Chúa Nhật IV Phục Sinh

 

          Sự sống và sự sống mới là đề tài phải được nói đến trong thời gian cử hành sự Phục Sinh của Chúa Giê-su, vì mục đích Người được sai đến trần gian là để phục hồi sự sống đã bị tội lỗi và ma quỷ làm mất đi.  “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống, và sống dồi dào” (Ga 10:10).  Các bài đọc hôm nay trình bày Chúa Ki-tô như nguồn sống mới của ta và mối quan hệ của ta với Người là căn bản cho sự sống ấy được phát triển sung mãn.

1.  Gia nhập đoàn chiên của Chúa:  “Hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo” (bài trích sách Công vụ Tông Đồ – Cv 2:14a,36-41)

          Sau khi Chúa Giê-su lên trời và sai Thánh Thần xuống, công việc rao giảng Tin Mừng được khởi sự lập tức và ngay từ lúc đầu đoàn chiên của Chúa đông đảo người mới theo đạo.  Bài giảng của thánh Phê-rô đã đánh động những người đến nghe.  Đợt rửa tội đầu tiên khoảng ba ngàn người.  Họ nhận lãnh ơn tha tội để làm con cái Chúa và ân huệ Thánh Thần để sống đời sống mới, sự sống mà Chúa Giê-su, Mục Tử Nhân Lành, đã chết để chuộc lại cho các con chiên của Người.  Vậy thánh Phê-rô đã giảng gì về vị Mục Tử Nhân Lành này? 

          Bài đọc trích sách Công vụ Tông Đồ của Chúa Nhật trước ghi lại bài giảng của thánh Phê-rô nói về sứ mệnh của Chúa Giê-su và cái chết cũng như Phục Sinh của Người.  Kết thúc bài giảng, ngài mời gọi dân chúng hãy nhìn nhận trách nhiệm về cái chết của Chúa Giê-su và hãy tin Người là Đức Chúa và Đấng Ki-tô.  Ngài nói:  “Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô”.  Điểm chủ yếu của bài giảng là cho thấy hành động của những người nghe đối nghịch với hành động của Thiên Chúa về Chúa Giê-su.  Nhân loại thì treo Chúa Giê-su lên thập giá để giết chết thân xác Người.  Còn Thiên Chúa thì cho Chúa Giê-su chỗi dậy từ cõi chết và tôn vinh Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô.  Nghe thánh Phê-rô giảng giải như vậy, họ nhận ra việc làm xấu xa của họ, đồng thời cũng nhận ra lòng yêu thương vô biên của Thiên Chúa, nên họ đã lãnh nhận phép rửa và ân huệ Thánh Thần.  Thiên Chúa đã cho cái chết của Chúa Giê-su nảy sinh sự sống mới.  Là những con chiên lạc quay lưng với Thiên Chúa, giờ đây những người nghe Phê-rô giảng đã sám hối quay về với Thiên Chúa và được quy tụ dưới cánh tay chăm sóc của Mục Tử Nhân Lành.  Đoàn chiên của Thiên Chúa không chỉ gồm những người nghe Phê-rô hôm ấy tại Giê-ru-sa-lem, nhưng còn là con cháu họ “và tất cả những người ở xa, tất cả những người mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi”. 

          Ở đây ta nhận ra đường lối Thiên Chúa kêu gọi và quy tụ nhân loại vào đoàn chiên của Vị Mục Tử Nhân Lành, đó là người ta được nghe giảng về Chúa Giê-su Ki-tô, họ sám hối và lãnh nhận phép rửa cùng ân huệ Thánh Thần.  Tuy nhiên đấy mới là khởi đầu cho một hành trình đức tin.  Vì thế, thánh Phê-rô đã cho thấy một hướng đi mới của đoàn chiên:  “Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này để được cứu độ”.  Muốn bước theo Mục Tử Nhân Lành để tiến về đồng cỏ xanh tươi vĩnh cửu, đoàn chiên cần phải đoạn tuyệt với “thế hệ gian tà”, phải loại bỏ nếp sống cũ tội lỗi để mặc lấy lối sống mới của Thánh Thần.

2.  Bước theo Chúa Giê-su, Vị Mục Tử và Đấng chăm sóc linh hồn  (bài Thánh thư – 1 Pr 2:20b-25)

          Bài giảng mở đầu của thánh Phê-rô đã đưa một số đông đảo người Do-thái tại Giê-ru-sa-lem vào đoàn chiên Ít-ra-en Mới.  Sau đó, với sứ mệnh thay mặt Chúa Giê-su để chăm sóc đoàn chiên của Người dưới trần gian, vị giáo hoàng tiên khởi Phê-rô ưu tư lo lắng cho anh chị em tín hữu của ngài.  Tuy đã quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn, các con chiên của Đức Ki-tô vẫn luôn luôn bị cám dỗ thử thách không muốn đi theo Người nữa.  Do đó, trong thư gửi cho Ki-tô hữu, ngài nhắc nhở họ đừng phản bội ơn gọi được sống theo Chúa Ki-tô.  Đã chọn lối sống mới của Vị Mục Tử thì các con chiên cũng sẽ chịu cùng số phận như Người, nghĩa là làm việc lành thì phải chịu khổ và phải kiên tâm chịu đựng.  Gương mẫu sống của Chúa Ki-tô quả rõ ràng.  Người sống hoàn toàn cho ta, vì ta, phó thác mạng sống Người cho ta, như Vị Mục Tử thí mạng sống mình vì con chiên. 

Thánh Phê-rô có lối nói đặc biệt, đơn sơ và cảm động:  ngài muốn gợi lại dĩ vãng để nhắc nhở hiện tại.  “Xưa kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử”.  Có thể ngài nói từ kinh nghiệm sống của ngài:  Trước kia tôi, Phê-rô, đã chối bỏ và phản bội Thầy, nay tôi được trao phó việc chăm sóc đoàn chiên của Thầy!  Vậy giờ đây, như tôi đang cố gắng chu toàn sứ mệnh Đức Ki-tô trao cho tôi là chăm sóc anh em, thì anh em cũng hãy trung thành bước theo chân Vị Mục Tử của chúng ta.  Chính thánh Phê-rô đã cảm nghiệm được tình yêu thương của Vị Mục Tử dành cho kẻ thay mặt Người chăm sóc đoàn chiên.  Sau khi tiên báo Phê-rô sẽ chối Thầy, Chúa Giê-su đã đặc biệt tỏ lòng ưu ái đối với ông:  “Si-mon, Si-mon ơi, kìa Xa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo.  Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin.  Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho các anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22:31-32).  Thầy đã cầu nguyện cho ông và đã để lại cho ông một gương mẫu là chịu đau khổ vì tha nhân.  Ta cứ nhìn vào cuộc sống của Phê-rô thì biết ngài đã trung thành như thế nào khi ngài phục vụ Đức Ki-tô và Giáo Hội, chịu đau khổ vì đoàn chiên đến chết vì bị đóng đinh ngược vào thập giá.  Kinh nghiệm “chiên lạc” chẳng cần thiết trong đời ta lắm sao!  Đời Ki-tô hữu bao giờ mà chẳng có những kinh nghiệm chiên lạc và quay về với Vị Mục Tử.  Chính những kinh nghiệm ấy sẽ tôi luyện đức tin và lòng trung thành của ta, nhất là lòng tin tưởng vào sự chăm sóc của Vị Mục Tử.

3.  Qua cửa để được sống và sống dồi dào (bài Tin Mừng – Ga 10:1-10)

          Trước khi tuyên bố mình là Mục Tử Nhân Lành, Chúa Giê-su đã dùng một dụ ngôn để nói lên vai trò của Người đối với các mục tử của đoàn chiên Thiên Chúa:  dụ ngôn cửa ràn chiên.  Ít-ra-en dân Chúa được gọi là đoàn chiên đặt dưới sự chăm sóc của các mục tử, tức các nhà lãnh đạo đời cũng như đạo.  Nhưng hầu hết các mục tử đó lại không phải là những mục tử tốt, trái lại họ là “những kẻ chỉ biết lo cho mình” (Ed 34:1-10) chứ không chăm sóc đoàn chiên.  Do đó, Thiên Chúa “sẽ đòi lại chiên của Người”, quy tụ các con chiên lạc từ khắp nơi và trao cho Vị Mục Tử Nhân Lành là Đức Ki-tô chăm sóc.  Để gia nhập đoàn chiên Ít-ra-en Mới này, người ta phải đi qua cửa là Đức Ki-tô để nhận được sự sống mới.  Dụ ngôn “cửa ràn chiên” được dùng để nói lên vai trò của Chúa Giê-su trong đoàn chiên mới của Thiên Chúa.  Cánh cửa Ki-tô mở ra để ta được vào làm chiên của Thiên Chúa, rồi cánh cửa Ki-tô cũng mở để chiên đi ra và theo mục tử đến cánh đồng cỏ xanh tươi với suối mát trong lành (Tv 22).  Cánh cửa Ki-tô đóng lại sau khi chiên đã trở về ràn, nghỉ ngơi trong bình an và không sợ bất cứ thú dữ hiểm nguy nào.  Các mục tử đích thực của ràn chiên là những người sống quan hệ mật thiết với chiên đã được trao phó cho mình chăm sóc.  Quan hệ đó được mô tả bằng những từ thật dễ thương như “nghe tiếng, gọi tên từng con, nhận biết tiếng mục tử”, hoặc nói vắn tắt là “biết”.  Thánh Giáo Hoàng Grê-gô-ri-ô đã giải thích từ “biết” như sau:  “Tôi nói ‘biết’ không có nghĩa là ‘biết’ nhờ đức tin, nhưng là ‘biết’ nhờ đức mến.  Tôi nói ‘biết’ không có nghĩa là ‘biết’ được diễn tả qua thái độ tin, nhưng là ‘biết’ được diễn tả qua việc làm” (Bài giảng của thánh Grê-gô-ri-ô Cả, giờ Kinh Sách Chúa Nhật IV Phục Sinh).

          Chúa Giê-su kể dụ ngôn cửa ràn chiên và các mục tử chân chính, nhưng “người Do-thái” hoặc nói đúng ra là nhóm Pha-ri-sêu và các kẻ thù của Chúa đã không hiểu hoặc không muốn hiểu ý nghĩa dụ ngôn.  Chúa Giê-su là cửa ràn chiên đem lại sự sống đích thực hoặc ơn cứu độ cho nhân loại.  Các mục tử “đi qua cửa mà vào” tức là những mục tử trung thành và kết hiệp với Vị Mục Tử Nhân Lành mới là những mục tử đích thực.  Ràn chiên Ít-ra-en Mới của Thiên Chúa được trao cho Chúa Ki-tô và các mục tử chân chính chăm sóc để được dẫn đến đồng cỏ xanh tươi là ơn cứu độ.

          Có lẽ ta thường không mấy lưu ý tới đoạn Tin Mừng về cửa ràn chiên cho bằng đoạn tiếp theo về Chúa Giê-su tuyên bố Người là Mục Tử Nhân Lành.  Nhưng nếu xét theo ý nghĩa cứu độ, thì dụ ngôn cửa ràn chiên và lời Chúa tuyên bố “Tôi là cửa cho chiên ra vào… Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu” mang tầm mức vô cùng quan trọng, vì nguồn sống mới là chính Đức Ki-tô để ta múc ra từ mối quan hệ với Người sự sống và sự sống dồi dào.

4.  Sống Lời Chúa

          Chúa Nhật IV Phục Sinh được mệnh danh là Chúa Nhật Chúa Chiên Nhân Lành.  Chúa Giê-su Phục Sinh quả thực là Vị Mục Tử Nhân Lành và ta là đoàn chiên Chúa chăn nuôi.  Cảm động nhất là nghĩa cử hy sinh mạng sống mình của Vị Mục Tử để đem lại sự sống cho đoàn chiên.  Đề tài Mục Tử Nhân Lành không những mời gọi ta suy tôn lòng Chúa yêu thương và muốn cứu độ ta, nhưng cũng là dịp để ta xét mình, như thánh Grê-gô-ri-ô đã đề nghị:  “Anh em đã nghe đọc về mối nguy luôn đe dọa chúng tôi là các mục tử, anh em cũng hãy dựa vào những lời của Chúa mà đánh giá những mối nguy đang đe dọa anh em.  Hãy xem mình có phải là con chiên của Chúa không, có biết Chúa không, có biết ánh sáng chân lý không” (Bài giảng).  Ta cầu xin được làm con chiên của Chúa, nhưng cũng không quên cầu cho các mục tử Người sai đến chăm sóc ta.

Suy nghĩ:  Tôi suy nghĩ và trả lời những câu hỏi thánh Grê-gô-ri-ô đặt ra.  “Hãy xem mình có phải là con chiên của Chúa không, có biết Chúa không, có biết ánh sáng chân lý không?”

Cầu nguyện:  Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Đức Ki-tô, vị Mục Tử oai hùng của chúng con, đã khải hoàn tiến vào thiên quốc;  xin cho chúng con là đoàn chiên hèn mọn cũng được theo gót Người vào chung hưởng hạnh phúc vô biên.  Ngưởi là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật IV Phục Sinh)

Lm. Đaminh Trần điình Nhi

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà