Chúa Nhật I Mùa Chay
Phụng
vụ Lời Chúa mùa Chay và Phục Sinh một đàng hướng về công cuộc cứu độ của Chúa
Giê-su tronng những năm cuối cùng của Người trên trần gian, nhưng đồng thời
cũng nhắm đến nhân loại là đối tượng của việc cứu độ. Trong lịch sử cứu độ, ta không thể không nói
đến cám dỗ và tội lỗi là những gì đã làm cho nhân loại mất đi căn tính con
Thiên Chúa của họ. Sa ngã do cám dỗ và
thắng vượt cơn cám dỗ là hai câu truyện tương phản trong các bài đọc hôm
nay. Ngoài ra, thánh Phao-lô cũng giúp ta
hiểu ý nghĩa của hai biến cố tương phản ấy.
1.
Sa chước cám dỗ (bài đọc Cựu Ước –
St 2:7-9; 3:1-7)
Cám
dỗ là sự xúi giục của ma quỷ muốn ta làm điều xấu trái với luân lý và lề luật đạo
đức. Trong câu truyện Cựu Ước hôm nay,
ma quỷ được tiêu biểu là con rắn cám dỗ ông bà nguyên tổ. Câu truyện không nhằm diễn tả tâm lý con người,
mặc dù ta có thể dễ dàng nhận thấy điều ấy, nhưng nó muốn nói lên ý nghĩa thần
học về cám dỗ và tội lỗi. Vì “rắn là
loài xảo quyệt” nên phương thức cám dỗ của nó cũng hết sức tinh vi.
Thiên
Chúa đã tạo dựng A-đam và E-và và Người dạy họ phải tuân phục Người, là không
được ăn “trái trên cây ở giữa vườn”.
Trái cây ở giữa vườn hay ở góc vườn thì cũng có gì khác nhau đâu. Cho nên mệnh lệnh “không được ăn trái cây ở
giữa vườn” chỉ là một dấu chỉ nói lên ý muốn của Thiên Chúa là con người phải
tuân phục Thiên Chúa. Không ăn trái cây ấy
tức là tuân phục Thiên Chúa. Còn nếu cứ
ăn trái cây ấy tức là không tuân phục Người và là điều xấu. Vậy ma quỷ đã cám dỗ con người không tuân phục
Thiên Chúa như thế nào? Trước hết đặc điểm
của cám dỗ là không vội vàng. Ma quỷ từ
từ đưa người ta đi từ thật tới giả. Nó bắt
đầu tấn công người đàn bà trước. Có lẽ
vì tâm lý của người phụ nữ bén nhạy hơn và thích bề nổi hơn. Nó gợi chuyện và tìm một cánh cửa mở cho cám
dỗ, đặt câu hỏi để có một câu trả lời thật.
“Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn hay sao?” Dĩ nhiên câu trả lời dần dần đưa tới vấn đề
là tại sao Thiên Chúa chỉ cấm họ ăn trái trên cây ở giữa vườn. Lý do của Thiên Chúa là nếu ăn vào thì “sẽ phải
chết”. Nếu họ tuyệt đối tin vào lời
Thiên Chúa bảo “sẽ phải chết” thì đã không có chuyện. Nhưng ma quỷ đã đánh lừa họ, gieo nghi vấn
trong lòng họ về lời Thiên Chúa với cách giải thích xem ra hết sức có lý: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái
cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện
điều ác”. Cám dỗ dừng lại ở đây và để
cho ý chí tự do của con người cân nhắc lựa chọn. Câu truyện diễn tả giai đoạn cám dỗ này bằng
hình ảnh “người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt và đáng
quý vì làm cho mình được tinh khôn”. Lý
lẽ của ma quỷ đã mạnh, lại thêm những đặc tính của trái cấm thật hấp dẫn. Thế là cuộc giằng co của ý chí tự do nơi con
người càng thêm sôi động và con người đã sử dụng ý chí tự do để lựa chọn không
tuân phục mệnh lệnh Thiên Chúa. Đó là đường
đi nước bước của cám dỗ, lừa dối bằng cách đặt cái giả vào cái thật và đưa ra
những lý do có vẻ thật để bênh vực cho việc xấu. Câu truyện Kinh Thánh còn nói lên sự bành trướng
và ảnh hưởng của cám dỗ qua việc không những người đàn bà ăn trái cấm trước, mà
còn “đưa cho cả chồng đang ở đó với mình”.
Ông bà nguyên tổ sa ngã chước cám dỗ là
vì không tuyệt đối tin vào lời Chúa và chỉ lo cho cái tôi của họ. Bao giờ cám dỗ cũng đi theo cùng một thể thức
ấy. Con người có ý chí tự do là chuyện tốt. Nhưng sử dụng nó để chọn lựa đúng thì đòi hỏi
ta phải biết phân định đâu là tinh thần của Chúa và đâu là tinh thần ma quỷ thế
gian.
2.
Thắng vượt cám dỗ (bài Tin Mừng –
Mt 4:1-11)
Nếu
A-đam nguyên tổ đã thảm bại trước cám dỗ, thì Chúa Giê-su là A-đam Mới lại đã
hoàn toàn chiến thắng cám dỗ. Tuy câu
truyện Tin Mừng chia ra làm ba cám dỗ khác nhau, nhưng ta có cảm tưởng như
chúng muốn trình bày một phương thức chiến thắng cám dỗ đi ngược lại cách thức
đưa tới thảm bại của ông bà nguyên tổ.
Vậy
trong cám dỗ thứ nhất lúc Chúa Giê-su thấy đói, tên cám dỗ thử thách Người về
nhu cầu sự sống thể lý. Nếu quả thực
Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa, Người có thể sử dụng quyền năng Thiên Chúa để biến
hòn đá thành bánh, rồi cũng có thể biến mái lều tranh thành lâu đài sang trọng
hoặc bất cứ cái gì làm cho cuộc sống được tiện nghi thoải mái và hơn những người
khác. Biến hòn đá thành bánh để ăn đang
khi đói ở giữa sa mạc là điều hợp lý.
Nhưng nếu Người thực hiện phép lạ ấy thì ta tin rằng Người khó có thể dừng
lại và sẽ tiếp tục lạm dụng quyền năng để làm những điều không cần thiết! Đối với Chúa Giê-su, sự sống đích thực không
phải do những gì bề ngoài, nhưng là do “mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”. Trong câu truyện ở vườn địa đàng, lời miệng
Thiên Chúa phán ra là: “Các ngươi không
được ăn, không được động tới (trái trên cây giữa vườn), kẻo phải chết”. Nguyên tổ đã không thi hành lời ấy nên đã phải
chết. Về phần Chúa Giê-su, “lương thực của
Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4:34).
Trong
cám dỗ thứ hai, ma quỷ thử thách Chúa Giê-su về lòng tin vào Thiên Chúa. Tin là phó thác mọi sự trong tay Chúa để Danh
Người được rạng ngời, chứ không phải là thử thách quyền năng Người để ta được mọi
người khâm phục ngưỡng mộ. Nếu Chúa
Giê-su gieo mình từ trên cao xuống mà bình yên vô sự thì Thiên Chúa đâu có được
lợi gì, nhưng Chúa Giê-su sẽ được dân chúng trầm trồ ca tụng là Đấng đầy quyền
năng! A-đam và E-và muốn được khôn
ngoan, thông biết mọi sự, nghĩa là họ không còn muốn nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng
tạo dựng ra mình nữa. Nhưng với Chúa
Giê-su, Người thực sự nhìn nhận “bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể
trong lòng Trinh Nữ Ma-ri-a, và đã làm người” để tuân phục và thi hành thánh ý
Thiên Chúa.
Trong
cám dỗ cuối cùng, Chúa Giê-su đã hoàn toàn nhìn nhận thân phận con người của
Người và bổn phận phải thờ phượng Thiên Chúa.
Ông bà nguyên tổ muốn ăn trái cấm để được mở mắt ra và “sẽ nên như những
vị thần biết điều thiện điều ác”. Còn
Chúa Giê-su thì muốn làm một người phàm đúng nghĩa và làm người tôi trung của Đức
Chúa. E-và “thấy trái cây đó ăn thì
ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn” nên đã hái
và ăn. Còn Chúa Giê-su từ trên núi cao
“thấy tất cả các nước thế gian và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy”, thì lại
xác tín bổn phận phải thờ phượng một mình Đức Chúa mà thôi.
Tóm lại, để chiến thắng cám dỗ, Chúa
Giê-su lúc nào cũng đặt Thiên Chúa trên hết.
Lòng tin của Người nơi Thiên Chúa là tuyệt đối. Lời Thiên Chúa là đèn soi cho Người bước đi
(Tv 118:105). Tuân phục Thiên Chúa là lý
tưởng Người ôm ấp và thực hiện trong suốt cuộc sống từ lúc nhập thể trong lòng
Đức Ma-ri-a cho đến khi tắt thở trên thập giá.
3.
Chỉ vì một người duy nhất và
chỉ nhờ một người duy nhất (bài đọc Tân Ước – Rm 5:12-19)
Suy
niệm về hai biến cố đối nghịch này trong lịch sử nhân loại, thánh Phao-lô Tông
đồ đã tóm tắt thành một chân lý vô cùng sâu xa về lịch sử cứu độ. Chủ đề cứu độ được ngài kết luận như
sau: “Thật vậy, cũng như vì một người
duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một
người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công
chính” (Rm 5:19). Lịch sử tội lỗi và lịch
sử cứu độ là hai thực tại đối nghịch. Việc
làm của hai nhân vật, A-đam và Chúa Giê-su tương phản nhau, đã không tuân phục
và đã tuân phục. Hậu quả của hai việc
làm ấy cũng đối nghịch nhau, căn tính biến thành tội nhân và căn tính trở nên
người công chính. Tuy nhiên khi so sánh,
thánh Phao-lô cho ta cảm tưởng hiệu quả của ơn cứu độ lớn lao hơn hậu quả của tội
lỗi. “Nhưng ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở
đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5:20).
Trong bài Công bố Tin Mừng Phụ Sinh, Giáo Hội đã không ngần ngại lập lại
sự so sánh này. “Ôi! Tội A-đam quả là cần
thiết, tội được xóa bỏ nhờ cái chết của Đức Ki-tô. Ôi! Tội đã hóa thành hồng phúc, nhờ tội,
chúng con mới có được Đấng Cứu Tinh cao cả dường này”. Sự trổi vượt của ân sủng trên tội lỗi đem lại
cho ta niềm hy vọng vững chắc rằng ta sẽ được cứu độ và phải được cứu độ. Đây cũng là nền tảng của Phụng vụ Mùa Chay và
Phục Sinh, là Phụng vụ trình bày lịch sử cứu độ ở cực điểm của nó và mời gọi ta
đáp lại tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.
4.
Sống Lời Chúa
Phụng
vụ Lời Chúa hôm nay giống như một luận đề thần học về lịch sử cứu độ. Chắc chắn Giáo Hội muốn trình bày như thế để
ta hiểu được ý nghĩa đích thực của mùa Chay và Phục Sinh. Tuy nhiên hiểu là một chuyện, nhưng quan trọng
hơn đó là ta có mở lòng đón nhận ơn cứu độ, đồng hành với Chúa Ki-tô, A-đam Mới,
để tiến bước trở về với căn tính đích thực của ta và được ở lại với Cha trên trời.
Suy nghĩ: Ma quỷ nói với Chúa Giê-su: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy…” Mỗi lần như vậy, Chúa Giê-su đã làm ngược lại
để chứng tỏ và giữ vững danh phận Con Thiên Chúa của Người. Vậy mỗi khi bị cám dỗ lớn hay nhỏ, tôi có nhắc
nhở mình thực sự là con Thiên Chúa không?
Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa toàn năng, hằng năm Chúa ban
cho chúng con bốn mươi ngày chay thánh, để tôi luyện hồn xác chúng con. Xin giúp chúng con sống những ngày khắc khổ ấy,
để học biết Đức Ki-tô và dõi theo gương Người, hầu xứng đáng hưởng ơn Người cứu
độ. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển
trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. A-men.
(Lời nguyện nhập lễ, Chúa Nhật I
mùa Chay)
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi