GIAO ƯỚC TÌNH THƯƠNG
Chúa Nhật A Lễ Chúa Ba Ngôi
Thế giới đang cần đến
tình thương hơn bao giờ. Đức Giêsu mạc
khải cho mọi người biết tình yêu Thiên Chúa vượt mọi biên giới đến với nhân loại.
KHI TÌNH YÊU LÊN NGÔI.
Đức Giêsu đã nói hết sự thật nơi cung lòng Thiên Chúa : “Thiên Chúa
yêu thế gian.” (Ga 3:16) Lời xác quyết đó
vượt ngoài tưởng tượng ! Quả thực, thế
gian là gì mà xứng đáng làm đối tượng của tình yêu lớn lao đó ? Chỉ một mình Đức Giêsu mới xứng đáng với
tình yêu Chúa Cha mà thôi. Nhưng “Thiên
Chúa là nguồn yêu thương” (2 Cr 13:11) đã không ngần ngại “ban Con Một” (Ga
3:16) cho thế gian. Không thể tìm thấy
một tình yêu nào lớn hơn ! Khi nhìn vào
bản chất Thiên Chúa như thế, con người mới giác ngộ “Thiên Chúa là tình yêu,”
(1 Ga 4:8) một tình yêu vô cùng cần thiết cho nhân loại. Chính vì thế, thánh Phaolô cầu chúc cho giáo
dân tiên khởi “đầy tình thương của Thiên Chúa,” (2 Cr 13:13) để có thể đứng vững
giữa bao bách hại.
Chính nhờ “đầy tình thương của Thiên Chúa,” Đức Giêsu đã vượt qua mọi
thách đố và đạt tới mục đích cuộc đời.
Xuống cõi hồng trần này, Người mang trên vai một sứ mệnh trọng đại. “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế
gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà
được cứu độ.” (Ga 3:17) Thực tế rấtø trái
ngược ! Không những từ chối ơn cứu độ,
thế gian còn tìm mọi cách lên án tử hình Đức Giêsu trên thập giá.
Phải có con mắt đức
tin sâu sắc mới có thể thấy Đức Giêsu đã hoàn thành sứ mệnh Chúa Cha nơi cái chết
đó. Thật là khắc nghiệt ! Không những thế, nhân loại còn thờ ơ trước sứ
mệnh trọng đại đó, mặc dù Thiên Chúa đã tìm mọi cách để chứng tỏ tất cả tình yêu
nồng ấm đối với họ. Chính Đức Giêsu là
hiện thân của tình yêu đó. Nhờ cái chết,
Người đã trở thành nguồn ân sủng cho toàn thể nhân loại. Đó là lý do tại sao thánh
Phaolô “cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô.” (2
Cr 13:13) Không có nguồn ân sủng này,
chắc chắn không ai có thể làm gì được. Chính Đức Giêsu đã xác quyết : “Không có
Thầy, anh em chẳng làm gì được.”(Ga 15:5)
Ngược lại, nếu tràn đầy ân sủng, mọi công trình sẽ nở rộ vì “ai ở lại
trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái.” (Ga
15:5)
Nhưng hoa trái đó không thể tồn tại và phát triển, nếu thiếu “ơn hiệp
thông của Thánh Thần.” (2 Cr 13:13)
Chính vì thiếu vắng Thánh Linh trong nhiều lãnh vực, nên Giáo Hội bị tê
liệt và nhiều tổ chức tan rã. Thiếu hiệp
thông không thể làm nên trò trống gì !
Nói khác, không có Thánh Linh, không thể “đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận
hòa,”(2 Cr 13:11) điều kiện cần thiết để phát triển Giáo Hội. Chính nhờ Thánh Linh, Thiên Chúa trở thành
“nguồn yêu thương và bình an” (2 Cr 13:11) cho nhân loại. Đó là lý do tại sao thế giới hôm nay cần phải
cầu xin Thánh Linh ngự đến đổi mới bộ mặt trái đất.
Hơn lúc nào, nhân loại đang cần đến Thánh Linh để có thể khai thông
nhiều bế tắc trong cuộc hiệp thông cần thiết cho nền hòa bình thế giới. Người chính là nguyên ủy hiệp nhất Chúa Cha
và Chúa Con. Chẳng lẽ Người không thể tạo
nổi sự hiệp thông giữa người với người ?
Thực tế, Thánh Linh đã từng “liên kết mọi ngôn ngữ khác biệt lại, để họ
tuyên xưng cùng một đức tin” (Kinh Tiền Tụng Chúa Nhật Hiện Xuống) trong Giáo Hội. Lý do vì “lòng mỗi người, chính Chúa dựng nên,
việc họ làm, Chúa thông suốt cả.” (Tv 33:15)
Bởi thế, Thánh Linh là lời giải đáp cuối cùng cho những ai đang gặp bế tắc
trong những lãnh vực giáo dục, hòa giải, chính trị …
Tất cả đều bắt nguồn
từ mầu nhiệm Ba Ngôi. Nhưng thực tế còn
đi xa hơn nữa. Quả thực, Cựu ước chỉ mới
nhận thấy “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành
tín.” (Xh 34:77) Trong khi đó, Tân Ước đã
mạc khải về cái giá mắc nhất Thiên Chúa phải trả cho sự sống đích thực của con
người. Không phải cho sự sống chóng qua
này, nhưng “để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn
đời,” (Ga 3:16) Thiên Chúa phải hi sinh chính Con Một Cuộc sống vĩnh cửu mới đáng sống, vì hạnh phúc
toàn vẹn chỉ tìm thấy nơi Thiên Chúa.
“Sự sống vĩnh cửu là sự sống Thiên Chúa hiện thân nơi Đức Giêsu bảo đảm
cho tất cả các tín hữu hôm nay rằng họ sẽ sống muôn đời. Hay đón nhận sự sống mới này và hãy bắt đầu đánh
giá mọi sự dưới nhãn quan vĩnh cửu này.” (Life Application Study
1991:1878) Nhãn quan này không phủ màu
đen trên tất cả những hoạt động hôm nay.
Trái lại, nhờ tin vào Đức Giêsu, chúng ta sẽ tìm thấy lời hằng sống và một
sức mạnh thay đổi tất cả.
TÌM MỘT CON ĐƯỜNG.
Con đường hôm nay đang mở ra trước mắt mọi người tìm về sự sống đích
thực là Đức Giêsu Kitô. Chúa Thánh Linh
đang khơi dậy nơi tâm hồn các bạn trẻ sức mạnh đạp đổ mọi hàng rào, để làm thành
các cộng đồng tình yêu, rập khuôn cộng đồng Ba Ngôi Thiên Chúa, một cộng đồng đầy
năng lực sáng tạo và hồng ân cứu độ. Năng
lực đó có lẽ chỉ tìm thấy nơi tuổi trẻ mà thôi. Thực vậy, giữa bao nhiêu tranh chấp hôm
nay, Chúa nhật này “9,000 bạn trẻ Do thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo sẽ tụ họp
tại Quảng trường Roma để xác quyết rằng “có thể thực hiện được một nền hòa bình
trong tương lai, bất chấp những gì đang xảy ra.” (Zenit 21/05/2002) Đó là cuộc tuần hành của các bạn trẻ, từ 12 đến
17 tuổi, đến từ 87 quốc gia, do phong trào Focolare tổ chức. “Tuần hành Chúa nhật này là phái đoàn Do thái
đến từ Roma, Ba tây, và Do thái; các bạn Hồi giáo từ Trung Đông, Hoa kỳ, và
Pakistan; Phật giáo từ Nhật bản và Thái Lan; Aán độ giáo và đạo Sikhs, và
Zoroastrians từ Aán độ, và những người theo các tôn giáo truyền thống Phi châu”
(Zenit 21/05/2002) Đó là dấu chỉ niềm
hi vọng vẫn lớn mạnh trong cộng đồng nhân loại, vì sức sống luôn tuôn trào từ
nguồn mạch là chính Ba Ngôi Thiên Chúa.
Nhân loại chỉ là một, mặc dù có nhiều khác biệt về chủng tộc và văn
hóa. Quả thực, từ cung lòng Chúa Cha, Đức
Giêsu đã được sai đến như niềm hi vọng duy nhất qui tụ muôn dân. Thực tế, “chắc chắn bắt nguồn từ niềm tin nơi
Đức Giêsu, Đấng Cứu độ duy nhất của nhân loại, Giáo Hội coi những hình thức đa
diện từ những cảm nhận và truyền thống khác nhau như một nguồn tài sản lớn lao
có thể diễn tả một sứ điệp duy nhất của Tin Mừng và Giáo Hội.” (ĐGH Gioan Phaolô
II : Zenit 20/05/2002) Lý do vì nơi các
nền văn hóa và tôn giáo khác nhau, con người có thể bắt gặp sự sống phong phú của
Ba Ngôi Thiên Chúa, một sự sống được mạc khải trọn vẹn và dứt khoát nơi Đức Giêsu
Kitô. “Quần chúng có quyền biết đến những
sự phong phú trong mầu nhiệm Đức Kitô, sự phong phú mà toàn thể nhân loại có thể
tìm thấy trọn vẹn tất cả những gì liên quan đến Thiên Chúa, con người và định mệnh,
sự sống và sự chết, và sự thật mà họ đang phải mò mẫm kiếm tìm.”(ĐGH Gioan
Phaolô II:Zenit 30/04/2002)
Để đáp ứng nhu cầu lớn lao đó, Giáo Hội không ngừng nỗ lực Phúc âm
hóa thế giới. “Khi theo đuổi mục đích
cứu độ, Giáo Hội không những thông truyền sự sống Thiên Chúa cho muôn dân, nhưng
còn tìm cách chiếu tỏa ánh sáng phản chiếu sự sống đó trên toàn thể trái đất, bằng
cách chữa lành và nâng cao ảnh hưởng trên phẩm giá nhân loại.” (ĐGH Gioan Phaolô
II : Zenit 30/04/2002)
Lm. Đỗ Vân Lực, OP