Lễ cầu cho các Tín hữu đã qua đời
(Ngày Chúa Nhật 2-11-2008)
Niên
lịch Phụng vụ năm nay giữ nguyên lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời trùng vào
ngày Chúa Nhật chứ không rời lại, điều này nói lên tầm quan trọng của việc nhớ
đến những anh chị em đã khuất. Dù đang sống
hay đã chết, ta đều có mối quan hệ với nhau và với Chúa. Nhưng đặc biệt nhất, mối quan hệ giữa ta với
Đức Giê-su Ki-tô mới quyết định cho tương lai vĩnh cửu của ta. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói với ta về mối
quan hệ ấy.
1.
Thiên Chúa hằng sống (bài đọc Cựu
Ước – G 19:1.23-27a)
Đó
là lời tuyên xưng của ông Gióp, một người hoàn toàn vững lòng tin tưởng vào
Thiên Chúa, mặc dù ông phải trải qua biết bao gian nan thử thách. Ông không chỉ muốn tuyên xưng ngoài miệng,
nhưng còn ước ao lời tuyên xưng này được ghi chép để đời. Vậy ông tuyên xưng điều gì về Thiên
Chúa? Ông tuyên xưng rằng: “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và
sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất”.
Vẫn sống có nghĩa là hằng sống, vĩnh cửu, không bao giờ bị mai một. Vũ trụ luôn biến đổi. Núi non, sông biển không thể tồn tại theo thời
gian. Cỏ cây, sinh vật cũng chỉ có thời,
rồi phải chết. Sau cùng, tất cả đều biến
đổi, ngoại trừ Thiên Chúa, vì “Người đứng lên trên cõi đất”, hay nói rõ hơn,
Người có uy quyền tuyệt đối trên mọi tạo vật vì Người là Đấng Tạo dựng.
Tuy
nhiên, việc ông Gióp tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng hằng sống không đơn thuần là
hình ảnh một Thiên Chúa ở ngoài quan hệ với con người, mà là một Thiên Chúa đã
tạo dựng con người để họ sống trên mặt đất, đồng thời là một Thiên Chúa muốn
con người sẽ được hạnh phúc “ngắm nhìn” Người vĩnh viễn. Nói khác đi, Thiên Chúa không chỉ là Thiên
Chúa của những người sống cuộc sống lữ hành trên đời này, mà còn là Thiên Chúa
của những người được sống cuộc sống vĩnh cửu đời sau. Niềm tin này của ông Gióp đặt nền móng cho niềm
tin vào sự sống đời đời, sự sống các tín hữu tốt lành đã khuất đang chờ đợi được
Thiên Chúa thưởng ban.
Ngoài
đức tin vào Thiên Chúa là Đấng hằng sống, ông Gióp còn nói lên niềm vào sự sống
đời sau. Cuộc sống đời này là tạm bợ, vì
“da tôi đây bị tiêu hủy”. Nhưng cuộc sống
mai sau là cuộc sống vĩnh cửu, vì “được nhìn ngắm Thiên Chúa” là Đấng vĩnh cửu. Cuộc sống vĩnh cửu sẽ kết hiệp ta với Thiên
Chúa trong mối quan hệ không bao giờ mất được.
Trong cuộc sống đời này, rất nhiều khi ta thấy Thiên Chúa là “người xa lạ”;
nhưng trong cuộc sống mai sau, ta được hiệp nhất với Thiên Chúa tình yêu. Với tình yêu, Thiên Chúa không bao giờ là người
xa lạ đối với ta và ngược lại ta không xa lạ đối với Thiên Chúa và sẽ không phải
nghe lời Người quở mắng: “Ta không hề biết
các ngươi, xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!” (Mt 7:23).
2.
Kế hoạch Thiên Chúa ban cho ta sự sống đời đời (bài Tin Mừng – Ga 6:37-40)
Thiên
Chúa không chỉ ban cho ta sự sống thể chất chóng qua, nhưng Người còn muốn ban
cho ta sự sống đời đời. Thực ra trong
chương trình tạo dựng, sự sống đời đời đã là đối tượng: cuộc sống trong vườn địa đàng là biểu tượng
cho sự sống đời đời. Nhưng sau khi phạm
tội bất tuân, nguyên tổ loài người đã bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng và phải
lãnh nhận hậu quả tội mình là cái chết.
Thiên Chúa muốn sửa lại những đổ vỡ do tội lỗi con người gây nên và ban
lại cho con người sự sống đời đời. Người
sửa lại bằng cách sai Con Một là Chúa Giê-su Ki-tô xuống thế thực hiện một kế
hoạch. Chúa Giê-su đã công bố kế hoạch
này hết sức rõ ràng: “Tôi tự trời mà xuống,
không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ
Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại
trong ngày sau hết” (Ga 6:38-39). Được
“sống lại trong ngày sau hết” chính là khởi đầu cho cuộc sống vĩnh cửu. Nhưng điều kiện để có được khởi đầu tốt đẹp
này, người ta phải “thấy người Con và tin vào người Con”. Thấy không phải bằng con mắt thịt, nhưng bằng
con mắt tâm hồn, bằng trái tim và ý chí quyết theo Chúa Giê-su.
Chúa
Giê-su sẽ cho ta được sống lại trong ngày sau hết. Đây là điều vô cùng quan trọng. Hẳn ta còn nhớ Chúa đã khẳng định với bà
Mác-ta: “Chính Thầy là sự sống lại và là
sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết
cũng sẽ được sống” (Ga 11:25). Khi nói
“Thầy là sự sống lại”, Chúa Giê-su đã cho ta thấy Người là tác nhân phục hồi sự
sống cho kẻ đã chết, hoặc chính Người chủ động làm cho kẻ đã chết được sống lại. Việc Người cho ông La-da-rô sống lại là hình ảnh
báo trước việc Người sẽ cho tất cả những ai tin vào Người được sống lại trong
ngày sau hết.
Thiên
Chúa dùng Con Một Người để ban cho ta sự sống lại và sự sống đời đời. Tuy nhiên cứu độ không phải là việc Thiên
Chúa áp đặt, mà là hồng ân loài người được tự do lãnh nhận hoặc chối từ. Hay nói theo kiểu nói của Chúa Giê-su, ta được
quyền tự do “đến với Người” hoặc từ chối Người.
Nếu ta đến với Người, Người sẽ dạy và giúp ta “sống lại” mỗi ngày trong
cuộc đời. Thực vậy, sống lại trong ngày
sau hết không phải là biến cố đột xuất và thiếu chuẩn bị. Trái lại, người tín hữu phải “sống lại” mỗi
ngày, để trở nên hoàn thiện hơn, giống Chúa Ki-tô hơn, gần ngưỡng cửa thiên
đàng hơn. Cuộc sống lại liên tục ấy được
thực hiện nhờ cố gắng của ta, do ân sủng Chúa Ki-tô và sức mạnh đổi mới của
Chúa Thánh Thần.
3.
Ta được sống đời đời là nhờ cái chết của Chúa Ki-tô (bài đọc Tân Ước – Rm 5:5-11)
Chúa
Giê-su mặc khải kế hoạch Thiên Chúa ban sự sống đời đời cho ta được thực hiện
qua bản thân Người. Còn thánh Phao-lô lại
giải thích rõ ràng hơn về phương thức Chúa Giê-su đã thực hiện kế hoạch ấy. Ngài nêu lên yếu tố đem lại sự sống đời đời,
đó là cái chết của Chúa Ki-tô. Thật là lạ
lùng! Cái chết của Chúa Ki-tô đầy ý
nghĩa. Thánh Phao-lô đã đề cao cái chết
hoàn toàn có tính cách hy sinh của Chúa Ki-tô khi ngài lý luận như sau: “Hầu như không ai chết vì người công chính, họa
may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay
khi chúng ta còn là những người tội lỗi”.
Giả như ta hết thảy đều là người công chính hoặc lương thiện thì cái chết
của Chúa Ki-tô vì chúng ta cũng chưa nói lên được mức độ yêu thương. Nhưng vì ta hết thảy đều là những kẻ tội lỗi
nên cái chết của Chúa Ki-tô mới nói lển mức độ Thiên Chúa yêu thương chúng ta
như thế nào.
Quả thực, Chúa Giê-su đã đóng vai trò
A-đam Mới, làm ngược lại tất cả những gì A-đam cũ đã làm. A-đam cũ thì lấy cái sống để gieo cái chết
cho toàn thể nhân loại. Ngược lại, Chúa
Giê-su thì lấy cái chết để đem lại sự sống cho loài người. A-đam cũ lấy sự sống mà mang lại hận thù và
chia rẽ (Ca-in giết A-ben), còn Chúa Giê-su lấy cái chết để chứng minh tình yêu
của Thiên Chúa và hòa giải ta với Thiên Chúa.
Hòa giải với Thiên Chúa là bước đầu đưa ta đến việc được cứu độ.
Cái chết của Chúa Giê-su không phải là
cái chết nhẹ nhàng, nhưng là cái chết đổ máu trên thập giá. Máu Chúa Ki-tô không những hòa giải ta với
Thiên Chúa, giống như máu con chiên bị sát tế trong Đền Thờ, nhưng Máu Chúa
Ki-tô còn đem lại cho ta sự sống, giống như máu con chiên vượt qua đã cứu sống
dân Ít-ra-en.
Khi
cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, ta không những sống mối quan hệ đã từng
có với họ, mà còn đặc biệt nhận thức mối quan hệ giữa Chúa Ki-tô và các tín hữu
còn sống cũng như đã qua đời. Cũng như họ,
ta đã được nên công chính và hòa giải với Thiên Chúa nhờ Đức Ki-tô thì ta với họ
đều sống niềm hy vọng được cứu thoát trọn vẹn trong tương lai. Họ là những người đang chờ đợi tương lai, còn
ta sống trên trần gian thì đang chuẩn bị cho tương lai. Đích tới của tất cả cùng là được sống hạnh
phúc bên cạnh Thiên Chúa.
4.
Sống lời Chúa
Thiên
Chúa là Đấng hằng sống mời gọi ta chia sẻ sự sống vĩnh cửu của Người. Nhờ cái chết và phục sinh của Chúa Ki-tô,
Thiên Chúa thực hiện kế hoạch giúp ta thoát khỏi nanh vuốt của tội lỗi và tử thần,
để Người tiếp tục mời gọi ta sống ơn công chính hóa làm con cái xứng đáng của
Người. Mầm sống vĩnh cửu đã được gieo
vào lòng ta cần được nuôi dưỡng phát triển do nỗ lực của ta và nhờ ơn sủng Chúa
ban, để được viên mãn trong tương lai.
Các tín hữu đã qua đời là những người đã cố gắng sống ơn gọi ấy và đang
chờ đợi ơn cứu độ trọn vẹn. Để sống mối
quan hệ với họ và với Chúa Giê-su, ta đặc biệt nhớ đến họ trong ngày lễ Cầu cho
các tín hữu đã qua đời. Tuy nhiên, đây
không phải là dịp duy nhất để ta làm điều ấy, nhưng ta có thể nhớ đến họ bất cứ
khi nào, đặc biệt trong phần cầu nguyện cho những người đã qua đời của Thánh lễ
và những lúc ta cầu nguyện riêng.
Suy nghĩ: Chúa Giê-su nói: “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều
sẽ đến với tôi”. Vậy tôi có đến với Chúa
Giê-su không? Đến để làm gì? Tôi có “thấy” Người bằng con mắt đức tin
không và tôi có “tin vào” Người không?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Con Một Chúa từ cõi chết sống lại
đã tăng cường niềm tin của chúng con. Giờ
đây, xin Chúa thương nhận lời chúng con khẩn nguyện mà làm cho lòng chúng con
luôn trông cậy vững vàng. Chính Đức
Giê-su sẽ cho các tín hữu đã lìa cõi thế được phục sinh vinh hiển. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị
cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. A-men.
(Lời nguyện Nhập lễ, lễ cầu cho
các Tính hữu đã qua đời).
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi