ơ không chuẩn bị
cho nó. Đợi đến lúc chết mới chuẩn bị thì làm sao mà kịp?!
3. Đời sau có thể đến với ta rất bất ngờ, không ai biết trước được
Nếu đời sau đến với ta vào một thời điểm nhất định
mà ta biết trước thì chắc chắn ta sẽ dành ra một vài năm trước đó để chuẩn bị
cho thật chu đáo. Nhưng khốn thay ta không thể biết trước nó đến vào ngày giờ
nào. Có thể 20, 30, hay 50 năm nữa, mà cũng có thể năm sau, tháng sau, tuần
sau, hay chốc lát nữa. Cái chết có thể đến rất bất ngờ, nhiều khi không một dấu
hiệu báo trước. Cách đây một hai năm, những người chết ở Nam Dương vì nạn sóng
thần, tại Trung Tâm Thương Mại Sàigòn vì bị cháy, ở New York trong hai tòa nhà
chọc trời vì bị khủng bố… trước khi tai nạn xảy ra một giờ, đâu ai ngờ được chỉ
một giờ sau là mình đã hóa thành người thiên cổ! Không ai dám quả quyết chắc
chắn 100% rằng giờ sau hay ngày mai mình vẫn còn sống. Chỉ một làn gió, một tai
nạn bất ngờ, một vụ đụng xe, có thể đưa ta về bên kia thế giới! (x. Tv
103,15-16). Biết bao người đã về bên kia thế giới vì những lý do rất đơn giản
ấy. Hãy tự hỏi giả như giờ sau ta chết, thì số phận vĩnh cửu của ta sẽ ra sao?
Ta đã chuẩn bị tình huống ấy chưa? Nếu vì quá lo toan những chuyện nhỏ nhặt,
chóng qua của cuộc đời tạm gửi này nên ta chưa chuẩn bị khiến ta bị lỡ mất cơ
hội lớn nhất, duy nhất, vô cùng quan trọng và cần thiết ấy, thì sao? Ta dại hay
khôn?
4. Hãy đặt lên bàn cân…
Đức Giêsu nói: «Được lời lãi cả thế gian mà mất
linh hồn thì ích lợi gì?» (Mt 16,26). Hãy thử đặt linh hồn của mình lên một
dĩa cân, và đặt trên dĩa bên kia tất cả những gì ta đang mong muốn có được,
đang cố gắng đạt cho bằng được, bên nào nặng hơn? Cán cân lý trí của ta phán
định bên nào nặng hơn? Ta phải chọn bên nào? Phải thú nhận rằng rất nhiều khi
ta sẵn sàng chọn bên kém giá trị hơn và hy sinh bên nhiều giá trị hơn, thậm chí
nhiều hơn gấp bội lần. Đôi khi đó lại chính là thái độ của ta suốt cuộc đời!
Quả là dại dột!
Đức tin cho ta biết: linh hồn hay sự sống vĩnh cửu
của ta giá trị gấp hàng triệu lần tất cả những gì chóng qua ta có thể đạt được
ở trần gian. Hạnh phúc vĩnh cửu thì kéo dài vô tận, còn những gì thỏa mãn danh,
lợi, thú của ta thì rất tạm thời, chỉ hưởng được một thời gian. Nếu tổng số
những hạnh phúc chóng qua này ta định giá trị là một triệu, thì hạnh phúc vĩnh
cửu phải giá trị bằng hàng tỷ trở lên. Vì một đằng hữu hạn, một đằng vô hạn. Có
ai dại dột đến nỗi chỉ quan tâm đến thứ đáng giá có một triệu mà không thèm ngó
ngàng đến thứ đáng giá cả hàng tỷ nằm trong tầm tay mình không? Người ta thường
nói «bỏ con sin sít, bắt con cá rô», lẽ nào ta lại «bỏ con cá rô để
bắt con sin sít»? Nhiều khi ta rất tinh khôn trong những chuyện chóng qua ở
đời này, nhưng lại hành xử thật ngu muội trong chuyện đại sự nhất, chuyện lâu
dài nhất của đời ta.
5. Chất dầu để đốt trong dụ ngôn ám chỉ điều gì?
Cuộc đời ta hiện nay giống như những cô phụ dâu
trong dụ ngôn trên đang chờ đợi chàng rể đến. Nếu không có dầu hay không đủ dầu
để đốt khi chàng rể đến thì phải lo đi mua dầu sớm chừng nào có thể, để khi
chàng rể đến, có thể rất bất ngờ, thì có dầu mà đốt. Nếu không như vậy, mình sẽ
phải bỏ lỡ tiệc cưới.
Dầu ở đây tượng trưng cho cái gì đối với sự sống
đời đời? Kinh Thánh cho ta biết điều cần thiết nhất để một người có thể hưởng
hạnh phúc vĩnh cửu bên Thiên Chúa, để kết hợp với Thiên Chúa, đó là tình
yêu. Vì không thể kết hợp hay sống bên «Thiên Chúa là Tình Yêu»
(1Ga 4,8.16), nếu ta không có tình yêu, không là tình yêu như
bản chất của Ngài. Không có tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa và tha nhân,
ta không thể vào Nước Trời, hưởng hạnh phúc vĩnh cửu bên Thiên Chúa. Rất nhiều
Kitô hữu không lo chuẩn bị điều cần thiết này mà cứ lo những thứ phụ thuộc khác
mà họ tưởng là cần thiết! Họ giống như người muốn trồng lúa mà cứ lo đi mua
phân bón, mua thuốc diệt cỏ, lo dẫn nước vào ruộng, mà không nghĩ gì đến hạt
giống! Những thứ kia tuy rất cần thiết, nhưng chưa phải là chuyện quan trọng
nhất! Muốn trồng lúa, điều tối quan trọng là phải có hạt giống. Cũng vậy, muốn
vào Nước Trời, điều tối quan trọng là phải có tình yêu chân thực! «Hiện nay
đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến»
(1Cr 13,13).
CẦU
NGUYỆN
Lạy Cha, rất nhiều
khi con thật dại dột. Điều quan trọng và cần thiết nhất đời con, con lại không
quan tâm tới bao nhiêu, mà cứ tập trung năng lực vào những điều không đáng!
Điều có giá trị vĩnh cửu thì con coi thường, nhưng lại coi trọng những giá trị
tạm thời, chóng qua. Vì thế, con đã không quan tâm chuẩn bị cho việc quan trọng
nhất ấy! Chỉ đến khi bị mất nó vĩnh viễn, con mới biết mình vô cùng dại dột.
Xin ban cho con sự khôn ngoan để biết điều nào quan trọng nhất để con dành thì
giờ và năng lực tương xứng hầu chuẩn bị cho nó.
Joan Nguyễn Chính Kết