Chúa Nhật III Phục Sinh

 

          Mầu nhiệm Phục Sinh là phần cốt yếu của đức tin Ki-tô giáo, khai mở cho ta một cuộc sống mới ở đời này để đưa ta đến cuộc sống vĩnh cửu.  Mầu nhiệm này đã được chính Chúa Phục Sinh giảng giải cho hai môn đệ trên đường Em-mau, dựa trên những chứng lý Kinh Thánh Cựu Ước.  Mầu nhiệm này cũng được thánh Phê-rô rao giảng cho dân chúng tại Giê-ru-sa-lem trong ngày lễ Ngũ Tuần.  Phụng vụ Lời Chúa hôm nay dẫn ta vào những chứng lý Kinh Thánh ấy, nhắm mục đích củng cố đức tin của ta vào sự Phục Sinh.

1.  Chúa Giê-su giải thích Kinh Thánh về sự Phục Sinh cho hai môn đệ trên đường Em-mau (bài Tin Mừng – Lu-ca 24:13-35)

          Sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Giê-su đã nhiều lần hiện ra với các môn đệ.  Nói về điều này, thánh Phao-lô quả quyết với tín hữu Cô-rin-tô:  “Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là:  Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã chỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh.  Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai.  Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năn trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ.  Tiếp đến, Người hiện ra với ông Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông Đồ.  Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non” (1 Cr 15:3-8).  Mầu nhiệm Phục Sinh, tức Chúa Ki-tô đã chết và đã sống lại từ cõi chết, là Thánh Truyền mà thánh Phao-lô đã nhận lãnh và giờ đây Người truyền lại cho người khác.  Thánh Truyền là toàn bộ chân lý mặc khải, nhất là qua Kinh Thánh, được Giáo Hội tiếp nhận, gìn giữ và lưu truyền cho nhân loại.  Do đó ta không lạ khi nhận thấy thánh Phao-lô đã hai lần lập lại cụm từ “đúng như lời Kinh Thánh” lúc ngài đề cập đến cái chết và sự sống lại của Chúa Ki-tô.

          Trong câu truyện Chúa Giê-su Phục Sinh hiện ra với hai môn đệ trên đường Em-mau, Chúa đã “giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh”.  Dĩ nhiên là những gì liên quan đến cái chết và sự sống lại của Người.  Trong bài giảng của thánh Phê-rô qua bài đọc thứ nhất hôm nay, ta sẽ có dịp nghe những lời Kinh Thánh nói về Chúa Ki-tô.  Thánh sử Lu-ca không ghi lại chính những lời Kinh Thánh ấy, nhưng lại cho ta thấy nơi hai môn đệ kết quả của việc Chúa giải thích Kinh Thánh.  “Họ bảo nhau:  ‘Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?’” (Lc 24:32).  Đúng vậy, tâm hồn các ông đã bừng lên ngọn lửa tin yêu thay đổi các ông hoàn toàn.  Trên đường đi Em-mau, họ mang “vẻ mặt buồn rầu” và kể lại “chuyện ông Giê-su Nada-rét” với tất cả buồn chán thất vọng về cái chết bi thương của Người, đồng thời cũng hoang mang không kém vì mẩu tin Người đã sống lại và hiện ra với mấy bà trong nhóm môn đệ.  Họ “chậm tin vào lời các ngôn sứ”.  Nhưng sau khi Chúa bẻ bánh, “mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người” và lòng họ đã bừng cháy lên.  Trên đường vội vã trở lại Giê-ru-sa-lem, họ là những người đầy lòng tin, tràn hoan hỷ, chỉ muốn đi cho nhanh tới nơi để loan tin vui Chúa sống lại cho “Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ tập tại đó”.  Họ đi trong đêm tối, nhưng trong lòng là cả một bình minh rực rỡ soi sáng con đường và tinh thần dâng cao niềm hăng say can đảm.

2.  Vua Đa-vít “đã thấy trước và loan báo sự phục sinh của Đức Ki-tô” (bài trích sách Công vụ Tông Đồ – Cv 2:14,22b-33) 

          Chúa Giê-su Phục Sinh đã giải thích Kinh Thánh cho hai môn đệ trên quãng đường dài mấy tiếng đồng hồ.  Có thể thời gian quá ngắn, nhưng Chúa Giê-su cũng có cách để chỉ trình bày những đoạn Kinh Thánh cần thiết giúp hai ông nhận biết được sứ điệp Người muốn nói.  Hơn nữa, Người là “người trong cuộc” nên lối giải thích của Người sẽ vô cùng độc đáo xác tín và làm cho lòng người nghe phải bừng cháy lên.  Có lẽ một trong những lời Kinh Thánh Cựu Ước liên quan đến cái chết và sự Phục Sinh mà Chúa Giê-su đã giải thích cho hai môn đệ đi Em-mau đã được thánh Phê-rô sử dụng trong bài giảng đầu tiên sau khi ngài và các bạn được nhận lãnh Thánh Thần trong ngày lễ Hiện Xuống.  Đó là đoạn Thánh Vịnh  của vua Đa-vít:  “Tôi luôn nhìn thấy Đức Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu, để tôi chẳng nao lòng.  Bởi thế tâm hồn con mừng rỡ và miệng lưỡi hân hoan, cả thân xác con cũng nghỉ ngơi trong niềm hy vọng.  Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát.  Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống, và cho con được vui sướng tràn trề khi ở trước thánh nhan” (Tv 16:8-11).

          Thánh Phê-rô đã giải thích đoạn Kinh Thánh trên cho dân chúng Giê-ru-sa-lem.  Ngài quả quyết những lời Kinh Thánh ấy của vua Đa-vít nói về Chúa Giê-su Phục Sinh.  “Luôn nhìn thấy Đức Chúa trước mặt” là kiểu nói diễn tả người công chính.  Mà ai là người công chính gương mẫu nếu không phải là Chúa Giê-su?  Suốt đời Người tín thác vào tình yêu của Chúa Cha, nên Người đã trung thành và kiên trì cho đến chết trên thập giá.  Người tin tưởng và hoàn toàn hy vọng Thánh Thần sẽ cho Người sống lại từ cõi chết.  Là “Vị Thánh của Thiên Chúa”, Người sẽ không bị bỏ rơi trong cõi chết và thân xác Người sẽ không phải hư nát như những người khác.  Người đã đi con đường thập giá và chết nhục để được sống lại vinh quang.  Quả thực, Chúa Giê-su đã thực hiện từng nét những lời ngôn sứ Đa-vít nói trước về Người vậy.

          Chứng từ của vua Đa-vít là chứng từ Kinh Thánh, nền tảng của chân lý.  Nhưng bên cạnh chứng từ ấy, còn thêm những người bằng xương bằng thịt làm chứng họ đã được gặp gỡ Chúa Giê-su hiện ra với họ nhiều lần sau khi Người sống lại.  Thánh Phê-rô không giảng một mình, nhưng ngài “đứng chung với Nhóm Mười Một”.  Chi tiết này rất ý nghĩa.  Nó nói lên tính cách xác thực và mạnh mẽ của chứng từ do tập thể chứ không phải do một cá nhân đơn độc.  Thánh Phê-rô nhấn mạnh:  “Về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng” (Cv 2:32).

3.  Sống đức tin vào mầu nhiệm Phục Sinh:  “Anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn là Đức Ki-tô” (bài Thánh thư – 1 Pr 1:17-21)

          Thiên Chúa thực hiện kế hoạch cứu độ và muốn ta thực thi thánh ý Người theo kế hoạch ấy.  Người sẽ xét xử ta tùy theo cách ta đón nhận và cộng tác với Người theo kế hoạch cứu độ.  Vậy theo kế hoạch, Máu Đức Ki-tô đã đổ ra để cứu chuộc ta khỏi quyền lực tội lỗi và mở cho ta một cuộc sống mới.  Lối sống mới là sống theo Thần Khí Đức Ki-tô.  Còn “lối sống phù phiếm do cha ông để lại” là lối sống làm nô lệ cho Lề Luật, sống như cái máy vô hồn không một chút Thần Khí của Thiên Chúa.  Thánh Phê-rô tế nhị nên không muốn nói thẳng ra đó là lối sống nô lệ cho Lề Luật Do-thái.  Trái lại thánh Phao-lô thì nói rõ ràng trong các thư của ngài, nhất là thư gửi tín hữu Rô-ma.

          Con đường cứu độ của ta bắt đầu nhờ việc Chúa Ki-tô đổ máu trên thập giá cho ta được làm con Thiên Chúa, sống đức tin vào Thiên Chúa.  Nhưng làm sao ta có thể tin vào Thiên Chúa nếu ta không sống theo đức tin của Chúa Ki-tô, Đấng đã tin rằng Thiên Chúa sẽ “cho Người chỗi dậy từ cõi chết và ban cho Người được vinh hiển” (1 Pr 1:21)?  Chính đức tin của Chúa Ki-tô phải là đức tin gương mẫu cho ta.  Hoặc nói đúng hơn, đức tin của ta phải được kết hợp với đức tin của Chúa Ki-tô, thì ta mới được cứu độ.

          Lối sống nô lệ cho Lề Luật không chỉ là lối sống của nhiều người Do-thái thời xưa, nhưng có thể là lối sống của rất nhiều Ki-tô hữu hôm nay.  Một thí dụ cụ thể:  nếu ta chỉ dự Thánh Lễ Chúa Nhật để giữ luật Giáo Hội và để khỏi mắc tội trọng, chứ không phải là một buổi gặp gỡ sống thân mật với Chúa và kết hiệp với Người qua Thánh Thể, thì việc “xem lễ ngày Chúa Nhật” của ta chỉ là một hành vi nô lệ cho luật lệ mà thôi.  Liệu có khi nào ta chiêm ngưỡng Chúa Giê-su “đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa” như thế nào để ta có thể rút những bài học thực tế cho cuộc sống của ta không?  Mà phải là cách đặt niềm tin và hy vọng cụ thể, chứ không phải niềm tin và hy vọng mù mờ không tưởng.  Niềm tin và hy vọng giữa cuộc đời đau khổ và đầy thử thách trên trần gian này.  Niềm tin và hy vọng của người Ki-tô hữu muốn làm chứng cho sự Phục Sinh của Đức Ki-tô và cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau.  Niềm tin và hy vọng của những người con Thiên Chúa muốn tự do và tự nguyện thờ phượng Chúa và phục vụ tha nhân, chứ không phải vì luật lệ áp buộc.  Đó chính là niềm tin và hy vọng rằng:  nếu Thiên chúa đã đối xử với Đức Ki-tô thế nào thì Người cũng đối xử với những ai đi theo con đường Ki-tô như vậy.

4.  Sống Lời Chúa

          Chúa Giê-su đã giải thích Kinh Thánh cho hai môn đệ trên đường Em-mau để đem lại cho họ đức tin vào Đấng Phục Sinh.  Theo gương ấy, thánh Phê-rô Tông đồ cũng rao giảng và giải thích Kinh Thánh cho dân chúng Giê-ru-sa-lem để họ tin vào Chúa Giê-su Ki-tô.  Ta là Ki-tô hữu đã được lãnh nhận đức tin ấy qua Bí tích Rửa tội.  Nhưng trong cuộc đời lữ hành trần thế này, ta có sống đức tin ấy hay không, thì đó chính là điều ta cần phải luôn luôn nghiêm túc xét lại.  Trong thời gian mừng lễ Phục Sinh, ta có nhiều cơ hội để lắng nghe Sách Thánh và những điểu giải thích giúp củng cố đức tin của ta.  Hơn thế nữa, ta biểu lộ đức tin ấy bằng những việc làm cụ thể, nhờ đó đức tin được mỗi ngày một thêm trưởng thành.

Suy nghĩ:  Hai môn đệ trên đường Em-mau đã cảm thấy tâm hồn họ bừng cháy khi Chúa giải thích Kinh Thánh và nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh.  Cũng vậy, trong Thánh Lễ, khi nghe Lời Chúa, bài giảng, và khi lãnh nhận Mình Máu Chúa, tôi có thấy tâm hồn bừng cháy và nhận ra Chúa cũng như anh chị em không? 

Cầu nguyện:  Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, trong mùa Vượt Qua này, Chúa đã biểu dương lòng nhân hậu vô biên là giải thoát chúng con khỏi bóng đêm lầm lạc;  xin cho chúng con được tận hưởng ơn cứu độ Chúa ban và ngày càng gắn bó với lời chân lý của Chúa.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, Thứ Năm sau CN III Phục Sinh)

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà