CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT
Chúa Nhật 7A Phục Sinh
Ngày nay nhân loại đang đau khổ nhiều vì thiếu thông tin chính xác. Sự thật bị che dấu và xuyên tạc. Dù có đầy đủ phương tiện truyền thông, nhưng
chân lý vẫn xa vời quần chúng. Chính vì
thế, con người chưa được giải thoát.
CHÂN LÝ CỨU ĐỘ
Những ngày tháng cuối cùng ở trần gian, Đức Giêsu dành trọn cho các
môn đệ. Tất cả đều được mạc khải. Sự thật có tính cách quyết định đối với số phận
từng người và toàn thể nhân loại. Thực vậy,
“sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật.” (Ga
17:3) Không biết rõ về Thiên Chúa, con
người cũng chẳng biết mình là ai và đang ở vị trí nào. Chính vì thế, không có gì cần thiết cho kho
kiến thức của nhân loại cho bằng sự hiểu biết về Thiên Chúa. Có hiểu biết về Thiên Chúa, con người mới có
thể đi vào tương quan sâu xa với Người và anh em đồng loại. Nhờ vậy, họ mới có thể yêu mến Thiên Chúa và được
Thiên Chúa yêu thương. Lúc đó, sức mạnh
cứu độ mới thực sự hoạt động nơi họ.
Nhưng nhận biết Thiên Chúa cũng chẳng ích lợi gì, nếu không “nhận
biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô.” (Ga 17:3) Để nhân loại thoát khỏi cảnh mù tối, Thiên Chúa
đã sai Con Người đến mạc khải tất cả chân lý cần thiết về Thiên Chúa và con người. Không những thế, Người còn ban cho Đức Giêsu
“quyền trên mọi xác phàm.” (Ga 17:2) Có được
quyền bính đó, Đức Giêsu bắt đầu vận dụng mọi cơ hội để giảng dạy, cầu nguyện và
làm phép lạ hầu đưa con người tới nguồn sáng là chính Thiên Chúa. Chính trong nguồn sáng này, họ sẽ đón nhận được
tất cả sự thật và sự sống.
Nếu Đức Giêsu không được sai đến trần gian, con người không thể được
mạc khải toàn bộ chân lý cứu độ nơi Thiên Chúa.
Lý do vì chỉ có một mình Đức Giêsu mới có lời chân lý của Cha mà thôi
(x. Ga 17:8). Nói khác, Đức Giêsu là Đấng
Cứu thế độc nhất. Ngoài Người, chúng ta
không thể tìm được giải thoát nơi bất cứ ai.
Đức Giêsu chiếm địa vị độc tôn trong toàn thể lịch sử nhân loại. Người là con đường dẫn nhân loại tới vinh
quang và hạnh phúc đích thực.
Đức Giêsu là hiện thân của tất cả tình yêu Thiên Chúa dành cho loài
người. Tình yêu đó chính là quyền năng cứu
độ hoạt động nơi những người “thuộc về Cha.” (Ga 17:9) Làm sao biết mình đang nằm dưới ảnh hưởng của
quyền năng cứu độ ? Thưa, chỉ cần tin Đức
Giêsu Kitô là Người Con Chúa Cha sai đến trần gian (x. Ga 17:8), chúng ta biết
chắc mình sẽ được kể vào số những người được cứu độ. Chỉ có đức tin mới tạo được môi trường cho sức
mạnh cứu độ hoạt động mà thôi. Đức tin mạc
khải tất cả sứ mệnh cứu độ của Đức Giêsu cho chúng ta. Nhờ thế, chúng ta có thể mạnh dạn bước vào
vinh quang của Thiên Chúa Cha.
Không những mạc khải lời chân lý và dùng quyền năng cứu độ nhân loại,
Đức Giêsu còn cầu nguyện nhiều cho những người tiếp tục sứ mạng của Người trên
trần gian. Quả thực, Người biết rõ thân
phận mỏng dòn của họ giữa bao nhiêu thách
đố. Làm sao có thể thi hành được sứ mạng
cao cả đó trước những quyến dũ ? Làm sao có thể từ bỏ vinh quang trần tục để
lao mình theo vinh quang Chúa Cha nơi Đức Giêsu ? Suy
cho cùng vinh quang “trần gian” chỉ được xây trên sự bất tín và sự căm thù. Tất cả đều phát sinh từ lòng ích kỷ. Chính Đức Giêsu đã phải đối mặt với thứ “trần
gian” đó. Làm sao tìm được vinh quang
trong “trần gian” đen tối như vậy ? Bởi
vậy, ánh sáng và bóng tối không thể sống chung với nhau được. “Bóng tối đã không tiếp nhận ánh sáng.” (Ga
1: )
Đi theo vinh quang trần gian, con người sẽ bị mắc lừa khủng khiếp và không
có lối thoát.
LỐI THOÁT
Trái lại, chỉ nơi Đức Giêsu Kitô, chúng ta mới tìm được lối thoát
khỏi những bế tắc trần gian. Muốn tránh
khỏi sai lầm và lạc lõng, con người cần tìm đến với Đức Giêsu là “đường, sự thật
và sự sống.” Ngườiø là vinh quang đích
thực của Thiên Chúa và con người. Nơi Người
không hề có bóng tối. Bởi vậy, ai đi
theo Người sẽ không phải đi trong tối tăm.
Người là sự thật duy nhất có sức giải thoát con người.
Ngày nay, giữa bao nhiêu thông tin chằng chịt, con người dễ điếc
tai vì những ồn ào quá mức. Họ không thể
tập trung suy nghĩ giữa một rừng ngôn ngữ với bao thứ nghệ thuật hào nhoáng. Quả thực, “nghệ thuật đôi khi chuyển dịch một
quan niệm về con người, tình yêu và hạnh phúc không tương ứng với sự thật trong
chương trình Thiên Chúa.” (ĐGH Gioan Phaolô II : Zenit 21/03/2005) Bởi đó, ĐGH kêu gọi một cuộc canh tân ngôn ngữ
âm nhạc và nghệ thuật nói chung để chuyển dịch những giá trị. Người tiếp : “Cần phải có nhận thức lành mạnh”
để khỏi tin vào “những ảo tưởng sai lạc và những mốt thời trang là những thứ thường
để lại cho tinh thần một sự trống rỗng ảm đạm.” (Zenit 21/03/2005) Trước bao nhiêu chất liệu cuộc sống hôm nay,
chỉ có Đức Giêsu mới giúp con người sàng lọc thành những giá trị tuyệt vời cho
Thiên Chúa và nhân loại. Bởi vậy, để
minh họa đề án Người mới đưa ra, ĐGH
trích lại lời thánh Escrivá, tổ phụ Tu hội Opus Dei: “Chuyển đổi chất liệu đời
thường thành thi phú, anh hùng ca, đó là sứ mệnh đích thực của chúng ta.”
(Zenit 21/03/2005)
Nhưng làm sao có thể thực hiện sứ mệnh đó, nếu con người tìm cách gạt
bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống ? Khi
Thiên Chúa mất bóng trong các sinh hoạt cuộc đời, con người sẽ rơi vào những tầm
thường, nhạt nhẽo, trống rỗng của kiếp người.
Những thông tin chỉ còn là những tiếng động vô nghĩa và tai hại. Nói khác, “tự bản chất, thông tin sẽ rất nghèo
nàn nếu không có tôn giáo và Giáo hội. Tôn
giáo là phần cốt yếu của cuộc sống con người, và khinh thường hay chối bỏ tôn
giáo trong truyền thông là khinh thường và chối bỏ chính bản tính con người. Là các tín hưũ, chúng ta xác tín rằng số phận
chúng ta là cuộc sống vĩnh hằng với Thiên Chúa.
Trong khi không nhất thiết tất cả những người hoạt động trong truyền thông
có thể chia sẻ niềm tin đó với chúng ta, nhưng ít nhất họ nên nhận thức, tôn trọng
và tường thuật về niềm tin đó. Tôn giáo
và Giáo hội hiện diện và thực sự là một phần quan trọng của thực tại cá nhân và
xã hội. Chúng ta đã biết rằng chối bỏ
hay nỗ lực xa lìa tôn giáo và Giáo hội là xâm phạm đến chân lý và bản tính con
người và tổ chức xã hội loài người.” (TGM John Foley, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng
về Truyền thông Xã hội : Zenit 21/03/2005)
Sống trong một xã hội hoàn toàn bít kín với những thông tin bên ngoài,
dân chúng dễ tin vào những luận điệu tuyên truyền một chiều của nhà nước hay tôn
giáo. Con người dễ trở thành mồi ngon
cho những niềm tin quá khích và bạo động.
Nhưng nếu không được giáo dục về truyền thông để “lợi dụng những mặt
tích cực của dịch vụ truyền thông mới và tránh những nội dung nguy hại,” (TGM
John Foley : Zenit 21/03/2005) con người sẽ đánh mất niềm tin vào nhau và tự
tín. Thông tin sai lạc sẽ tác hại tới nhân
phẩm và nhân quyền, nhất là trẻ vị thành niên.
Bởi vậy, TGM John Foley nhấn mạnh : “Tất cả truyền thông nên dựa trên nền
tảng chân lý : ‘Các bạn sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải thoát anh em.’”
(Zenit 21/03/2005) Người nhắc lại lời ĐGH
Gioan Phaolô II trong tông thư mới nhất “Sự Phát Triển Mau Lẹ,” như sau : “Truyền thông có thể và phải cổ võ
công lý và tình liên đới theo một quan điểm sống động và đúng đắn về sự phát
triển của nhân loại, bằng cách tường thuật thật chính xác và trung thực các biến
cố, phân tích các hoàn cảnh và những vấn đề một cách toàn vẹn, và cung cấp một
diễn đàn đón nhận các ý kiến khác nhau.
Chiều hướng đạo đức đích thực trong sức mạnh truyền thông phải được định
vị trong một bối cảnh tự do và trách nhiệm, xây dựng trên những tiêu chuẩn tối
cao của chân lý và công lý.” (Zenit 21/03/2005)
Được thế, truyền thông sẽ là một lực lượng đem lại hòa bình và sự giải
thoát cho toàn thể nhân loại.
Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP