CHÚA NHẬT THỨ XXXII THƯỜNG NIÊN, năm A

Mt 25, 1-13

 

10 CÔ TRINH NỮ ĐƯỢC MỜI DỰ TIỆC CƯỚI

 

Chúa Giêsu thường kể chuyện những bữa tiệc, những đám cưới, những bữa ăn thanh đạm, mà đám nào cũng có những sự cố không vui. Một hôm trong một bữa tiệc cưới khách mời lại không tới, nên chủ tiệc sai các đầy tớ ra đường mời bất cứ người nào gặp thấy vào ngồi dự tiệc cưới. Một hôm khác, Chúa Giêsu đem ra ví dụ trong một bữa tiệc một người ham ngồi ghế nhất bị chủ kéo xuống bàn chót. Lần khác, Chúa kể chuyện một người đi ăn tiệc, không ăn mặc đúng kiểu, đúng mốt, nên bị đầy vào chỗ tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Thật là những bữa tiệc, những đám cưới thật kỳ khôi, bao giờ cũng có sự cố.

 

MỘT DỤ NGÔN GỬI ĐẾN NHỮNG NGƯỜI DO THÁI THỜI XƯA:

Bài Tin mừng hôm nay của Đức Giêsu nói đến bữa tiệc cánh chung, ngày cùng tận, ngày tận thế. Chúa Giêsu đã tránh không trả lời trực tiếp câu hỏi của các môn đệ:” khi nào những sự việc ấy sẽ xẩy ra ? “. Chúa Giêsu đã kể ra những dấu hiệu báo trước biến cố, Người ân cần giải thích cho các môn đệ phải chuẩn bị, phải tỉnh thức, phải cầu nguyện như thế nào. Các dụ ngôn về sự tỉnh thức mà các chủ nhật trước trình bầy cho chúng ta là những minh họa về việc đó. Chúa dùng câu chuyện lụt đại hồng thủy và ông Noe để so sánh( Mt 24, 37-42 ). Qua câu chuyện này chỉ mình ông Noe biết trước đại hồng thủy để chuẩn bị. Chúa dùng dụ ngôn về kẻ trộm đêm, Người quả quyết:” nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu”.Và kết luận:” cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”. Chúa liên kết dụ ngôn này với dụ ngôn người đầy tớ trung tín:” Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về mà thấy anh ta đang làm như vậy”. Chúa Giêsu tiếp tục kể câu chuyện về mười cô trinh nữ đi dự tiệc cưới. Đây là câu chuyện rất bình thường ở Palestine thời đó: cô dâu phải ở nhà cha mẹ, chờ chú rể cùng với bạn bè tới rước. Chú rể đến cách long trọng để đón cô dâu về nhà mình để tổ chức đám cưới cùng với đám rước linh đình, đưa cô dâu tiến vào tận phòng cưới. Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhận thấy có nhiều chi tiết thật kỳ quặc. Mười cô trinh nữ đợi chàng rể đến mòn mỏi, đến nỗi các cô đều thiếp ngủ cả.Đèn thì cái có dầu, cái không. Có cô dự trữ dầu, có cô không dự phòng dầu. Tất cả chi tiết đều hết sức kỳ cục, nhưng cái kỳ quặc lớn nhất vẫn là không thấy bóng cô dâu đâu cả. Tuy nhiên đây lại là chi tiết quan trọng nhất. Cô dâu ở đâu ? Tại sao cô dâu lại vắng mặt trong tiệc cưới ? Các thính giả và độc giả nghe Chúa Giêsu kể chuyện, hẳn là những người rành Kinh Thánh: dụ ngôn với bối cảnh một bữa tiệc cưới này gợi nhớ đến giao ước của Thiên Chúa với Dân Người. Cô dâu vắng mặt ấy chính là dân tộc Israen, mà các ngôn sứ hay đem so sánh với một nàng dâu. Còn tiệc cưới ám chỉ Vương quốc của Thiên Chúa. Việc vào Vương quốc mở rộng cho mọi dân, mọi nước, cuối cùng sẽ là bữa tiệc cưới tình nghĩa giữa Thiên Chúa và nhân loại. Đây là một ngày vui cho toàn thể nhân loại.

 

MỘT DỤ NGÔN NHẮM TỚI MỌI NGƯỜI: Dụ ngôn mười cô trinh nữ được Chúa gửi tới các thính giả Do Thái vẫn có giá trị đối với mọi người muôn thời. Chúa thôi thúc con người phải tỉnh thức, vì  nhân loại không thể biết giờ chú rể đến, ngày Chúa trở lại. Cũng như mười cô phù dâu ở đây, các cô được mời , không có nghĩa là được  dự tiệc cưới. Là Kitô hữu không chưa đủ mà còn phải biết nghe và thực thi lời Chúa. Mang danh có đạo không vẫn chưa đủ, nhưng người Kitô hữu phải biết giữ và sống đạo với tất cả lòng tin của mình. Cl. Tassin viết một câu rất chí lý:” Để được dự vào bữa tiệc có một không hai này, được mời mà thôi không đủ, còn phải chuẩn bị sẵn sàng nữa “.  Chuẩn bị sẵn sàng là đức tính khôn ngoan của Kinh Thánh. 

 

Xin Chúa ban cho chúng ta biết tỉnh thức và khôn ngoan như năm cô trinh nữ khôn ngoan để đón chờ chàng rể đến.

 

Linh mục Giuse Maria Nguyễn Hưng Lợi DCCT        


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà