PHỤC SINH : MẦU NHIỆM TÌNH YÊU.
Chúa
Nhật Phục Sinh ABC
Tình yêu đem lại muôn vàn kỳ thú và những cái nhìn mới lạ. Chỉ
những người đang yêu mới thấy được những vấn đề mà người ngoại cuộc không thể thấy
được. Tình yêu là một cuộc sáng tạo vô cùng phong phú. Chính tình yêu đã dẫn Đức
Kitô vào con đường kỳ lạ tới sự sống ngang qua cái chết. Đó là một cuộc mạo hiểm
lớn lao. Đức Kitô đã liều mạng để giựt thoát sự sống ra khỏi tay tử thần. Cuộc
hi sinh vô tiền khoáng hậu đó đã đạt được kết quả thật bất ngờ. Người đã phục
sinh ! Đức Giêsu phục sinh đã trở thành đối tượng của niềm tin Kitô giáo ngay từ
thuở sơ khai. Đó là điều kiện căn bản và vô cùng khẩn thiết cho những ai muốn
được cứu độ.
GẶP GỠ
Ơn cứu độ đã đến với các môn đệ, nhưng dưới nhiều
cách thức và nhịp độ khác nhau. Cùng quan sát một sự kiện, nhưng có người đọc
được ý nghĩa, chẳng hạn "người môn đệ yêu dấu". Có người phải đợi tới khi Đức Giêsu xuất hiện
mới bừng tỉnh, chẳng hạn Maria Mađalêna. Chị Maria vẫn luẩn quẩn với tư tưởng :
"Chẳng biết họ đểû Người ở đâu ?" (Ga 20:2) Sau khi "thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mồ,"
chị liền chạy về báo tin cho các tông đồ "Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu
thương mến." (Ga 20:1) Chị hoàn
toàn dừng lại ở sự kiện, chứ chưa đọc được ý nghĩa đằng sau sự kiện. Phải chăng
vì chị hoảng hốt hay tại chị không phải là môn đệ được hân hạnh ghé vào ngực
Chúa ? Chỉ có con tim mới đọc được những dấu hiệu của con tim. "Người môn
đệ được Đức Giêsu thương mến" đã đọc ngay được ý nghĩa đó. "Ông đã thấy
và đã tin." (Ga 20:8) Niềm tin đã
phát xuất từ con tim ! Ông đã tin vì đã nhận ra những dấu chỉ từ nơi mồ trống
và những băng vải liệm xác Chúa "không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn
lại, xếp riêng ra một nơi." (Ga 20:7)
Những dấu chỉ đó cũng đủ để ông vượt lên trên sự kiện, đi sâu vào mầu
nhiệm Phục sinh, vì "theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải chỗi dậy từ cõi chết."
(Ga 20:9) Thực ra, “chẳng có đoạn Kinh
Thánh Cựu Ước nào nói về việc Đức Giêsu Phục Sinh. Phải đợi tới khi Đức Giêsu
hoàn toàn được tôn vinh, các môn đệ mới có thể "nhớ" và hiểu được ý
nghĩa của những biến cố đã xảy ra." (The Jerome Biblical Commentary
1990:983) Nói khác, "Kitô hữu đã đọc
lại Thánh Kinh trong ánh sáng Phục Sinh. Đó là đoạn nói về người đầy tớ Chúa
(Is 53:1-12) và các đoạn khác đọc dưới ánh sáng mới."(Tv 16:10; Hs 6:2)
(Faley 1994:290)
Ông Gioan "tiêu biểu cho người Kitô hữu
không bao giờ bị dao động và luôn trung tín. Vai trò của ông có tính cách thần
học hơn là lịch sử." (Faley 1994:289)
Bởi đấy, mặc dù ông phải nhường bước cho Phêrô vì địa vị cao trọng hơn,
nhưng tình yêu vẫn đem lại cho ông vinh dự là người đầu tiên tin vào Đức Giêsu
Phục Sinh (c.8). Tình yêu luôn mở ra một lối đi ưu việt cho những ai tuyệt đối
tin tưởng vào sức mạnh tình yêu Thiên Chúa. Bởi thế, suốt đời thánh Gioan luôn
nói về tình yêu. Ông có cả một xác tín lớn lao và kinh nghiệm tuyệt vời về sức
mạnh đó.
Niềm tin Phục sinh không kiếm được bằng chứng
nơi nấm mồ mở rộng hay những tấm khăn trắng toát, nhưng nơi những lần Đức Giêsu
hiện ra với các môn đệ (1 Cr 15:3-8). Những
lần đó đã củng cố niềm tin và thắt chặt tình yêu Thày trò. Chính cử chỉ đượm
tình yêu đã mạc khải cho hai môn đệ làng Emmaus (Lc 24:13) về sự thật Phục
Sinh. Một tiếng gọi đầy thân thương của Thày cũng khiến chị Maria Mađalêna bừng
tỉnh trước thực tại Phục sinh (Ga 20:16).
Niềm tin Phục sinh đó không phải là một ảo ảnh
hay viễn mộng nội tại. Bằng chứng Đức Giêsu Phục sinh đã hiện ra và ăn uống với
các môn đệ. Các ngài làm chứng "Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người
chỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng
trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước là chúng tôi, những
kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại."
(Cv 10:40-41) Nghĩa là có một sự liên tục
trong thân xác Đức Giêsu trước và sau khi phục sinh. Chính Người đã trả lại cho các môn đệ một bầu
khí thân tình và đầy hứng khởi. Trong tất
cả những giờ phút cùng ăn cùng uống đó, Thày trò đã trao đổi biết bao tâm tình
yêu mến. Càng trao đổi, các môn đệ càng
thấm sâu mầu nhiệm tình yêu Phục Sinh.
Phục sinh quả thực là mầu nhiệm tình yêu. Muốn thấy rõ Chúa Phục Sinh, đòi phải có động
lực tình yêu mãnh liệt. Hơn nữa, muốn làm chứng về Đức Giêsu Phục sinh, phải là
những chứng nhân tình yêu. Những chứng nhân Phục Sinh là "một chút men
cũng đủ làm cho cả khối bột dậy lên." (1 Cr 5:6b) Men tình yêu vô cùng cần thiết cho bột là trần
gian. Đó là sức mạnh nhân chứng, vì
"ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy : là anh em
có lòng yêu thương nhau." (Ga 13:35)
Nói cho cùng, chứng nhân của Đức Giêsu là chứng nhân về mầu nhiệm Phục
Sinh, vì "nếu Đức Kitô không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống
rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng." (1Cr 15:14) Phục Sinh là một đề tài căn bản và cực kỳ
quan trọng trong niềm tin Kitô giáo. Nói khác, "tất cả mọi góc cạnh của lời
rao giảng và niềm tin Kitô giáo chỉ có ý nghĩa khi quy về đối tượng trung tâm
là Đức Kitô Phục Sinh." (KTTƯ 1995:701)
TÌM LẠI LẼ SỐNG
Mỗi Chúa Nhật tín hữu qui tụ để mừng mầu nhiệm
Phục Sinh, một mầu nhiệm có sức đem lại lẽ sống cho một thế giới đang băng hoại
này. Ngày nay sự sống đang bị chà đạp vì
những vi phạm nhân quyền, những vụ bắn giết, khủng bố, phá thai v.v. Con người
cần tìm ra lẽ sống cho chính mình và tái khám phá giá trị con người để biết tôn
trọng người khác. "Con người được tạo
dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Tự nội,
sự sống con người có giá trị và tự bản chất phải được coi là một cứu cánh chứ
không thuần túy là một phương tiện để đạt tới một mục đích nào khác."
(McCartney 1994:8). Bởi thế, tiêu diệt sự sống con người là xúc phạm nặng nề đến
Thiên Chúa. Không thể nhân danh bất cứ
danh nghĩa nào để tiêu hủy mạng sống. Chẳng
hạn, làm sao chấp nhận được lập luận của những người chủ trương và ủng hộ việc
phá thai dựa trên lý do bảo vệ quyền tự do cá nhân ? Không ai là một ốc đảo. Sống là luôn sống với người khác. "Khi quyết định phá hay không phá thai,
trước tiên người phụ nữ làm một hành động liên quan tới chính mạng sống của
thai nhi, tới cha của đứa bé, tới gia đình, họ hàng thân thuộc, tới giáo dục và
chức nghiệp. Bởi vậy quyết định đó tự bản
chất là một quyết định có chiều kích xã hội chứ không thể là một việc riêng tư
chút nào." (McCartney 1994:5) Đức
Giêsu Phục Sinh mạc khải cho mọi người thấy sự sống là một giá trị không gì có
thể so sánh được. Chính Chúa đã đi vào cõi chết và chỗi dậy để đẩy con người
lên trên những cái nhìn tầm thường. Những
cái nhìn này muốn đánh giá con người dưới những điều kiện vật chất, muốn biến
con người thành phương tiện thực hiện những mưu đồ chính trị, kinh tế v.v. Con người phải hi sinh cho những giá trị kém
con người. Chính trị, kinh tế trở thành
cứu cánh, trong khi tự bản chất đó chỉ là phương tiện.
Chính vì chủ trương bảo vệ mạng sống con người,
sự hiện diện của Vatican tại Liên Hiệp Quốc đã bị đặt thành vấn đề. Đã có cuộc vận động để trục xuất Vatican ra
khỏi chiếc ghế quan sát viên tại diễn đàn có tầm cỡ thế giới đó. Giáo Hội hiện diện như một kỳ đà cản mũi trước
những dự án kiểm soát dân số thế giới của những nước tư bản. Khắp nơi trên quê hương Việt Nam hôm nay cũng
đang cổ động hạn chế sinh sản tối đa bằng đủ mọi phương tiện. Biểu ngữ "mỗi
gia đình chỉ có hai con" dán đầy đường phố và làng quê. Từ xưa, khi thế giới mới vỏn vẹn ít trăm triệu,
người ta đã la hoảng về nạn nhân mãn. Nếu
những người thời đó còn sống, chắc chắn họ không thể tưởng tượng nổi nhân loại
có thể tồn tại và phát triển vượt bực như bây giờ. Sự sống vẫn luôn là một huyền nhiệm, huyền
nhiệm như chính sự sống của Đức Giêsu, Đấng đã Phục Sinh để trả lại cho con người
ý nghĩa sâu xa nhất và giá trị lớn lao nhất của cuộc sống. Chính vì sôáng mầu nhiệm Phục sinh, Giáo hội
mới biết quý trọng sự sống.
Lm. Đỗ Vân Lực, OP