CHÚA NHẬT LỄ CHÚA KI-TÔ VUA
(Mát-thêu 25: 31-46)
Dùng
dụ ngôn để diễn tả thái độ sẵn sàng của ta cho ngày phán xét, Chúa Giê-su đưa
ta đến với khung cảnh ngày ấy diễn ra như thế nào. Người vẫn dùng dụ ngôn để nói lên một cách sống động cảnh phán
xét, với cung cách uy nghi và lời lẽ tuyên án đanh thép của vị thẩm phán chí
công là Con Người. Ta có cảm tưởng đây
không còn là một dụ ngôn nữa, nhưng là một biến cố thực mà Chúa Giê-su cho ta
thấy rõ trước khi mọi người phải có mặt tại đó và không thể tránh thoát. Phụng vụ Lời Chúa đã lấy bài Tin Mừng nói về
cuộc phán xét chung làm đề tài suy niệm về vương quyền của Chúa Giê-su. Nếu hiểu theo cách khai triển của Tin Mừng
Mát-thêu muốn trình bày Chúa Giê-su là Thiên Chúa ở cùng chúng ta
(Em-ma-nu-en), ta sẽ dễ dàng hiểu được những lời phán xét của Vua Giê-su, Thiên
Chúa làm người sống giữa nhân loại cũng như mối quan hệ giữa ta với Thiên Chúa
và với nhau.
a) Tiêu chuẩn để tuyên án:
Những gì ta làm cho anh chị em là làm cho chính Chúa
Điểm
đặc biệt trong cuộc phán xét là thái độ sững sờ ngạc nhiên của những người bị
phán xét. Cả người lành lẫn kẻ dữ đều
có cùng một phản ứng khi nghe Chúa tuyên án:
“Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói, khát, trần truồng, đau
yếu... đâu!” Nghĩa là người ta chỉ nhìn
thấy anh chị em là anh chị em, chứ không nhìn thấy hình ảnh của Chúa trong anh
chị em. Cái nhìn ấy rất quan trọng, vì
nó có thể xác định ý nghĩa của việc ta làm.
Nếu ta chỉ nhìn thấy anh chị em là anh chị em, hay nói khác đi, là những
con người đói khát, trần truồng, đau yếu..., thì ta sẽ coi họ là những người
cần được ta ban phát và họ phải chịu ơn ta.
Nhưng nếu ta nhận ra được Chúa ở trong họ, thì họ không chỉ đơn thuần là
những con người khốn khổ cần sự giúp đỡ của ta, mà là những người ta cần phải phục
vụ như ta phục vụ chính Chúa.
Như
thế, Chúa đã đồng hóa Người với mọi người trên thế giới và ta hiểu được ý nghĩa
đích thực của mầu nhiệm Nhập Thể: Ngôi
Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1:14). Thiên Chúa chia sẻ với nhân loại mọi sự,
Người muốn trở nên hoàn toàn giống như ta, ngoại trừ tội lỗi. Với thân phận làm Người, Vua Giê-su đã đến
chia sẻ với anh chị em mình, nhìn anh chị em mình không phải như những kẻ cần
được Người ban phát điều này điều kia, nhưng là những anh chị em đồng thừa kế
với Người và Người có nhiệm vụ phải phục vụ họ. “Con Người không đến để được người ta phục vụ, nhưng là để phục
vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10:45). Chính sự chia
sẻ này sẽ trở thành tiêu chuẩn Chúa dùng để tuyên án người lành kẻ dữ: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm (không làm) như thế
cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm (không
làm) cho chính Ta vậy”.
b) Những điều để ta bị Chúa phán xét
Thật
bất ngờ là khi nghe những điều Đức Vua tuyên án, ta không thấy đó là những điều
lớn lao, mà là những điều thường nhật, lúc nào cũng gặp thấy trong cuộc sống
hằng ngày của ta. Trong cuộc sống,
thiếu gì những dịp ta gặp những người sống trong cảnh đói khát, đau yếu, tù
đày, khách lạ... Không chỉ là những
hoàn cảnh thể chất mà thôi, nhưng cũng là những hoàn cảnh tinh thần và tâm lý
nữa. Người ta không chỉ đói khát cơm
gạo nước uống, nhưng còn đói khát tình thương.
Không chỉ đau yếu bệnh tật thể xác, nhưng còn mang bệnh hoạn tâm lý,
tinh thần sa sút. Không chỉ bị giam cầm
trong lao tù, nhưng còn bị giam hãm trong cô đơn, lẻ loi, kỳ thị. Không chỉ thiếu áo mặc bên ngoài, nhưng còn
thiếu được kính trọng, bị tước đoạt nhân phẩm nhân quyền. Những người trong hoàn cảnh ấy ta có thể gặp
hằng ngày. Nhưng ta không chỉ gặp thôi,
mà còn phải ý thức sẽ làm gì trước những hoàn cảnh ấy. Ngày xưa Chúa Giê-su không ngoảnh mặt làm
ngơ trước những hoàn cảnh ấy. Chúa đã
làm hết sức để cứu vớt và xoa dịu khổ đau của con người. Tin Mừng Mác-cô viết về “một ngày của Chúa
Giê-su tại Ca-phác-na-um” (Mc 1:21-45) cho ta biết Chúa thật bận rộn vì người
khác. Người giảng dạy, khu trừ ma quỷ,
chữa lành cho bà mẹ vợ ông Phê-rô. Sau
đó, Người lại “chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật và trừ nhiều quỷ...” Đang khi di chuyển sang thành khác, Chúa còn
chữa lành kẻ bị phong hủi đến xin Người.
Chúa
luôn đáp lại nhu cầu của bất cứ ai khốn khổ và đến với Người. Người chẳng từ chối hay xua đuổi ai. Chỉ có một lần Người tỏ vẻ ngần ngại và “làm
khó dễ” khi người đàn bà Ca-na-an đến xin Người trừ quỷ cho con gái bà (Mt
15:21-28). Nhưng Người cố ý làm như vậy
để bà có dịp biểu lộ lòng tin mạnh mẽ của bà.
Động lực khiến Người muốn đến với mọi người là vì “Người chạnh lòng
thương”.
Nếu
ta thiếu động lực cốt yếu “chạnh lòng thương” ấy, ta sẽ dễ dàng dửng dưng trước
những đau khổ và khó khăn của anh chị em.
Ta sẽ nhìn họ thuần túy như những con người chứ không phải là hình ảnh
của Thiên Chúa. Ta sẽ nhắm con mắt
thiêng liêng lại và tự bào chữa: Tôi có
bao giờ thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống... đâu! Hoặc ta sẽ đưa ra những lý lẽ để từ chối
giúp đỡ anh chị em. Thí dụ: thằng đó vào tù là đáng đời, vì ai bảo dính
vào xì ke ma túy; hoặc: người khỏe mạnh thế kia mà không chịu đi
làm, lại đi ăn xin...
c) Những điều ấy ta đã làm hay đã không làm?
Khi
ta đứng trước mặt Đức Vua phán xét, Người không hỏi ta tại sao đã không làm
những điều ấy cho anh chị em, nhưng Người chỉ xác định ta đã làm hay đã không
làm những điều ấy, rồi căn cứ vào đó mà tuyên án ta. Nếu ta làm tức là ta đã theo gương Người, dấn thân trong Vương
Quốc của Người. Như thế, câu truyện về
phán xét đặt ta trong sự lựa chọn dứt khoát:
theo Vua Giê-su để phục vụ tha nhân như Người đã phục vụ, hoặc theo lối
sống ích kỷ của người đời không cần biết đến ai?
Vương
Quốc của Vua Giê-su không phải là vương quốc ở đời này, nhưng là của tâm hồn,
của tình yêu. Tình yêu là dấu hiệu để
người ta nhận ra ta là môn đệ của Chúa Giê-su, là công dân của Triều Đại Thiên
Chúa. Ta trở thành “khí cụ bình an” của
Chúa để làm cho Vương Quốc của Người luôn được hiển trị.
Kết
thúc một năm Phụng vụ không phải là chấm dứt, nhưng là một khởi đầu. Ta đã nhận biết Chúa Giê-su là Vua. Ta theo Người để đi chinh phục tất cả thế
giới về cho Thiên Chúa. Ta được trang
bị bằng một lối sống mới của Chúa Ki-tô Vua.
Giờ đây ta hãy lên đường đến với anh chị em và nhận ra dung mạo của Chúa
nơi anh chị em. Rồi ta sẽ đáp lại tất
cả những gì anh chị em ta cần ta giúp đỡ.
Đó là mệnh lệnh của Đức Vua, vì:
“Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất
của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”.
d) Suy nghĩ và cầu nguyện
Tôi
có tập nhìn thấy hình ảnh Chúa trong anh chị em không? Tôi phải làm thế nào để nhận ra sự hiện diện
của Chúa nơi anh chị em? Bắt đầu tập
tìm thấy Chúa nơi chính mình trước, để dễ dàng thấy Chúa nơi người khác?
Từ
trước tới nay, tôi có hình ảnh nào về Vương Quốc của Chúa? Là Giáo Hội? Là lối sống và ảnh hưởng của Chúa Ki-tô mà tôi phải phản
ánh? Là nối tiếp sự hiện diện của Chúa
Ki-tô ở trần gian khi tôi bắt chước sống như Người?
Tôi
có chương trình sống như thế nào sau khi nghe lời hiệu triệu của Vua
Giê-su: “Mỗi lần anh em làm như thế cho
một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là anh em đã làm cho chính Ta
vậy”?
Cầu nguyện
“Lạy
Chúa, xin cứ dùng con theo ý Chúa,
làm
chân tay cho những người què cụt,
làm
đôi mắt cho ai phải đui mù,
làm
lỗ tai cho những người bị điếc,
làm
miệng lưỡi cho người không nói được,
làm
tiếng kêu cho người chịu bất công.
Lạy
Chúa, xin cứ gởi con ra đồng lúa,
để
đem cơm cho người đói đang chờ,
và
đem nước cho người họng đang khô,
đem
thuốc thang cho người đang đau ốm,
đem
áo quần cho người đang trần trụi,
đem
mền đắp cho người rét đang run.
Lạy
Chúa, xin cứ gởi con ra đường vắng,
thắp
đèn soi cho ai bước trong đêm,
đốt
lửa ấm cho những ai giá lạnh,
truyền
cảm thông cho lữ khách đơn côi,
nâng
phẩm giá cho kẻ đời chà đạp,
đem
tự do cho những kiếp đọa đầy.
Lạy
Chúa, xin cứ gởi con vào thôn xóm,
đem
an hòa cho những ai bất thuận,
đem
thanh bình cho kẻ sống âu lo,
đem
ủi an cho người đang sầu khổ,
đem
niềm vui cho những ai bất hạnh,
đem
vận may cho người gặp rủi ro.
Lạy
Chúa, xin cứ đặt con như một sự tình cờ,
đem
may mắn cho những ai gặp được,
giữa
đường đời khi lỡ bước bơ vơ,
cứ
cho con đừng bao giờ khiếp sợ:
giữa
biển đời mang con tim núi lửa
với
đôi tay êm ái của mẹ hiền.
Lạy
Chúa, xin cứ dùng con làm tất cả
cho
mọi người được hạnh phúc yên vui;
còn
phần con xin gởi hết nơi Ngài
là
Thiên Chúa, Tình Yêu và Lẽ Sống.
Ngài
cho con tất cả niềm hy vọng
để
tin yêu và vui sống trọn đời.” - NCĐ
(Trích
RABBOUNI, lời nguyện 118)
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi