Chúa Nhật II Phục Sinh
Chúa
Ki-tô Phục Sinh đem lại cho ta cuộc sống mới, cuộc sống mới cho cá nhân, đồng
thời cũng mới cho cả cộng đồng nữa. Hành
trình đức tin của Ki-tô hữu cũng như cộng đoàn có những lúc hết sức mạnh mẽ,
nhưng cũng có những ngày tháng mò mẫm trong hoài nghi tuyệt vọng tựa như Tông đồ
Tô-ma giữa anh em vậy. Những bài đọc hôm
nay sẽ cho ta một cái nhìn tuyệt vời về cộng đoàn đức tin và khẳng định sự hiện
diện của Chúa Phục Sinh bên cạnh ta.
1.
Cộng đồng đức tin trong sự sống mới (bài
trích sách Công vụ Tông Đồ – Cv 2:42-47)
Cộng
đoàn “những người con bé nhỏ của Thầy” (Ga 13:33) đã bắt đầu lớn mạnh và phát
triển, không phải chỉ về số lượng mà nhất là về phẩm chất nữa. Tuy nhỏ bé giữa cộng đồng Do-thái lớn lao, cộng
đoàn Ki-tô hữu sơ khai lại vươn lên với những nét tuyệt vời, phản ảnh đạo lý mới
của Đấng mang sự sống mới cho trần gian.
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ ghi lại một số nét chính của đời sống cộng
đoàn ấy. Về những sinh hoạt đạo giáo,
“các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với
nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng”. Thực là một hình ảnh sống động: tín hữu nghe các Tông Đồ giảng dạy về lối sống
mới bắt nguồn từ Thánh Thần và sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô, rồi đem ra thực
hành trong cuộc sống đời cũng như đạo. Sống
đời là luôn luôn thông hiệp với nhau trong tình huynh đệ, tình anh chị em trong
Chúa Ki-tô. Tín hữu còn muốn thể hiện sự
hiệp thông tới mức độ lý tưởng, tức là thành tâm chia sẻ với nhau tất cả những
gì mình có để không còn ai đói khổ thiếu thốn. Còn sống đạo là sốt sắng tham sự
Thánh lễ và cầu nguyện chung cũng như riêng.
Tuy các tín hữu vẫn còn chia sẻ những sinh hoạt tại Đền Thờ chung với những
anh chị em Do-thái giáo, nhưng không hề gây khó khăn phiền nhiễu cho đến khi họ
bị đuổi ra khỏi Đền Thờ. Dù thế nào đi nữa,
cộng đoàn đức tin Ki-tô vẫn “được toàn dân thương mến”.
Vậy
động lực nào đã thay đổi được lối sống của nhóm người này nếu không phải là
chính sức sống mới đầy tràn Thánh Thần, Đấng đã ngự đến để biến đổi bộ mặt trái
đất. Ta thử tưởng tượng coi, nhóm người
gốc Do-thái giáo này đã thấm nhuần truyền thống Lề Luật và cơ chế xã hội
Do-thái từ bao đời. Thế mà chỉ một thời
gian ngắn, họ đã biến thành những Ki-tô hữu năng động, phản ảnh được tất cả những
gì Chúa Ki-tô đã giảng dạy khi còn sinh thời.
Chính đức tin mạnh mẽ của họ vào sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô đã đem lại
sức sống mới thay đổi con người họ cũng như cộng đoàn của họ. Thánh Phê-rô Tông đồ, vị thủ lãnh của cộng đồng
Ki-tô mới mẻ này sẽ nói cho ta biết về động lực khiến Ki-tô hữu hăng say sống đời
sống mới.
2.
Sống trong hy vọng chắc chắn được cứu độ (bài Thánh thư – 1 Pr 1:3-9)
Sự Phục Sinh của Chúa đã định hướng cuộc
đời ta. Nếu ta biết được đích điểm cuộc
đời, ta sẽ sống tích cực và sống vui.
Không biết đời mình đi về đâu và không thắng vượt được những yếu đuối của
con người minh, ta sẽ phải kêu lên như thánh Phao-lô đã than thở: “Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác hay chết
này?” Và câu trả lời: “Là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! Tạ ơn Chúa!” (Rm 7:24-25). Kế hoạch giải thoát ta khỏi sự chết và đưa ta
vào đời sống mới đã được Thiên Chúa Cha thực hiện trong Chúa Ki-tô, đó là kế hoạch
tình thương cứu độ. Thiên Chúa không muốn
gia tài trên trời của ta bị mất đi vì tội lỗi (Ep 1:9), cho nên Người đã lập kế
hoạch diệt trừ đi sức mạnh tàn phá của tội lỗi.
Dĩ độc trị độc. Nếu loài người bị
tội lỗi làm cho phải chết thì Thiên Chúa lại dùng cái chết để chiến thắng tội lỗi. Cái chết của Chúa Ki-tô là phương tiện để chiến
thắng cái chết do ma quỷ và tội lỗi gây ra.
Sự Phục Sinh theo sau cái chết của Chúa đã khuất phục tội lỗi và cái chết
nó gây nên. Nếu không có kế hoạch tình
thương này, con người sẽ phải sống trong tuyệt vọng. Chiến thắng Phục Sinh đã giúp ta “được tái
sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động” (1 Pr 1:3) là được vĩnh viễn chia phần
gia tài của Thiên Chúa. Niềm hy vọng sống
động ấy đã thành lẽ sống của ta, hoặc nói khác đi nó đã tạo nên trong ta đức
tin vào lượng hải hà của Thiên Chúa. Từ
nay ta có đức tin và cộng đồng Ki-tô hữu là cộng đồng của những kẻ tin.
Tuy nhiên Thiên Chúa không một mình hoàn
thành kế hoạch từ đầu tới cuối. Người
dành phần cho ta cộng tác vào kế hoạch để ta tạo công nghiệp cho đời sống mai
sau. Thời gian để ta cộng tác vào kế hoạch
của Người là những tháng năm ta sống trên trần
gian này. Sống đức tin mà Chúa
Ki-tô đã đem lại cho ta. Sống đức tin bằng
cách biểu lộ qua việc làm cụ thể. Nhưng
đức tin ấy không phải là một cái gì bất biến, có sao thì cứ như vậy. Trái lại, đức tin phải lớn lên qua những thử
thách, những nghi ngờ và nhiều khi cả những thất bại nữa. Chiến đấu để giữ gìn đức tin, sống ngược với
dòng đời thế gian và theo những dẫn dắt của Tin Mừng làm cho ta mệt mỏi phiền
muộn, đôi khi muốn buông xuôi. Thánh
Phê-rô diễn tả một tư thế sống đức tin thật đơn sơ dễ thương. Ngài bảo:
“Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà
lòng vẫn kính tin” (1 Pr 1:8). Lòng yêu
mến đích thực không có giới hạn. Lòng
kính tin nguyên vẹn không lệ thuộc khoảng cách.
Đâu hẳn phải nhìn thấy thì mới yêu mến, còn xa mặt thì cách lòng. Đâu hẳn phải gặp gỡ thường xuyên thì mới kính
tin, còn không gặp thì coi thường. Điều
quan trọng là phải xác tín “thành quả của đức tin, tức là ơn cứu độ con người”. Thành quả ấy ta sẽ đạt được qua niềm tin vững
vàng vào Chúa Ki-tô và chiến thắng Phục Sinh của Người.
3.
Tông đồ Tô-ma, một thử thách về đức tin (bài Tin Mừng – Ga 20:19-31)
Thử
thách cần thiết để tinh luyện đức tin, như thánh Phê-rô đã nói ở trên. Câu truyện Tin Mừng cho ta một thí dụ cụ thể
về lòng tin bị thử thách. Khi Chúa
Giê-su Phục Sinh hiện ra với các môn đệ lần thứ nhất, ông Tô-ma vắng mặt. Lúc ông trở về, các môn đệ khác nói với ông
là Chúa đã hiện ra với họ. Ông không tin
việc đó và đòi phải có một dấu chỉ. Dĩ
nhiên ta không nghĩ rằng ông Tô-ma là người thiếu lòng tin. Ngược lại, ông có lòng tin mạnh mẽ vào
Chúa. Khi các bạn can gián Chúa lên
Giê-ru-sa-lem vì sợ người Do-thái thì ông Tô-ma đã mạnh dạn nói với họ: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cùng đi để cùng chết
với Thầy” (Ga 11:16). Tin vào Thầy, ông
mới dám sẵn sàng cùng chết với Thầy. Vậy
mà giờ đây, ông không dám tin là Thầy đã sống lại từ cõi chết! Ông đòi chứng lý cụ thể và khoa học. Nhưng lòng tin đâu có căn cứ vào chứng
lý. Dấu chỉ không hẳn lúc nào cũng là chứng
lý. Lòng tin dựa trên cơ sở con tim và ý
chí. Do đó, lòng tin của Tô-ma đang bị
thử thách vì muốn đòi phải có chứng lý.
Khi ta muốn bước vào lãnh vực lý trí, khi ấy lòng tin của ta dễ dàng bị
thử thách. Lòng tin càng mạnh, thử thách
càng lớn. Như thế ta có thể có cái nhìn
khoan dung đối với ông Tô-ma và hiểu lòng tin lớn lao của ông đang bị thử
thách. Ta cũng không lấy làm lạ vì sau
khi vượt qua được thử thách rồi, ông lại biểu lộ lòng tin ấy còn lớn lao hơn nữa. Ông kêu lên trong tâm tình đầy mến yêu và
khiêm nhượng: “Lạy Chúa của con, lạy
Thiên Chúa của con!” (Ga 20:28).
Trường
hợp của ông Tô-ma điển hình cho biết bao trường hợp đức tin bị thử thách của
ta. Sống giữa thế giới nặng chủ nghĩa thực
nghiệm và duy vật, ta dễ dàng bị lôi cuốn vào lối suy nghĩ của trần gian để dần
dần đi tới nghi ngờ đủ chuyện. Ta nghi
ngờ thẩm quyền của Giáo Hội. Các lời giảng
dạy của những người có bổn phận rao giảng giáo lý của Chúa và Giáo Hội không đủ
sức thuyết phục ta, vì không dựa trên những luận lý của khôn ngoan trần thế. Ngay cả Lời Chúa ta cũng muốn đem mổ xẻ theo
luận lý khoa học, để rồi phi bác tất cả những gì Chúa muốn nói với ta bằng con
tim yêu thương của Người. Khi đức tin của
ta không được biểu lộ bằng việc làm, đức tin ấy chỉ là mớ tư tưởng cứng ngắc,
không đủ sức lay động cuộc sống ta. Hoặc
nói như thánh Gia-cô-bê Tông đồ, “Đó là đức tin đã chết” (Gc 2:17). Vì đức tin là một thực tại của quan hệ giữa
ta với Chúa, cho nên thử thách đối với một mối tình đa diện như thế nào thì thử
thách đối với đức tin cũng phức tạp như
vậy. Cách tốt nhất để chiến thắng thử
thách đức tin, đó là lập lại thái độ của ông Tô-ma khi ông kêu lên “lạy Chúa của
con, lạy Thiên Chúa của con!” Phải là
Chúa và Thiên Chúa của ta, chứ không phải Chúa và Thiên Chúa trong sách vở hoặc
của người khác! Khi Chúa thuộc về ta và
ta thuộc về Người là không sợ bất cứ thủ thách đức tin nào. Hơn nữa, lời Chúa nói với Tô-ma cũng cho ta một
bài học: “Phúc thay những người không thấy
mà tin!” Bằng con mắt thịt, ta không thấy
Chúa nơi anh chị em và những biến cố chung quanh ta, nhưng với con mắt đức tin,
ta sẽ nhận ra sự hiện diện của Người.
4.
Sống Lời Chúa
Sống
đức tin vào Chúa Giê-su Phục Sinh là ý nghĩa trọn vẹn của cuộc đời Ki-tô hữu. Dĩ nhiên hình ảnh Giáo Hội sơ khai là một lý
tưởng phải đạt tới, nhưng nếu đức tin ấy không sống động nơi ta trước thì việc
xây dựng một cộng đoàn đức tin lý tưởng chỉ là giấc mơ. Thánh Phê-rô xác tín về số phận may mắn được
Chúa thương của ta, từ những kẻ sống tuyệt vọng được trở thành người tràn đầy
hy vọng. Hy vọng là hướng đến những thực
tại mắt ta không thấy được, nhưng biết chắc là có. Gia tài Thiên Chúa dành cho ta, ta chưa thấy
bây giờ và ở đây, nhưng lời hứa của Chúa không thể sai và tin là xác tín rằng
Chúa luôn trung thành giữ lời hứa.
Suy nghĩ: Hình ảnh Giáo Hội sơ khai có nhiều nét đẹp
và là lý tưởng xây dựng một cộng đoàn đức tin hôm nay. Vậy tôi có thể làm gì để đóng góp vào việc
xây dựng cộng đoàn giáo xứ của tôi?
Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, hằng năm Chúa
dùng ngọn lửa Phục Sinh để khơi lại niềm tin trong lòng dân thánh, cúi xin Chúa
gia tăng ân sủng để chúng con hiểu rằng:
chính Chúa Ki-tô đã thanh tẩy chúng con bằng phép rửa, đã tái sinh chúng
con bằng Thánh Thần và cứu chuộc chúng con bằng Máu Thánh. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị
cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. A-men.
(Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật II
Phục Sinh)
Lm.
Đaminh Trần Đình Nhi