THÁCH ĐỐ THỜI ĐẠI
Chúa Nhật 4A phục sinh
Nhân loại đang xâu xé
vì quyền lợi khác nhau. Thực tại càng trở
nên phức tạp vì những cái nhìn trái ngược nhau.
Giữa cảnh đời như thế, làm sao tìm được hướng sống ? Đức Giêsu là câu trả lời đúng nhất cho ai muốn
tìm hạnh phúc đích thực.
SỐNG DỒI DÀO.
Thế giới như một căn
nhà nhiều cửa. Có những cửa dẫn đến
hang trộm cướp. Nếu mở sai cửa, con người
có thể chui vào những căn hầm chật chội thiếu ánh sáng và nguy hiểm cho mạng sống. Nhưng nếu được soi dẫn và chuẩn bị, con người
có thể chọn đúng cửa dẫn đến hạnh phúc. Đức
Giêsu đã tự xưng : “Tôi là cửa.” (Ga 10:9)
Nhân loại có nghe thấy tiếng Người không ? Người là cửa dẫn đến nguồn sống đích thực là
Thiên Chúa Cha. Không những là cửa dẫn đến
bến bờ bình an, Đức Giêsu còn là “Vị Mục Tử” (1 Pr 2:25) dẫn tôi vào “đồng cỏ
xanh tươi, tới dòng nước trong lành và bổ sức tôi.” (Tv 22:2-3a) Nhờ đó, tôi có thể “nghe tiếng” (Ga 10:3) và
“nhận biết tiếng” (Ga 10:4) Người. Tương
quan giữa Người và tôi ngày càng đậm đà thắm thiết như giữa mục tử và con chiên. Người biết tôi không như một con số vô hồn, nhưng biết rõ tôi như một đối
tượng tình yêu chiếm một vị thế độc đáo trong tim Người. Quả thực, khác với những nhà lãnh đạo trần
thế, Vị Mục Tử “gọi tên từng con” (Ga 10:3) như đã gọi đích danh cô Maria buổi
sáng phục sinh. Nhờ thế Người mới có thể “chăm sóc linh hồn
anh em” (1 Pr 2:25) với một tình yêu vô cùng sống động và cụ thể. Thực
vậy, “tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập
giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính.” (1 Pr
2:24) Không còn gì bảo đảm cho tôi hơn
khi “Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người.” (Tv
22:3b) Bởi vậy, “dầu qua lũng âm u, con
sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.” (Tv 22:4)
Trong khi đó, vì không “có Chúa ở cùng”, biết bao người tư bề khốn khổ.
Giữa cảnh trộm cướp đang
hoành hành khắp nơi, muốn được cứu sống, con người cần phải tìm một nơi an toàn.
Chẳng
có ngả nào an toàn hơn Đức Giêsu, Đấng từng quả quyết : “Ai qua tôi mà vào thì
sẽ được cứu.” (Ga 10:9) Tìm đến những ngả
khác, con người sẽ bị mắc vào mưu mô ác thần và bị tiêu diệt. Thực tế kinh hoàng đó chính Chúa phơi bày ra
ánh sáng: “Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào,
người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Kẻ trộm đến
để ăn trộm, giết hại và phá hủy.” (Ga 10:1.10)
Trộm cướp chỉ biết trục lợi. Trái
lại, Vị Mục Tử chân chính là “Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em. Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại,
chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe.” (1 Pr 2:21.23)
Người đành mất tất cả vì chúng ta.
Người hiền lành như Con Chiên bị đem
đi giết (Is 53:7). Nhưng Người cũng là
vị Mục tử oai hùng như Giavê (Tv 23; Is
40:11; Ed 34:1-16), Đấng nuôi sống dân thời giao ước mới (Lc 15:4-7; Mt
18:10-14).
Chính vì thế, “Thiên
Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 2:36) của toàn thể vũ trụ. Từ nay, sống dưới “côn trượng Người bảo vệ,
con vững dạ an tâm.” (Tv 22:4) Đó là lý
do tại sao Đức Giêsu đã hứa : “Thầy để lại bình an cho anh em.” (Ga 14:27) Muốn hưởng được sự bình an, tức ơn cứu độ đó,
“anh em phải sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để
được ơn tha tội ; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần.” (Cv 2:38) Nhờ đó, chúng ta mới “được sống, và sống dồi
dào.” (Ga 10:10) Nhờ sức sống vô cùng mãnh
liệt đó, Giáo Hội mới có thể vượt lên trên
mọi thách đố và đáp ứng những đòi hỏi của nhân loại hôm nay.
THÁCH ĐỐ HÔM NAY.
Một trong những thách
đố hôm nay đó là quyền sống của con người.
Nhân loại hôm nay đang xa dần nguồn sống. Bởi thế, nhiều người không tôn trọng sự sống.
Thế nhưng, mới đây ĐHY Nguyễn văn Thuận lại cho rằng “từ lâu chủ đề nhân quyền
vẫn là nền tảng các cuộc chạm trán giữa Giáo Hội và văn hóa thời đại, nay lại
trở nên điểm gặp gỡ những người cam kết bảo vệ và cổ động cho nhân phẩm, bất kể
họ là những người tin hay không tin.” (Zenit 15/04/02) Nhưng như thế không có nghĩa thách đố đã chấm
dứt. Vẫn còn đó những người ồn ào đòi
quyền phá thai, tạo sinh vô tính, an tử, đồng tính luyến ái v.v. Đó là những cửa
tử thần dắt nhân loại vào trong cõi chết. Văn hóa tử thần đang hoàng hành khắp nơi.
Trong nền văn hóa tử
thần đó, giới trẻ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Bởi vậy, cần phải giới thiệu cho họ Đức Giêsu
như cửa dẫn đến sự sống. Đức Giêsu muốn gởi một sứ điệp cho giới trẻ biết
về chiều hướng hiện tại và tương lai con người. Đồng thời, Người cũng muốn cho các bạn thấy
giá trị đích thực nâng cao nhân loại không nằm ở phía những lực lượng tử thần,
nhưng nằm trong tay Đấng “là sự sống lại và là sự sống.” (Ga 11:25) Chính vì thế, “nội dung Tin Mừng mang theo một
sứ điệp tôn giáo và thần học, nhưng cũng là một sứ điệp về nhân loại và nhân chủng
học” và mối hiệp nhất hai phương diện ấy “đặt nền tảng trên Đức Kitô, Thiên Chúa
thật và là người thật.” (ĐHY Tettamanzi : Zenit 15/04/02)
Khi trình bày sứ điệp đó cho nhân loại, Giáo Hội
cho mọi người thấy nền tảng nhân quyền
là “nhân phẩm của từng người”, bắt nguồn từ chính nhân tính Đức Kitô. Đó là đóng góp lớn nhất Giáo Hội cống hiến
cho nhân loại (Gianni Letta : Zenit 15/04/02).
Phải trình bày làm sao để những giá trị lớn lao đó thu hút giới trẻ. Mỗi một quyết định hôm nay đều ảnh hưởng lớn
tới nếp sống tương lai nhân loại. Phải
làm sao để giới trẻ có thể lựa chọn con đường sống. Nếu không, lúc nào cũng có lực lượng tử thần
phục kích giới trẻ và đưa vào những ngưỡng cửa diệt vong.
Muốn giúp giới trẻ tránh xa những nguy cơ đen tối đó, theo Tân Bề Trên Tổng
quyền Dòng Salesien trước hết cần nhận định : “Giới trẻ có những giá trị cao cả
khác với thế hệ tôi, nhưng mãnh liệt.
Thế nhưng, họ có những mặt yếu, chẳng hạn thiếu cương quyết trong việc
chọn lựa những quyết định tối hậu trường kỳ hay vĩnh viễn. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng như vậy,
vì có những nhóm theo đuổi cuộc hành trình trưởng thành nhân bản và thiêng liêng,
giữ những cam kết với Giáo Hội.” (Pascual Chávez Villanueva,: Zenit 15/04/02) Theo cha, chắc chắn chúng ta có thể hấp dẫn
giới trẻ. Vì càng chiêm ngắm Đức Kitô càng
thấy rõ sức sống vô cùng mãnh liệt trào dâng từ tình yêu vô biên nơi trái tim Chúa.
Tương lai thuộc về những ai đem lại cho tuổi trẻ hôm nay niềm hi vọng và
sức sống dồi dào. Sức sống đó chắc chắn phải
bắt đầu từ việc “chiêm niệm Đức Kitô, tìm kiếm một kinh nghiệm thần bí cho phép
chúng ta vượt quá lòng đạo đức và đưa tới một cuộc dấn thân sâu xa vào cuộc sống,
khởi đầu lại từ Đức Kitô và nhìn vào thế giới, nhưng đặt nền tảng trên niềm xác
tín vào niềm hi vọng Kitô.” (Pascual Chávez
Villanuev,: Zenit 15/04/02) Đó chính là
sứ mạng lớn lao của chứng nhân Tin Mừng trong một thời đại đầy những thách đố. Thế nhưng, không thách đố nào có thể làm chùn
bước người môn đệ Đức Kitô. Trong khi dấn
thân, họ luôn ý thức sứ mạng làm chứng là một hồng ân vĩ đại. Thật vậy, “nếu làm việc lành và phải khổ mà
anh em vẫn kiên tâm chịu đựng, thì đó là ơn Thiên Chúa ban. Anh em được Thiên Chúa gọi để sống như thế.”
(1 Pr 2:20-21) Đức Giêsu đã sống trọn vẹn
hồng ân và ơn gọi lớn lao đó để trở thành niềm hi vọng và sự sống duy nhất cho
toàn thể nhân loại. Cũng thế, “nếu anh
em cố gắng kiên tâm ghi dấu tình yêu Tin Mừng trên công việc của anh em, anh em
sẽ có thể thực hiện sứ mạng đầy hiệu quả và vui tươi. Hãy sống thánh ! Như
anh em quá rõ, sự thánh thiện là công tác nòng cốt của anh em, cũng như của mọi
Kitô hữu,” (ĐGH Gioan Phaolô II : Zenit 15/04/02) để làm cho Đức Kitô thành nguồn
sống hấp dẫn nhân loại, nhất là giới trẻ hôm nay.
Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP