TIN VUI GIỮA GIỜ TUYỆT VỌNG

Lễ Giáng Sinh Rạng Đông

 

 

Hình ảnh Giáng Sinh giăng mắc khắp nơi.  Niềm vui bừng lên khắp mặt đất.  Đây là cơ hội lớn để khám phá ý nghĩa sâu đậm trong biến cố Con Thiên Chúa nhập thể, chứ không phải để ngắm những nhân vật hay cảnh sắc muôn màu trong hang đá Bêlem.

 

NGÔN NGỮ NGƯỜI NGHÈO.

 

Nhìn vào hang Bêlem, chúng ta thấy các mục đồng đang nối đuôi sau các nhà hiền sĩ đến thờ lạy Chúa Hài nhi.  So với các hiền sĩ, mục đồng kém xa về mọi phương diện học thức, địa vị, tiền bạc, của cải.  Cùng với Đức Maria và thánh Giuse, họ thuộc về giai cấp cùng đinh trong xã hội.  Họ không có gì để hi vọng, ngoại trừ Thiên Chúa.   Bởi vậy, Thiên Chúa mới dành cho họ tất cả những vinh dự lớn lao nhất.  Đúng như Đức Giêsu đã tiên báo: “Kẻ nghèo được nghe Tin Mừng.” (Mt 11:5)  Quả thế, họ là những người đầu tiên đón nhận mạc khải của Thiên Chúa: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa.” (Lc 2:11)  

Không thể không hành động khi đã đón nhận lời Thiên Chúa mạc khải.   Bởi thế, các người chăn chiên đã lên đường.   Dấu chỉ duy nhất để nhận ra Đấng Cứu Độ là “một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” (Lc 2:12)    Tuy thế, các mục đồng vẫn tin.  Họ đã thấy lời thiên sứ ăn khớp với thực tại, mặc dầu trái ngược với mộng tưởng.   Thiên sứ đã không làm cho họ thất vọng.  Thiên sứ đã nói thật !   Sự thật đó đã phát sinh niềm tin sâu xa nơi cõi lòng đơn sơ, chất phác của họ.   Chính niềm tin đó đã khiến họ thành những vị tông đồ đầu tiên loan báo Tin Mừng cho nhân loại, kể cả Đức Maria và thánh Giuse.   Tâm hồn những người loan báo Tin Mừng chắc chắn không thể ủ rũ héo tàn.   Trái lại tâm hồn họ nở rộ niềm vui như chính Tin Mừng họ công bố.   Lên tới tột đỉnh, niềm vui sẽ biến thành lời ca tụng.   Bằng chứng, sau khi làm cho mọi người ngạc nhiên vì hồng ân cứu độ, “các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa,” (Lc 2:20) vì đã thỏa lòng ước mong.   Nếu chỉ nhìn thấy dấu chỉ lộng lẫy và oai hùng cân xứng với địa vị Đấng Cứu Độ, chắc họ đã không thể khám phá được hồng ân Thiên Chúa.   Chỉ người nghèo mới có thể hiểu được người nghèo !   Thiên Chúa đã đến và “cư ngụ giữa chúng ta,” (Ga 1:14) như một Hài Nhi đơn sơ nghèo hèn.  “Thiên Chúa đồng hóa với những người thấp cổ bé họng, người nghèo khổ, bị đàn áp, và vô gia cư,” (The New Interpreter’s Bible 1995:66)  để ơn cứu độ không trở thành xa lạ đối với họ.

Sau khi nghe Tin Mừng vĩ đại, “họ liền hối hả ra đi và gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.” (Lc 2:16)   “Thấy vậy, họ kể lại điều họ đã được nghe nói về Hài Nhi này,” (Lc 2:17)   Khi chứng kiến cảnh tượng ấy, các người chăn chiên không hề ngạc nhiên “vì mọi điều họ đã được tai nghe mắt thấy theo như họ đã được loan báo.” (Lc 2:20).   Trái lại, “tất cả những ai nghe đều ngạc nhiên về những gì các người chăn chiên nói cho họ biết.” (Lc 2:18)   Ngạc nhiên vì thực không bằng mộng.   Ngạc nhiên vì niềm vui quá bất ngờ và hồng ân quá lớn lao.  Trong số những người nghe mục đồng, chỉ có Đức Maria mới “ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2:19) về lời thiên sứ.   “Không những là nữ tì Chúa, Đức Maria còn âm thầm suy gẫm về ý nghĩa của những biến cố lạ lùng này.” (The New Interpreter’s Bible 1995:66)   Từ hôm truyền tin (x. Lc 1:31-33), Mẹ đã không ngừng nỗ lực khám phá ý nghĩa lời thiên sứ  (x. Lc 2:51).   Đó là “dấu chỉ cho thấy Đức Maria cũng phải trải qua một hành trình đức tin (x. Lc 8:19-21; 11:27-29; Cv 1:14).  Đức Maria là một tín hữu gương mẫu.” (The New Jerome Biblical Commentary 1990:683)   Càng ngày Mẹ càng thấy “Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói.” (Lc 1:45)    Bởi thế, không gì có thể ngăn cản Mẹ tin vào lòng thương xót vô điều kiện của Thiên Chúa.   Chính Đức Maria (x. Lc 1:46-55), và ông Dacaria (x. Lc 1:68-79) đã hết lời ca tụng hồng ân vĩ đại đó. 

          Mẹ chính là  “thiếu nữ Xion, là ‘cô gái đắt chồng’, là ‘Thành không bị bỏ.’” (Is 62:11-12)   Mẹ đã lọt vào mắt xanh Thiên Chúa.   Bởi thế, Mẹ đã được diễm phúc thấy được niềm hi vọng lớn lao khi nghe : “Kìa ơn cứu độ ngươi đang tới.” (Is 62:11)   Ngay từ đầu Tin Mừng Luca, Thiên Chúa đã mạc khải cho nhân loại tất cả tấm lòng đầy xót thương vô bờ bến.   Quả thực, “Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, biểu lộ lòng từ bi và nhân ái của Người, không phải vì chúng ta đã làm những việc công chính, mà là vì Người thương xót.” (Tt 3:4-5)   Dù vô tội, Đức Maria đã cảm nghiệm tất cả tấm lòng trời bể đó của Thiên Chúa.    Thật vậy, nếu “Thiên Chúa đã đổ đầy tràn Thánh Thần trên chúng ta, nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta,” (Tt 3:6) Đức Maria chắc chắn càng đi sâu vào tấm lòng Cha nhân ái, vì Mẹ “đầy ân sủng,” (Lc 1:28) trổi vượt hơn chúng ta ngàn trùng.   Bằng chứng, không ai có thể ngợi ca hồng ân Thiên Chúa tuyệt vời như Mẹ trong lời kinh Magnificat.   Đó là một lời kinh hòa bình vì chan hòa lòng thương xót, lẽ công chính và ơn cứu độ của Thiên Chúa.

 

NỖ LỰC XÂY DỰNG HÒA BÌNH.

 

Ngay giữa những thử thách trăm bề, Đức Maria vẫn luôn “suy đi nghĩ lại” về tất cả hồng ân lớn lao phát xuất từ tấm lòng từ bi Chúa.   Bởi vậy, Mẹ xứng đáng làm người giới thiệu Hoàng Tử Hòa Bình cho thế giới.   Chính lúc hạ sinh Con Chúa trong khung cảnh nghèo hèn, Mẹ nghe văng vẳng bên tai lời “sứ thần cất tiếng ca tụng Thiên Chúa rằng : ‘Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.’” (Lc 2:13-14)   Mẹ là tín hữu gương mẫu, vì Mẹ đã tặng hiến thế giới Hoàng tử hòa bình. “Là Kitô hữu, chúng ta phải lớn tiếng loan báo sứ điệp hòa bình phát xuất từ máng cỏ Bêlem hơn lúc nào hết.” (ĐGH Gioan Phaolô II, CWNews 19/12/2001)  Nếu không hoàn thành sứ mạng cao cả đó, chúng ta đánh mất căn tính Kitô hữu của mình. Thật vậy, phải “xây dựng hòa bình,” chúng ta mới xứng đáng “được gọi là con Thiên Chúa.” (Mt 5:9)

Chính vì thế, dù đang sống giữa cảnh dầu sôi lửa bỏng, các nhà lãnh đạo 13 Giáo hội Kitô tại Giêrusalem vẫn có thể gởi sứ điệp Giáng Sinh 2001 cho dân Chúa.   Nội dung sứ điệp cho thấy, “hi vọng mạnh hơn bạo động, niềm vui lớn hơn ‘đau khổ và nỗi buồn’ vì món quà Thiên Chúa gởi đến nhân loại là Đức Giêsu đã sinh ra trong máng cỏ Bêlem.” (CWNews 19/12/2001)   Trong cuộc vật lộn với tử thần, Thiên Chúa luôn luôn chiến thắng, vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8) mạnh hơn sự chết.    Các nhà lãnh đạo khuyến khích dân chúng đừng rời bỏ thánh địa, vì nếu niềm hi vọng đôi khi bị trù dập vì những biến cố hằng ngày, họ phải “đứng vững trong đức tin, một đức tin bắt nguồn từ miền đất tràn ngập niềm vui Kitô trong con tim anh chị em.” (CWNews 19/12/2001)   Bởi vậy, trước bao nhiêu tính toán chính trị chằng chéo nhau trên đất thánh, 13 vị thượng phụ và các vị lãnh đạo đó đã quyết tâm : “Bất chấp mọi đau khổ, chúng tôi muốn hân hoan cử hành lễ Giáng Sinh năm nay” (CWNews 19/12/2001) tại đất thánh Giêrusalem để kỷ niệm ngày Hoàng Tử Hòa Bình giáng thế.

Hôm nay Hoàng Tử Hòa Bình vẫn muốn nhập thể vào cõi lòng nhân thế, để “sự sống con người được tháp thân vào dòng sống của Thiên Chúa.” (ĐHY Darío Castrillĩn Hoyos, VietCatholic 18/12/2001)   Chỉ khi nào “hội nhập vào sự bao la và vĩnh hằng của Thiên Chúa, và tái khám phá ý nghĩa thánh cho chính sự hiện hữu của mình,” (ĐHY Darío Castrillĩn Hoyos, VietCatholic 18/12/2001) con người mới có thể tìm thấy hòa điệu tuyệt vời và bối cảnh trong sáng cho nền hòa bình, xây dựng trên sự tôn trọng những giá trị đích thực của nhau.

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà