Lễ Chúa Ba Ngôi

 

          Hình ảnh Thiên Chúa là đề tài quan trọng trong tu đức học.  Mối quan hệ giữa ta với Chúa luôn cho ta một hình ảnh độc đáo về Người.  Thiên Chúa có thể giống như một người cha nghiêm nghị đối với người này, nhưng lại có thể như một người mẹ âu yếm đầy tình thương đối với người kia.  Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho ta một vài hình ảnh thật đẹp và thật cảm động về Thiên Chúa.

1.  Hình ảnh Thiên Chúa của ông Mô-sê:  Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín (bài đọc Cựu Ước – Xh 34:4b-6.8-9)

          Ông Mô-sê được Thiên Chúa trao cho sứ mệnh đưa dân Ít-ra-en ra khỏi đất Ai-cập và đến Đất hứa.  Là người trung gian giữa Thiên Chúa và dân Người, ông Mô-sê biết Chúa hơn ai hết.  Trong Lều Hội Ngộ, ông thường gặp gỡ Thiên Chúa.  “Đức Chúa đàm đạo với ông Mô-sê, mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau” (Xh 33:11).  Một đàng là sứ mệnh Thiên Chúa trao, một đàng dân Ít-ra-en là “một dân cứng đầu cứng cổ”.  Làm sao ông có thể răn bảo và thuyết phục dân Chúa phải luôn trung thành với Người, đừng chạy theo lối sống của dân ngoại và chỉ nhận Người làm Thiên Chúa duy nhất của họ.  Nỗi ưu tư lo lắng của Mô-sê là có thể Thiên Chúa sẽ không còn chịu nổi sự bướng bỉnh và tội lỗi của dân Ít-ra-en nữa, nên Người sẽ để mặc cho họ bị tiêu diệt.  Nhưng Thiên Chúa đã “ngự xuống trong đám mây và đứng đó với ông”.  Người mặc khải cho ông biết Người là Đấng nào đối với dân Ít-ra-en, Người phán với ông:  “Đức Chúa!  Đức Chúa!  Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín”.

          Đó là những nét chính của hình ảnh Thiên Chúa trong quan hệ giữa Người với dân Ít-ra-en.  Mặc dù Ít-ra-en phạm nhiều lỗi lầm làm mất lòng Chúa và đáng bị Người loại bỏ.  Tội lớn nhất của họ là đã đúc con bê bằng vàng và tôn nó làm thần đã đưa họ ra khỏi Ai-cập (Xh 32:1-6).  Nhưng qua lời chuyển cầu của ông Mô-sê, Chúa vẫn tỏ lòng nhân hậu từ bi với Ít-ra-en và không chấp tội họ.  Nhờ lời van nài của ông Mô-sê, Chúa đã “nén giận” và không tiêu diệt họ như họ đáng bị tiêu diệt.  Chúa sống có tình có nghĩa với dân Người, không vì lỗi lầm của họ mà Người rút lại lời hứa với tổ tiên họ, là cho dân họ được làm dân của Người.  Cách cư xử của Thiên Chúa tựu trung là cách cư xử của một Thiên Chúa đầy tràn yêu thương, hình ảnh Thiên Chúa sẽ được quảng diễn trong Tân Ước, nhất là Tin Mừng Gio-an.

2.  Hình ảnh Thiên Chúa trong Tân Ước (bài Tin Mừng – Ga 3:16-18 và bài đọc Tân Ước – 2 Cr 13:11-13)

          Qua lời giảng và việc làm của Chúa Giê-su, ta được mặc khải rất nhiều hình ảnh về Thiên Chúa.  Quả thực là một bước tiến vĩ đại của mặc khải Thiên Chúa.  Những hình ảnh Thiên Chúa trong Cựu Ước đôi khi còn chịu ảnh hưởng của những tôn giáo trước thời Thiên Chúa tuyển chọn ông Áp-ra-ham thì nay đã được thay thế bằng những hình ảnh sống động và nói lên được bản chất Thiên Chúa một cách đầy đủ.

Trước hết, những bài giảng của Chúa Giê-su về Thiên Chúa, đặc biệt trong các sách Tin Mừng Nhất lãm, tất cả đều nhắm mục đích tỏ cho ta thấy Thiên Chúa là Đấng nào và Người đã quan hệ mật thiết với nhân loại như thế nào.  Tuy nhiên, để trình bày hình ảnh Thiên Chúa cụ thể hơn, Chúa Giê-su đã dùng chính những hành động của Người để cho người ta thấy đó là những hành động của chính Thiên Chúa.  Khi Chúa Giê-su tiếp đón những người thu thuế và tội lỗi là chính Thiên Chúa tiếp đón.  Khi Chúa Giê-su tha tội cho người ta tức là chính Thiên Chúa thứ tha (Lc 5:17-26).  Hình ảnh Thiên Chúa yêu thương đã được nói đến trong Cựu Ước thì nay được biểu lộ rõ ràng hoàn toàn trong Tân Ước (Ga 3:16).  Còn gì rõ hơn về một Thiên Chúa yêu thương qua những hành động yêu thương của Chúa Giê-su dành cho nhân loại?  Không còn mặc khải “qua các ngôn sứ” nữa, nhưng là “qua Thánh Tử” (Dt 1:1).  Chúa Giê-su đã cho ta thấy hình ảnh “Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an”, vì Người là Tình Yêu nhập thể và Người là sự hòa giải an bình giữa Thiên Chúa và nhân loại.  Ông Mô-sê khẩn cầu Thiên Chúa ở lại với ông để giúp ông lãnh đạo Ít-ra-en (Xh 34:8).  Còn Chúa Giê-su thì được Chúa Cha sai đến với nhân loại và Người tự ý muốn ở lại với họ cho đến cùng (2 Cr 13:11; Mt 1:23; 28:20).

Còn một mặc khải nữa vô cùng quan trọng về Thiên Chúa, đó là Thiên Chúa Ba Ngôi.  Cựu Ước chỉ nói qua đến Thánh Thần như Thần Khí Thiên Chúa và những lời tiên tri về Con Thiên Chúa.  Nhưng ý niệm Thiên Chúa Ba Ngôi chỉ rõ ràng trong Tân Ước.  Lời cầu chúc của thánh Phao-lô Tông đồ là một tuyên xưng về Thiên Chúa Ba Ngôi.  “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa và ơn hiệp thông của Thánh Thần” (2 Cr 13:13).  Đúng vậy, Chúa Giê-su Ngôi Hai Thiên Chúa là Ân Sủng, tức ân sủng toàn vẹn hoặc là nguồn để ta được “hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1:14.16).  Thiên Chúa Ngôi Cha “yêu thế gian đến nỗi ban Con Một” (Ga 3:16) và Thánh Thần Ngôi Ba là tình yêu hiệp thông, kết hợp mọi tín hữu với nhau và với Thiên Chúa.

3.  Thiên Chúa đồng hành với ta

          Hình ảnh Thiên Chúa không chỉ để ta nhận ra Thiên Chúa là Đấng nào và Người làm gì cho ta.  Tuy nhiên các bài đọc hôm nay còn cho ta một hình ảnh Thiên Chúa rất đặc biệt:  Thiên Chúa ở với ta và đồng hành với ta.

          Trước hết là lời khẩn cầu của ông Mô-sê với Chúa:  “Lạy Chúa, nếu quả thật con được nghĩa với Chúa, thì xin Chúa cùng đi với chúng con” (Xh 34:9).  Thực ra thì Thiên Chúa đã cùng đi với dân Người ra khỏi Ai-cập và qua ông Mô-sê đã dẫn dắt dân Người qua sa mạc trên đường về Đất hứa.  Nhưng vì dân Ít-ra-en đã bất trung với Người, đúc bê bằng vàng để tôn thờ thay vì tôn thờ Người.  Ông Mô-sê lo sợ Thiên Chúa sẽ bỏ mặc Ít-ra-en, không cùng đi với họ nữa.  Nhờ lời chuyển cầu của ông Mô-sê, Thiên Chúa đã nhận lời tiếp tục đi với dân Người.  Hơn thế nữa, Người còn thiết lập giao ước với họ và hứa sẽ giúp họ chiến thắng tất cả những dân tộc họ phải giao chiến trên đường về Đất hứa.

          Thánh Phao-lô nhìn việc Thiên Chúa đồng hành với ta theo khía cạnh khác.  Theo ngài, nếu ta “gắng nên hoàn thiện” thì Thiên Chúa sẽ ở cùng ta (2 Cr 13:11).  Điều ấy có nghĩa là Chúa luôn đồng hành với ta để giúp ta trở nên con cái Người mỗi ngày một xứng đáng hơn.  Không những Chúa đồng hành với từng cá nhân, mà Người còn đồng hành với ta như một cộng đồng tín hữu.  Thánh Tông đồ còn nêu lên một thí dụ cụ thể cho thấy Thiên Chúa sẽ ở với ta nếu ta biết “khuyến khích nhau, đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hòa”.

          Tuy nhiên, phương thức Thiên Chúa đồng hành với ta cách sống động và cụ thể nhất, đó là việc Người “sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ”.  Thiên Chúa và loài người cách biệt nhau.  Người là Đấng thiêng liêng và siêu việt, còn nhân loại chỉ là thụ tạo được dựng nên từ bụi tro.  Để nối kết khoảng cách vô biên ấy, Thiên Chúa đã có cách để đồng hành với nhân loại như một người bằng xương bằng thịt, nói ngôn ngữ của loài người, cư xử theo cách sống của con người… Người sai Ngôi Hai xuống thế làm người để “ở cùng chúng ta”, nói với ta những gì Người muốn dạy bảo và chia sẻ với tất cả những nỗi khổ đau của ta, kể cả cái chết nữa.  Người muốn làm bạn đồng hành đích thực của ta để dẫn ta đến đích điểm cuộc đời tức là được cứu độ.

          Suy niệm về Thiên Chúa Ba Ngôi không đòi hỏi ta phải nghĩ đến những điều cao siêu thần học, nhưng là một Thiên Chúa gắn liền với cuộc đời ta, với những hồng ân thể chất cũng như thiêng liêng và những chăm sóc Người dành cho ta.  Trong cuộc đồng hành với Thiên Chúa qua Chúa Ki-tô, ta có cơ hội nhận biết và yêu mến Thiên Chúa mỗi ngày một hơn.  Càng ở với Chúa, ta càng có những hình ảnh tuyệt vời về Thiên Chúa.  Tuy nhiên muốn thực hiện được điều ấy, ta chỉ có một cách duy nhất là kết thân với Chúa Giê-su, bạn đồng hành của ta.  Người đã quả quyết:  “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14:9).  Người cùng đi với hai môn đệ trên đường Em-mau (Lc 24:13-35).  Hôm nay Người cũng nói với ta những lời Người đã nói với ông Tô-ma và Người cũng đi bên cạnh ta trong mọi lúc như Người đã đi với hai môn đệ Người.

4.  Sống Lời Chúa

          Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm, nhưng nhất thiết không phải để ta hiểu biết, mà để sống và cảm nghiệm được sự hiện diện của Người trong chính cuộc sống ta.  Khi ta lầm lỗi và phạm tội mất lòng Chúa, ta đừng quên Người là Đấng nhân hậu và từ bi.  Khi ta cố gắng “trở nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện”, ta biết có Chúa Giê-su đang giúp ta thực hiện điều ấy.  Khi ta ý thức mình sống trong Giáo Hội, trong cộng đoàn giáo xứ…, ta nhận ra sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Đấng liên kết ta với các chi thể khác trong Nhiệm Thể Chúa Ki-tô và giúp ta được thánh hóa mỗi ngày trở nên giống Chúa Ki-tô hơn.

Suy nghĩ:  Thánh Phao-lô nói với tín hữu Cô-rin-tô:  “Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hòa”.  Tôi có khích lệ anh chị em sống như những Ki-tô hữu xứng đáng không?  Tôi hòa mình với đời sống cộng đoàn và hăng say xây dựng, hay là tôi thường phê bình chỉ trích hoặc nói xấu nói hành anh chị em?

Cầu nguyện:  Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, Chúa đã sai Con Một là Lời chân lý và sai Thánh Thần, Đấng thánh hóa muôn loài đến trần gian mặc khải cho chúng con biết mầu nhiệm cao vời của Chúa.  Xin cho chúng con hằng tuyên xưng đức tin chân thật là nhận biết và tôn thờ một Thiên Chúa Ba Ngôi uy quyền vinh hiển.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, lễ Chúa Ba Ngôi)   

Lm Đaminh Trần Đình Nhi

ngày 16-8-2008

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà