GIỮA HAI LẰN ĐẠN

 

Chúa Nhật 2A Mùa Chay

 

 

Chân phước Fra Angelico, Dòng Đa Minh, là một nhân vật nổi tiếng vì “có khả năng hiện đại hóa và thích ứng việc rao giảng Tin Mừng với nhu cầu thời đại theo đường lối đặc biệt.   Oâng có khả năng nói với người thời đại hôm nay bằng ngôn ngữ sống động của nghệ thuật hội họa, một sự kết hiệp tuyệt vời và tài tình giữa cái đẹp và sứ điệp Kitô giáo nhân bản.  Toàn bộ tác phẩm về hai thánh Stêphanô và Lôrensô của ông xoay quanh đức ái đối với Thiên Chúa và anh chị em.  Một đức ái coi người nghèo là những kho tàng đích thực của Giáo Hội và cố gắng hiến thân minh chứng niềm tin là động lực thúc đẩy việc bác ái.”  (Vidimus Domininum, 16/2/2002) 

 

BIẾN MÀ KHÔNG BIẾN.

 

Tình yêu là động lực chính tạo nên cảnh biến hình trên núi hôm nay.   Cuộc đời Đức Giêsu bắt đầu chuyển vào lối rẽ khi “Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao” (Mt 17:1) để mạc khải tất cả sức mạnh tình yêu.   Không tình yêu, chắc chắn các môn đệ còn trăn trở mãi với những hình ảnh đau thương về thân phận Thầy trong tương lai.   Lời tiên báo Thày “phải chịu nhiều đau khổ” và “bị giết chết” (Mt 16:21) đã gây bàng hoàng cho các môn đệ.   Cuộc biến hình đã thay hình đổi dạng Thày bên ngoài, nhưng thực sự đã biến đổi các môn đệ tự bên trong.   Tất cả những biến đổi đó đều để chuẩn bị cho cuộc biến đổi lớn lao hơn sau này.   Đúng hơn, cuộc biến đổi đó không phải là biến đổi.   Đó chỉ là bước củng cố niềm tin các môn đệ.  Đem các môn đệ vào một nơi an toàn trước bao sóng gió sắp xảy đến.

 

Nơi an toàn đó là tình yêu Thiên Chúa.   Đức Giêsu tạm thời rời bỏ cuộc đời đầy biến động để vào nơi thường hằng bất biến.   Người đi vào một nơi vô thời gian tức là cung lòng Chúa Cha.   Nơi đây mới thấy tất cả sức mạnh tột đỉnh của tình yêu.   Chính sức mạnh tình yêu khiến “Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông.  Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng.” (Mt 17:2)   Tất cả những hào nhoáng bên ngoài đó làm sao sánh được với vinh quang bên trong Thiên Chúa ?  Vinh quang đó dệt bằng tình yêu nồng nàn giữa Chúa Cha và Chúa Con.   Nồng nàn đến nỗi Chúa Cha phải thốt lên : “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (Mt 17:5)   Như thế kế hoạch cứu độ nhân loại hoàn toàn phù hợp với thánh ý Thiên Chúa, mặc dù ngược với mọi dự tính của các môn đệ.

 

Các môn đệ không thể chấp nhận một kế hoạch thất bại như Đức Giêsu đã tiên báo. Vâng lời Thày là đánh mất Thày.  Giữa lúc đang căng thẳng như thế, các môn đệ nghe “có tiếng từ đám mây phán rằng: ‘Các ngươi hãy vâng nghe lời Người !’” (Mt 17:5) Trước đó các ông đã không vâng nghe. Sau khi choáng váng vì nghe Đức Giêsu tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ nhất, ông Phêrô trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy !”(Mt 16:22)  Những chuyện xui xẻo ấy sẽ phá tan giấc mộng Thiên Sai về Thày.  

 

Thế nhưng thánh ý Thiên Chúa thật mầu nhiệm.   Nếu còn tin tưởng nơi Thày, các môn đệ phải đi vào tương quan sâu xa với Thày, như chính Thày đang ở trong tình yêu Chúa Cha.   Tình yêu đã khiến Đức Giêsu hiểu được tất cả chương trình cứu độ của Thiên Chúa.   Cũng trong tình yêu đó, Người đã được sai đến để thực hiện tất cả những gì các tiên tri và lề luật đã nói.   Chính vì thế, “ông Môsê và ông Êlia hiện ra đàm đạo với Người” (Mt 17:3) về lời hứa cứu độ sắp được thực hiện cho nhân loại.  Oâng Phêrô cảm thấy bầu khí ấm cúng như gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa.  Môsê tượng trưng cho Chúa Cha, Đấng tạo dựng vũ trụ.   Ngôn sứ Êlia đại diện cho sức mạnh Thánh Linh.   Tất cả quây quần bên Chúa Con như bảo đảm công cuộc cứu độ sắp thực hiện.   Đó là một huyền nhiệm đối với các môn đệ.   Huyền nhiệm đến nỗi khi nghe lời Chúa Cha, “các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất.” (Mt 17: 6)   Thực tế khủng khiếp quá !  Chạy trời không khỏi nắng !   Các ông là những nạn nhân đáng thương của chính mình.   Họ mắc kẹt giữa hai lằn đạn !

 

Giữa lúc kinh hoàng như thế, các ông tưởng như trời sập.   Nhưng “bấy giờ Đức Giêsu lại gần, chạm vào các ông và bảo : ‘Trỗi dậy đi, đừng sợ !’” (Mt 17:7)   Đức Giêsu đã kịp thời kéo họ ra khỏi cơn mê.   Chỉ một mình Người mới đem lại bình an và ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.   Đúng như Tin Mừng quả quyết : “Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giêsu” (Mt 17:8) dẫn các ông vào cuộc chống trả ác thần.   Chính lúc “ngước mắt lên”, các ông thấy rõ “Đấng cứu độ chúng ta là Đức Kitô Giêsu đã xuất hiện” để “tiêu diệt thần chết.”  (2 Tm 1:10)   Cái nhìn thật tuyệt vời.   Cái nhìn đầy tin tưởng và hi vọng. Từ tình trạng “kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất”, các ông đã được kêu gọi tham gia vào “kế hoạch và ân sủng của Người.” (2 Tm 1:9)   Nhưng phải đợi “đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy,” (Mt 17:9) các ông mới biết Người “đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử” (2 Tm 1:10) cho toàn thể nhân loại. 

 

Chính vì thế, Đức Giêsu đã được Chúa Cha chúc phúc “thành một dân lớn” “tên tuổi được lừng lẫy” (St 12:2) khắp vũ trụ. Cũng như Abraham, Người đã ra đi và chấp nhận mọi gian khổ để “cứu độ và kêu gọi chúng ta vào dân thánh của Người.” (2 Tm 1:9)  Có thế mới thấy ngày “mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc,” (St 12:3) vì Người “là mối phúc lành” (St 12:2) Thiên Chúa hứa cho toàn thể nhân loại.  Phúc lành ấy như ánh sáng không chỉ chiếu soi ba môn đệ trên ngọn núi hôm ấy, nhưng đã lan tỏa khắp vũ trụ cho tới muôn đời, đúng như Người  nói : “Tôi là ánh sáng thế gian.” (Ga 8:12)

 

ÁNH SÁNG TIN MỪNG.

 

Hơn lúc nào, ánh sáng cần phải chiếu soi vào đêm tối trần gian.   Thần tăm tối đang hoành hành khắp vũ trụ.   Thiên Chúa muốn dùng Giáo Hội như “ánh sáng cho trần gian.” (Mt 5:14)   Sứ mệnh trọng đại đó phải bắt đầu bằng những nỗ lực suy tư  và hoạt động để Phúc âm hóa môi trường.   Thực vậy, “thần học hoàn thành nhiệm vụ suy tư  khi đáp ứng được ý Chúa muốn cứu độ toàn thể vũ trụ, vì Người muốn ‘mọi người được cứu và nhận  biết sự thật.’(1 Tm 2:4)  Bởi vậy, càng hiểu biết sâu xa về chân lý mạc khải bao nhiêu, thần học càng phục vụ toàn thể dân Chúa bấy nhiêu, càng nuôi niềm hi vọng và củng cố sự hiệp thông.” (Gioan Phaolô II, Zenit 18/02/2002)  Đó là những ánh sáng cần thiết cho người môn đệ ứng phó với những thách đố lớn lao trong sứ mệnh làm chứng cho Thiên Chúa tình yêu.  

 

Thế nhưng sứ mệnh làm chứng hôm nay đang đặt Kitô hữu trước những thách đố mới.  Quả thực, hoàn cảnh đã thay đổi sâu xa.   Theo Hội Dòng Maryknoll, “cụ thể việc  truyền giáo hôm nay phảiø đi tiên phong trong việc loan báo, đối thoại liên tôn, làm chứng, và thăng tiến nhân loại.” (Vidimus Domininum, 16/2/2002)      Nếu không được biến hình trong ánh sáng Phục sinh, làm sao họ có thể can đảm “loan báo Tin Mừng” (2 Tm 1:8b) ?   Khi đã được biến hình trên núi với Chúa, họ sẽ thấy “mọi phương diện cuộc sống nhân sinh : xã hội, cá nhân, tình cảm, tình dục, tâm lý, kinh tế và chính trị – cũng như tôn giáo và thiêng liêng – phải được sức mạnh giải thoát của Tin Mừng cải biến và canh tân.” (Joseph Veneruso, Vidimus Domininum, 16/2/2002)   Sức mạnh đó hôm nay bao trùm toàn thể tông đồ.   Chỉ ai lên núi mới có thể tìm được tất cả sức mạnh tình yêu trong ánh sáng Phục sinh.   Cuối cùng chỉ tình yêu mới có thể thay đổi cục diện thế giới.    Bao giờ người môn đệ mới lên núi Chúa để đem ánh sáng Phục sinh chiếu tỏa vào đêm đen nhân loại hôm nay ?

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà