Chúa Nhật V Mùa Chay, A
Các
bài Tin Mừng của hai Chúa Nhật trước đưa ta vào hành trình tìm biết Chúa Giê-su
là Đấng nào. Người là nước trường sinh
(Ga 4:5-42) và là ánh sáng trần gian (Ga 9:1-41). Những ai được ban nước và ánh sáng của Người
thì sẽ được sự sống. Do đó, ta có thể
nói rằng câu truyện Chúa Giê-su gặp người phụ nữ Sa-ma-ri và câu truyện Người
chữa lành anh mù bẩm sinh là hai câu truyện chuẩn bị cho cao điểm của hành
trình nhận biết căn tính của Chúa. Vậy
cao điểm ấy là việc Chúa cho ông La-da-rô sống lại từ cõi chết, tức dấu lạ nói
lên Chúa chính là sự sống lại và là sự sống.
Ngày hôm nay cũng là cao điểm cuộc sát hạch cuối dành cho các dự tòng để
họ tuyên xưng đức tin vào Chúa Ki-tô.
1.
Thánh Thần là sự sống của Thiên Chúa (bài
đọc Cựu Ước – Ed 37:12-14)
Hơi
thở là dấu hiệu của sự sống. Lúc Chúa tạo
dựng trời đất, “thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1:2), kể từ đó
có sự sống cho cây cỏ và muôn loài đủ loại.
Đặc biệt khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã lấy bụi đất nặn ra con
người và Thiên Chúa “thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật”
(St 2:7).
Sự
sống thể lý hay sự sống tâm linh đều hoàn toàn tùy thuộc vào Thiên Chúa, Đấng
ban sự sống. “Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng
rời kinh hãi; lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay mà trở về cát bụi. Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được
dựng nên” (Tv 104:29-30). Mối quan hệ giữa
Thiên Chúa và Ít-ra-en đã được các ngôn sứ, nhất là Ê-dê-ki-en, nhiều lần mô tả
như một thực tại liên hệ chặt chẽ với sự sống của Thiên Chúa. Ít-ra-en gắn bó với Thiên Chúa tức là họ gắn
bó với sự sống, còn bỏ Thiên Chúa mà đi theo các thần ngoại là họ tự mình cắt
lìa khỏi sự sống, nằm trong “huyệt” của người chết hoặc trở thành “những bộ
xương khô”. Dân Chúa nhiều lần bất trung
với Người nên đã rơi vào tay ngoại bang, sống kiếp nô lệ lầm than không khác
người chết mà vẫn còn lê bước. Nếu họ
nghe lời các ngôn sứ kêu gọi họ trở về với Thiên Chúa, Người sẽ cứu họ khỏi cảnh
lầm than khốn khổ, đưa họ lên khỏi huyệt và đem về đất Ít-ra-en (Ed
37:12). Nếu họ thực tâm trở lại thờ phượng
Thiên Chúa, Người sẽ làm cho họ được hồi sinh.
“Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi
sinh” (Ed 37:14).
Ít-ra-en
là biểu tượng cho tâm hồn mỗi người chúng ta.
Mỗi khi quan hệ giữa ta với Chúa bị tội lỗi làm cho đứt đoạn, thì sự sống
của Thiên Chúa không còn được chuyển tải một cách sung mãn đến tâm hồn ta nữa. Ta trở thành kẻ chết và cần phải được hồi
sinh. Trong quá trình Cựu Ước, lòng từ
bi của Thiên Chúa đối với Ít-ra-en thật vô bờ.
Khi Ít-ra-en chết trong sự bất trung với Người thì Người đã hứa cho họ
được hồi sinh. Sở dĩ Người làm như vậy
là để Ít-ra-en “sẽ nhận biết Người là Đức Chúa”. Quả thực, cách Thiên Chúa đối xử với Ít-ra-en
cho thấy Người rất lo lắng cho sự sống của họ, hoặc nói đúng hơn, lo lắng cho mối
quan hệ của họ với Người. Cũng vậy, Chúa
lo lắng cho sự sống linh hồn chúng ta.
Người hứa với chúng ta như đã hứa với Ít-ra-en: “Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các
ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh”. Dĩ
nhiên Thiên Chúa luôn trung thành giữ lời hứa như Người đã khẳng định: “Ta đã phán là Ta làm”. Người sẽ cho ta được sống lại thật về phần
linh hồn. Người lấy sinh khí của Người
mà “đổi mới mặt đất này” (Tv 104:30) thế nào thì Người cũng sai Thánh Thần đến
với ta để đổi mới ta như vậy.
2.
Chúa Ki-tô là sự sống lại và là sự sống của ta (bài Tin Mừng – Ga 11:1-45)
Câu
truyện Chúa Giê-su cho anh La-da-rô sống lại đã được thánh Gio-an kể với nhiều
chi tiết thích thú. Tuy nhiên cao điểm của
câu truyện vẫn là lời tuyên bố của Chúa Giê-su và việc tuyên xưng đức tin của
cô Mác-ta. Thánh Gio-an viết: “Đức Giê-su liền phán: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được
sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không
bao giờ phải chết. Chị có tin thế
không?” Cô Mác-ta đáp: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên
Chúa, Đấng phải đến thế gian” (Ga 11:25-26).
Bài đọc Cựu Ước trích sách ngôn sứ
Ê-dê-ki-en đã trình bày Thánh Thần đem sự sống Thiên Chúa đến cho ta, sự sống đến
theo hướng từ Thiên Chúa mà xuống chúng ta.
Còn bài Tin Mừng thì trình bày Chúa Giê-su là sự sống lại và sự sống để
đưa ta lên với Thiên Chúa. Có lẽ vì thế
Chúa Giê-su tuyên bố “Thầy là sự sống lại và là sự sống” thay vì “Thầy là sự sống
và là sự sống lại”. Sự sống lại đi trước
sự sống, điều này mang ý nghĩa thần học và tu đức. Ta cần phải được sống lại trước đã thì ta mới
có được sự sống đời đời. Sống lại có
nghĩa là ta nhờ cái chết của Chúa Giê-su mà được trở thành con cái Thiên Chúa để
bắt đầu tiến trình trở nên giống Chúa Ki-tô và sống trong Thánh Thần (Rm
8). Do đó, phép lạ Chúa Giê-su cho anh
La-da-rô sống lại là dấu chỉ vô cùng quan trọng, vì nó cho thấy sự sống lại của
chính Chúa Giê-su là nền tảng cho sự sống lại của ta từ cái chết bởi tội tổ
tông.
Chúa
Giê-su đã nói với ông Tô-ma: “Chính Thầy
là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14:6). Đó là ba đặc điểm của Thiên Chúa được biểu lộ
nơi Chúa Giê-su để ta có thể nhận biết mà đến với Thiên Chúa. Nhưng ở đây Chúa Giê-su lại tuyên bố Người là
sự sống lại và sự sống. Ngoài ý nghĩa thần
học về sự công chính hóa và đời sống trong Thánh Thần của Ki-tô hữu, thiết tưởng
lời tuyên bố của Chúa Giê-su rất thích hợp với tinh thần sống mùa Chay của
ta. Sống lại và sống là hai khía cạnh của
cuộc đời Ki-tô hữu. Trước hết, Chúa là
sự sống lại cho những Ki-tô hữu “đã chết”.
Mỗi lần ta phạm tội, linh hồn ta bị thương tổn. Nếu là tội trọng thì mối quan hệ giữa ta với
Chúa bị cắt đứt, nên sự sống của Thiên Chúa trong ta cũng bị thiệt hại nặng nề,
có khi ta còn là kẻ “chết về phần linh hồn” nữa. Khi ấy ta cần phải được hồi sinh để nhận lại
sự sống của Thiên Chúa. Chúa Giê-su sẽ
là Đấng làm cho ta được sống lại, như Người đã phán: “Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được
sống”. Ta lấy một thí dụ cụ thể. Ta phạm tội trọng tức là ta “đã chết”. Nhưng nếu ta đến với Bí tích Giải tội và tin
vào tình yêu tha thứ của Chúa Giê-su, thì ta sẽ được tha thứ, được hồi phục lại
sự sống thiêng liêng đã bị mất đi. Thứ đến,
Chúa Giê-su là sự sống của Ki-tô hữu, theo ý nghĩa như Người đã nói với ông
Tô-ma (Ga 14:6). Đúng thế, Chúa Giê-su
là nguồn sự sống của Thiên Chúa, cho nên ta tin vào Người nghĩa là ta kín múc
nước sự sống của Thiên Chúa nơi Người.
Chính Người đã nói với người phụ nữ Sa-ma-ri bên bờ giếng Gia-cóp: “Nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch
nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4:14).
Tuy
nhiên ta đừng quên một yếu tố vô cùng quan trọng trong lời tuyên bố của Chúa
Giê-su, đó là lòng tin. “Ai tin vào Thầy…” “Chết” phần linh hồn mà tin vào Chúa thì sẽ
được sống lại. Còn “sống” phần linh hồn
mà tin vào Chúa thì “sẽ không bao giờ phải chết”, nghĩa là sẽ được sống muôn đời. Chúa đòi cô Mác-ta phải tuyên xưng đức tin
trước khi Người cho em cô sống lại. “Chị
có tin thế không?” Cô dõng dạc và tuyệt
đối thưa với Chúa: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên
Chúa, Đấng phải đến thế gian”. Chẳng những
cô tin Chúa Giê-su là sự sống lại và là sự sống, mà cô con đi xa hơn nữa, là
tin Chúa Giê-su là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian. Thật là một lòng tin vững mạnh vào Chúa
Giê-su và sứ mệnh của Người. Động từ “vẫn
tin” ở thì quá khứ trong ngôn ngữ Hy-lạp diễn tả một hành vi hiện tại với tất cả
sự sống động. Cách nói đó diễn tả tâm trạng
của cô Mác-ta, nhưng cũng phải là tâm trạng của mọi Ki-tô hữu nữa.
3.
Sống theo Thánh Thần (bài đọc Tân
Ước – Rm 8:8-11)
Ta
được Chúa Giê-su cho sống lại để làm con cái Chúa. Nhưng phải sống thế nào mới là con cái
Chúa? Thư gửi tín hữu Rô-ma đã dành gần
hết chương 8 để nói cho ta biết phải sống làm sao như con cái Chúa. Đó là sống theo Thần Khí của Đức Ki-tô.
Điều
quan trọng nhất trong đời sống Ki-tô hữu là phải có Thần Khí của Đức Ki-tô, bởi
vì “ai không có Thần Khí của Đức Ki-tô, thì không thuộc về Đức Ki-tô” (Rm
8:9). Đối với thánh Phao-lô, sống có
nghĩa là thuộc về Đức Ki-tô. “Đối với
tôi, sống là Đức Ki-tô” (Pl 1:21). Hoặc: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là
Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2:20). Sự
hiện diện của Đức Ki-tô trong ta liên hệ đến sự sống còn của ta, bởi vì trong
hoàn cảnh nào thì ta cũng phải hoàn toàn trông nhờ vào Người. Thần Khí là sự sống của Thiên Chúa. Do đó, nếu Thần Khí của Đức Ki-tô ở trong ta
thì sự sống của Thiên Chúa cũng ở trong ta.
Nói khác đi, thánh Phao-lô muốn nhấn mạnh đến điểm ta cần phải có Thần
Khí của Đức Ki-tô. Sống theo Thần Khí của
Đức Ki-tô, ta sẽ gặt hái được những kết quả tốt đẹp. “Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu,
từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5:22).
Có
Thần Khí của Đức Ki-tô, ta mới có thể sống đích thực như con cái Thiên
Chúa. “Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa
tử, khiến chúng ta được kêu lên:
“Áp-ba! Cha ơi!” Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng
ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8:15-16). Có lẽ thực tế nhất trong mùa Chay đối với ta
là Thần Khí của Đức Ki-tô “giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn” biết phải cầu
nguyện, cầu nguyện để biết được thánh ý Thiên Chúa (Rm 8:26-27).
4.
Sống Lời Chúa
Sống
lại từ cõi chết vì tội lỗi và sống trong mối quan hệ sống động với Thiên Chúa
là đề tài của Lời Chúa hôm nay. Qua Đức
Ki-tô, Thiên Chúa luôn luôn muốn ta được sống làm con cái Người và được hưởng
gia nghiệp với Người. Thánh Thần là sự sống
của Thiên Chúa và Chúa Ki-tô là Đấng đem lại cho ta chính sự sống ấy. Vì thế, Ki-tô hữu cần phải thuộc về Đức Ki-tô
và sống theo Thần Khí của Người.
Suy nghĩ: Trong câu truyện Tin Mừng, “cô Mác-ta nói với
em là Ma-ri-a: “Thầy đến rồi, Thầy gọi
em đấy!” Nghe vậy, cô Ma-ri-a vội đứng
lên và đến với Đức Giê-su”. Lời cô
Mác-ta có khi nào tôi nghe thấy trong đời sống của tôi không? Nếu Chúa đến với tôi, tôi có làm như cô
Ma-ri-a không?
Cầu nguyện: Lạy Cha chí thánh, Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa
chúng con, là người thật, Người đã khóc La-da-rô, bạn hữu Người; là Thiên Chúa hằng sống, Người đã truyền cho
La-da-rô sống lại ra khỏi mồ. Ngày nay,
cũng vì thương xót nhân loại, Người đã đưa chúng con vào đời sống mới nhờ các bí
tích nhiệm mầu. Xin cho chúng con được đồng
thanh với các đạo binh thiên thần và triều thần thiên quốc thờ lạy, cảm tạ Cha
và tung hô Cha là Đấng đã ban cho chúng con Đức Ki-tô, Người là sự sống lại và
sự sống của chúng con. A-men. (phỏng
theo Kinh Tiền tụng, Chúa Nhật V mùa Chay)
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi
6-3-08