BIỆT LY … LY BIỆT ?
Chúa Nhật Thăng Thiên
Phúc âm hóa thế giới
đang diễn tiến ra sao ? Đâu là “quyền
lực lớn lao Người đã thi thố” (Ep 1:19) trong công cuộc Phúc âm hóa thế giới ? Những vấn đề lớn đó sẽ được giải đáp trong biến cố Chúa thăng
thiên hôm nay.
LỜI HỨA.
Cuối cùng “mười một
môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi cao Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến”
(Mt 28:16) để “được cất lên ngay trước mắt các ông và được rước lên trời.” (Cv
1:9.11) Thật là ấm cúng và cảm động, mặc
dù cảnh ly biệt diễn ra giữa trời. Đức
Giêsu “lìa bỏ các ông” (Cv 1:11) để thoát khỏi giới hạn vật chất và hiện diện sâu
xa hơn khắp vũ trụ, nhất là trong tâm hồn tín hữu. Nhờ
quyền lực Thánh Linh, Đức Giêsu có thể thực hiện lời hứa “Thầy ở cùng anh em mọi
ngày cho đến tận thế.” (Mt 28:20) Sự hiện
diện vô cùng sâu xa và đích thực đó như một bảo đảm vững chắc cho công cuộc Phúc
âm hóa nhân loại.
Bảo đảm đó có thể
tìm thấy nơi quyền lực của Đức Giêsu phục sinh. Quả thực, “Thầy đã được trao toàn quyền trên
trời dưới đất” (Mt 28:18) sau khi sống lại từ cõi chết. Chính Chúa Cha đã trao quyền bính của Nước
Thiên Chúa vào tay Chúa Con. Không một
quyền lực nào lớn hơn Chúa Cha để có thể lấn át được quyền bính Chúa Con. Nếu thế, tại sao phải sợ trước những thách đố
cuộc đời ? Tại sao chưa dấn thân vào công
cuộc Phúc âm hóa ? Tại sao vẫn coi việc
truyền giáo như công trình cá nhân hay lệ thuộc vào chức tước, tài năng, tiền bạc
? Công cuộc Phúc âm hóa hoàn toàn lệ
thuộc vào một mình Đấng nắm trọn quyền bính vũ trụ mà thôi.
Sau khi đã củng cố
niềm tin vào quyền bính độc nhất đó, Đức Giêsu trao sứ mệnh Phúc âm hóa cho các
môn đệ : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ.” (Mt 28:19) “Hãy đi” ra khỏi nhà, khỏi cái tôi ích kỷ. “Hãy đi”, chứ đừng nằm lì một chỗ mà hưởng
thụ. “Hãy đi” đem Tin Mừng cứu độ đến
muôn dân thuộc những nền văn hóa khác nhau.
Phúc âm hóa không biên giới :
“Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền
Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1:8) Phải mở rộng tầm nhìn mới mong Phúc âm hóa
thành công. Tự bản chất, Phúc âm hóa không
thể đi đôi với kỳ thị. Không biên giới
nào có thể ngăn cản bước chân người rao giảng Tin Mừng. Nói khác, Tin Mừng thúc bách người tín hữu
ra đi không ngừng. Kitô hữu là lữ khách
suốt đời ra đi đến với mọi người qua con đường Giêsu. Đó là một sứ mệnh cao cả, cao cả như sứ mệnh
Thày Chí Thánh.
Sứ mệnh đó do chính
Thiên Chúa trực tiếp trao cho tín hữu ngày lãnh bí tích thanh tẩy “nhân danh Chúa
Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28:19), chứ không nhân danh bất cứ người
nào. Sứ mệnh Kitô hữu có một nguồn gốc
vô cùng sâu xa nơi Thiên Chúa và dựa trên “sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực, mà
Người đã biểu dương nơi Đức Kitô, khi làm cho Đức Kitô trỗi dậy từ cõi chết, và
đặt ngự bên hữu Người trên trời.” (Ep 1:19b-20) Chính nhờ sức mạnh đó, họ mới có thể “dạy bảo
muôn dân tuân giữ mọi điều Thầy đã
truyền cho anh em.” (Mt 28:20) Sức mạnh
đó đang đẩy mạnh công cuộc Phúc âm hóa thế giới, vì Kitô hữu đã ”nên một với Người,
nhờ được sống lại như Người” (Rm 6:5) vì họ đã “nhận được sức mạnh của Thánh Thần”
(Cv 1:8) như một hồng ân “Chúa Cha đã hứa.”
(Cv 1:4)
Hồng ân vô cùng cao
cả đó khiến họ có thể tham gia vào việc thánh hóa tha nhân vì được chia sẻ thừa
tác vụ linh mục của Đức Giêsu khi “chịu phép rửa trong Thánh Thần.” (Cv 1:5) Việc thánh hóa đạt tới cao điểm trong thánh
lễ. Tham gia vào việc thờ phượng là làm
cho lời Chúa nhập thể vào cộng đoàn và làm chứng cho Chúa. Nhờ đó, Kitô hữu có
quyền thi hành tông vụ để tích cực xây dựng cộng đoàn Dân Chúa, theo nguồn ơn
phục vụ là chính Thánh Linh Thiên Chúa đã ban cho toàn thể Giáo Hội. Sức mạnh Thánh Thần không ngừng tăng cường sự
hợp tác trong cộng đoàn và làm cho Kitô hữu sống những giá trị Tin Mừng. Chính vì biết lắng nghe Thánh Linh với tâm
tình cầu nguyện trong nội tâm và đời sống, Kitô hữu ngày càng có tinh thần phục
vụ mạnh mẽ hơn. Càng phục vụ càng chia
sẻ vương quyền với Đức Giêsu. Nhờ đó công
cuộc Phúc âm hóa muôn dân càng mau hoàn thành.
CHIỀU HƯỚNG PHỤC VỤ HÔM NAY.
Quả thực, phục vụ là
con đường đẹp nhất đem Tin Mừng đến cho muôn dân. Chính Đức Giêsu cũng đã xác nhận sứ mạng của
mình khi nói : “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục
vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20:28; Mc 9:35; Ga 13:4-15;
Rm 5:6-21; Is 53:10-11) Bước theo Thầy
Chí Thánh, Mẹ Têrêsa Calcutta đã hành động “như một mẫu mực Phúc âm hóa, công bố Tin Mừng bằng việc làm hơn là lời
nói.” Đó là lời Đức TGM Henry Sebastian
D’Souza thuộc giáo phận Calcutta công bố khi hân hoan nhắc lại thông điệp Instrumentum Laboris. Mẹ Têrêsa đặt nơi mỗi cửa nhà nguyện của
Mẹ những chữ “tôi khát” Đức Giêsu. Đây
chính là những chữ ngày xưa “đã gợi hứng cho mẹ rời bỏ Loreto êm ấm mà liều mạng
dấn thân vào những đường phố bất ổn ở Calcutta.” Công cuộc dấn thân cho người nghèo đã đáp ứng
cho cơn khát này (Zenit 21/04/ 02). Không
thể giả điếc làm ngơ trước cơn gào thét rát cổ bỏng họng của các Giáo Hội Á Châu. Bao nhiêu dân cư trên lục địa mênh mông đó đang
gào thét trước những cơn đói khát công lý kinh niên.
Làm giảm cơn đói khát
đó, Giáo Hội sẽ hoàn thành được sứ mệnh Phúc âm hóa lục địa bao la này. Thực vậy, Đức TGM Calcutta nói tiếp : “Phúc âm
hóa có thể mạnh lên nhờ chứng từ xã hội, không chỉ dưới hình thức bác ái như Mẹ
Têrêsa, nhưng cũng nhờ những phương pháp phân tích quan trọng. Giáo Hội Á châu phải hành động để chống nạn
mù chữ, yểm trợ quyền phụ nữ, và bảo đảm nền y tế tốt đẹp hơn.” (Zenit 21/4/02) Đó là những nẻo đường Phúc âm hóa rất thực tế. Chính Đức Giêsu đã không ra ngoài con đường
ấy khi công bố Tin Mừng cứu độ cho muôn dân.
Noi gương Thày Chí
Thánh, Giáo Hội đang nỗ lực xây dựng “nền văn minh tình thương” như con đường
Phúc âm hóa nhân loại. Nhưng làm sao có
thể hoàn thành công cuộc lớn lao đó, nếu các Giáo Hội đàn anh Aâu Mỹ cứ ngủ yên
trước những gào thét công lý và hòa bình của các Giáo Hội đàn em nghèo đói
? Bởi thế, Đức TGM Calcutta “kêu gọi các
Giáo Hội đàn anh hãy đề cao trách nhiệm của mình tại Á châu. Họ cần dấn thân vào việc kiểm soát thương mại
để bảo vệ những nước yếu kém; đề cao khía cạnh nhân bản trong thương mại, và xóa
bỏ hay giảm thiểu những món nợ làm cản trở bước tiến nhiều quốc gia Á Châu.”
(Zenit 21/4/02) Đó là một chiều kích lớn
trong nỗ lực Phúc âm hóa nhân loại.
Mặt khác, khi xâm nhập
một lục địa đa văn hóa và tôn giáo như Á Châu, Giáo Hội chắc chắn gặp nhiều chống
đối từ các tôn giáo lớn như Phật giáo, Aán Độ giáo, Hồi giáo và Do thái giáo. Đó là những thách đố lớn lao cho công cuộc
Phúc âm hóa. Lớp áo Tây Phương đã che mất
nét hấp dẫn Tin Mừng trước cái nhìn của các dân tộc Á Châu. “Chúng ta chỉ có thể trao cho Á Châu một sứ điệp
khi các anh em Á Châu thấy những dấu chỉ Thiên Chúa hiện thân thực sự nơi con
người chúng ta,” (TGM Daniel Acharuparambil:Zenit 21/4/02) chứ không phải qua lớp
áo Tây Phương xa lạ. Chỉ khi nào tìm thấy chính mình nơi Tin Mừng, người Á Châu
mới đón nhận Chân lý như một sức mạnh giải thoát khỏi những cơ chế bất công dưới
mọi hình thức.
Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP